26.12.2015

Kết thúc ảo tưởng: Việt Nam chọn con đường hòa giải với Trung cộng thay vì quan hệ đối tác hay liên kết chính trị - David W.P. Elliot

Kết thúc ảo tưởng: Việt Nam chọn con đường hòa giải với Trung cộng thay vì quan hệ đối tác hay liên kết chính trị

David W.P. Elliot
Trần Văn Minh dịch

“Một trong những mục tiêu của việc tiết lộ cuộc đàm phán được cho là bí mật, là để dựng nên một hình ảnh về một Việt Nam dối trá, không đáng tin cậy cho đồng minh [của Việt Nam] biết, và để gieo sự bất hòa trong giới lãnh đạo Việt Nam. Về vấn đề này, Trung cộng đã thành công: trong một cuộc họp bộ chính trị giữa tháng 5 năm 1991, Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự hối tiếc vì bị ép buộc phải ủng hộ một chính sách thiếu khôn ngoan. Đỗ Mười cũng lấy làm tiếc về kết cuộc, với lý do là điều đó sẽ làm cho Việt Nam trở thành một người bạn không đáng tin cậy trong con mắt các đối tác. Nguyễn Cơ Thạch cũng nói với lãnh đạo đảng, ông Linh, rằng ông đã phạm một sai lầm nghiêm trọng”.


Ảnh bìa sách. Nguồn Amazon

Trích dẫn từ sách “Thế giới thay đổi: Sự chuyển tiếp của Việt Nam từ chiến tranh lạnh sang Toàn Cầu Hóa”. NXB University Press năm 2012. Trích dẫn các trang từ 112-116.
.
Một phần trong Chương 4: Quan hệ đối tác thay đổi trong một thế giới thay đổi (1990-1991)

Trong suốt mùa hè năm 1990, những thay đổi được tác động bởi các sự kiện của năm trước bắt đầu chuyển đổi các động lực ngoại giao quốc tế. Hồi ký của Trần Quang Cơ về giai đoạn quyết định trong việc bình thường hóa quan hệ Việt – Trung minh họa đầy đủ cuộc chuyển hóa này. Khi bộ chính trị vẫn tiếp tục tranh luận về việc có nên thử thương lượng với Trung cộng dựa trên ý thức hệ chung (“giải pháp đỏ”) hay tham gia vào các hoạt động ngoại giao nhiều bất ngờ hơn với Liên Hiệp Quốc, trong đó cũng bao gồm Hoa Kỳ và ASEAN. Ông Cơ hỏi ý kiến ông Phạm Văn Đồng, lúc đó là “cố vấn” cho giới lãnh đạo hàng đầu. Ông Đồng nói với ông Cơ vào đầu tháng 8 năm 1990, 
Chúng ta phải dám chơi trò chơi với Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Bảo an, với Mỹ và châu Âu. Chúng ta cần phải tận dụng yếu tố Mỹ trong tình hình mới… Kế hoạch này rất hay về mặt lý thuyết, nhưng điểm mấu chốt là làm thế nào để thực hiện nó… Chúng ta không nên đưa ra những yêu cầu quá cao [như] ‘giữ vững thành quả của cách mạng (Campuchia)’. Nếu bạn bè của chúng ta có thể nhận được 50% trong một cuộc tổng tuyển cử, đó sẽ là điều lý tưởng”.
.
Không lâu sau buổi trò chuyện này, Trung cộng đưa ra lời mời gặp khẩn cấp và bất ngờ đến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười (chẳng bao lâu nữa sẽ thay thế Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư) và Phạm Văn Đồng tại Thành Đô xa xôi (người Tàu nói điều này cần thiết để bảo mật) để bắt tay vào nỗ lực giải quyết vấn đề Campuchia và tiến tới bước đột phá trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Trung cộng và Việt Nam. Điều này đến một cách bất ngờ, bởi vì cho đến lúc đó, Trung cộng vẫn kiên quyết khẳng định rằng vấn đề Campuchia sẽ phải được giải quyết theo yêu cầu của họ trước khi có thể thương lượng việc bình thường hóa.
.
Phân tích của ông Trần Quang Cơ là Trung cộng hiện phải thay đổi lập trường bởi vì phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu của họ, [sự phát triển kinh tế] đã bị cản trở bởi các biện pháp trừng phạt được áp đặt sau Thiên An Môn. Ngoại giao tăng tốc của các các bên khác (trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, và ASEAN) và sự loại bỏ yếu tố chính đã thống nhất lập trường của Trung cộng với ASEAN (sự chiếm đóng Cambodia của Việt Nam), cùng với các mối quan tâm của ASEAN về mưu đồ của Trung cộng trong khu vực, đang đe dọa khả năng của Trung cộng trong việc kiểm soát kết quả việc giải quyết vấn đề Campuchia – vì thế đưa tới ý muốn mau chóng thương lượng với Việt Nam.

Nguyễn Văn Linh và Phạm Văn Đồng đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam để gặp người Trung cộng tại Thành Đô vào đầu tháng 9 năm 1990, trong đó đáng chú ý là, không có Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, mà Bắc Kinh coi là chống Trung cộng quá mức. Trong các cuộc họp Bộ Chính trị, ông Thạch đã bày tỏ sự phản đối của ông đối với cả “giải pháp đỏ” ở Campuchia lẫn đánh cược toàn bộ con bài ngoại giao của Hà Nội lên lợi ích được cho là chung giữa Việt Nam và Trung cộng vào việc tham gia lực lượng để “cứu chủ nghĩa xã hội”, như ông Nguyễn Văn Linh và một số lãnh đạo bộ chính trị khác chủ trương. Vị thế của ông Thạch đã bị suy yếu bởi ông không trưng ra được bất kỳ kết quả nào trong việc chơi “con bài Mỹ”. Cuối cùng, giới lãnh đạo đảng quyết định loại ông Thạch lớn tiếng chống Trung cộng ra ngoài để xoa dịu Bắc Kinh.
.
Mặc dù có những dấu hiệu mơ hồ từ phía Trung cộng về việc Đặng Tiểu Bình có thể tham dự các cuộc họp ở Thành Đô (là điều đã thuyết phục Phạm Văn Đồng đến dự và làm tăng thêm tính kỳ cựu và uy tín của ông trong dịp này), nhưng không thấy Đặng đâu cả, và Giang Trạch Dân cùng với Lý Bằng đại diện cho Trung cộng. Võ Văn Kiệt sau đó kết luận, đây là một sự cố ý xúc phạm Việt Nam, và rằng phái đoàn “đã rơi vào bẫy” bằng cách gửi đi một nhà lãnh đạo cấp cao mà không có sự đáp trả tương ứng của phía Trung cộng. Khi đó phái đoàn Việt Nam nhanh chóng phát hiện ra rằng Trung cộng không quan tâm đến “giải pháp đỏ” hoặc bất kỳ một liên minh ý thức hệ nào với Việt Nam.

Trong tình hình quốc tế hiện nay, nếu hai đảng cộng sản cùng bắt tay, điều này sẽ không có lợi cho cả hai chúng ta”, Việt Nam được cho biết như thế. Sự miễn cưỡng đối với liên kết ý thức hệ bằng cách nuôi dưỡng mối quan hệ đảng với đảng giữa các phe phái cộng sản đối nghịch tại Campuchia đã không ngăn cản Trung cộng trong việc đánh lừa Bộ Ngoại giao chống Trung cộng của Việt Nam và thực hiện liên lạc ngoại giao thông qua Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù sự nhấn mạnh của Trung cộng về việc giữ quan hệ với Việt Nam chủ yếu trên cơ sở quốc gia với quốc gia (không theo ý thức hệ) cho thấy rằng ngoại giao nên được thực hiện thông qua sự giao tiếp giữa chính phủ với chính phủ, chứ không phải là kênh đảng với đảng. Điều này tiếp theo cho thấy rằng, Trung cộng sẽ yêu cầu liên kết đảng với đảng chỉ khi nào phù hợp với lợi ích riêng của họ, và họ vẫn tiếp tục chống lại lời kêu gọi của Việt Nam để thay thế Liên Xô như là “bức tường thành của xã hội chủ nghĩa” trong một thế giới đang thay đổi.
.
Gọi hội nghị Thành Đô là một thất bại ngoại giao của Việt Nam, ông Trần Quang Cơ nói rằng, lời giải thích chính là Việt Nam đã tự lừa dối mình bằng cách bám víu vào sự tin tưởng rằng Trung cộng quan tâm đến một liên minh ý thức hệ để tự vệ chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của đế quốc, để tận diệt các nước cộng sản còn lại. Sự thất bại của các nỗ lực không thành với “giải pháp đỏ” là một bước quan trọng trong sự lụi tàn tất yếu của sức mạnh bóng ma “diễn biến hòa bình”, được giới bảo thủ ở Việt Nam vịn vào như một lý do để chống lại việc thỏa thuận với các lực lượng tích hợp của hệ thống toàn cầu hóa hậu chiến tranh lạnh.
.
Bồi thêm sự xúc phạm vào vết thương, những cuốn băng do Trung cộng vui vẻ tiết lộ về cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam qua việc đồng ý về một ưu thế cho các lực lượng chống Hun Sen trong một liên minh chính quyền; thực ra là bán đứng đồng minh chính của Việt Nam ở Campuchia, là lực lượng thắng thế tại Campuchia thời bấy giờ; cho chính Hun Sen, cũng như một loạt các bên khác. Một trong những mục tiêu của việc tiết lộ cuộc đàm phán được cho là bí mật, là để dựng nên một hình ảnh về một Việt Nam dối trá, không đáng tin cậy cho đồng minh [của Việt Nam] biết, và để gieo sự bất hòa trong giới lãnh đạo Việt Nam. Về vấn đề này, Trung cộng đã thành công: trong một cuộc họp bộ chính trị giữa tháng 5 năm 1991, Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự hối tiếc vì bị ép buộc phải ủng hộ một chính sách thiếu khôn ngoan. Đỗ Mười cũng lấy làm tiếc về kết cuộc, với lý do là điều đó sẽ làm cho Việt Nam trở thành một người bạn không đáng tin cậy trong con mắt các đối tác. Nguyễn Cơ Thạch cũng nói với lãnh đạo đảng, ông Linh, rằng ông đã phạm một sai lầm nghiêm trọng.
.
Vào ngày 2 tháng 9 năm 1990, ngày quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một ngày trước khi khai mạc cuộc đàm phán bí mật giữa Việt Nam và Trung cộng tại Thành Đô, địa chỉ chính của ông Đỗ Mười ở cho dịp này đã thừa nhận rằng cú điện thoại của Lý Bằng nói “hai người hàng xóm” (không phải “hai đồng chí” ) khôi phục quan hệ bình thường và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia. Ông Mười nhớ lại sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung cộng đối với Việt Nam trong cuộc đấu tranh vũ trang, và nói rằng: “Hôm nay, trong nhiệm vụ ‘đổi mới’ đất nước của chúng ta, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế sẽ có một ý nghĩa rất lớn”.

Một cách hiểu điều này là, Việt Nam báo hiệu rằng họ đang chuyển từ tư thế địa chính trị trên bàn cờ thế giới sang phát triển kinh tế; trong đó bình thường hóa quan hệ với Trung cộng sẽ có lợi, nhưng không quan trọng như mọi khi trong lĩnh vực chiến lược. Trong phần đầu bài phát biểu, Đỗ Mười nói: “Tình hình quốc tế đang tiến triển một cách rất phức tạp. Cuộc khủng hoảng ở các nước XHCN Đông Âu là vô cùng nghiêm trọng, và sẽ có tác động không phải là không đáng kể vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Các lực lượng đối phương đang tiến hành nhiều hoạt động phá hoại sự phát triển và bảo vệ Tổ Quốc của nhân dân ta”.
.
Thêm một chỉ dấu cho thấy, các lãnh đạo Việt Nam đang thay đổi quan điểm của họ về bản chất của các mối quan hệ quốc tế, Đỗ Mười đã phác thảo đề cương rộng lớn về những gì sẽ được biết đến như là “toàn cầu hóa”. “Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ và xu thế của toàn cầu hóa kinh tế đang đưa đến cho dân chúng trên thế giới nhiều khả năng tuyệt vời để phát triển”. Nhận thức rằng, “nhiều sai lầm đã phạm phải” trong chính sách kinh tế “trong nhiều năm qua”, ông Mười nói rằng: “Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với thực tế là mức sống và trình độ phát triển của nhân dân ta quá thấp. Đó là một tình huống căng thẳng và một thách thức lớn cho nhân dân ta”.
.
Động lực cho sự nhượng bộ ở Thành Đô vì lợi ích của việc bình thường hóa quan hệ với Trung cộng là cả chính sách thực dụng (bù lại cho sự mất mát hỗ trợ của Liên Xô và cúi chào trước thực tế về vị thế chiến lược gia tăng của Trung cộng) lẫn ý thức hệ (bảo tồn và củng cố một số cốt lõi nhỏ nhoi các nước cộng sản còn lại). Bài diễn văn của Đỗ Mười vào tháng 9 năm 1990, là sự mở rộng thêm diễn văn của ông hồi tháng 12 năm 1989 (được thảo luận trong chương 3), cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang cố gắng hiểu rõ ý nghĩa của kỷ nguyên mới trong quan hệ quốc tế, trong đó không phải chính sách thực dụng cũng không phải yếu tố ý thức hệ, sẽ có tính quyết định trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam: sự lạc hậu về kinh tế của mình. Tuy nhiên vào thời điểm đó, việc truất bỏ vấn đề Campuchia nan giải và tìm kiếm một thỏa hiệp với Trung cộng để cho phép Việt Nam tập trung vào phát triển kinh tế là điều cần thiết.
.
Mặc dù đoàn Việt Nam đến Thành Đô đã có sự nhượng bộ lớn về việc đồng ý với đề nghị của Trung cộng, có thể làm nghiêng cơ chế cai trị được đề nghị tại Campuchia về phía các đối thủ của Hun Sen, Nguyễn Văn Linh và lãnh đạo quân đội Lê Đức Anh đã bay sang Phnom Penh và cố gắng thuyết phục bạn hàng Hun Sen Campuchia của họ đồng ý hợp tác với lực lượng Pol Pot, bởi vì khung cảnh lớn là các đế quốc đang cố gắng tiêu diệt xã hội chủ nghĩa, và người Campuchia có thể làm phần của họ để cứu CNXH bằng cách đạt được sự hòa giải giữa cộng sản Hun Sen và Khmer Đỏ. Nguyễn Văn Linh đã nói với các lãnh đạo Campuchia,
“ ‘Chúng ta phải thấy rằng cũng có những mâu thuẫn giữa Trung cộng và các đế quốc về vấn đề Campuchia. Chúng ta phải có một chiến lược để khai thác những mâu thuẫn này. Đừng tranh cãi với Trung cộng tới mức đẩy họ đứng về phía với các đế quốc’.

Lê Đức Anh giải thích thêm lập luận này: ‘Người Mỹ và phương Tây muốn có một cái cớ để loại bỏ chủ nghĩa cộng sản. Họ đang loại bỏ chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu. Họ đã loan báo rằng họ sẽ loại bỏ chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng họ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Chúng ta phải tìm kiếm đồng minh. Đồng minh đó là Trung cộng’.Giải pháp đỏ vẫn tồn tại trong tâm trí của các nhà lãnh đạo quân sự và đảng của Việt Nam, nhưng không có sự hỗ trợ của Trung cộng giải pháp đỏ phải cam chịu thất bại.
.
Giải pháp đỏ cũng làm đồng minh Campuchia của Việt Nam xa lánh. Đại sứ Việt Nam tường thuật rằng sau cuộc họp này, thái độ của Hun Sen đối với Việt Nam thay đổi; mà cuối cùng dẫn đến cảnh tượng được mô tả ở trên về vị đại sứ Việt Nam Ngô Diên “cô đơn” bị buộc phải chứng kiến sự giải tán của Đảng Cộng sản Campuchia. Kết cục là một Việt Nam không có nước cộng sản đỡ đầu và không có bạn hàng cộng sản. Trần Quang Cơ có lẽ không phải là người duy nhất kết luận rằng cuộc họp Thành Đô là một vết nhơ trong ngoại giao của Việt Nam”. Không những Việt Nam tiết lộ mong muốn theo đuổi một chính sách lỗi thời về tình đoàn kết ý thức hệ với Trung cộng, mà sự tiết lộ tinh quái của Trung cộng về sự thất bại của Việt Nam để đạt được “giải pháp đỏ” và sự phản bội đồng minh của họ làm suy yếu nỗ lực của Việt Nam để đa dạng hóa chính sách đối ngoại của mình và đạt được nhiều khoảng trống hơn để hoạt động.
.
Lập trường của Trung cộng đã làm cho sự kiện này trở thành lựa chọn ngoại giao khả thi duy nhất cho sự lệ thuộc toàn bộ của Việt Nam vào Trung cộng. Ngay cả tường thuật rất thành thực của Trần Quang Cơ về cuộc họp Thành Đô giữa các lãnh đạo Việt Nam và Trung cộng cũng không đề cập đến một đề nghị (được biết) của Trung cộng, đi xa hơn vấn đề Campuchia. Một tờ báo của Anh tường thuật rằng, các nguồn tin tình báo Tây Phương cho rằng Trung cộng đã đề nghị thay thế hàng hóa mà Liên Xô không còn khả năng cung cấp, trả lại một phần đáng kể quần đảo Trường Sa (một khu vực có trữ lượng dầu tiềm năng). “Đổi lại sự giúp đỡ của mình, Trung cộng đã yêu cầu Hà Nội ‘cộng tác’ – nói cách khác là lệ thuộc – chính sách ngoại giao của mình với chính sách của Bắc Kinh. Một nguồn tin tình báo ở Bangkok cho biết: ‘Các chính sách rất gần nhau. Và đó là những gì thực sự làm tôi ngạc nhiên, chứ không phải là sự từ chối cuối cùng của họ. Củ cà rốt cho Hà Nội rất lớn, và họ đã phải suy nghĩ lâu dài và kỹ lưỡng trước khi từ chối toàn bộ. Điều đó cho thấy người Việt Nam tuyệt vọng thế nào”. 

Thực ra, tình hình chiến lược tồi tệ của Việt Nam chẳng bao lâu sẽ dẫn họ đến việc chấp nhận một cách miễn cưỡng vai trò lệ thuộc mà Trung cộng đòi hỏi; thậm chí chẳng có củ cà rốt nào.