19.11.2015

Châu Âu đồng thuận giúp Pháp chống khủng bố

Châu Âu đồng thuận giúp Pháp chống khủng bố

 
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian tại cuộc họp báo ở, Bruxelles, Bỉ, ngày 17.11.2015   REUTERS

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, ngày hôm qua, 17.11.2015, đã chính thức đề nghị các thành viên Liên Hiệp Châu Âu giúp đỡ Paris trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở nước ngoài, chiểu theo điều khoản 42-7 của Hiệp định Lisboa (Văn bản sửa đổi các Hiệp định về Liên Hiệp Châu Âu và hiệp định thành lập định chế này).


Đây là lần đầu tiên, điều khoản trợ giúp, đoàn kết giữa các thành viên Liên Hiệp đã được nêu ra.

Kể từ khi điều khoản này được đưa ra từ năm 1948, các nước Châu Âu chưa bao giờ vận dụng. Do vậy, đề nghị của Pháp mang tính chính trị rất cao.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian nhấn mạnh : Nước Pháp không thể một mình làm mọi việc được nữa, tức là cùng một lúc có mặt tại Sahel, tại Cộng hòa Trung Phi, Liban, oanh kích ở Syria, Irak để trả đũa các vụ khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, bảo đảm an ninh cho người dân tại Pháp.

Theo đại diện cấp cao về ngoại giao của Châu Âu, bà Federica Moghirini, toàn bộ các thành viên Liên Hiệp Châu Âu đồng ý ủng hộ Pháp.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, ngoài việc thể hiện đoàn kết chính trị trong Liên Hiệp Châu Âu, tác dụng của điều khoản 42-7 cũng hạn chế, bởi vì những nước Châu Âu có các phương tiện quân sự đều đã tham gia liên minh quốc tế can thiệp vào Irak và Syria.

Như vậy, khi nêu ra điều khoản 42-7, Pháp muốn tạo tính chính đáng cho các hoạt động quân sự trả đũa khủng bố và mở ra các cuộc thảo luận về nguồn tài chính cho các hoạt động quân sự, nhân danh chính sách phòng thủ chung.

Điều 42-7 của Hiệp định Lisboa có cội nguồn từ điều 5 của Hiệp định phương Tây năm 1948. Tổ chức này sau đó được đổi thành Liên Hiệp Tây Âu năm 1954. Nội dung điều 42-7 cũng dựa trên một điều khoản tương tự trong Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương –NATO.

Điểm đặc biệt của điều khoản 42-7 là khi một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu đề nghị áp dụng, các nước khác trong Liên Hiệp có nghĩa vụ thực hiện.

Nội dung điều 42-7 như sau : « Trong trường hợp một nước thành viên bị tấn công quân sự trên lãnh thổ của mình, các nước thành viên khác phải giúp đỡ, hỗ trợ bằng mọi phương tiện trong thẩm quyền của mình, phù hợp với điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Điều này không ảnh hưởng đến tính chất đặc thù trong chính sách an ninh và quốc phòng của một số nước thành viên. Các cam kết và hợp tác trong lĩnh vực này vẫn phải phù hợp với các cam kết đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO và đối với nước thành viên của NATO thì tổ chức này vẫn là nền tảng của chính sách phòng thủ tập thể và chịu trách nhiệm thực hiện chính sách này ».

Theo giới phân tích, điều khoản 42-7 mang tính ràng buộc hơn điều 5 Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương – NATO, do tính chất « bắt buộc » được thể hiện trong câu « các nước thành viên khác phải giúp đỡ, hỗ trợ bằng mọi phương tiện trong thẩm quyền của mình ».

Điều 5 Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương chỉ nói đến « những hành động được đánh giá là cần thiết » :

« Các bên thỏa thuận rằng một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào một hoặc nhiều thành viên, xẩy ra ở Châu Âu hoặc tại Bắc Mỹ, sẽ bị coi là một tấn công nhắm vào tất cả các nước thành viên, và do vậy, các bên đồng ý là nếu một cuộc tấn công như vậy xẩy ra, thì mỗi thành viên, trong khuôn khổ quyền tự vệ chính đáng, cá nhân hoặc tập thể, được thừa nhận bởi điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc, sẽ hỗ trợ thành viên hoặc các thành viên bị tấn công, bằng cách tiến hành ngay, một cách riêng rẽ hoặc với sự chấp thuận của các bên khác, những hành động được đánh giá là cần thiết, kể cả việc sử dụng quân đội để tái lập và bảo đảm an ninh trong vùng Bắc Đại Tây Dương ».