20.12.2015

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (20.12.2015)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (20.12.2015) 
Úc – Nhật đồng quan điểm về vấn đề Biển Đông
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Tokyo hôm 18/12/2015.  AFP

Theo tin từ Nikkei Asian Review loan tải, ngày 18.12.2015, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã công du Tokyo và đã hội đàm với đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe. Nhân dịp này lãnh đạo hai nước đã tái khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác quốc phòng đồng thời chống lại các hoạt động bồi đắp, xây dựng tại Biển Đông, đặc biệt là của Trung cộng.


Lần đầu tiên hai chính phủ có mối quan tâm chung tới vấn đề Biển Đông. Trong một bản thông cáo chung công bố sau cuộc họp, hai Thủ tướng Nhật Bản và Úc đã bày tỏ lập trường « phản đối mạnh mẽ mọi hành động mang tính chất cưỡng bức hay đơn phương có tác dụng làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông ».
Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi mọi bên tranh chấp « đình chỉ các hoạt động bồi đắp hoặc xây dựng trái phép trên bình diện rộng », không sử dụng các thực thể tại các khu vực trên vào mục đích quân sự. Theo giới phân tích, dù không nêu đích danh Trung cộng, nhưng lời kêu gọi này rõ ràng nhắm vào Trung cộng.
Hai Thủ tướng Nhật và Úc đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, thực thi các biện pháp nhằm giảm căng thẳng và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không.
Hai bên cũng đồng thuận về hoạt động trao đổi quân sự, các cuộc tập trận giữa Úc và Nhật cũng được nhắc tới và đồng thời khuyến khích các nước nỗ lực hướng tới việc ký kết Bộ ứng xử Biển Đông gọi tắt là COC.
Một viên chức của Nhật Bản cho hãng tin Reuters biết, trong cuộc họp thượng đỉnh, ông Turnbull cũng hoan nghênh việc Nhật Bản tham gia đấu thầu xây dựng một hạm đội tầu ngầm mới của Úc. Quyết định chính thức sẽ được Canberra công bố vào năm tới.
Tổ hợp công ty Nhật Bản Mitsubishi Heavy Industries được nhà nước hậu thuẫn và Kawasaki Heavy Industries đang cạnh tranh với công ty Thyssen Krupp của Đức và DCNS của Pháp.
  
Trung Quốc phản ứng gay gắt: B-52 Hoa Kỳ bay sát đảo đá Châu Viên (Cuarteron Reef) trên Biển Đông


B-52 của quân độiHoa Kỳ.  Creative commons / US Air Force
Bộ Quốc phòng Trung cộng đã tố cáo một « Hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng, làm phức tạp tình hình chung tại Biển Đông » và góp phần vào việc « quân sự hóa khu vực ». Phản ứng giận dữ nói trên được đưa ra sau khi một oanh tạc cơ B-52 của Mỹ bay qua không phận bên trong vùng 12 hải lý của Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), một trong những hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh vừa bồi đắp tại Biển Đông. Washington đã giải thích đó chỉ là một sự việc « vô tình ».
.Trên trang web của mình, Bộ Quốc phòng cộng nói rõ : « Ngày 10 tháng 12 vào buổi sáng, hai oanh tạc cơ Mỹ B-52 đã xâm phạm trái phép không phận quần đảo Nam Sa và vùng biển tiếp giáp của Trung Hoa ». Nam Sa là tên Bắc Kinh đặt cho quần đảo Trường Sa.
Nhật báo Mỹ Wall Street Journal vào hôm qua đã trích dẫn một số viên chức Ngũ Giác Đài cho biết là vào tuần trước, một trong hai chiếc B-52 của Mỹ, khi tiến hành một phi vụ tuần tra, vì điều kiện thời tiết xấu, đã « vô tình » bay vào khu vực chỉ cách Đá Châu Viên 2 hải lý. Đây là một trong những hòn đảo nhân tạo mà Trung cộng vừa bồi đắp trên nền tảng một rạn san hô mà họ chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa.

Nam Dương tăng cường phòng thủ Natuna trước tham vọng Biển Đông của Trung cộng

Vị trí quần đảo Natuna (Indonesia)@wikipedia
Jakarta đã đặt kế hoạch nâng cao năng lực bảo vệ các vùng biển đảo của mình ở Biển Đông, cụ thể là quần đảo Natuna với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý bao quanh đã bị đường lưỡi bò của Trung cộng ăn vào. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Nhật Bản Kyodo ngày 15.12.2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Dương Ryamizard Ryacudu đã xác nhận rằng kế hoạch trên sẽ được xúc tiến ngay vào năm tới 2016. “Quần đảo Natuna là vùng đảo bên ngoài của chúng tôi. Việc bảo vệ đảo xa của mình là một nhiệm vụ đương nhiên và hợp lý của một quốc gia”, ông nói. “Chúng tôi phải tăng cường năng lực quân sự của chúng tôi để ngăn chặn trước bất kỳ mối đe dọa nào như nạn đánh cá bất hợp pháp hoặc một cái gì đó giống như hành vi xâm nhập bất hợp pháp và nhiều loại đe dọa khác thường khác nhắm vào lãnh thổ của chúng tôi”.
Theo ông Ryamizard, Nam Dương có kế hoạch đưa một phi đội chiến đấu cơ và ba hộ tống hạm đến vùng quần đảo Natuna, tu bổ và nâng cấp căn cứ hải quân và không quân tại chỗ, đồng thời đưa thêm quân lính đến khu vực. Nam Dương hiện có khoảng 800 quân đồn trú tại trong Natuna. Vào năm tới, quân số sẽ tăng lên thành khoảng 2.000 người.

Tin tổng hợp (reuters, RFI, RFA)