Từ
Bạc Liêu đến NASA: Câu chuyện của Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước (Eugen Trinh Ph.D.)
Ngọc Lan/Người Việt
Xuất thân từ một vùng thôn quê, cách thị xã Bạc Liêu
16 cây số, cậu học sinh lớp 11 năm nào, người từng định nhảy xuống biển bơi ngược
về nhà trên chuyến tàu vượt biên, giờ đây, đã có thể hãnh diện tự tin ngồi đối
thoại, thuyết trình cùng những nhà khoa học Mỹ về các đề án cải tiến kỹ thuật
cho việc thám hiểm mặt trăng của cơ quan nghiên cứu không gian NASA.
Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước (giữa) cùng vợ,
Tiến Sĩ Diệp Trịnh, và con gái út trong ngày nhận huy chương cho những đóng góp
xuất sắc, lâu dài của ông cho kỹ thuật hỏa tiễn và những ứng dụng kỹ thuật mới
cho phi thuyền Mặt Trăng và Hỏa Tinh, tháng 5 năm 2010. (Hình: Gia đình cung cấp)
Cậu học sinh năm nào đó chính là Tiến Sĩ Trịnh Hữu
Phước ngày nay.
Giản dị, chân chất, cởi mở là điều dễ nhận thấy ngay
trong lần đầu tiếp xúc với tiến sĩ Trịnh Hữu Phước, người đang giữ nhiệm vụ trưởng
nhóm chuyên viên kỹ thuật nghiên cứu và chế tạo động cơ hỏa tiễn hạng nặng cho
NASA.
***
“Tôi rời khỏi Việt Nam vào tháng 5, năm 1979, sau
khi học hết lớp 11, tại Cà Mau. Ðáng lý ra phải đi chung với một số người trong
gia đình, nhưng do trục trặc, cuối cùng chỉ có một mình tôi lên tàu. Trong lúc
sợ quá vì không hề chuẩn bị tư tưởng cho việc ra đi một mình, trong người không
có đồ đạc, tiền bạc gì hết, tôi đã định nhảy xuống bơi vào bờ.” Tiến Sĩ Phước bắt
đầu câu chuyện với phóng viên Người Việt bằng cách kể lại chuyến vượt biên của
mình cách đây hơn 31 năm.
Ra đi từ vùng thôn quê Bạc Liêu từ năm 16 tuổi, vượt qua nhiều gian nan để sinh tồn và hc tập, hôm nay Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước đã là trưởng nhóm chuyên viên kỹ thuật nghiên cứu và chế tạo động cơ hỏa tiễn hạng nặng cho NASA. |
Chủ tàu sợ lộ nên hứa với cậu bé Phước hãy cứ yên
tâm đi, sang đến đảo ông sẽ giúp đỡ.
Tuy nhiên, như phần đông những thuyền nhân khác,
chuyến hải hành tìm tự do của Phước cũng bị cướp. Vì thế, khi đến trại, chủ tàu
đã không làm như lời hứa.
16 tuổi, một thân một mình, không có bất cứ hành
trang tài sản gì trong người, Phước bắt đầu làm đủ mọi việc để có thể kiếm ăn
cho chính mình, từ bán bánh mì đến lên rừng chặt cây làm giường cho người ta
trên đảo Kuku, sau đó là Galang.
Thời gian này, Phước tình cờ gặp lại một người bạn học
cùng lớp ở Bạc Liêu, qua đảo trước đó 2 tháng. “Trước khi rời đảo Galang sang Mỹ
định cư, người bạn đó hứa sẽ tìm người bảo trợ cho tôi, bởi lúc đó tôi còn ở tuổi
vị thành niên,” anh Phước kể tiếp.
Với sự giúp đỡ của người bạn này, một cặp vợ chồng
thầy giáo người Mỹ, không có con ruột, chỉ có hai con nuôi người Korean, nhận bảo
trợ cho Phước từ trại tị nạn Galang đến tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ.
Sau 6 tháng sống trong sự bảo bọc của hai vợ chồng Mỹ
tốt bụng, khi tròn 18 tuổi, Phước dọn ra ở riêng cùng một anh bạn quen lúc ở đảo.
Thời gian tiếp theo, Phước vừa đi học vừa đi làm.
Sau 4 năm rưỡi đến Mỹ, anh lấy được bằng đại học về kỹ sư phi hành không gian
(Aerospace Engineer). Ðó cũng là lúc anh nộp đơn xin vào làm cho NASA theo một
thông báo tuyển người mà anh trông thấy được ở trường đại học của mình.
Tuy nhiên, sau khi phỏng vấn, anh Phước không được
chấp thuận bởi lý do “anh chưa phải là công dân Hoa Kỳ.”
Dẫu vậy, người phỏng vấn đã cho anh một lời hứa: giữ
vị trí đó cho đến khi anh trở thành công dân Hoa Kỳ. Ðồng thời người này cũng
khuyên anh trong thời gian chờ thi quốc tịch, hãy học tiếp bằng “master.”
Trịnh Hữu Phước chính thức về làm cho NASA sau khi tốt
nghiệp cao học năm 1987, chuyên về phát triển động cơ hỏa tiễn “LOX-methan” - sử
dụng nhiên liệu oxygen và methan lỏng - cho phi thuyền bay vào mặt trăng.
Như một sự sắp đặt của số phận, người bạn học ngày
nào giúp anh đến Mỹ đã trở thành người bạn đời sau đó của Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước.
Ðiều đặc biệt, cả 2 người, anh Phước và chị Diệp, tên vợ anh, đều ở trong nhóm
kỹ sư của trung tâm phi hành không gian Marshall thuộc NASA ở Huntsville,
Alabama.
Trong thời gian làm việc tại đây, hai vợ chồng anh
đã tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ.
***
“Với người Việt Nam xưa nay, NASA vẫn là một điều gì
đó khiến người ta ngưỡng mộ. Vậy bản thân anh cảm thấy như thế nào khi là một
thành viên của NASA?” Tôi hỏi Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước khi anh đang say sưa nói
về công việc của mình.
Anh cười thoải mái: “Tôi nghĩ bất kỳ ai cũng ít nhiều
cảm thấy tự hào và hãnh diện về nơi làm việc của mình. Tôi cũng vậy thôi. Mà
không chỉ người Việt Nam đâu, cả người Mỹ cũng cảm thấy tự hào khi làm việc cho
NASA. Các con tôi cũng cảm thấy hãnh diện khi nhìn thấy sự xuýt xoa của bạn học
khi chúng khoe cả ba mẹ đều làm cho NASA.”
Chưa có con số thống kê chính xác xem có bao nhiêu
người Việt Nam đang làm việc cho 8 trung tâm NASA trên toàn nước Mỹ. “Riêng tại
Trung Tâm Alabama, nơi chịu trách nhiệm về chế hỏa tiễn hạng nặng thì có chừng
6, 7 người Việt, tính luôn cả 2 vợ chồng tôi, trong tổng số 7,500 người làm việc
tại đó.” Anh Phước cho hay.
Từ lần thám hiểm mặt trăng lần cuối của Hoa Kỳ vào
năm 1972, cho đến nay, cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA mới lại bắt đầu nghiên cứu
những cải tiến kỹ thuật về dụng cụ khoa học cho cuộc thám hiểm cũng như chế tạo
phi thuyền một cách hoàn hảo thêm. Nhằm mục đích đến mặt trăng trong thời gian
tới để khảo sát địa chất và những dữ kiện thiên nhiên như đo nhiệt độ lòng đất,
độ động đất, độ từ trường... NASA chọn đề án chế tạo phi thuyền người máy
Robotic Lunar Lander (RLL) để dùng cho cuộc thám hiểm này.
Trong đề án này, Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước, trưởng
nhóm chuyên viên kỹ thuật nghiên cứu và chế tạo động cơ hỏa tiễn, chịu trách
nhiệm đề án hai loại hỏa tiễn cho phi thuyền RLL. Trong đó, một loại dùng nhiên
liệu lỏng điều khiển phi thuyền trong lúc bay và đáp xuống mặt trăng, một loại
dùng nhiên liệu đặc để tạo ra phản lực làm giảm tốc độ của phi thuyền trước khi
đáp.
***
Ðể có thể đảm đương nhiệm vụ tại trung tâm phi hành
không gian Marshall thuộc NASA ở Huntsville, Alabama, không thể không nhắc tới
quá trình học hành gian nan của Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước, đặc biệt là những ngày
tháng vất vả để học tiếng Anh.
Anh Phước nhớ lại: “Tôi vào một lớp học ESL, học vài
tuần cảm thấy không học nổi, vừa xin thầy giáo cho 'drop' lớp nhưng đồng thời
tôi cũng xin thầy cho tôi được học dự thính để ngồi nghe xem thầy nói gì.”
Thấy người học trò chịu khó quá, thầy giáo dạy tiếng
Anh đã cho anh một “đặc ân:” mỗi khi chuẩn bị kiểm tra viết bài luận, thầy cho
anh biết đề trước một ngày để anh về “ì ạch viết. Sau đó học thuộc lòng và hôm
sau vô chép lại theo trí nhớ!”
Với môn khoa học chính trị, “lúc đó mình mù mịt chẳng
biết gì, thầy động viên nếu cố gắng làm bài đạt điểm B, thầy sẽ nâng lên thành
A. Và thế là tui ráng được B.” Anh cười hồn nhiên kể lại việc học không dễ dàng
của mình ở những năm đầu đến Mỹ.
“Người ta học 1, học 2, mình phải học gấp 10 lần, bởi
ngôn ngữ này xa lạ với mình quá mà.” Anh thú nhận.
Trải qua những ngày tháng học hành khó nhọc như vậy,
nên ngày nay, khi có thể tự tin cùng ngồi lên đề án, phác thảo mô hình thiết kế
hỏa tiễn cho việc nghiên cứu thám hiểm không gian cùng những nhà khoa học tên
tuổi của Mỹ, Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước cũng “cảm thấy có phần hãnh diện.”
***
Câu chuyện vượt biên, vượt khó, từ một vùng nông
thôn Bạc Liêu tiến đến NASA, được vợ anh Phước kể cho 3 cô con gái họ nghe mỗi
ngày.
Tiến Sĩ Phước nói một cách thú vị: “Các con tôi thường
nói thời đại ba mẹ khác thời đại chúng con, hay chúng con đã nghe câu chuyện
này cả ngàn, lần cả triệu lần rồi. Thế nhưng mỗi lúc cần viết một bài luận về
câu chuyện thích nhất, bao giờ chúng cũng viết về câu chuyện của bố mẹ mình.”
Nhìn lại chặng đường đã qua, Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước
cảm nhận: “Mỹ là vùng đất cơ hội. Nhiều người Việt mình đã thành công trong nhiều
lãnh vực trên đất nước này. Nhìn lại những gì đã qua, tôi chỉ muốn chia sẻ kinh
nghiệm với những người trẻ là hãy cố gắng học khi có điều kiện, bởi học vấn
luôn là nền tảng để mình có thể tham gia vào nhiều lãnh vực.”