23.12.2015

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 23.12.2015)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 23.12.2015)

Biển Đông: Bắc Kinh lại kêu gọi Manila « từ bỏ ảo tưởng » về vụ kiện

Dân Phi biểu tình với biểu ngữ chống Trung cộng trước tòa Đại sứ TC tại thủ đô Manila, Phi Luật Tân ngày 10.07.2015         AFP PHOTO / Jay DIRECTO

Bắc Kinh tái khẳng định sẽ không chấp nhận tham gia vụ kiện liên quan đến Biển Đông tại Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA), kêu gọi Phi Luật Tân nên « từ bỏ ảo tưởng » và hãy ngồi vào bàn thương lượng. Tân Hoa Xã hôm qua 21/12/2015 cho biết như trên.


Trả lời câu hỏi về phiên điều trần tại Tòa án Trọng tài ở La Haye theo đơn kiện của Phi Luật Tân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Hồng Lỗi tuyên bố : « Chủ quyền lãnh thổ của Trung Hoa phải do toàn dân Trung Hoa quyết định, không một ai hoặc một tổ chức nào có quyền phán quyết ».

Theo ông Hồng Lỗi, quan điểm của Trung cộng về Biển Đông « có căn cứ vững chắc dựa trên luật pháp quốc tế và bất di bất dịch ». Ông cho rằng trong phiên điều trần, Phi Luật Tân đã « làm ngơ trước thực tế, luật pháp và tư pháp quốc tế ; mưu toan phủ nhận chủ quyền của Trung Hoa tại các đảo ở Biển Đông », cũng như hiệu lực pháp lý của các Tuyên bố Cairo (giữa Mỹ, Anh, và Trung Hoa Dân Quốc trong Đệ nhị Thế chiến để đối phó với Nhật Bản) và Tuyên cáo Potsdam (về các điều kiện đầu hàng đưa ra cho Nhật Bản).

Cũng theo Hồng Lỗi, « tranh chấp giữa Phi Luật Tân và Trung Hoa tại Biển Đông chủ yếu là tranh chấp chủ quyền ». Tòa án Trọng tài Quốc tế « không có thẩm quyền trong vụ này », và vụ kiện « nhằm chối bỏ chủ quyền và lợi ích trên biển của Trung Hoa tại Biển Đông thay vì giải quyết tranh chấp ».

Theo Reuters, giới chuyên gia đều cho rằng dù muốn phớt lờ vụ kiện, nhưng Trung cộng sẽ phải trả giá đắt trên trường quốc tế, đặc biệt là trong trường hợp tòa ra phán quyết có lợi cho Phi Luật Tân.


Biển Đông ‘ổn định’ kiểu Trung cộng
Ngày 20-12, tờ Vượng Báo (Đài Loan) bình luận, từ biển Hoa Đông tới Biển Đông, Trung cộng đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan bởi vì Tokyo đang bố trí tên lửa tại các đảo tại Tây Nam Nhật Bản để “chặn yết hầu” con đường Hải quân Trung cộng ra vào Tây Thái Bình Dương.

   Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị

Một khi Biển Đông “nổi sóng”, Nhật Bản có thể khóa chặt “chuỗi đảo thứ nhất” bằng trận địa tên lửa ở đây. Theo Hãng Reuters, Tokyo đã và đang củng cố “chuỗi đảo thứ nhất” ở biển Hoa Đông bằng cách xâu chuỗi lại hệ thống trận địa tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không đặt trên 200 hòn đảo, dài tới 1.400km, từ Nhật Bản tới đảo Đài Loan để ngăn chặn Trung cộng bành trướng xuống Tây Thái Bình Dương.

Và kế hoạch kể trên của Tokyo nhận được sự ủng hộ của Washington. Đây được coi là động thái nhằm liên thủ với Mỹ, kết nối biển Hoa Đông với Biển Đông, khiến Bắc Kinh rơi vào tình thế “lưỡng đầu thọ địch”.

Giáo sư Satoshi Morimoto thuộc Đại học Takushoku cho rằng, trong 5-6 năm tới, “chuỗi đảo thứ nhất” sẽ vô cùng quan trọng trong cán cân quân sự giữa Trung cộng với Mỹ và Nhật Bản.

Giáo sư Toshi Yoshiahara thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định, Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn sự bành trướng quân sự của Trung cộng từ biển Hoa Đông ra Tây Thái Bình Dương, nâng cao khả năng cơ động của Mỹ và củng cố liên minh để đối phó với một cuộc xung đột có thể xảy ra với Trung cộng.

Học giả Kevin Maher, cựu viên chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của Trung cộng là chiếm quyền bá chủ ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Và để thoát ra khỏi “thảm cảnh” kể trên, trung tuần tháng 12, Bắc Kinh đã tiến hành tập trận đối kháng bắn đạn thật ở Biển Đông và lực lượng của 2 hạm đội Bắc Hải và Đông Hải không đi qua eo biển Đài Loan xuống Biển Đông, mà tiến thẳng tới “chuỗi đảo thứ nhất” – qua eo biển Miyako Kaikyo, vòng qua Đông đảo Đài Loan để vào Biển Đông qua eo biển Bashi.

Trước đó (14-12), tờ Vượng Báo từng bình luận, Trung cộng đang áp dụng thủ đoạn “2 rắn, 2 mềm” trong vấn đề Biển Đông kể từ khi khu trục hạm Mỹ USS Lassen tuần tra “khu vực 12 hải lý” hôm 27-10.

Theo đó, Trung cộng nâng cao năng lực vũ trang, quân sự ở Biển Đông, đồng thời thông qua các hoạt động quân sự dày đặc đòi yêu sách chủ quyền để phản ứng với các hành động của Mỹ. Tiếp đến là gia tăng lập trường về chủ quyền và tư thế của Trung cộng ở Biển Đông. Nhưng không khinh suất gây chiến và thông qua nhiều kênh đối thoại khác nhau để hóa giải những căng thẳng, xung đột với Mỹ trên Biển Đông.

Ngày 18-12, tờ Giải phóng quân đưa tin, tàu chiến, tàu ngầm và chiến đấu cơ Trung cộng vừa tập trận trên Biển Đông (16-12), mô phỏng những cuộc tấn công bằng hỏa tiễn định hướng. Trước đó (13-12), Bộ Quốc phòng Trung cộng cũng cho biết, hải quân nước này vừa tập trận trên Biển Đông. Ngày 19-12, mạng guancha.cn cho biết, Trung cộng vừa đưa vào sử dụng tàu “hải cảnh 44104”, loại 1.500 tấn, có nhiều điểm tương đồng với hộ tống hạm Type 056, để tăng cường hoạt động tại Biển Đông.

Cũng trong ngày 19-12, khi phát biểu nhân chuyến thăm Berlin, Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị cho rằng, Biển Đông đang “tương đối ổn định” và kêu gọi các nước ngoài khu vực không làm phức tạp tình hình. Cùng ngày 19-12, Bộ Quốc phòng Trung cộng đã cáo buộc Mỹ “kích động quân sự nghiêm trọng” sau khi 2 chiếc máy bay ném bom B-52 bay sát các đảo nhân tạo mà Trung cộng xây dựng trái phép ở Biển Đông hôm 10-12.

Trước đó (16-12), Thứ trưởng Ngoại giao Trung cộng Trịch Trạch Quang đã triệu Đại biện lâm thời Mỹ tại Bắc Kinh Kaye Lee để phản đối việc Washington cấp phép cho thương vụ bán vũ khí trị giá 1,83 tỉ USD cho vùng lãnh thổ Đài Loan. Cũng trong ngày 16-12, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Myles Caggins nhấn mạnh, thương vụ kể trên phù hợp với Luật Quan hệ Đài Loan và Mỹ cam kết giúp hòn đảo này duy trì năng lực phòng thủ đáng tin cậy.

Trong khi đó, Đài Bắc hoan nghênh quyết định của Washington và đây là thỏa thuận mua bán vũ khí thứ 4 dưới thời ông Mã Anh Cửu làm lãnh đạo Đài Loan và là thương vụ thứ 3 của Tổng thống Barack Obama. Theo thống kê, từ khi ông Mã Anh Cửu nhậm chức năm 2008, Mỹ đã đồng ý bán vũ khí cho Đài Loan với tổng trị giá 20 tỉ USD.

Ngày 18-12, Thủ tướng Úc Malcom Turnbull tới Nhật Bản trong chuyến công du Đông Á lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 9-2015 và đưa ra tuyên bố. Theo đó, Úc Đại Lợi sẽ tiếp tục điều máy bay tuần tra tại Biển Đông. Phó Đô đốc David Johnston nhấn mạnh, máy bay RAAF của Úc Đại Lợi đã tuần tra Biển Đông hơn 30 năm qua và sẽ tiếp tục bay đến bất cứ nơi đâu mà luật pháp quốc tế cho phép.

Trước đó (17-12), Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne tuyên bố, nước này sẽ không nhượng bộ trước sức ép của Trung cộng, bất chấp cảnh báo máy bay của Úc có thể bị bắn hạ nếu tiếp tục các phi vụ tuần tra trên Biển Đông – vẫn tiếp tục triển khai các chuyến bay do thám trên bầu trời các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông.

Thượng tướng Không quân Lưu Á Châu cho rằng, Trung Hoa lục địa sẵn sàng cùng các nước liên quan tăng cường trao đổi và thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng “vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.

Ngày 16-12, giới truyền thông Trung cộng cho biết, theo quy định mới có hiệu lực từ tháng 1-2016, việc xuất bản và trưng bày bản đồ mà không theo các tiêu chuẩn quốc gia đều bị cấm. Quy định có hiệu lực tương tự đối với các bản đồ được mang ra khỏi biên giới Trung cộng.

Giới chuyên môn coi đây là biện pháp nhằm ngăn chặn sự xuất hiện và lưu hành những bản đồ vi phạm “lập trường nhà nước về tranh chấp lãnh thổ”.