24.12.2015

Tham nhũng tại Việt Nam - Nguyễn Ngọc Bảo

Tham nhũng tại Việt Nam

Khi trao đổi với báo chí nhân Ngày Quốc Tế Phòng Chống Tham Nhũng (9/12), Tổng thanh tra CSVN Huỳnh Phong Tranh khẳng định: Công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam thời gian qua có bước tiến được Tổ chức Minh Bạch Thế Giới và Liên Hiệp Quốc đánh giá cao. (sic)


Thực trạng tham nhũng

Trong cuộc thăm dò ý kiến của Transparency International năm 2013, hơn 30% dân Việt Nam cho biết đã phải hối lộ nhân viên nhà nước. Đa số người dân đều cho là các nỗ lực chống tham nhũng thất bại, không có hiệu quả vì sự bao che, thông đồng của cấp trên và sự tập trung cả 3 quyền Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp trong tay đảng CSVN.

Quyền tự do thông tin vẫn bị cấm đoán. Hơn 700 báo chí, đài phát thanh, truyền hình đều phải tuân lệnh chỉ thị của Ban Tuyên Giáo Trung Ương về nội dung các tin loan tải.

Theo viện nghiên cứu và theo dõi tham nhũng Trace International, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới với hạng 188/197 và số điểm 82/100. Do đó sự khẳng định này của Tổng Thanh Tra Huỳnh Phong Tranh chỉ là một hình thức ngụy biện cố hữu của giới chức cán bộ cao cấp CSVN, hoàn toàn không phản ảnh thực tế dựa trên thống kê của chính tổ chức Transparency International và những điểm sau đây.


                             Tổng Thanh Tra Huỳnh Phong Tranh

Một, chỉ số tham nhũng (Corruption Index) của CSVN trong 3 năm liền (2012, 2013, 2014) đều khựng lại ở chỉ số 31 (chỉ số cao nhất là 100 và thấp nhất là 0, tất cả các quốc gia tiền tiến dân chủ pháp trị Tây Phương đều có chỉ số cao hơn 70) và xếp hạng 119/175.

Điều này cho thấy không có sự tiến triển nào. CSVN chỉ hơn được những quốc gia nhỏ, nghèo khổ, chậm tiến tại Phi Châu, Trung Đông, Trung Mỹ và Nam Á. Trong khối ASEAN, Cộng sản Việt Nam chỉ hơn được Cam Bốt, Lào, Miến Điện. Trong khi thua kém tất cả các quốc gia ASEAN khác như Thái Lan, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai, Tân Gia Ba, Brunei.

Có thể nói chỉ số tham nhũng hoàn toàn tỷ lệ nghịch với mức phát triển. Quốc gia nào càng tham nhũng, càng biển thủ công qũy, mức phát triển kinh tế càng bị khựng lại, sự phát triển của xã hội bị kềm hãm khi lợi ích đến sự làm việc bằng trí tuệ, sức lao động chỉ được dành cho một tuyệt đại thiểu số thừa hưởng.

Tầm vóc tham nhũng tại Việt Nam ngày nay không còn ở mức một vài cá nhân, một vài nhóm mà đã trở thành một hệ thống được tổ chức ăn trùm trên guồng máy quốc gia, từ thượng tầng lãnh đạo cho đến các cấp đảng ủy tại địa phương.

Hai, trong một cuộc điều tra kéo dài nhiều năm trời được gọi là Offshoreleaks, tổ chức ICIJ (International Consortium of Investigative Journalists) giải mật một số dữ kiện liên hệ đến các vụ trốn thuế, rửa tiền quy mô trên thế giới qua những công ty bình phong, những cá nhân thân tín. Riêng đối với Việt Nam, Offshoreleaks đã phát hiện hơn 140 nhân sự với đầy đủ tên, địa chỉ và những liên hệ với một số công ty tại Việt Nam có những văn phòng, trương mục tại thiên đường thuế khóa, đặc biệt tại British Virgin Islands. 


Chắc chắn đây là những hành động rửa tiền được ngụy trang dưới một số dạng đầu tư, liên quan đến nhiều thành phần lãnh dạo CSVN trong thời kỳ từ cuối thập niên 1990 cho đến cách đây khoảng 10 năm về trước. Đây là những năm đầu tiên sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và bắt đầu của sự hội nhập của Việt Nam vào cộng đồng thế giới (ASEAN, APEC, WTO, bang giao với Hoa Kỳ).

Những cá nhân đã có những trương mục với số tiền ký thác rất lớn, Tổng giám đốc các công ty đầu tư bình phong tại các thiên đường thuế khóa, vào thời kỳ đó chắc chắn phải thuộc vòng đai thân tín các thành phần lãnh đạo của CSVN đương nhiệm vào thời đó; đặc biệt là nhiều thành phần trong vòng đai Bộ Chính Trị Đảng CSVN vẫn liên tục nằm trong nhóm quyền lực mạnh nhất cho đến ngày nay. Qua hình thức này, tài sản phi pháp lên đến hàng tỷ Mỹ Kim của các thành phần lãnh đạo đảng CSVN và gia đình được tuôn ra ngoài.

Ba, những lệnh truất hữu phi pháp và bồi thường rẻ mạt (1/100 – 1/1000 giá cả bình thường một mét vuông) được chỉ thị từ trên cao và tiến hành bởi các bộ phận cấp đảng ủy lãnh đạo địa phương, nhằm chiếm đoạt các mảnh ruộng, vườn, đất đai, nhà cửa các thành phần dân oan tại nhiều vùng tại Việt Nam.

Để biến thành phần vốn của các công ty quốc doanh hay công tý tư nhân do chính các thành phần thân tín trong gia đình các thành phần lãnh đạo CSVN đứng đầu, cho nhu cầu hùn vốn với các công ty ngoại quốc.

Đây là một hình thức cướp đoạt trắng trợn tài sản của người khác, để hưởng lợi, của một guồng máy cầm quyền loại ’du côn’ (rogue state). Hậu quả là hàng trăm ngàn gia đình mất trắng nhà cửa, ruộng vườn, hàng triệu người trở thành dân oan.

Chắc chắn phần lớn số tiền cướp ngày công khai này lọt vào tay vòng đai thân tín các thành phần lãnh đạo đảng CSVN được cất nhắc, xếp đặt để lo cho chính cá nhân và gia đình một mai khi không còn tại chức nữa, để có thể ung dung hạ cánh an toàn, hưởng thụ số tiền phi pháp khổng lồ, đã được tẩu tán tại các quốc gia tiền tiến qua trung gian các công ty bình phong tại các thiên đường thuế khóa.

Bốn, nhiều công ty quốc doanh bị phá sản vì biển thủ công qũy, quản trị yếu kém, sai lầm. Trong vòng 10 năm qua, tổng số các vụ phá sản, thua lỗ các tổng công ty quốc doanh Vinashin, Vinalines, .. lên đến một số tiền khổng lồ hàng trăm triệu Mỹ kim. Ngoài ra còn phải kể đến các vụ EPCO Minh Phụng, PMU18, Đề Án 112, Securency Úc,… mà số tiền mất vì tham nhũng lên đến hàng chục triệu Mỹ kim.


Đây là những con số chính thức khi thực tế quản trị thua lỗ không thể nào che giấu được nữa, nhưng những con số thật có thể lên đến mấy lần cao hơn. Điều này không đáng ngạc nhiên vì các tổng công ty là nơi các cán bộ, đảng viên bòn rút công qũy để biến thành tài sản riêng tư và do chính tay chân, thuộc hạ thân tín các thành phần lãnh đạo đảng CSVN điều khiển.

Hiện nay vây cánh, gia đình của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng có khả năng trục lợi nhiều nhất về lãnh vực kinh tế với việc toàn quyền thương thuyết với các công ty ngoại quốc về các lãnh vực đầu tư.

Năm, những biệt thự nguy nga trị giá hàng chục triệu Mỹ kim các thành phần lãnh đạo từ cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, các uỷ viên Bộ Chính Trị, cho đến các thành phần lãnh đạo hiện nay Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng.

Trong lúc mức sống trung bình của người dân chỉ trên dưới vài trăm Mỹ kim một tháng. Nếu không trục lợi một cách phi pháp trên mồ hôi, công lao khó nhọc của người dân Việt Nam, chắc chắn lãnh đạo CSVN không thể có được những cơ ngơi sang trọng, kếch xù đến như vậy, sau vài năm cầm quyền, mà ngay cả rất nhiều người tỵ nạn gốc Việt có học thức, đã xây dựng cơ ngơi hàng chục năm nay, cán bộ cao cấp tại các hãng xưởng tại hải ngoại cũng chưa chắc đã có được.

Để chống tham nhũng hiệu quả

Thực tế đã phản bác lại hoàn toàn các tuyên bố các giới chức cao cấp CSVN về thành quả chống tham nhũng. Nếu muốn chống tham nhũng một cách thật sự hiệu quả, các giới lãnh đạo cao cấp nhất đảng CSVN cần phải làm:
  • Tư hữu hóa hay giải tán các tổng công ty quốc doanh thua lỗ. Giải tán các Ban Quản Trị, cách chức, kỷ luật các viên Tổng giám Đốc, Giám Đốc bất tài, tham nhũng.
  • Tiến hành kê khai tài sản trong Việt Nam và tại các quốc gia khác, của mọi thành phần cán bộ lãnh đạo. Tiến hành điều tra độc lập trong trường hợp tổng số tài sản thụ đắc (bất động sản, vốn đầu tư, số tiến ký thác tại các trương mục ngân hàng,..) vượt quá so với mức lợi tức hợp pháp có được.
  • Ngưng ngay mọi vụ giải tỏa mặt bằng, truất hữu, cưỡng chiếm đất đai của người dân. Tiến hành bồi thường thỏa đáng cho dân oan.
  • Nghiêm trị các thành phần phạm pháp bằng cách truất hữu các tài sản phi pháp của họ và gia đình họ.
  • Ký kết gia nhập Toà Án Hình Sự Quốc Tế và thực hành công ước Liên Hiệp Quốc Chống Tham Nhũng mà Việt Nam đã ký kết từ hơn 12 năm nay.
Người ta hầu như chắc chắn là lãnh đạo CSVN hoàn toàn không có thực tâm để tiến hành các đề nghị cụ thể trên, vì chắc chắn sẽ đụng vào quyền lợi cốt lõi của họ.

Vấn đề tham nhũng tại Việt Nam gắn liền với sự độc tôn cai trị của Đảng CSVN và quyền lợi các thành phần lãnh đạo đảng CSVN và gia đình họ.

Ngày nào đảng CSVN còn tồn tại, ngày đó hòan toàn không thể trông chờ các thành quả đáng kể nào trong vấn đề chống quốc nạn tham nhũng tại Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Bảo