Thị trấn kiểu mẫu về hội nhập thành công người tị nạn
ở Đức
Người tị nạn nhận
lương thực tại một trại tạm cư do tổ chức từ thiện Arbeiter Samariter Bund ở
Berlin, Đức, thực hiện ngày 12/12/2015.
Nước Đức đang tranh luận
về cách thức hội nhập hơn 1,1 triệu người tị nạn đã đến nước này trong 12 tháng
qua. Hàng trăm vụ tấn công nhắm vào phụ nữ và thiếu nữ đêm giao thừa ở Cologne,
dường như do các nhóm di dân gây ra, đã thổi bùng cuộc tranh luận hơn nữa. Một
thị trấn ở miền Nam nước Đức khởi xướng việc thực hiện một đường lối mới trong
việc hội nhập số người tị nạn ở đó, nhờ đó được một số người đánh giá là
một thị trấn kiểu mẫu cho di dân. Thông tín viên Henry Ridgwell ghi nhận chi
tiết.
Tiếng chuông ngân vang
khắp những ngọn đồi rậm rạp cây cối phủ tuyết từ nhà thờ thế kỷ 14 ở thị trấn Schwabisch Gmund hùng vĩ. Thị trấn
thịnh vượng này có lẽ không phải là một bối cảnh phù hợp cho một thử nghiệm về
hội nhập.
Hơn một nửa trong số 800
di dân mà chính phủ phân bổ về thị trấn này được nhận về ở trong các nhà riêng
hoặc căn hộ thay vì ở trong các khu trại lớn. Điều này làm xuất hiện một thuật
ngữ mới – hội nhập kiểu Gmund. Cách tiếp cận này là sáng kiến tiên phong của
Thị trưởng Richarch Arnold. Ông nói:
“Việc hội nhập diễn ra nhanh hơn nếu người tị nạn rời khỏi các khu nhà
trung tâm trong những nhóm nhỏ, thậm chí đi vào những ngôi làng quanh
Schwabisch Gmund. Vì thế việc cung cấp nơi ở phi tập trung hóa đã trở thành một
trong những khía cạnh thiết yếu của cách làm kiểu Gmund”.
Anh Samuel Teklezghi
được một gia đình địa phương tiếp nhận tại một trong các làng trên đồi nằm sâu
trong vùng thôn quê. Nơi này cách xa quê hương của anh là Asmara, thủ đô của
Eritrea. Ban đầu anh rất miễn cưỡng, nhưng rồi nhanh chóng đổi ý. Anh nói:
“Các gia đình láng giềng của chúng tôi rất dễ thương. Tôi không giải
thích hết được vì không đủ lời để diễn tả. Tôi gần như có được một gia đình.
Tôi đã mất gia đình ở Eritrea, ở quê nhà, giờ đây tôi có một gia đình ở Đức. Họ
hiện là gia đình của tôi. Nếu người ta cho tôi một căn nhà lớn ở thành phố tôi
cũng không cần”.
Schwabisch Gmund tự cấp
giấy chứng nhận tiếng Đức riêng cho di dân. Họ cũng được khích lệ tham gia công
việc tình nguyện.
Ông Arnold nói việc hội
nhập là một phản ứng tình cảm, chứ không chỉ là một chức năng của chính quyền
địa phương. Ông cho biết:
“Việc này cần đến những đóng góp đầu vào, không chỉ của chính quyền
thành phố, của tòa thị chính và của thị trưởng. Mà dĩ nhiên nó còn đòi hỏi
người dân, các công dân, cũng có những đóng góp đầu vào, và cũng cởi mở”.
Schwabisch Gmund đang
chuẩn bị để nhận gấp đôi số người tị nạn. Nhưng thị trưởng Arnold nói thị trấn
của ông chỉ nhận được số người có hạn, và châu Âu cần chia sẻ cả gánh nặng lẫn
các cơ hội mà những người tị nạn mang lại.
VOA