23.01.2016

Đường sách Sài Gòn và văn hóa đọc

„…con đường sách thật sự phải nằm trong con đường ý thức của các thế hệ, con đường được khai hóa từ những ngày đầu bước đến trường cho đến lúc người ta đóng nắp quan tài. Và sự đọc, văn hóa đọc là một sự mở rộng đến những chiều kích vô biên của tự do, không có định hướng, không có bóp nắn…“
Đường sách Sài Gòn và văn hóa đọc
Ngày 9 tháng 1 năm 2016, Đường sách Sài Gòn khai trương tại đường Nguyễn Văn Bình, trung tâm Sài Gòn. RFA
Ngày 9 tháng 1 năm 2016, Đường sách Sài Gòn khai trương tại đường Nguyễn Văn Bình, trung tâm Sài Gòn. Để có một gian hàng trưng bày sách, chủ đầu tư bỏ ra từ ba trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng để mua chỗ. Có thể nói đây là sự kiện khá quan trọng đối với người quan tâm đến sách và đồng thời đây cũng là bước khởi đầu có tính đại chúng nhằm kích thích văn hóa đọc của người dân thành phố Sài Gòn.
 Tuy nhiên, có hai vấn đề mà người đọc quan tâm, đó là Sách gì? Và đọc gì? Bởi hiện tại, vấn đề nhập nhằng giữa tuyên truyền với phổ biến tri thức vẫn là vấn đề đáng quan ngại tại Việt Nam.
Sách gì? Đọc gì?


Nhà thơ Hoàng Thị Ý Nhi, hiện sống tại Sài Gòn, người được mệnh danh nữ quái làng thơ bởi khí phách sống cũng như sự miệt mài đấu tranh cho tiếng nói người phụ nữ bằng những vần thơ, bà đã chia sẻ: “Thực ra văn hóa đọc không phải là chuyện mình bày sách ra trước mắt người ta. Đây không phải là hình thức. Chị từng đi đâu đó và cũng từng bắt gặp con đường sách như vậy nhưng hình như là hiệu quả không cao vì sách không hay lắm. Và ra hiệu sách cũng vậy, sách cũng linh tinh lắm…. Thực ra việc đọc sách phải có chiều sâu của nó. Tuy nhiên việc có một con đường sách như vậy cũng hay nhưng có lẽ là hiệu quả không cao lắm đâu!”
Theo nhà thơ Hoàng Thị Ý Nhi, bà không thấy vui mừng khi con đường sách khai trương. Bởi con đường sách thực sự của mọi thế hệ không phải là con đường trải hoa, xếp đặt hay phô trương trong vài ngày vài tháng. Điều đó có vẻ mang tính hình thức và dễ nhập nhằng với tính tuyên truyền.
Mà con đường sách thật sự phải nằm trong con đường ý thức của các thế hệ, con đường được khai hóa từ những ngày đầu bước đến trường cho đến lúc người ta đóng nắp quan tài. Và sự đọc, văn hóa đọc là một sự mở rộng đến những chiều kích vô biên của tự do, không có định hướng, không có bóp nắn mà chỉ có khơi gợi, khai mở những cánh cửa tri thức để qua đó con người tiếp cận với tri thức bằng sự tìm tòi, học hỏi và đam mê hiểu biết, đam mê mở rộng tri thức, đam mê sáng tạo.
Bà cho biết thêm: “Có lẽ bây giờ do có nhiều thứ cho người ta xem quá. Ở đây tôi nói riêng về sách văn học nhé. Nhưng hình như số đông thích sách ngôn tình, số đông thanh niên đọc không có chiều sâu. Cái này không phải do lỗi của thanh niên mà tôi cho rằng do lỗi của giáo dục, lỗi của sự dạy dỗ, hướng dẫn. Nền giáo dục đã làm thành niên không nhận thấy chiều sâu của sách…”.
Cũng trên tinh thần này, câu hỏi cần đặt ra cho con người khi nói về sách là “Sách gì? Đọc gì?” chứ không phải là con đường sách, khu phố sách hay quốc gia sách nếu như trong đó không có đầy đủ những cuốn sách vốn dĩ đã thành phổ thông của nhân loại hoặc những cuốn sách khơi mở tri thức nhân loại, làm thành con đường đưa đến sáng tạo và cống hiến cho đồng loại.
Ngày 9 tháng 1 năm 2016, Đường sách Sài Gòn khai trương tại đường Nguyễn Văn Bình, trung tâm Sài Gòn. RFA PHOTO.
Bà cũng lấy làm quan ngại khi những cuốn sách ngôn tình ngày càng được giới trẻ quan tâm nhiều hơn và trở nên hot. Điều đó vô hình trung bẻ hướng tâm lý thế hệ, làm cho họ bị nhầm lẫn giữa đọc sách, tìm hiểu, mở rộng tri thức, kích hoạt suy tư với đọc giải trí, đọc mua vui. Và điều này dẫn đến tình trạng phần đông lớp trẻ quan tâm đến những câu chuyện tình cảm ủy mị hay chớp nhoáng, trần trụi nhiều hơn là suy tư về thân phận con người, về thế giới chung quanh. Và không có gì đáng sợ hơn khi mà văn hóa đọc bị đánh tráo hoặc là bằng tuyên truyền hoặc là những câu chuyện mua vui vô thưởng vô phạt.
Nhà thơ Hoàng Thị Ý Nhi cho biết thêm là bà không có cảm nhận gì nhiều về con đường sách vì ngay từ đầu nó không tạo được ấn tượng mạnh với bà. Bởi con đường sách thực sự của nhân loại nằm giấu mình trong giáo dục, văn hóa và phông ứng xử chung của xã hội. Và để có một con đường sách theo hướng suy nghĩ này, đòi hỏi phải có những con người từng đọc sách, hiểu biết về sách và tâm huyết với sách để chuyển hóa những cuốn sách trong thư viện thành những cuốn sách đời thường thông qua những qui định trong luật pháp, thông qua sự tôn trọng cá nhân trong đời sống và thông qua lòng yêu thương đích thực giữa người với người.
Chúng ta đang thực sự khủng hoảng thiếu một con đường sách như vậy.
Văn hóa đọc bị bóp méo

Một nhà thơ trẻ không muốn nêu tên, chia sẻ cảm nhận của anh về con đường sách Sài Gòn: “Em thì em không cho rằng đường sách này có chiều sâu. Nó mang tính hình thức là nhiều. Các đại gia sách ở Sài Gòn còn rất dè chừng, lượng sách rất dè chừng và có vẻ như họ đang thăm dò thử nhà nước muốn gì trong con đường sách này. Các đầu sách kinh điển rất khó tìm ở đây, nói chung là tính hình thức nhiều hơn là chiều sâu…”
Theo nhà thơ trẻ này, dường như con đường sách Sài Gòn vẫn chưa có gì ấn tượng với anh lắm ngoài nghệ thuật xếp đặt khá bắt mắt, tạo ra một quan cảnh hài hòa, đẹp. Nhưng khi nói về sách, hầu như khó mà tìm được những cuốn sách ưng ý, khó mà tìm được những tác giả kinh điển hay những tác giả đương đại có tầm ảnh hưởng đến thế hệ trẻ trên thế giới và trong khu vực.
Và điều này vô hình trung nhắc đến những điểm đọc trên toàn đất nước có tên là “không gian đọc”. Bởi xét về mặt tự do tư tưởng và tự do sáng tạo, hầu như những không gian đọc trên toàn đất nước cũng như con đường sách Sài Gòn đều chịu chung số phận, đó là hoạt động theo những qui định của nhà cầm quyền địa phương và trung ương. Kinh phí hoạt động có thể là tự bỏ ra, tự kêu gọi mạnh thường quân nhưng cũng không ngoại trừ nhiều trường hợp dựa vào kinh phí của chính quyền địa phương.
Chính vì phụ thuộc kinh phí của nhà cầm quyền nên cả không gian đọc và con đường sách đều chỉ mang lại hiệu quả thị giác về mặt phổ biến văn hóa đọc nhưng không thể nào mang lại chiều sâu trong văn hóa đọc bởi tính giới hạn từ tuyên truyền đến tri thức. Nghĩa là dù đứng trên khía cạnh nào thì các không gian đọc và con đường sách Sài Gòn đều phải chịu chung số phận phải đảm bảo tính tuyên truyền. Nếu không đảm bảo tiêu chí tuyên truyền, con đường sách hay không gian đọc sẽ không tồn tại.
Bên cạnh đó, những gói đầu tư, kích thích tài chính cho không gian đọc và con đường sách từ phía nhà nước sẽ dễ dàng bẻ lái, làm cho mục tiêu ban đầu (nếu có) sẽ bị chệch hướng, đi từ phổ biến văn hóa đọc sang chỗ thỏa hiệp với tuyên truyền và trở thành một cơ quan tuyên truyền thụ động.
Theo cảm nhận của nhà thơ trẻ này thì anh vừa mừng lại vừa lo khi các không gian đọc xuất hiện khắp vùng miền Việt Nam và sau đó là con đường sách Sài Gòn xuất hiện. Bởi không gian đọc hay con đường sách xuất hiện, điều này nhanh chóng trở thành điểm nhấn trong sinh hoạt văn hóa. Nhưng, điểm nhấn hứa hẹn bạn đọc một nguồn năng lượng dồi dào của tri thức, sự sáng tạo hay là một nơi tuyên truyền theo phong cách mới, đó là điều đáng bàn.
Sách – cánh cửa đưa con người đến với thế giới tự do, thế giới mênh mông ánh sáng của tri thức. Nhưng, cũng có những cuốn sách trở thành dải băng bịt mắt nhân loại, khiến cho con người trở nên hung tợn và thế giới đảo điên. Mọi chuyện vẫn còn đang ở phía trước.
Nhà thơ trẻ bày tỏ niềm hy vọng về một con đường sách và những không gian đọc đích thực, đưa con người đến với chân trời của tri thức và tự do.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.(RFA)