„…nhân quyền và quyền lao
động là một mục tiêu cụ thể có thể nối kết người Việt hải ngoại ở khắp mọi nơi.“
VAI TRÒ CỦA NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI TRONG
CUỘC TRANH ĐẤU CHO NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM
Luật sư Nguyễn Văn Thân
Vai trò của người Việt hải ngoại trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền ở Việt
Nam là một câu hỏi mà chính mỗi cá nhân người Việt quan tâm đến tình hình và
vận mệnh đất nước phải tự trả lời. Trong bài viết này, cá nhân chúng
tôi chỉ muốn chia sẻ và đề nghị một vài công tác cụ thể mà chúng ta có thể làm
được để góp phần đẩy mạnh phong trào tranh đấu cho nhân quyền trong nước một
cách hiệu quả hơn trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay và trong bối cảnh Việt
Nam quyết định hội nhập vào cộng đồng kinh tế thế giới.
Ngày 2.12 vừa qua, Việt Nam chính thức kết thúc đàm phán Hiệp Định Thương
Mại Tự Do với Liên Minh Châu Ấu. Với Hiệp Định này thì hai bên đồng ý xóa bỏ
99% rào cản thuế quan trong thời hạn 7 năm. Châu Âu là đối tác thương mại lớn
thứ hai của Việt Nam sau Trung Hoa cộng sản và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn
nhất của Việt Nam. Xuất khẩu Việt Nam sang Châu Âu đạt 15 tỷ Mỹ kim trong năm
2014. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt nam và Châu Âu chiếm khoảng 37
tỷ Mỹ kim so với Trung Hoa cộng sản là 60 tỷ. Nội dung của Hiệp Định này gồm có
quy định chung và cam kết mở cửa thị trường, đầu tư, phòng vệ thương mại, quy
tắc cạnh tranh công bàng và sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là hợp tác và xây dựng
năng lực và thể chế pháp lý, bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư.
Châu Âu hứa sẽ giúp Việt Nam cải thiện hệ thống tư pháp cho phù hợp với tiêu
chuẩn quốc tế và hai bên cũng cam kết hoàn tất tiến trình phê chuẩn trong thời
gian sớm nhất để Hiệp Định có hiệu lực từ đầu năm 2018.
Trong tháng 10, Việt Nam cũng đã thương lượng thành công Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương tức TPP. Theo dự đoán của một số chuyên gia thì Việt Nam
là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP với ước lượng là GDP của Việt Nam sẽ
tăng thêm 24 tỷ Mỹ kim trong năm 2020 và 34 tỷ trong năm 2025. Xuất khẩu sẽ
tăng thêm 68 tỷ trong năm 2025.
Bắt đầu từ 1.1.2016, Việt nam sẽ trở thành một phần của cộng đồng kinh tế
ASEAN khi các rào cản thuế quan trong các quốc gia thành viên hoàn toàn được
tháo dỡ tạo điều kiện cho sự luân chuyển hàng hóa và dịch vụ tự do trong Khối
theo mô hình của thị trường chung châu Âu. Ngày 5/5/2015, Việt Nam cũng đã ký
Hiệp định Thương mại tự do với Đại Hàn xóa bỏ hơn 90% các loại thuế quan trong
đó các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gồm có nông sản, hàng dệt và đồ gỗ sẽ
được hưởng lợi. Ngược lại, Việt Nam cắt giảm thuế đối với những mặt hàng công
nghiệp từ Đại Hàn như nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, phụ tùng xe
hơi và điện gia dụng.
Tóm lại, năm 2015 đánh dấu sự kiện Việt Nam mở cửa thị trường và hội nhập
quốc tế toàn diện về mặt kinh tế. Tuy chỉ mới gia nhập WTO từ 2007 nhưng Việt
Nam đã đi một bước khá xa trong tiến trình hoàn tất các hiệp định thương mại tự
do song phương và đa phương với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Thật ra
Việt Nam không còn sự lựa chọn. Thị trường nội địa không có sức phát triển.
Kinh tế Việt Nam ngày càng bị lệ thuộc vào Trung Hoa cộng sản quá nhiều. Trào
lưu hiện nay là các quốc gia trong khu vực tìm cách liên kết và giao thương để
phát triển kinh tế cũng như bảo vệ thế đứng an ninh và chiến lược lâu dài của
họ. Việt nam cũng không thoát khỏi hiện tượng toàn cầu hóa này. Ông Nguyễn Đức
Kiên Phó Chủ tịch Ủy Ban Kinh tế Quốc Hội đã phát biểu rằng Việt nam không còn
đường nào khác: “mở cửa hay là chết”.
Thuận lợi và thách thức
Lợi điểm chính của Việt Nam là có nguồn lao động trẻ và rẻ. Trên 65% dân số
ở độ tuổi dưới 35. Có gần 40 triệu sử dụng internet và facebook. Nhưng Việt Nam
phải đối diện với nhiều thách thức. Khó khăn lớn nhất là năng lực cạnh tranh
yếu kém so với đối tác trong các hiệp định thương mại tự do. Năng suất lao động
thấp, vốn liếng lãnh đạo và quản trị kinh doanh yếu kém, công nghiệp lạc hậu,
hệ thống tư pháp và hành chính quan liêu, nạn tham nhũng và bôi trơn hoành hành
có nghĩa là Việt Nam không có khả năng đuổi kịp các đối tác thương mại trong
Khối TPP hoặc Liên minh Châu Âu. Tuy xuất khẩu có thể tăng trưởng nhưng hàng
xuất khẩu chủ yếu mang tính công nghệ thấp như quần áo và dày giép. Doanh
nghiệp trong các lãnh vực này có quy mô nhỏ không thâm nhập được vào hệ thống
phân phối nên không bền vững. Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những
quốc gia có năng lực cạnh tranh cao. Nhiều doanh nghiệp VN có thể phải phá sản
nhất là trong lãnh vực nông nghiệp.
Hội nhập quốc tế cũng có nghĩa là Việt Nam chấp nhận tham gia vào “cuộc
chơi” với những chuẩn mực quốc tế bao gồm các thể chế, luật lệ, tập quán,
nguyên tắc và tiêu chuẩn chung được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhưng kiến
thức, kỹ năng, và hệ thống tư pháp và hành chính của Việt Nam còn quá lạc hậu
so với tiêu chuẩn quốc tế. Trong những ngày tháng sắp tới, đời sống kinh tế của
người dân Việt Nam sẽ đầy rẫy bấp bênh nếu không có những chính sách cải tổ
toàn diện và đột phá đi đôi với quyết định hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc
tế.
Người Việt hải ngoại
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đến năm 2012 có hơn 4 triệu người Việt
cư ngụ ở nước ngoài và sống rải rác khắp nơi trên 103 quốc gia tại các lục địa gồm
có Phi Châu, Trung Đông và Nam Mỹ. Trong số này, có hơn 80% sinh sống tại các
quốc gia tân tiến chẳng hạn như 2.200.000 tại Mỹ, 300.000 tại Úc và tại Pháp,
250.000 tại Canada, 100.000 tại Tiệp Khắc và tại Nga, 60.000 tại Anh và tại
Nhật Bản.
Trong
số này ước lượng có khoảng 400.000 người được xem là trí thức (tức là có trình độ
đại học trở lên) tương đương với 10% dân số. Đa số tập trung tại Mỹ với khoảng
150.000 trí thức, 40.000 tại Pháp, 20.000 tại Canada và 7.000 tại Úc. Úc có dân
số xấp xỉ ngang hàng với Pháp và nhiều hơn Canada nhưng lại thua xa về hạng trí
thức.
Trí
thức Việt Nam tại hải ngoại thấm nhuần chuẩn mực quốc tế và là thứ khan hiếm
tại Việt Nam. Cũng theo Bộ Ngoại giao thì hàng năm có hơn 200 trí thức hải ngoại về
Việt Nam đóng góp chuyên môn và tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu và
phát triển về khoa học, công nghệ giáo dục và đào tạo. Đa số là theo thời hạn
công tác ngắn ngày. Họ được đánh giá là thành phân chuyên gia có trình độ cao,
có kinh nghiệm làm việc nghiên cứu và quản lý trong nhiều lãnh vực. Phần lớn là
họ tự túc và tự trả chi phí. Một số còn bỏ thời gian và tiền bạc riêng làm từ
thiện trong lúc ở Việt Nam. Rõ ràng là con số 200 người này quá ít ỏi so với
400.000 trí thức tại hải ngoại.
Hàng năm có khoảng 500.000 lượt người Việt Nam về nước. Số lượng kiều hối
chuyển về tăng từ 8 tỷ Mỹ kim trong năm 2010, lên 12 tỷ trong năm 2014 và ước
lượng tới 14 tỷ trong năm 2015. Hãy thử làm một bài toán so sánh nhỏ. Trong năm
2014 GDP của Việt nam là 188 tỷ, chia cho 90 triệu dân tức khoảng $2,000 Mỹ kim
mỗi người. Giả sử như tỷ lệ kiều hối tương đương với 10% lợi tức của người Việt
hải ngoại thì GDP của 4 triệu người Việt hải ngoại là 120 tỷ tức khoảng $30.000
Mỹ kim mỗi đầu người. Có nghĩa là 4.4% dân số người Việt hải ngoại làm ra 64%
GDP của Việt Nam.
Ngày 19/5 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đã ra chỉ thị 45 của
Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị Quyết 36 trong đó có đoạn “Sau
hơn 10 năm thực hiện NQ 36, công tác đối với người Việt nam ở nước ngoài có
nhiều tiến bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng… Đến nay, một bộ phận lớn bà con
đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội…Vai trò của cộng
đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng nâng cao…là cầu nối quan hệ hữu nghị
giữa Việt Nam với các nước sở tại. Tuy nhiên việc thực hiện NQ 36 thời gian qua
còn một số hạn chế, bất cập…Trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng
sâu rộng, cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng cả về số
lượng và địa bàn cư trú, có cuộc sống ổn định, có tiềm lực về tri thức và kinh
tế, có vị trí ảnh hưởng trong xã hội nước sở tại. Tình hình quốc tế trong nước
và những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc trong thời gian tới
đòi hỏi công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần được tăng cường, hỗ
trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát triển vững mạnh, nâng
cao uy tín, tham gia tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác
giữa VN và các nước sờ tại, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ Quốc”.
Trong chiều hướng đó, chỉ thị 45 đặc biệt nhắm tới chính sách thu hút, sử
dụng chuyên gia trí thức người Việt nam ở nước ngoài qua công tác tuyên truyền
bằng nhiều hình thức như các kênh phát thanh, truyền hình, truyền hình mạng
IPTV hoặc hệ thống truyền hình ngay tại các nước sở tại và xây dựng mạng lưới
chuyên gia người Việt nam ở hải ngoại. Trong buổi hội thảo “Phát huy sức
mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi
mới đất nước, hội nhập quốc tế” do Ban Thường trực UBTƯ MTTQVN, Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và báo Nhân Dân phối hợp tổ chức ngày 9/11 vừa
qua, ông Nguyễn Phú Bình Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài đề
nghị nghiên cứu để tiến tới việc cho người Việt ở nước ngoài được thực hiện
quyền bầu cử và ứng cử. Cũng trong khoảng thời gian diễn ra cuộc cuộc hội thảo
này, Luật sư Vũ Đức Khanh, hiện sống và làm việc tại Canada và là Phó Tổng Thư
ký của Đảng Dân chủ Việt Nam cho biết ông nhận được điện thoại từ một lãnh đạo
rất cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, đề nghị cho biết ý kiến về tiến trình
dân chủ tại Miến Điện sau khi đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn
trong cuộc bầu cử vừa qua tại Miến Điện. Luật sư Khanh cho biết thêm là cuối
buổi nói chuyện, vị lãnh đạo Việt Nam này nói rằng ông hy vọng một ngày không
xa Luật sư Khanh có thể ra tranh cử tại Việt Nam. Trả lời báo chí Việt ngữ,
Luật sư Khanh phát biểu: “Tôi nghĩ rằng chính phủ Hà nội cũng đã có
những kế hoạch để mở rộng cái khung chính trị ở Việt Nam, để mà có thể cho một
số người Việt ở nước ngoài tham gia vào chính trường Việt Nam”.
Tóm lại là trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều công tác thâm nhập sâu rộng
từ VN trong cộng đồng người Việt hải ngoại khắp nơi trong đó có Úc Châu. Câu
hỏi đặt ra là chúng ta nên phản ứng thế nào và đóng vai trò gì trước những động
thái như vậy của nhà cầm quyền CSVN từ trong nước.
Nhân quyền và phát triển
Lịch sử nhân quyền có thể được xem qua từng giai đoạn. Thứ nhất gồm có
quyền chính trị và dân sự như tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Thứ hai là
quyền kinh tế và xã hội gồm có quyền lao động, y tế và giáo dục. Thứ ba là nhân
quyền tập thể như quyền môi sinh và quyền tự quyết (self determination). Trong
quá khứ, các cuộc tranh đấu cho nhân quyền nhất là ở Việt Nam chú trọng vào
quyền dân sự và chính trị ví dụ như qua những vụ blogger hoặc các nhà bất đồng
chính kiến bị bắt rồi trục xuất khỏi VN như Ls Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn
Văn Hải và gần đây hơn là Tạ Phong Tần. Nhưng quyền kinh tế và xã hội cũng quan
trọng không kém vì những quyền này không trừu tượng mà thiết thực gắn liền với
đời sống hàng ngày của người dân đặc biệt là những thành phần nghèo khổ nhất
trong xã hội. Khái niệm nhân quyền có tính phổ quát, bất khả xâm phạm, tương
quan với nhau và không thể tách rời.
Bằng chứng không thể chối cãi được là tại các quốc gia tân tiến có chính
sách và cơ chế tôn trọng nhân quyền như Mỹ, Úc và Châu Âu thì kinh tế và xã hội
phát triển tốt đẹp theo đúng nghĩa dân giàu, nước mạnh. Nơi nào chà đạp nhân
quyền như Bắc Hàn, Việt Nam và Trung cộng thì kém phát triển hoặc phát triển
không bền vững vì nạn tham nhũng và phá hủy môi trường. Vì vậy, có thể nói nhân
quyền là nền tảng của sự phát triển. Nơi nào chính quyền biết tôn trọng nhân
quyền thì nơi đó người dân mới có điều kiện phát huy hết tiềm năng, nâng cao
năng suất lao động, phát triển đời sống kinh tế cho bản thân và gia đình của họ
cũng như đóng góp tích cực cho xã hội và đất nước.
Nhân quyền và dân chủ là hai khái niệm tương quan với nhau. Một thể chế tôn
trọng nhân quyền và có tổ chức bầu cử thường xuyên cho phép mọi người dân bỏ
phiếu chọn lực thế lực chính trị lãnh đạo là những yếu tố cần thiết cho một xã
hội dân chủ. Chỉ trong một xã hội dân chủ thì nhân quyền mới được bảo vệ một
cách đầy đủ và đúng nghĩa. Do đó, tranh đấu cho nhân quyền có nghĩa là tranh
đấu cho một thể chế dân chủ đa nguyên mà trong đó mọi thế lực chính trị cạnh
tranh lành mạnh và công bằng để giành quyền bính. Sự tương quan giữa nhân quyền
và dân chủ được ghi nhận trong Điều 21(3) của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là
“Ý chí của người dân là nền tảng quyền lực chính quyền. Ý chí này phải được
thể hiện qua các cuộc tổng tuyển cử thường xuyên và chân thật qua những lá
phiếu kín có giá trị bằng nhau hoặc qua một thủ tục phổ thông đầu phiếu tương
tự“.
Hiện nay, nhà cầm quyền CSVN đứng trước một cuộc khủng hoảng và mâu thuẫn
ý thức hệ trầm trọng. Một mặt là chọn hội nhập và chấp nhận các chuẩn mực
quốc tế gồm có cạnh tranh công bằng và minh bạch để phát triển kinh tế. Mặt
khác là tiếp tục duy trì thể chế độc quyền đảng trị mà thể chế đó chính là đầu
mối sinh ra và dung dưỡng vấn nạn tham nhũng cản trở mọi sự phát triển. Tổng
Thư Ký Ban Ki-moon (Phan Cơ Văn) mà theo một số nguồn tin từ Việt nam là người
gốc Việt thuộc dòng họ Phan Huy giàu truyền thống văn chương và khoa bảng ở Hà
Tĩnh trong tháng 5-2015 đã tới thăm và lưu lại tại nhà
thờ dòng họ Phan Huy trong khoảng 45 phút. Tại đây ông thắp hương,
ngồi viết lưu bút và chụp ảnh lưu niệm. Nhận xét về tham nhũng, ông Ban Ki-moon
từng phát biểu rằng “Tham nhũng dẫn đến sự xâm phạm nhân quyền. Nó xói mòn
niềm tin nơi chính quyền. Thậm chí nó cũng có thể tạo ra án mạng – ví dụ như
các viên chức tham nhũng cho phép dược phẩm bị pha trộn hoặc nhận hối lộ để
khủng bố có thể giết người vô tội”. Tương tự như vậy, bà Navi Pillay Cao ủy
Nhân quyền LHP cũng xác nhận “Tham nhũng giết chết người. Số tiền bị đánh
cắp vì tham nhũng hàng năm có thể nuôi 80 lượt những người đói khổ. Gần 900
triệu người hàng năm bị đói đa số là trẻ con. Tham nhũng tước đoạt thực phẩm và
cuộc sống của họ”. Do đó, chống tham nhũng, độc quyền cũng là trách nhiệm
của những chiến sĩ tranh đấu và bảo vệ nhân quyền.
Có lẽ là có nhiều người Việt ở hải ngoại mong được góp phần vào công cuộc phát triển và dân chủ hóa đất nước. Câu hỏi
là bằng cách nào? Tốt
nhất và khả thi nhất là góp phần đẩy mạnh phong trào tranh đấu cho nhân quyền
và thực thi quyền con người trong nước trong đó có nỗ lực chống độc quyền và
tham nhũng. Bình đẳng (equality), minh bạch (transparency) và giải trình
(accountability) là 3 nguyên tắc nhân quyền và chuẩn mực quốc tế khá quen thuộc
đối với đại đa số người Việt hải ngoại. Chúng ta không cần và cũng không thể
thống nhất về mặt tổ chức nhưng có thể thống nhất mục tiêu. Các tổ chức chú
trọng vào nỗ lực tranh đấu cho tự do ngôn luận và bảo vệ các nhà bất đồng chính
kiến hoặc tập trung vào tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng thì cứ tiếp tục như
vậy. Những tổ chức khác có thể nhắm vào các hình thức nhân quyền về kinh tế và
xã hội như quyền lao động, quyền lập hội hoặc công đoàn độc lập hoặc, hoặc bảo
vệ môi sinh và sức khoẻ công cộng.
Làm sao để đẩy mạnh chuẩn mực quốc tế
nhân quyền ở Việt Nam? Chúng ta có thể luận bàn tới 3 phương hướng đó là yểm trợ người dân trong
nước có phương tiện tiếp cận công lý (access to justice), tiếp cận kiến thức (access to knowlegde)
và tiếp
cận thông tin (access to information).
Trong một năm qua, Tổ chức Yểm trợ Nhân quyền Úc Châu – Human Rights Relief
Foundation (HRRF) đã tiến hành các dự án yểm trợ người trong nước tiếp cận công
lý hoặc ít ra là hệ thống công lý dù cho hệ thống này còn nhiều bất cập và bất
công. Với sự tài trợ của HRRF, một văn phòng luật sư nhân quyền ở Hà nội gồm có
2 luật sư và một vài sinh viên luật tập sự nhận ký hợp đồng tư vấn pháp lý miễn
phí cho những người bị bắt hoặc có thể bị bắt dưới các Điều luật Hình sự 79, 88
hoặc 258, hoặc những người dân oan mất đất hoặc những người biểu tình phản đối
hành vi phá hủy môi trường như đốn chặt cây xanh ở Hà Nội. Ngoài ra, HRRF cũng
tài trợ cho nhóm UPR Việt Nam tiến hành một số khoá huấn luyện về cơ chế nhân
quyền LHQ yểm trợ người trong nước tiếp cận những kiến thức căn bản về nhân
quyền. Thật ra thì đây chỉ là bước đầu và còn rất giới hạn. Những công tác này
đòi hỏi rất nhiều nỗ lực liên tục của nhiều người chớ không phải chỉ một vài
người hoặc một vài nhóm.
TPP và nhân quyền
Chương 19 của Hiệp định TPP quy định quốc gia thành viên phải gia nhập
thành viên Tổ chức Lao động Quốc tế ILO và thực thi các Công ước Lao động Quốc
tế. Có nghĩa là các thành viên phải ban hành luật bảo đảm quyền lao động mà họ ký
kết. Tranh chấp về quyền lao động dưới chương này sẽ được giải quyết theo thủ
tục Hòa giải của Chương 28.
TPP quy định các quốc gia thành viên ban hành hoặc điều chỉnh luật lao động
phù hợp với Công ước ILO trong đó gồm có bảo đảm quyền tự do thành lập công
đoàn, thương lượng tập thể, ngăn cấm mọi sự kỳ thị nơi làm việc, ấn định mức
lương tối thiểu, ấn định giờ giấc và bảo đảm an toàn nơi làm việc. Nguyên tắc
minh bạch sẽ được áp dụng gồm có quy định các thành viên phải phổ biến rộng rãi
luật lao động và các công tác thực thi. Bất cứ ai cũng có quyền nêu vấn đề về
quyền lao động với thành viên TPP. Thành viên có trách nhiệm trả lời hoặc giải
trình trong một thời hạn hợp lý và phổ biến việc này nếu thích hợp.
Thành viên TPP đồng ý thành lập một Hội đồng Lao động gồm có đại diện của
mỗi quốc gia. Hội đồng có trách nhiệm xây dựng cơ chế hợp tác, tạo điều kiện để
công chúng tham gia về việc phổ biến và thực thi quyền lao động cũng như theo
dõi công tác thi hành để bảo đảm các điều lệ về quyền lao động dưới Chương 19
được thực thi một cách có hiệu quả.
Mỗi thành viên cũng đồng ý thành lập một cơ chế quốc gia có trách nhiệm
điều hành và thực thi quyền lao động. Quốc gia thành viên cũng phải thành lập
một tổ chức tư vấn để công chúng có thể đề đạt ý kiến về quyền lao động.
TPP cũng có riêng một chương về minh bạch và chống tham nhũng là Chương 26
yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ nguyên tắc minh bạch trong tiến trình
làm luật và thực thi luật pháp cùng với chính sách nhà nước. Mọi văn bản luật
pháp và hành chính gồm có các đạo luật, sắc luật, sắc lệnh, điều lệ và thủ tục
liên quan tới TPP phải được phổ biến rộng rãi để mọi người có cơ hội đóng góp ý
kiến. Mọi tiến trình pháp lý hoặc hành chính liên quan tới quyền lợi của cá
nhân hoặc nhóm bị ảnh hưởng thì họ phải được thông báo trước và cho cơ hội phản
bác hoặc trình bày quan điểm. Quốc gia thành viên phải thành lập tòa án và thủ
tục pháp lý cho phép cá nhân hoặc các nhóm liên hệ đệ đơn khiếu nại quyết định
ảnh hưởng tới quyền lợi của họ. Thành viên cũng phải cung cấp thông tin cho các
quốc gia đối tác về mọi quyết định hoặc sự kiện có thể ảnh hưởng tới quyền lợi
của các quốc gia đối tác đó ví dụ như khi có quyết định dẫn đế tình trạng cạnh
tranh không công bằng hoặc cố tình phá giá, gồm có giá lao động.
Ngoài ra, quốc gia thành viên cam kết gia nhập Công ước Chống Tham nhũng
Liên Hiệp Quốc 2003. Quốc gia thành viên phải ban hành và thực thi luật chống
tham nhũng với hình phạt thích đáng và các biện pháp ràng buộc về lưu giữ dữ
kiện tài chánh, phổ biến báo cáo tài chánh theo đúng tiêu chuẩn quốc tế về kế
toán và kiểm toán. Quốc gia thành viên cũng được khuyến khích tạo điều kiện cho
các tổ chức cộng đồng hoặc xã hội dân sự tham gia vào nỗ lực chống tham nhũng
ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư. Cơ chế Hòa giải Tranh chấp sẽ áp dụng khi
có một quốc gia thành viên không tuân thủ các điều lệ này.
Những công tác cụ thể
Thách thức lớn nhất cho người Việt hải ngoại là làm sao bảo đảm những gì
nhà cầm quyền CSVN cam kết về TPP sẽ được thực thi đúng đắn và đầy đủ trên thực
tế. Trong quá khứ họ đã ký kết nhiều Công ứớc Nhân quyền và Lao động với Tổ
chức Lao động Quốc tế ILO nhưng chưa bao giờ thật sự thi hành những cam kết đó.
Trong thời gia sắp tới, TPP sẽ được Ủy ban Quốc hội Úc và Hoa Kỳ duyệt xét
trước khi phê chuẩn. Mỹ, Úc và Canada là 3 quốc gia thành viên TPP có đông
người Việt cư ngụ với dân số tổng cộng gần 3 triệu người. Cộng đồng mỗi nơi nên
nghĩ tới việc thành lập ngay các ủy ban đặc nhiệm phụ trách TPP cũng như vận
động và tài trợ một ủy ban TPP ngay trong nước. Ủy ban làm việc tại mỗi quốc gia nhưng
cũng liên kết với nhau chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm vận động chính trường
với mục tiêu là bảo đảm Việt Nam thật sự thực thi cam kết TPP về quyền lao động
và nguyên tắc minh bạch. Đây sẽ là một lãnh vực mà người Việt hải ngoại và
trong nước có thể hợp tác làm việc chung với nhau trên tầm vóc quốc tế.
Thứ
hai là yểm trợ hoặc tài trợ pháp lý tương tự như mô hình văn phòng luật sư
nhân quyền yểm trợ tù nhân lương tâm hoặc dân oan. Chúng ta có thể tài trợ cho
những dự án hoặc văn phòng luật sư giúp đỡ các tổ chức công đoàn độc lập cũng
như tập thể công nhân bị bóc lột, bạc đãi đặc biệt là bởi các công ty ngoại
quốc như Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Hiện nay trong nước có một nhóm nhỏ
làm việc cho lao động Việt như ông Trương Minh Đức và cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Cuối
tháng trước, ông Đức và cô Hạnh đã bị công an bắt và đánh đập chỉ vì họ mời
luật sư gặp và tư vấn pháp lý cho 2000 công nhân Việt nam bị công ty Yopoong
của Hàn Quốc sa thải mà không được bồi thường thích đáng. Hệ thống luật pháp
Việt nam chưa hoàn thiện và chưa có thủ tục class action nhưng một văn phòng
luật sư có thể đại diện cho tập thể công nhân tiến hành kiện công ty đồi bồi
thường cho công nhân nếu công ty đó vi phạm hợp đồng lao động.
Thứ
ba là yểm trợ hoặc tài trợ phương tiện kiến thức. Hiện nay, các tổ chức xã hội dân sự
cũng như nghiệp đoàn độc lập trong tương lai cần được giúp đỡ về việc thành
lập, quản trị và điều hành một tổ chức phi chính phủ một cách hữu hiệu.
Chúng ta có thể tài trợ cho các khoá huấn luyện quản trị và lãnh đạo
(management và leadership courses) giúp các tổ chức điều hành và liên kết hiệu
quả hơn. Các hình thức sinh hoạt của một đoàn thể, tổ chức công ty như họp định
kỳ hàng tháng, nghị trịnh, biên bản, báo cáo tài chánh, kế hoạch gây quỹ và thu
hút thành viên có thể quen thuộc đối với chúng ta nhưng chưa phổ biến và thông
dụng trong nước. Chúng ta có thể mời một số người có khả năng và kinh nghiệm
thực hiện các khoá huấn luyện này qua internet hoặc skype hoặc tài trợ cho một
nhóm người trong nước thực hiện các khoá huấn luyện này. Chúng ta có thể vận
động với Tổng Công đoàn Úc ACTU để đưa những người có khả năng lãnh đạo nghiệp
đoàn sang Úc làm internship học hỏi kinh nghiệm ví dụ như hiện nay có anh
Nguyễn Anh Tuấn là một thành viên của VOICE đang làm internship với Dân biểu
Chris Hayes. Công việc của anh gồm có theo ông Hayes ra vào Quốc hội Liên bang
và làm quen với hệ thống quyền lực và hành lang lập pháp của Úc. Trong tương
lai, hy vọng là anh sẽ có cơ hội chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm quý báu
này với nhiều người trong nước về tiến trình thực thi dân chủ mà trong đó mọi
người dân bình thường hiểu được phương cách vận hành của các cơ chế quyền lực.
Thứ
tư là yểm trợ tiếp cận thông tin. Chúng ta có thể yểm trợ hoặc tài trợ
cho các trung tâm nghiên cứu hoặc viện nhân quyền gồm có quyền lao động dưới
TPP. Có thể tài trợ cho các ủy ban TPP tại Uc, Mỹ, Canada và Việt Nam thành lập
một trang mạng song ngữ chuyên biệt về TPP và quyền lao động. Mọi tin tức liên
quan tới quyền lao động được cập nhật kịp thời. Chúng ta có thể tài trợ cho
việc in ấn một cuốn cẩm nang nhỏ về quyền lao động và phân phát cho mọi giới
công nhân ở Việt Nam. Cũng nên nghĩ tới việc khuyến khích doanh nhân Việt hải
ngoại trong các nước TPP đầu tư vào thị trường truyền thông tư nhân ví dụ như
báo điện tử tư không nằm dưới sự kiểm soát của nhà cầm quyền. Việt Nam có thể
đặt rào cản không cho phép báo chí tư nhân đối với những người trong nước nhưng
không thể ngăn cản chúng ta làm việc đó. TPP cũng có chương 14 thúc đẩy
doanh nghiệp điện tử (Electronic Commerce). Điều 14.4 của TPP quy định là các
quốc gia thành viên không được đối xử bất lợi với các loại sản phẩm điện số
(digital products) mà tác giả là công dân của các quốc gia thành viên TPP. Các
tờ báo ở hải ngoại có thể mướn ký giả trong nước gửi tin qua mạng. Ít nhất là
nên nghĩ tới việc thành lập một tờ báo kinh tế song ngữ Anh Việt (tương tự như
tờ The Economist) giúp chuyển thông tin hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia
TPP.
Tóm lại, nhân
quyền và quyền lao động là một mục tiêu cụ thể có thể nối kết người Việt hải
ngoại ở khắp mọi nơi. Những nguyên tắc của nhân quyền như bình đẳng, minh bạch và giải trình đều
là những chuẩn mực mà mọi người gồm có thế hệ trẻ Việt nam tại hải ngoại có thể
chia sẻ và cảm nhận được dễ dàng. Nhân quyền có thể giúp chúng ta liên kết
không phân biệt chính kiến, tôn giáo, địa lý hoặc tuổi tác. Riêng tại Úc, Đạo
luật Từ thiện ra đời và có hiệu lực từ ngày 1.1.2014. Dưới Đạo luật này, tranh
đấu và yểm trợ cho nhân quyền được luật pháp công nhận có tính từ thiện. Mới
đây, Tổ chức Yểm trợ Nhân quyền HRRF đã được hưởng quy chế từ thiện DGR có hiệu
lực từ ngày 2.7.2015. Tức là những mạnh thường quân đóng góp tài chánh cho HRRF
sau ngày 2.7.2015 có thể lấy biên nhận khấu trừ khi đi khai thuế. Có nghĩa là
tranh đấu cho nhân quyền có sự yểm trợ của Sở Thuế Úc, chính phủ Úc và người
dân Úc.
Mục tiêu nhân quyền
đặt vai trò trọng tâm của người dân trong nước. Một khi có một số
đông người dân bình thường vượt qua sợ hãi đứng lên đòi lại quyền làm người thì
ngày đó chế độ độc quyền đảng trị phải lui vào bóng tối vì độc quyền không thể
tồn tại cùng với nhân quyền.
Trong buổi sinh hoạt ngày 30.10 vừa qua của Tổ chức Yểm trợ Nhân quyền, chí
sĩ Võ Đại Tôn có phát biểu rằng “hoàn cảnh đất nước đòi
hỏi mọi người chúng ta hy sinh cho Tổ Quốc. Không làm được thợ chính thì làm
thợ phụ”. Có lẽ là tất cả chúng ta đều làm thợ phụ. Người dân trong nước mới
đóng vai chính. Mỗi người chúng ta nên đóng góp tùy theo hoàn cảnh, khả năng và
điều kiện của mình. Người Việt hải
ngoại đều diễn viên phụ nhưng phải diễn hết mình, vì đó chính là điều mà
tổ quốc Việt Nam đang cần ở chúng ta trong thời khắc này.
N.V.T.
Sydney 12.12.2015
Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 67
Tác giả gửi BVN