23.01.2016

Sau Đại hội đảng: Việt Nam trỗi dậy dưới sự kiểm soát của Trung cộng

Sau Đại hội đảng: Việt Nam trỗi dậy dưới sự kiểm soát của Trung cộng

Les Echos

Trong bối cảnh thời sự  với đại hội đảng Cộng sản lần thứ 12 đang diễn ra tại Việt Nam để bầu ban lãnh đạo mới, tờ báo kinh tế Les Echos số ra ngày 21/01/2016 đưa ra nhận định : Sau đại hội, « Việt Nam sẽ trỗi dậy, nhưng dưới sự kiểm soát của Trung cộng ».


Theo Les Echos, ban lãnh đạo mới sẽ phải thông qua kế hoạch kinh tế trong 5 năm tới. Lộ trình đó bao gồm nâng mức thu nhập đầu người từ 3.200 đô la/năm như hiện nay lên 3.500 đôla vào năm 2020 ; duy trì lạm phát dưới ngưỡng 5% và thâm hụt ngân sách không vượt quá 4% GDP.

Tăng trưởng năm nay sẽ phải tăng lên ở mức 6,7% như năm 2015, dựa trên cơ sở tiêu thụ nội địa ổn định (+9,3% năm 2015) và nguồn đầu tư nước ngoài đặc biệt năng động đạt 14,5 tỷ đô-la trong năm vừa qua (+17,4% so với 2014). Thị trường tài chính tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, những nhà đầu tư chính của Việt Nam từ 10 năm qua.

Với 90 triệu dân, Việt Nam có một thị trường lao động trẻ dồi dào. Bên cạnh đó, Việt Nam không chỉ đã hội nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới - WTO, mà còn đã trở thành thành viên của hiệp ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương-TPP.

Thế nhưng, Les Echos lưu ý là hiệp ước này chỉ sẽ có lợi cho Việt Nam với điều kiện nước này phải có những nỗ lực thật sự để thích ứng. Ông Nicolas Audier, có văn phòng luật sư tại Việt Nam từ lâu nay, giải thích:
« Để có thể y theo một cách nhanh nhất, các nhà chức trách sẽ phải cải thiện hơn nữa sự minh bạch trong thị trường công, chống tham nhũng và giám sát việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ ».

Những công việc được cho là đầy gian nan. Chẳng hạn như việc thay đổi duy nhất hệ thống thị trường công buộc phải xem xét lại một phần nguồn hỗ trợ tài chính cho đảng ở cấp độ tỉnh. Tất cả những điều đó đang bị Bắc Kinh theo dõi một cách sít sao.

Trung cộng huấn luyện dàn lãnh đạo của Việt Nam

Les Echos khẳng định đó là một thực tế : Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam rõ ràng đang diễn ra dưới sự kiểm soát của Trung cộng. Nhiều nhà quan sát đã ví chuyến công du Hà Nội của chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình hồi tháng 11/2015 giống như việc đóng dấu thông qua các chọn lựa của đảng cộng sản Việt Nam.

Tờ báo mỉa mai nhận định Trung cộng đang huấn luyện các nhà lãnh đạo của nước láng giềng. Mà quốc gia này không tỏ ra cho thấy cảm giác ngờ vực đối với người anh cả. Về điểm này, Benoit de Tréglodé, giám đốc chương trình châu Á tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược của Trường Quân sự Irsem, trực thuộc bộ Quốc phòng Pháp tóm tắt như sau: « Người ta có thể bất đồng về một vấn đề nào đó và hợp tác với nhau trong một lĩnh vực khác. Thực hiện cùng lúc hai việc này là điều bình thường ».

Tuy Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhưng cả hai quốc gia này cũng đang có những tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông. Cả hai đảng Cộng sản Trung Hoa và Việt Nam, đang tìm cách giải quyết tình huống và vạch ra giới hạn không nên vượt qua.

Theo nhận định của ông Sebastien Colin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu của Pháp về Trung Hoa cộng sản đương đại tại Hồng Kông : « Đó chính là lý do vì sao Hà Nội không nối gót Manila, kiện Bắc Kinh ra trước Tòa Án Trọng Tài của Liên Hiệp Quốc. Bởi vì việc này có lẽ sẽ đầu độc mối quan hệ với Bắc Kinh. Điều đó chẳng có lợi cho họ ».