Chẳng nước nào có cái kiểu cầm quyền
kỳ quặc, độc đáo như ở Việt Nam.
Nhiệm vụ đầu
tiên của mọi chính quyền chân chính là bảo vệ công dân nước mình đặc biệt là
phụ nữ, trẻ em, người già, khỏi những bất công, bệnh tật, tai ương, khỏi những
hành động phi pháp. Vậy mà hàng ngày, khắp nơi xảy ra bao chuyện bất công nhưng
chính quyền CS vẫn vô cảm, còn đứng về phía đàn áp, hiếp đáp dân lành.
Hằng ngày
biết bao vụ xử án xảy ra, tại đó Bộ Chính trị và đảng ủy CS các cấp đã quyết
định mức án trước, được xã hội gọi là «bản án tiền chế», không có luật sư, hay
có luật sư cũng bằng không vì bị cắt lời, các lý lẽ không được cân nhắc, xem xét.
Các luật sư bị công an và ác ôn đánh cho đổ máu chỉ vì bênh vực dân theo đúng
luật.
Có nước nào
như ở Việt Nam các chiến sỹ dũng cảm, yêu nước xuống đường chống bành trướng,
theo đúng chính sách công khai của đảng lại bị ngăn chặn, phá phách, bắt bớ, đánh
đập đến bị trọng thuơng, bị tù đày dài dài? Có nước nào hai nhạc sỹ sáng tác
bài hát chống xâm lăng, cổ vũ lòng yêu nước bất khuất, lẽ công bằng trong cuộc
sống, mà bị tù đến hơn 4 và 6 năm? Chính quyền yếu bóng vía sợ cả những câu hát
dân gian lên án bọn bành trướng.
Hai lĩnh vực
quan trọng nhất có ý nghĩa đối với vận mệnh quốc gia, phát triển đất nước phồn
vinh là lĩnh vực giáo dục và y tế lại bê bối, chậm tiến và bệ rạc đến cùng cực.
Ở đó lúc nhúc những giáo sư, phó giáo sư «dỏm», những «tiến sỹ giả» làm nòng
cốt, một bộ trưởng giáo dục bất tài, mất gốc đến độ muốn cắt giảm, lược bỏ môn
Sử học là môn quyết định nhân cách của công dân. Một nền y tế tồi bại, lẽ ra
phải chiếu cố người nghèo bất hạnh, chữa miễn phí cho những bệnh hiểm nghèo như
ở mọi nước văn minh, thì trái lại người nghèo, người mắc bệnh nan y lâm vào bế
tắc, phải nằm chung 2 người một giường, nhiều khi còn phải trải chiếu nằm dưới
gầm giường trong cơn cùng cực.
Trong khi
chính quyền mọi nước coi việc thu chi ngân sách là trọng yếu nhất, là huyết
mạch quốc gia, thì ở Việt Nam việc thu chi của nhà nước luôn mù mờ, không minh
bạch, rò rỉ lớn ở mọi cấp, vì cơ quan thu thuế, hải quan, tài chính, ngân hàng,
thanh tra, kiểm sát đều trong tay «đảng cầm quyền» – thực tế là «đảng cầm tiền»
– tha hồ chi tiêu, tàn phá nền tài chính đến tận gốc. Ở mọi cấp các cơ quan tài
chính kế toán đều có 3,4 loại sổ sách kế toán khác hẳn nhau tuy cùng một nội
dung, thu gốc đã bị xà xẻo, rồi báo cáo lên cấp trên một bản kế toán ma thứ
nhất, lên quận cấu véo thêm một khoản lớn, làm bản kế toán ma thứ hai, thứ ba,
rồi lên tỉnh, lên Bộ Tài chính lại có bản kế toán khác hẳn, ra đến Quốc hội chỉ
là con số ma, con số chết. Đã vậy một nền tài chính tong teo lại bị chi tiêu
ngông ngênh, bỏ ra hàng nghìn tỷ xây trụ sở tỉnh và tượng đài kỷ niệm; phí tổn
xây cầu đường lên đến hàng tỷ mỗi mét; số xe các quan lớn dùng lên đến 40 ngàn
chiếc, lương lái xe và chi phí xăng dầu bảo quản hàng năm lên đến hàng tỷ đô
la, trong khi trường học nhếch nhác, học sinh đói khổ vượt sông đến trường bằng
cách đu dây, lương giáo viên trả chậm đến 3, 4 tháng.
Chính quyền
kêu gọi đến khản cổ công nghiệp hóa, kỹ thuật hóa, hiện đại hóa… nhưng thực tế
đến nay không làm nổi một chiếc đinh vít tiên tiến để dùng trong xây dựng cầu
cống, nhà cửa, cao ốc, nhà máy.
Một bài báo
của một cô nhà báo có tâm huyết nhận định rất đúng rằng «Nhà nước này còn nợ nhân dân, dân tộc bài tóan
phát triển hiện đại, để Việt Nam không hổ thẹn với láng giềng gần xa, đi trên
con đường phồn vinh và hạnh phúc».
Chính quyền
hiện tại còn vô cảm, vô trách nhiệm trong việc thực hiện biên chế nhà nước gọn,
nhẹ, có năng suất cao, dù luôn «kêu gọi giảm biên chế nhưng sau đó luôn luôn là
tăng ghế nhà ăn» đến độ phi lý nhất. Hơn 10 năm trước Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã
báo động là biên chế phình quá lớn đến độ dị dạng, riêng số viên chức ăn lương
một tỉnh như Thanh Hóa đã bằng biên chế của toàn bộ Phủ Toàn quyền Đông Dương
cai trị cả 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia năm 1944.
Báo Đất Việt
ngày 13.12 đã báo động là Hoa Kỳ, một nước có diện tích rộng gần gấp 30 lần và
dân số đông gần gấp 4 lần so với Việt Nam, vậy mà Hoa Kỳ chỉ có 2,1 triệu viên
chức ăn lương (chưa kể quân đội), trong khi đó ở Việt Nam hiện nay có số viên
chức ăn lương là 2,8 triệu. Hoa Kỳ có bộ máy cầm quyền thực sự tinh nhạy, trong
sạch, có hiệu quả. Nếu Việt Nam cũng đào tạo được những viên chức thành thạo
công việc và có tinh thần trách nhiệm như ở Hoa Kỳ, thì Việt Nam chỉ cần có gần
1 triệu viên chức là đủ, có thể giảm biên nhà nước đến 2 triệu người.
Vấn đề quản
lý ngân sách, chi thu tài chính công khai, minh bạch ở mọi cấp lẽ ra phải là
một trong những nội dung lớn nhất trong dự thảo Nghị quyết của Đại Hội XII sắp
đến, nhưng nó bị chìm nghỉm, không thấy tăm hơi đâu cả.
Cầm quyền mà
bỏ qua các vấn đề hệ trọng quyết định là tài chính, ngân sách, biên chế, chi
cho giáo dục, y tế là ưu tiên, đào tạo công nhân kỹ thuật viên chức theo kịp
chuẩn mực quốc tế…thì rõ ràng là không cầm quyền, là bỏ mặc đất nước nổi trôi
vô vọng, với biết bao bất công, phi lý xảy ra hàng ngày, khắp nơi, đè nặng lên
cuộc sống của mỗi công dân, mỗi gia đình trong xã hội bất hạnh chưa tìm ra lối
thoát.
Nguyên nhân
cơ bản của tình trạng đảng CS «không cầm quyền», bỏ mặc cho chính quyền bê tha,
như tê liệt, chính là do viên chức càng trên cao càng mê mải «cầm tiền» quá
nhiều trong một xã hội bất công, quá ư lạc hậu.
Nguồn: Theo
VOA Tiếng Việt