„..Tôi sẽ phơi bày ra ánh sáng một thế giới còn nằm trong bóng tối. Tôi sẽ
cày lên những luống đầu tiên của một vùng đất còn hoang sơ trên cánh đồng gieo
gặt của cách mạng, của cánh đồng gieo hạt giống tự do bón bằng xương máu nhưng
lại trổ toàn quả đắng, đàn áp, bất công, gian dối, oan khuất.”
(Bùi Ngọc Tấn – Chuyện kể năm hai
ngàn)
Một cuốn sách về
một cuốn sách
Trần Nghi Hoàng
Mười lăm năm trước, Chuyện Kể Năm Hai Ngàn(CKNHN) như tiếng kêu
bi thống của chú voi hiền lành bị lũ thợ săn vô nhân tính truy bức, với thân
thể đầy thương tích. Tiếng kêu bi thống của chú voi hiền lành ấy vươn lên giữa
đọa đày, và vang vọng hầu như đến khắp cùng thế giới. Đầu năm 2015, Hậu
Chuyện Kể Năm Hai Ngàn (HCKNHN) hay Thời Biến Đổi Gene của
Bùi Ngọc Tấn (BNT) được xuất bản tại Mỹ. Vẫn chú voi hiền lành ấy, nhưng bây
giờ là tiếng thét đầy căm phẫn. Chú voi thoát chết sau những lần bị truy bức đã
gìn giữ cho mình một cặp ngà dài quý giá mặc dù vẫn tiếp tục bị lũ thợ săn vô
nhân tính bủa vây, chà đạp, mưu toan tuyệt diệt luôn cả cặp ngà quý giá ấy.
CKNHN viết về năm năm tù mà không tội của Bùi Ngọc Tấn (BNT). Trong HCKNHN
BNT kể sau khi ra tù, ông và gia đình đã sống lầm than như thế nào. Ông trở lại
với cây bút bằng những bản tin viết về công nhân và tàu cá của xí nghiệp đánh
cá Hạ Long (Hải Phòng) ra sao. Từ đó là cơ duyên tái nghiệp cùng văn chương.
Khởi viết Mộng Du, cái tên thoạt kỳ thủy của CKNHN. Hành trình hoàn
tất, sửa chữa và xuất bản CKNHN. Và CKNHN đã bị triệt hủy như thế nào.
Lời đề từ của HCKNHN như những vết dao cứa vào tim. Tôi đã quên tên
tôi dưới mặt trời. Quên tuổi tôi cắm sâu lưỡi dao năm tháng. Thời gian băng hà
sọ não tôi. Tôi tin đây là những câu trong một bài thơ của BNT. Vỏn
vẹn ba câu thơ nhưng nói lên đầy đủ cái tàn khốc của nền cai trị khủng khiếp,
vô nhân tính áp đặt lên con người. BNT đi tù năm 1968 trong vụ ánxét lại.
Ông ra tù năm 1973. Đến năm 1995 ông mới được cầm bút trở lại. Hai mươi hai năm
câm nín. Hai mươi hai năm nuôi dưỡng chắt lọc. Hai mươi hai năm cùng vợ con và
vô số “phó người” khác sống kiếp lầm than của những “con vật-người”.
Trong CKNHN là những con người bị tù tội, bị tước đoạt nhân phẩm, sống kiếp
con người - vật. Nghĩa vụ của những con người- vật là phục vụ chiến tranh và
quyền lực, phục vụ một lũ thợ săn vô nhân tính. Bằng cái giọng thân mật và chân
thành, BNT như một huynh trưởng hướng đạo nói câu chuyện lửa dặm đường với các
sói. Nhưng đây là những câu chuyện làm nao lòng người, thậm chí có thể làm bạn
mất ngủ. Có những câu chuyện tởm lợm đáng nôn mửa, nhưng cũng có những câu
chuyện có thể làm cho bạn bật kêu lên: A, thì ra cuộc đời vẫn còn người tốt.
Vẫn còn đẹp. Nghĩa là trong xã hội vẫn còn có những con người, những người thực
sự là Người - người.
“Tôi muốn nói với các con tôi, hãy sống cho ra một con người. Nhưng câu
ấy chưa bao giờ được thốt ra. Tôi quá hiểu sống cho ra một con người khó khăn
như thế nào, nguy hiểm như thế nào.” (HCKNHN-BNT)
Làm người là có quyền tự do. Là có quyền đòi cái quyền tự do của mình. Tuy
nhiên, để sử dụng cái quyền tự do của con người, nhiều khi hết sức nguy hiểm.
BNT có cái nhìn bén nhạy về cuộc chiến. “Vào năm 1974, tôi không nhớ rõ,
nhưng qua cái loa nón Ngã Sáu, một tin làm tôi bật cười. Các nhà báo ở Saigon
biểu tình chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bằng cách bị gậy giả làm ăn mày đi
diễu phố.(…) Tôi nghĩ thầm, miền Nam không thể thắng được vì tự do biểu tình,
lại cả tự thiêu nữa mới khủng khiếp. Vì tự do báo chí, tự do công kích chính quyền,
phe nọ đảng kia, không thực hiện được như miền Bắc đã làm: chỉ có một luồng
thông tin duy nhất từ những chiếc loa công cộng đường phố. Quản lý chặt dạ dày,
hộ khẩu, duy trì tình trạng thiếu đói cả ở nông thôn và thành phố, chia nhau
từng mét chỉ, nửa cây kim, nửa cái bát sành… Cuối cùng miền Nam đã thua nhanh
hơn dự đoán. Chiến thắng thuộc về những người lì đòn hơn, vận dụng thời cơ tốt
hơn. (…) chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của các loa công cộng. Chế độ quản
lý bao cấp. Sự đóng góp của các nhà tù, của chính sách tập trung cải tạo. Một
sản phẩm của chế độ độc trị. Và dĩ nhiên chân lý thuộc về kẻ chiến thắng. Không
biết suốt ba mươi năm chiến tranh bao nhiêu người Việt đã chết, cả bên này và
bên kia, bao nhiêu triệu người cầm súng và không cầm súng, tôi mong có một cuộc
thống kê số xương máu Việt ấy, công bố trước thanh thiên bạch nhật để biết cái
giá của cuộc sống hôm nay.
(HCKNHN-BNT)
(HCKNHN-BNT)
Hết sức mỉa mai bởi một trong những nguyên nhân miền Nam thua trong cuộc
chiến là vì chính quyền VNCH đã cho người dân được ít nhiều tự do, dân chủ, và
miền Bắc đã thắng nhờ đường lối độc tài toàn trị. Chiến tranh là môi trường
tiêu thụ xương máu con người, đặc biệt là xương máu của tuổi trẻ. Trong cuộc
chiến, phe nào rộng rãi trong chi phí xương máu của phe mình hơn thì phe đó sẽ
thắng.
BNT nhắc tới khẩu hiệu: Thóc không thiếu một cân. Quân không thiếu
một người. Với chủ nghĩa cộng sản, trong thời chiến, người dân là
những con số để đảng tố những canh xì phé xả láng bằng sinh mạng con người cho
cuộc thắng bại. Hết chiến tranh, sinh mạng người dân còn rẻ rúng hơn cả thời
chiến. Người dân bị cướp đất cướp nhà, bị giết trong đồn công an, bị tước đoạt
nhân phẩm bất kỳ lúc nào… những điều đốn mạt như vậy cần phải được hiểu ra sao?
Tháng Tư năm 1975, chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến dài nhất thế kỷ trên
thế giới chấm dứt. Tưởng chừng dân tộc Việt Nam sẽ bắt đầu được hưởng những
ngày bình yên, nhưng không phải vậy. Một thảm họa khác chẳng thua gì chiến
tranh đã phủ chụp lên đầu người Việt Nam.
“Một cuộc thanh trừng rộng lớn đã được tiến hành. Một cuộc di tản chưa
tưng có trong lịch sử nhân loại. Hàng triệu người miền Nam và cả miền Bắc đã bỏ
nước vượt biển ra đi với xác suất sự sống chỉ chiếm số phần trăm ít ỏi. Chiến
tranh kết thúc cùng với bao hậu quả mà thời gian khắc phục kéo dài cho đến hôm
nay và còn kéo dài không biết đến bao giờ.” (HCKNHN-BNT)
Cuộc
chiến đã kết thúc, đất nước đã thống nhất. Tại sao hàng triệu người từ hai miền
Nam, Bắc kéo nhau bỏ đi. Hết chiến tranh, không còn thời của những anh hùng
liệt sĩ, những bà mẹ người chị kiên cường. Giá trị con dân Việt không còn đáng
một xu. Người dân bên thua trận bỏ nước vượt biển, người dân bên phe thắng trận
cũng bỏ nước vượt biển. Mặc dù ai cũng biết cuộc vượt thoát này được trả giá nhiều phần trăm bằng
sinh mạng của mình. Người miền Nam ra đi vì thấy mình không còn chút dưỡng khí
nào trên quê hương mình, còn người miền Bắc ra đi cũng chỉ là để tìm lấy chút
dưỡng khí bởi xét cho cùng chính người miền Bắc phải chịu đựng cuộc sống thê
thảm dưới chế độ cộng sản lâu dài và trước người miền Nam cả mấy chục năm. Cuộc
sống mà BNT và bạn ông đã phải nói với nhau như thế này: “Khi tôi kêu lên,
các ông ấy bần cùng hóa nhân dân ghê quá, Nguyên Bình nghiêm mặt bảo tôi: cuộc
sống này gần với cuộc sống loài vật, đâu phải cuộc sống con người. Nguyên Bình
nói đúng, cuộc sống này là một sự đày đọa. Hãy nghe một câu trong tham luận của
một thuyền trưởng tàu đánh cá Hạ Long đọc tại đại hội công nhân viên chức: Tàu
cá về, người xuống như dòi. Câu đó nói lên tất cả. Hơn thế, biết bao nhiêu
người thèm được như chúng tôi, nhân viên một xí nghiệp thực phẩm. Ao ước được
là dòi.” (HCKNHN - BNT)
Thế giới văn chương trong BNT, sức sáng tạo được nhào nhuyễn qua đau thương
và đớn nhục trong ông, vì thế lại càng hồi sinh. Sức chịu đựng của vợ ông, sự
cảm thông hồn nhiên vô điều kiện của các con ông lại còn là dưỡng chất và lực
đẩy cho sức sáng tạo của BNT.
Sự kiện các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ, sự trở mình của không khí văn
chương trong nước sau vụ “cởi trói” cũng đã tiếp cho BNT ít nhiều hi vọng.
“…Thế giới giả dối độc ác đã sụp đổ rồi, bầu trời bằng đá xám đã sụp một
phần rất lớn rồi. Trời xanh đã hiện ra, không thể nào đảo ngược được nữa. (…)
Tôi thấy có lẽ mình phải viết. Có lẽ thôi chứ chưa cầm bút viết, cho đến khi
giọt nước Nguyễn Quang Thân làm tràn cốc nước. (…) Sau hai mươi hai năm không
viết và gần như không đọc, viết cái gì đây. Cuộc sống tả tơi quăng quật đầy
đọa, tai ương đè nặng như một trái núi trên lưng cho đến tận hôm nay, nhưng tôi
chưa muốn giở ngay kho tàng ấy. Cần phải có một thời gian nhìn lại, suy nghĩ,
đánh giá, sắp xếp lại.”
Để thực sự viết trở lại và đặt chân vào thế giới “mộng du”, bắt đầu CKNHN,
BNT đã trải qua không ít những trăn trở. Ông tự thú đã lâu rồi không đọc, gần
như hoàn toàn không đọc, vì cuộc sống qua những trải nghiệm của chính ông với
nỗi cùng cực của những lớp người dưới đáy xã hội khác xa với những hào nhoáng,
giả dối đầy rẫy trong những cuốn sách cùng thời với ông.
“Cho đến khi viết được hai chục trang đầu quyển tiểu thuyết Mộng Du, sau
này đổi tên thành CKNHN, tôi rụt rè đưa cho Thân đọc. Hải Phòng khi đó tôi chỉ
có mình Nguyễn Quang Thân. Nguyên Bình, người bạn thân nhất của tôi đã chuyển
về Hà nội. Cái tâm huyết của Thân làm tôi tin anh. Khi đưa cho anh mới chỉ là
những dòng lia, nhớ đến đâu lia đến đấy. Nhân vật còn chưa có tên chính thức.
Đưa Thân chiều hôm trước, sáng hôm sau tôi đạp xe đến Hội Văn nghệ Hải Phòng
tìm anh, hồi hộp vì không biết anh đánh giá nó ra sao. Đưa trả tôi xếp giấy
viết tay, Thân nói với tôi một câu tôi không hề chờ đợi, không hề ngờ tới: Cái
này là của chung nhân loại mày ạ. Tên sách Mộng Du được, vừa phải, không gay
gắt lắm. Gợi!
Phấn khởi, rất phấn khởi nhưng khó tin. Chỉ tôi mới hiểu nó vẫn còn chàng
màng so với những gì tôi đã trải. Nhưng thôi cứ viết, khởi đầu như vậy là tốt,
cứ viết. Viết và sửa. Cố gắng viết ra những điều mình nghĩ. Cố gắng làm một cái
gì đó của toàn nhân loại, cần thiết cho nhân loại. Đến lúc ấy tôi mới đặt tên
chính thức cho nhân vật. (…)
… Dòng văn học tù đày dường như đã kết thúc, bằng những hồi ký trong nhà tù
đế quốc với những nhân vật được thần thánh hóa, lung linh huyền ảo, những cứu
tinh đã sang trang cho cuộc sống, cho đất nước, nhân dân, và tôi, chính tôi là
người viết tiếp dòng văn học tù đày tưởng đã chấm hết ấy. (…)Tôi viết về những
khổ đau oan khuất vẫn tiếp diễn, sinh sôi và phát triển, những điều là dấu
hiệu, là mục tiêu để cách mạng giương cao ngọn cờ vận động lôi kéo nhân dân
tiêu diệt và tưởng đã tiêu diệt hoàn toàn nhưng hóa ra vẫn còn nguyên như cũ và
cho đến giờ đã hơn cũ rất xa, chỉ thay đổi diện mạo, thay đổi ngôn ngữ, thay
đổi y phục mà thôi. Tôi sẽ phơi bày ra ánh sáng một thế giới còn nằm trong bóng
tối. Tôi sẽ cày lên những luống đầu tiên của một vùng đất còn hoang sơ trên
cánh đồng gieo gặt của cách mạng, của cánh đồng gieo hạt giống tự do bón bằng
xương máu nhưng lại trổ toàn quả đắng, đàn áp, bất công, gian dối, oan khuất.”(HCKNHN-BNT)
Từ những luống cày đầu tiên, BNT đã trẩy hoang vùng văn chương tù ngục. Ông
đã thắp lên được một vùng nến sáng rực trên cái sân khấu của bóng tối ấy. Khởi
viết CKNHN là BNT đã bắt đầu vác cây thánh giá của đời mình trên đôi vai còm
cõi. Ông biết rất rõ con đường phía trước là con đường khổ nạn của đời ông
nhưng tôi tin ông cũng biết rất rõ rằng đó chính là con đường vinh quang, con
đường thành đạo của đời ông. Tại sao BNT viết truyện tù thành công, tại sao
truyện tù của ông gây được tiếng vang trong độc giả tiếng Việt trên toàn thế
giới? Đã có không ít những truyện tù được kể, trong những cuốn sách có thể dày
tới cả ngàn trang, nhưng hiếm có cuốn nào trong số này thật sự nổi bật. Đó là
những hồi ký, truyện kể về “cái tôi” của ai đó ở tù. Nhưng BNT viết CKNHN như
một cuốn tiểu thuyết, nghĩa là vượt qua chuyện cá nhân BNT ở tù:
“…Khi tôi viết đến đoạn hút thuốc lào đêm, quy trình hút thuốc lào, đến cái
động tác di tàn thuốc bắn theo hình vòng cầu cách xa hai mét và tiếp đó là câu,
‘hắn đã đạt được trình độ “xạ thủ” ấy’, tôi đạp xe đến Hội văn nghệ gặp Nguyễn
Quang Thân hớn hở, tao viết được rồi. Tôi viết được rồi, tôi tự tin vì đã hài
hước được. Tôi đã tách khỏi lực hút của người trong cuộc và bình tĩnh khách
quan kể lại chuyện oan ức của chính tôi như kể lại chuyện của ai đó. Có vui có
buồn và bao giờ chả vậy, khi sự việc đã qua được nhắc lại với những nét buồn
cuời.” (HCKNHN-BNT)
Kể lại được ngay cả những chi tiết buồn cười, những chi tiết ngớ ngẩn trong
cuộc sống tù đày oan khuất của mình, có nghĩa là đã thành công. Có nghĩa là
đứng từ bên ngoài nhìn vào toàn diện cái bối cảnh mà mình đang ở tù. Lúc đó
không còn là “cái tôi” ở tù nữa mà là cảnh tù tội đày đọa bất công trong một
đời sống lớn, đời sống của cả một đất nước.
Trong HCKNHN, BNT lại rất tài tình trong việc hồn nhiên mang hầu hết các
tầng lớp con người Việt Nam cùng thời vào trong tiểu thuyết. Từ những nhân vật
có danh vọng chức vị như Đỗ Mười, Nguyễn Phú Trọng, những văn nô xênh xang mũ
áo như Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, những tên nằm vùng đã trở thành lính gác
cửa như Vũ Hạnh và vô số những nhân vật liên quan hay không liên quan tới văn
chương, như những tên công an cao cấp hay hạ cấp luôn chăm chăm bảo vệ chế độ,
hay cậu bé bán rong sách “cấm” cũng được BNT thân mật đưa vào tiểu thuyết của
ông. BNT hóm hỉnh nghĩ, mình là người viết ra “sách cấm”, chú bé là người bán
“sách cấm”, hóa ra mình và cậu bé cùng hội cùng thuyền.
BNT gặp được Bùi Văn Ngợi, giám đốc NXB Thanh Niên, mà theo ông, đây là một
con người tuyệt vời. Bên cạnh Bùi Văn Ngợi là Phạm Đức, Cao Giang, biên tập
viên Lê Hùng… những con người khí khái. Bắt đầu viết văn trở lại hay đúng ra,
bắt đầu viết Mộng Du, tức là CKNHN, BNT ý thức rất rõ ràng, ông
đang hai tay không đương đầu với một con quái vật khổng lồ ghê gớm, quỷ quyệt
xảo trá, đó là đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Âm thầm sáng tác, âm thầm
tìm cách in ấn, xuất bản… gửi nó tới bạn đọc, câu chuyện chỉ có vậy mà ly kỳ,
gay cấn, khiến người đọc bao phen hồi hộp, bởi vì người viết và người in ấn dù
chỉ một cuốn sách cũng bị theo dõi, truy bức theo kiểu của những kẻ lập hội kín
mưu toan làm “cách mạng” lật đổ chính quyền. Nhiều đoạn làm cho người đọc tức
nghẹn vì phẫn uất. Chỉ là một nhà văn già yếu, bệnh tật, hậu quả của những năm
tháng tù tội, “vũ khí” duy nhất là những con chữ từ khối óc và con tim
chân thực, BNT đã chiến đấu ngang ngửa với nguyên cả một guồng máy bạo quyền
của chế độ cộng sản phi nhân.
Ở BNT, sự chân thực và trong sáng là nguồn lực lớn cho nhà văn. Từ lúc khởi
sự sáng tác, nhiều lần sửa đổi thêm bớt để hoàn chỉnh cho tác phẩm, tìm cách
xuất bản CKNHN, BNT luôn tha thiết và tận tụy trong cái hiền lành hòa ái của
ông. BNT hiền lành hòa ái nhưng không bao giờ tỏ ra hoặc vờ tỏ ra khiêm tốn với
bất kỳ người nào. Từ chữ nghĩa, từ tác phẩm của ông, BNT biết rất rõ giá trị
của những gì mình đang viết.
BNT chỉ cần CKNHN được xuất bản, tới tay bạn đọc, ông không quan tâm tới
quyền lợi vật chất từ tác phẩm.
CKNHN đã bị đình chỉ phát hành và bị ra lệnh hành quyết. Một vụ hành quyết
chữ nghĩa. Một phương cách triệt hủy sách vở, tư tưởng tiền vô cổ lai hậu vô
nhân giả và tôi tin nó không thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào còn lại trên thế giới
này. Xin đọc:
“(…)Lê Hùng đã xuống Hải Phòng thăm tôi, xem cái buồng của tôi nhưng chỉ là
mục đích phụ. Anh xuống tôi khoảng hai tháng sau khi sách in xong để báo cho
tôi một tin mới. Vẻ mặt của anh vừa xúc động vừa nghiêm trang. Hôm qua CKNHN
của anh đã bị nghiền, ngâm thành bột rồi. Tám trăm hai mươi sáu bộ. Anh im lặng
và thở dài thuật lại toàn bộ quá trình tàn sát và hủy diệt ấy.(…) Người của Cục
xuất bản, người của NXB, người của nhà in ghi biên bản số sách đưa nghiền rồi
ký biên bản sau khi đã nghiền xong thành bột. Ký biên bản khi bột đã ngâm trong
bể a xít. Từng công đoạn một, xong xuôi tất cả mới được về.” (HCKNHN-
BNT)
Bao nghìn năm trước, Tần Thủy Hoàng phần thư nhưng chỉ đơn giản bằng lửa.
Bao nghìn năm sau, ở năm Hai Ngàn sau Công Nguyên, tại VN, chính quyền cs Việt
nam không phần thư, không đốt sách bằng lửa. Họ văn minh hơn nhiều, công phu và
đê tiện hơn nhiều. Điều này cũng minh chứng rằng đảng và nhà nước cộng sản VN
luôn sợ hãi trước chữ nghĩa và tư tưởng của những người chân thực, trong sáng
như nhà văn Bùi Ngọc Tấn.
Sách BNT bị nghiền nát thành bột, sách đã bị nghiền thành bột thì còn ai
đọc được nữa? Nhưng bột sách đó phải được ngâm vào bể a xít, rồi phải được
những “đao phủ” bất đắc dĩ ký nhận đã hành quyết xong. Thật khôi hài và trơ
trẽn. Tuy nhiên không ai hủy diệt được tư tưởng, không ai hủy diệt được chữ
nghĩa. CKNHN của BNT đã được mọi người quan tâm trên khắp thế giới và bây giờ
là HCKNHN, cuốn sách cuối đời ông. Những tội ác và sự hèn hạ của chính quyền
cộng sản VN cũng sẽ được những người quan tâm khắp năm châu biết đến.,.
Trần Nghi Hoàng
Nhà văn, nhà thơ, dịch
giả, nghiên cứu văn học. Trần Nghi Hoàng định cư tại Mỹ, tác giả của 17 đầu
sách đã in bao gồm thơ, tiểu luận, truyện ngắn, phiếm luận… và gần 10 tác phẩm
đã hoàn tất, chưa xuất bản. Đã dịch William Faulkner, Oscar Wilde, thơ Pablo Neruda,
Garcia Lorca…
Chủ trương, thực hiện tạp chí Văn Uyển và NXB Văn Uyển
từ năm 1986 đến 1997. Chủ trương, thực hiện NXB Viết và tuần báo Lẽ Phải từ năm
1997 – 2007.