23.01.2016

Xuân này họ không về

Xuân này họ không về
Ben Ngô (BBC)
 Mùa xuân là mùa sum vầy nhưng những nhà hoạt động đang bị cầm tù không có được niềm vui như bao người

Mùa xuân sắp về, hãy nghĩ đến những người đang phải sống trong vòng lao lý chỉ vì dám lên tiếng cho một Việt Nam tươi sáng và dân chủ hơn.

Hôm nay 21/1, cũng là ngày 12 tháng Chạp. Vậy là chỉ mươi ngày nữa là Tết đến.
Mở News Feed trên Facebook, tôi bỗng bùi ngùi khi tình cờ đọc được những dòng status của một phụ nữ.

Cô ấy viết: “Tết này với anh sẽ là một cái Tết đặc biệt nhất từ trước tới nay vì đây là lần đầu tiên anh phải đón Tết xa nhà. Theo như 24 năm kinh nghiệm của em, cảm giác vào đêm giao thừa là sẽ rất nhớ cha mẹ, gia đình; rất thèm cảm giác được quây quần bên bếp lửa đỏ chờ nồi bánh chưng; cùng các em chạy ra sân coi pháo hoa rực trời từ nhiều phía…


Nhưng em nghĩ, thời gian này đối với anh là những trải nghiệm quý giá! anh sẽ có thêm những người bạn mới, sẽ nhận ra được có rất nhiều người quan tâm và hết lòng vì anh; Trong đó lại càng rảnh rỗi để anh suy nghĩ thêm về những đúng sai và định hướng đúng đắn cho tương lai của mình. Vậy một cái tết là một đánh đổi quá hời phải không anh? Em tin lúc anh về, mọi người sẽ càng nhớ hơn về anh, một con người điềm tĩnh, chính trực. Em tự hào về anh!”

Người viết status này là em gái của Nguyễn Viết Dũng, tức Dũng Phi Hổ, thanh niên mặc quân phục Việt Nam Cộng hòa bị tuyên 15 tháng tù trong phiên tòa ở Hà Nội tháng 12/2015.

Thời điểm ấy, luật sư Võ An Đôn, một trong bốn luật sư tham gia bào chữa cho Dũng nói với BBC: "Tuy bản án nhẹ nếu xét theo Điều 245, nhưng rõ ràng rất oan cho bị cáo vì có hàng trăm người tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội nhưng chỉ mình ông Dũng bị truy tố."

Luật sư cũng nhận định:“Thường thì trong những phiên tòa có yếu tố chính trị, bản án có sự chỉ đạo của các cơ quan liên ngành”.

Cũng trên mạng xã hội, hôm 20/1, gia đình của nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức vừa đánh dấu sáu năm ngày diễn ra phiên tòa xét xử ông.

Với bản án 16 năm tù, như vậy ông Thức còn phải chịu những ngày dài sau chấn song như một hệ lụy của các bài viết cổ vũ cho nhân quyền và dân chủ.

Hai nhân vật trên không phải là ngoại lệ, danh sách những người xuân này không về còn có Đinh Nguyên Kha, Bùi Thị Minh Hằng, nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình và gần đây nhất là luật sư Nguyễn Văn Đài cùng cộng sự Lê Thu Hà

Trên Facebook, có người nhẩm tính Đinh Nguyên Kha đã nếm trả hơn 1.000 ngày tù (bị bắt 11/10/2012), Đặng Xuân Diệu hơn 1.603 ngày (27/8/2011).

Thời gian qua, một số tổ chức nhân quyền đã lên tiếng yêu cầu trả tự do cho những người này nhưng chính quyền chưa có động thái phản hồi. Không loại trừ khả năng ai đó trong số họ may mắn được ‘đặc xá nhân đạo’ dịp Tết Bính Thân này.

Nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức còn 10 năm tù trước mắt

'Mong ngày về giữa mùa xuân'
Khi nghĩ về những người chấp nhận đánh đổi tự do cá nhân cho một nước Việt tươi sáng và dân chủ hơn, tôi cũng cảm kích vì người thân của họ cũng ngoan cường không kém con/em/chồng/vợ mình.

Như hôm tôi gọi về Mỹ Tho hỏi chuyện bà Chung Thị Thu Vân, mẹ nhạc sĩ Việt Khang mãn hạn 4 năm tù tháng 12/2015.

Bà nói: "Việt Khang vẫn là niềm tự hào của gia đình. Tôi luôn tôn trọng mọi quyết định của con trai vì biết những điều Khang làm là đúng và có suy xét".

Mãi đến xuân năm nay, Việt Nam mới cấp phép cho ca khúc ‘Ly rượu mừng’ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương được phổ biến trở lại.

Bao giờ thì đến bài ‘Xuân này con không về’ của Trịnh Lâm Ngân (tên chung của các nhạc sĩ Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân)?
Chắc không có cửa cho bài hát này”, một nhà sản xuất băng đĩa tại TP. Hồ Chí Minh quả quyết với tôi qua điện thoại.

Là vì bài này là ‘nhạc lính’ và gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Duy Khánh.

Vậy thì bao giờ thì những nhà hoạt động kể trên có được ngày về giữa mùa xuân?

Liệu câu trả lời có đến từ thái độ và sự quan tâm của mỗi người trong chúng ta trước thời cuộc?