31.12.2015

Việt Nam 2015 - Vài nét đậm - Nguyễn Vũ Bình

„…sự cạn kiệt nguồn lực, quá trình dồn nén cùng cực của người dân và đồng minh lớn Trung cộng trở mặt là ba yếu tố quan trọng nhất đưa tới quá trình sụp đổ không tránh khỏi của chế độ cộng sản Việt Nam.“
Việt Nam 2015 - Vài nét đậm
Nguyễn Vũ Bình, viết từ Hà Nội
                                Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 14/08/2015. AFP
Năm 2015 là một năm đặc biệt của Việt Nam, so với năm bảy năm trở lại đây. Điều đặc biệt này được cộng hưởng từ nhiều yếu tố, nhưng có hai yếu tố cơ bản chi phối những yếu tố khác và quyết định diện mạo cũng như xu hướng của đất nước trong tương lai gần. Yếu tố thứ nhất, chế độ cộng sản Việt Nam đang bước đi những bước cuối cùng trong chu kỳ tồn tại của nó. Yếu tố thứ hai, sức mạnh của truyền thông lề dân, vừa là quá trình công khai hóa, tự do hóa ngôn luận, vừa là mặt trận phản biện xuất sắc, đang dần dần thay thế vai trò định hướng và dẫn dắt dư luận của truyền thông quốc doanh.
Những bước cuối cùng của đảng cộng sản

Trước hết, xu hướng thay đổi thể chế ngày càng rõ nét, đặc biệt trong một vài tháng trở lại đây. Như chúng ta đều biết, sự cạn kiệt nguồn lực, quá trình dồn nén cùng cực của người dân và đồng minh lớn Trung cộng trở mặt là ba yếu tố quan trọng nhất đưa tới quá trình sụp đổ không tránh khỏi của chế độ cộng sản Việt Nam. Trong thời gian gần đây, đã xuất hiện những biểu hiện rõ nét hơn, trực tiếp và cụ thể hơn, để củng cố và khẳng định, chế độ cộng sản Việt Nam đang bước đi những bước cuối cùng trong chu kỳ tồn tại của nó.
Đầu tiên, đó là việc một số ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Đây thực chất là những ngân hàng mà dư nợ của nó đã vượt quá vốn pháp định, và đó là những ngân hàng đã phá sản. Nhưng nhà nước Việt Nam đã không dám để những ngân hàng này tuyên bố phá sản, họ sợ gây ra tâm lý hoảng loạn và sụp đổ hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đứng ra mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng, chịu trách nhiệm về các khoản nợ của những ngân hàng này. Điều đáng lo ngại là, các ngân hàng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, hoặc có khá hơn chút ít, tức vẫn còn số vốn lưu động để tồn tại qua ngày.  Như vậy, hệ thống ngân hàng của Việt Nam coi như đã phá sản, các thủ thuật nhằm che mắt khách hàng và người dân chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa mà thôi.
Vấn đề tài chính, cụ thể là ngân sách các địa phương, đã bắt đầu kêu cứu. Từ đầu tháng 12/2015 tới nay, đã có một số địa phương lên tiếng về nguồn ngân sách cạn kiệt, không còn tiền chi cho cán bộ và các hoạt động của đơn vị. Đó là các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, 14 bệnh viện của tỉnh Đắc lăk, bệnh viện Hải Phòng, và gần đây nhất là một huyện của tỉnh Hà Tĩnh. Đây không phải là tình trạng cá biệt, các địa phương khác, trừ một số thành phố lớn (Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng..) đều lâm vào tình trạng tương tự, nhưng chưa tới mức kêu cứu.
Sự khó khăn của nền kinh tế, sự lạm quyền của các cá nhân trong bộ máy cai trị, điển hình là lực lượng công an, đã dẫn tới một hiện tượng đặc biệt, cán bộ công an cướp tiền của dân. Sự việc xảy ra tại xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Chị Lữ Thị Miền, đi vay tiền để sản xuất kinh doanh, gặp tổ công tác của công an xã Châu Hoàn đi tuần. Tổ công tác của công an xã Châu Hoàn đã yêu cầu dừng xe chị Miền, và khám xét, sau đó thu giữ số tiền hơn 90 triệu đồng, không hề có giấy tờ biện nhận việc thu giữ, thậm chí còn dọa bỏ tù và ép chị Miền viết biên nhận nhận đủ số tiền bao gồm cả hơn 90 họ đã thu giữ. (tất cả chi tiết vụ việc có trên báo Dân Trí trong đường links sau: http://dantri.com.vn/ban-doc/cong-an-xa-va-huyen-bi-to-trang-tron-tran-t...)

Sự việc trên là cá biệt, nhưng nó lại phản ánh rõ nét sự hỗn loạn cũng như tính chất bạo ngược của các cơ quan công quyền, một chỉ dấu cho thấy sự rữa nát của chế độ, cũng như hồi chuông cáo chung cho sự tồn tại của nó.
Quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam còn thể hiện bằng quá trình tranh giành quyền lực, đấu đá bất tận trong nội bộ trước Đại hội toàn quốc đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII. Khác với các kỳ đại hội trước đây, dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội, được viết và xin ý kiến nhân dân một cánh qua quýt. Về nội dung báo cáo chính trị hầu như không  có gì khác với các kỳ đại hội trước đây. Tất cả thời gian và sức lực của các phe phái tập trung vào việc bài binh bố trận tranh giành quyền lực. Sự giằng co của các phương án nhân sự quyết liệt và gay gắt tới mức một hội nghị trung ương (hội nghị trung ương 13) cũng chưa giải quyết nổi, có thể còn một hội nghị trung ương nữa cho việc này. Không loại trừ quá trình đấu đá sẽ dẫn tới những đột biến trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, và có thể, chính sự đột biến này sẽ dẫn tới việc kết thúc độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam.
Sức mạnh của mạng xã hội

Mạng xã hội facebooks, phương thức hoạt động của truyền thông lề dân, từ chỗ chỉ là phương tiện để cá nhân chia sẻ, thể hiện bản thân đã và đang trở thành một diễn đàn phản biện hiệu quả và trào lưu xã hội rất đáng quan tâm.
Điều đầu tiên, mạng xã hội facebooks là nơi chia sẻ thông tin vô cùng nhanh nhậy, đa dạng và phong phú. Trong phạm vi nào đó, nó chính là sự công khai hóa xã hội đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Nhưng điều mà mạng xã hội, truyền thông lề dân làm được còn là phản biện vô cùng hiệu quả các chính sách, quan điểm, hành động và phát ngôn của các cơ quan, các tập thể và cá nhân giữ trọng trách, có ảnh hưởng tới xã hội. Chúng ta chứng kiến thành quả phản biện xã hội của truyền thông lề dân thông qua mạng xã hội facebooks như: vụ chị ve chai nhặt được 5 triệu yên Nhật, vụ tàn sát cây xanh Hà Nội, vụ Tân Hiệp Phát, vụ phạt người nói xấu chủ tịch tỉnh, vụ báo Thanh Niên bịa đặt chuyện học sinh nhận tiền nghỉ học giữ đất... rất nhiều ví dụ cho thấy hiệu quả sự phản biện của người dân trên diễn đàn mạng xã hội. Quan trọng hơn, diễn đàn mạng xã hội đã thức tỉnh hàng triệu người thông qua những thông tin và việc lập luận, lý giải những thông tin bằng sự phản biện của truyền thông lề dân, mà nòng cốt là những người thuộc phong trào dân chủ Việt Nam.
Có thể nói, mạng xã hội đã đóng vai trò cốt yếu trong việc chuyển hóa tư tưởng của người dân một vài năm vừa qua. Khi tư tưởng của người dân đã và đang chuyển biến với tốc độ hiện nay, thì quá trình sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam sẽ ngày càng được rút ngắn. Bước ngoặt của Việt Nam chắc chắn sẽ tới trong một tương lai gần.
Hà Nội, ngày 29/12/2015
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, viết từ Hà Nội