05.10.2015

Chín nghịch lý của TC trong tuyên bố chủ quyền Biển Đông

Chín nghịch lý của TC trong tuyên bố chủ quyền Biển Đông
The Diplomat (Japan)

Tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung cộng đầy rẫy những nghịch lý và mâu thuẫn, đồng thời tạo ra hàng loạt những nguy cơ dẫn đến xung đột tiềm tàng. 
Cái gọi là bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý mưu toan liếm trọn Biển Đông.

Kể từ năm 2009, khi Trung cộng yêu cầu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho lưu hành cái gọi là “bản đồ đường chín đoạn”, thế giới đã sững sờ trước những tuyên bố chủ quyền vô cùng phi lý và hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Những nghịch lý trong tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung cộng bao gồm:


Thứ nhất, trong tiến trình đàm phán Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS), các nước đang phát triển đã công nhận quyền tự do hàng hải (qua các eo biển và vùng đặc quyền kinh tế) để đổi lấy sự thừa nhận Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý. Do 90% trữ lượng cá của thế giới nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ đất liền, các vùng EEZ được thừa nhận nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho các nước đang phát triển.

Hồi tháng 5/2014, Trung cộng ngang nhiên hạ đặt giàn khoan 981 vào sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam

Việc Trung cộng vi phạm EEZ của các nước láng giềng là vi phạm nguyên tắc cơ bản của UNCLOS. Các quốc gia ven biển Đông Nam Á (Biển Đông), vốn phụ thuộc rất lớn vào tài nguyên biển, đang đối mặt với nguy cơ mất chủ quyền ngay cả khi đã nhân nhượng đối với quyền tự do hàng hải.

Thứ hai, Trung cộng từng đi đầu trong nhóm các nước đang phát triển yêu cầu bảo đảm quyền đánh bắt và khai thác xa bờ của các quốc gia ven biển. Vậy mà khi trở nên lớn mạnh hơn, Trung cộng lại hành động trái ngược. Trong khi đó Mỹ, quốc gia từng phản đối việc tạo ra các Vùng đặc quyền kinh tế và không tham gia UNCLOS, lại tôn trọng chủ quyền đối với EEZ của các nước láng giềng.

Thứ ba, cốt lõi của tranh chấp giữa Trung cộng và các nước láng giềng không xuất phát từ sự thèm khát tài nguyên mà từ tham vọng bá quyền khu vực của Bắc Kinh. Biển Đông không hẳn là vùng biển có nhiều tài nguyên. Chỉ có công ty dầu khí quốc gia CNOOC của Trung cộng lên tiếng khẳng định Biển Đông có trữ lượng dầu khí lớn. Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho rằng mặc dù Biển Đông có trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ mét khối khí đốt, các nguồn tài nguyên này chủ yếu nằm trong các khu vực không có tranh chấp, bên ngoài cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Trung cộng cũng chịu trách nhiệm chính đối với việc suy giảm trữ lượng cá tại Biển Đông, chủ yếu là do có đội tàu đánh bắt cá lớn nhất trong khu vực.

Thứ tư, Trung cộng thường xuyên nhấn mạnh đến sự “diễn giải” chân thực, nhất quán về luật pháp quốc tế nhằm củng cố cho chính sách Biển Đông vốn chẳng được ai ủng hộ của nước này. Các quan chức và học giả Trung cộng từng hứng chịu những sự công kích của vô số các luật gia và chính khách quốc tế tại các kênh đối thoại chính thức cũng như học thuật, nhưng dường như người Trung cộng mặc kệ bên ngoài nói gì thì nói.

Thứ năm, Trung cộng đã tận hưởng những quyền lợi có được nhờ UNCLOS nhưng luôn lẩn tránh trách nhiệm. Trung cộng là nước đi đầu trong các quốc gia Á-Phi-Mỹ La tinh yêu cầu mở rộng nội thủy từ 3 lên 12 hải lý và tạo ra EEZ. Theo thỏa thuận cả gói, Trung cộng và các nước thành viên có nghĩa vụ pháp lý tuân thủ các cam kết trong UNCLOS đi kèm với các quyền lợi. Tuy nhiên, Trung cộng đã không thực hiện các nghĩa vụ quốc tế liên quan đến vùng nội thủy và EEZ, bằng việc đặt điều kiện đối với quyền đi qua và tự do hàng hải tại các khu vực này. Trong khi đó, Trung cộng vẫn tận hưởng các đặc quyền đi qua vùng EEZ của các nước khác theo quy định của UNCLOS.

Thứ sáu, ngay cả khi vận dụng luật quốc tế một cách rộng rãi thì cũng khó đồng ý với các yêu sách của Trung cộng về lãnh hải dành cho các bãi đá ngầm. Tuy nhiên, các bãi đá ngầm không có vùng lãnh hải. Trung cộng cũng không đưa ra bằng chứng cho tuyên bố về quyền chiếm hữu lịch sử đối với các đảo và bãi đá ngầm trên Biển Đông.

Sự phát hiện một vùng lãnh thổ không đi đôi với quyền chiếm hữu hợp pháp. Điều này đã có tiền lệ khi Mỹ phải trao trả quyền chiếm hữu bán đảo Palmas cho Hà Lan vào năm 1928. Các trường hợp tương tự bao gồm vụ kiện quần đảo Cliperton giữa Pháp và Mexico vào năm 1933, khi đó Pháp được xử thắng nhờ đã có sự hiện diện và thực hiện các hoạt động quản lý quần đảo trong một thời gian dài.

Thứ bảy, giả sử Trung cộng có được quyền sở hữu đối với mọi đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông (chỉ là giả thiết mà thôi và Trung cộng không đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào) thì theo UNCLOS, Trung cộng cũng chỉ có được vùng lãnh hải rất nhỏ từ các đảo và bãi đá. Một bãi đá nhỏ nhô lên mặt nước lúc thủy triều cạn chỉ có vùng lãnh hải rộng khoảng 45 dặm vuông. Trong khi đó, một quần đảo có người sinh sống hoặc các hoạt động kinh tế được trao vùng EEZ rộng tới 125.664 dặm vuông. Đương nhiên, nếu vùng EEZ này chồng lấn với lãnh thổ trên biển của quốc gia khác thì sẽ phải điều chỉnh.

Năm 2012, tòa án quốc tế trao cho Colombia chủ quyền đối với 2 bãi đá nhỏ kèm theo vùng lãnh hải vỏn vẹn 12 hải lý bên trong vùng EEZ của Nicaragua. Phán quyết được đưa ra trên cơ sở đường bờ biển của Colombia có độ dài không đáng kể tính theo các bãi đá, trong khi đường bờ biển của Nicaragua dài gấp 8 lần. Tiền lệ này rất có lợi cho các nước ASEAN, nhất là Việt Nam – quốc gia có đường bờ biển dài 2.200 km, lớn hơn hàng trăm lần tổng độ dài của toàn bộ các bãi đá và đảo trong vùng biển đối diện với Việt Nam. Theo công thức nêu trên của tòa án quốc tế, Việt Nam được trao vùng EEZ rộng lớn tính từ bờ biển và bất cứ nước nào chiếm hữu một hòn đảo trong vùng EEZ của Việt Nam cũng sẽ chỉ có được một vùng lãnh hải với diện tích tối thiểu.

Tàu Cảnh sát biển Trung cộng phong tỏa Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Philippines dùng một con tàu há mồm cũ bị mắc cạn làm tiền đồn.

Thứ tám, nỗ lực của Trung cộng nhằm xây dựng và chiếm hữu các đảo nhân tạo tại Biển Đông không đem lại giá trị pháp lý. Theo phân tích của Đại học Middlebury, các đảo nhân tạo của Trung cộng đều được bồi đắp và xây dựng trên cơ sở các bãi đá chìm. Trong hồ sơ kiện Trung Quốc, Philippines xác định các thực thể như Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Gạc Ma (Johnson Reef) và Đá Châu Viên (Cuarton Reef) là các bãi đá ngầm.

Bất chấp quy mô, các đảo nhân tạo không được trao thêm chủ quyền lãnh hải so với trạng thái ban đầu. Hành động của Trung cộng chỉ khiến các nước láng giềng ngả về phía Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, trong khi tự làm suy yếu, thay vì củng cố, các lập luận chủ quyền trên Biển Đông.

Cuối cùng, các quốc gia ven biển trong khu vực đang đứng trước cơ hội để bảo vệ lợi ích của mình. Brunei và Indonesia không tuyên bố chủ quyền đối với bất cứ thực thể nào trên Biển Đông nhưng EEZ của họ lại bị Trung cộng vi phạm. Trong khi đó Việt Nam, Malaysia và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền với nhiều bãi đá ngầm, bãi đá nổi và đảo trong khu vực. Các nước này sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc hợp tác với nhau và thua thiệt nhất trước hành động ngang ngược thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc.

(Theo The Diplomat)