15.02.2016

Đảng sẽ làm gì nếu Việt Kiều tự ứng cử?

Đảng sẽ làm gì nếu Việt Kiều tự ứng cử?
BBC
 Image copyright   Getty    Image caption   Nhân sự bộ máy của chính quyền và nhà nước ở Việt Nam thường được Đảng Cộng sản và các tổ chức thuộc đảng này sắp xếp, bổ nhiệm, phân công vào các vị trí lãnh đạo từ trung ương, đến địa phương.
Kiều dân Việt Nam ở nước ngoài có quyền tham gia ứng cử vào Quốc hội ở Việt Nam, nếu họ muốn, tuy nhiên đây là điều mà chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam không muốn và trên thực tế có nhiều điều luật của Việt Nam ngăn cản các quyền này, theo ý kiến của các nhà hoạt động và quan sát dân chủ Việt Nam từ hải ngoại.

Trao đổi với BBC hôm 14/02/2016 từ Pháp, ông Nguyễn Gia Kiểng, nguyên Thứ trưởng, cựu quan chức của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước 30/4/1975, nêu quan điểm:
"Chúng tôi cho rằng phải có một sự hòa giải rất dứt khoát, thẳng thắn giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và đất nước và quê hương cũ.
Chúng tôi hoan nghênh mọi cố gắng theo chiều hướng trả lại quyền công dân tức khắc, đầy đủ cho những người Việt Nam ở hải ngoại, nếu họ muốn. Và như thế thì họ cũng có quyền ứng cử vào Quốc hộiÔng Nguyễn Gia Kiểng
"Do đó chúng tôi vẫn hoan nghênh và chúng tôi chủ trương và chúng tôi hoan nghênh mọi cố gắng theo chiều hướng trả lại quyền công dân tức khắc, đầy đủ cho những người Việt Nam ở hải ngoại, nếu họ muốn.
"Và như thế thì họ cũng có quyền ứng cử vào Quốc hội. Tôi nghĩ rằng đó là một điều mà những người, có thể chính quyền này họ chưa muốn, nhưng mà những người dân chủ nên có thái độ nên ủng hộ."
Từ Thụy Sỹ, ông Đặng Xương Hùng, nguyên Lãnh sự và cựu Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói với BBC:
"Liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có mở cửa để cho cộng đồng người Việt (ở hải ngoại) tham gia vào bầu cử hay không, thì câu trả lời của tôi là 'không'.
"Bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ dựa vào lực lượng 4,5 triệu đảng viên, chứ họ chưa nghĩ hoặc họ không nghĩ, không bao giờ nghĩ đến việc là sử dụng nguồn lực của cộng đồng người Việt khoảng 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
"Đó là một lực lượng rất là mạnh để có thể tham gia vào đất nước Việt Nam để cho đất nước Việt Nam hùng mạnh lên."

Theo vị cựu Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong luật pháp Việt Nam hiện tại còn có một số điều 'chằng chéo' nhau mà có thể ngăn cản quyền ứng cử của kiều dân Việt Nam. Ông nói:
"Theo tôi biết, luật pháp Việt Nam có mấy điều chằng chéo nhau. Thứ nhất là điều 4 của Hiến pháp Việt Nam đã chứng tỏ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có những người nào Đảng viên mới có thể tham gia vào bộ máy lãnh đạo cao nhất của đất nước.
"Tuy nhiên cũng có những điều nói lên luật bầu cử, tức là công dân Việt Nam từ 21 tuổi có thể tham gia tự ứng cử, nhưng nó lại có những quy định để mà ngăn chặn việc không phải bất cứ công dân Việt Nam nào cũng có thể tự do ứng cử được, mà phải tự do trong cái mà chúng ta gọi là quy trình của Đảng Cộng sản Việt Nam," cựu quan chức ngoại giao nói.
Tước quyền bầu cử?
Ông Đặng Xương Hùng nhân dịp này cũng bình luận với BBC về tình trạng nhiều năm nay kiều dân Việt Nam, công dân Việt Nam ở nước ngoài không được tổ chức bầu cử trong các kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, điều mà ông cho là hành vi 'tước quyền' bầu cử, ứng cử của họ.
Cựu lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sỹ nói:
"Theo tôi quan sát, cũng như đối với bản thân cá nhân tôi đi công tác nhiều lần và cũng rơi vào kỳ bầu cử thì chẳng bao giờ có chuyện là Đảng Cộng sản Việt Nam nghĩ đến những bộ phận công dân ở phía ngoài nước cả.
"Ngay cả những cán bộ chúng tôi mà đi trong các giai đoạn mà vắng mặt đó thì cũng chẳng có hòm phiếu nào mà tổ chức được phía bên ngoài, tôi nghĩ có thể là kinh phí hoặc có thể đó toàn là những người cán bộ ngoại giao và họ cũng không cần phải làm điều đó."
Và ông Đặng Xương Hùng nói thêm:
"Về mặt luật pháp, Hiến pháp Việt Nam cũng có đầy đủ các điều khoản để có thể đảm bảo trong "nháy nháy" sự tự do của bầu cử. Thế tuy nhiên họ có rất nhiều biện pháp để mà có thể ngăn chặn sự tham gia của các lực lượng bên ngoài vào bộ máy chính quyền, nhà nước.
"Thông qua việc các ứng cử viên đều phải thông qua sự lựa chọn và sự giới thiệu của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam," vị cựu Lãnh sự nói với BBC.
Gần đây, một phong trào tự ứng cử của nhiều người dân Việt Nam ở trong nước, trong đó có các nhà hoạt động, vận động cho dân chủ hóa, nhân quyền và xã hội dân sự ở Việt Nam đã xuất hiện vài tháng trước kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp diễn ra dưới sự tổ chức, chỉ đạo và kiểm soát của chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đi đầu trong phong trào này có thể kể tới Tiến sỹ Nguyễn Quang A, người đã tuyên bố đứng ra ứng cử trên cương vị một ứng cử viên tự do.
Khi được hỏi liệu động thái này của ông Nguyễn Quang A và những người tự ứng cử như ông có thể sẽ làm tăng cường, củng cố tính chính danh của chính quyền và đảng cộng sản hay trái lại sẽ là một thách thức hay không, ông Nguyễn Gia Kiểng, người cũng là sáng lập viên của tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ Pháp, nêu quan điểm:
Nhìn tổng thể thì thấy 'cú đánh hay', nhưng cần nhìn rõ hơn sự tác động chính trị ra sao lên phong trào chungMột ý kiến của nhà hoạt động từ Mỹ
"Có một lập luận tôi cũng nghe nói rằng khi mà chúng ta ra ứng cử, là chấp nhận luật chơi. Cái đó thì cũng đúng một phần. Vả lại, cái phần đó lại nhắm vào Quốc hội. Theo tôi có hai cơ quan mà có thể nói là đáng bị phản đối nhất, đáng bị lên án nhất tại Việt Nam, đó một là Tòa án, hai là Quốc hội..."
Chấp nhận luật chơi?
Và ông Nguyễn Gia Kiểng nói thêm:
"Do đó có một lập luận nói rằng khi mà chúng ta ứng cử vào định chế đó để ứng cử vào Quốc hội, thì chúng ta đã vô hình chung là đã chấp nhận luật chơi của chế độ và đã tăng cường sự chính danh của chính quyền.
"Thế nhưng tôi nghĩ rằng những người tự ra ứng cử, họ không phải là họ không nghĩ tới điều đó, nhưng họ biết rằng đằng nào thì họ cũng không vào được Quốc hội, họ lợi dụng cơ hội này để nói lên tiếng nói của dân chủ.
"Thành ra ở đây nó có một sự mâu thuẫn, một mặt là về vấn đề nguyên tắc thì phải tẩy chay cuộc bầu cử này, nhưng mà về mặt thực tế, thì đây là một cơ hội mà nhiều người nghĩ rằng không nên bỏ lỡ, để nói lên tiếng nói của dân chủ.
Image copyright   vepr.edu.vn   Image caption   TS. Nguyễn Quang A nói với BBC ông muốn 'thức tỉnh người dân' về quyền bầu cử, ứng cử.
"Trong trường hợp này, tôi nghĩ rằng những người dân chủ nên nhìn với tất cả thiện chí và nên hiểu rằng có nguyên tắc, nhưng mà cũng có những quan tâm thực tế và điều quan trọng là thiện chí của mỗi người, tùy theo chúng ta ra ứng cử để có một tiếng nói, để nổi tiếng, để có một cái danh, để tìm danh tiếng cho cá nhân.
"Hay là chúng ta ra ứng cử để nhân cơ hội này, nói lên nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, tôi nghĩ điều này không thể có một nhận định phê phán, phê bình chung được, mà phải xét từng trường hợp."
Hôm 14/02, trả lời câu hỏi của BBC liệu Đảng Cộng sản nên mở cửa để cho Việt Kiều tại hải ngoại tham gia ứng cử vào Quốc hội Việt Nam, bất luận chính kiến của họ là gì, Luật sư Vũ Đức Khanh, Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam tại Canada, trả lời:
"Tôi cho rằng quyền ứng cử là quyền của công dân Việt Nam thì không nhất thiết cần Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép hay không. Nếu công dân Việt Nam ở nước ngoài hội đủ điều kiện tự ứng cử đại biểu quốc hội theo quy định luật bầu cử thì tôi nghĩ chúng ta nên ủng hộ họ tham gia. Còn việc họ có thành công hay không thì hạ hồi phân giải."
Dự đoán kết cục
Khi được đề nghị dự đoán về việc các nhà hoạt động như TS. Nguyễn Quang A tham gia ứng cử và đảng cộng sản sẽ đối phó thế nào và kết cục ra sao, Luật sư Khanh nêu quan điểm:
"Trong điều kiện hiện nay, tôi ủng hộ đồng bào trong và ngoài nước tích cực tham gia bằng cách tự ứng cử càng nhiều càng tốt. Đây là đợt tập dượt cho những kỳ bầu cử tự do, dân chủ hơn của đất nước.
"Nếu chỉ có một vài người tự ứng cử thì sẽ rất dễ dàng cho Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) giải quyết bằng cách nhận chìm xuồng, nhưng nếu như có hơn 1.000 người ra tranh cử với 500 đến 1.000 ứng cử viên chỉ định của ĐCSVN thì tình hình hoàn toàn khác.
"Tôi nghĩ ĐCSVN sẽ cố tình tìm cách dập tắt những ngọn lửa này ngay từ bây giờ cho nên lực lượng dân chủ nên tăng tốc làm áp lực để truyền thông trong và ngoài nước lên tiếng. Như thế thì thế nào ĐCSVN cũng sẽ phải chấp nhận luật chơi mới và tương kế tựu kế để giành chiến thắng về phía mình.
"Cuộc so găng lần này do ông Nguyễn Quang A khởi xướng quả đã đặt ĐCSVN vào tình thế khó xử. Trước đây, hôm tháng 11/2015 vừa qua, cũng có một vị lãnh đạo cấp cao của ĐCSVN cho tôi biết rằng ông ấy cũng mong là một ngày gần đây, tôi sẽ có cơ hội về Việt Nam tham gia bầu cử với ông ấy.
"Tôi lạc quan về triển vọng tự do, dân chủ hoá Việt Nam trong bối cảnh Hà Nội tham gia TPP và tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Tôi nghĩ đã đến lúc Việt Nam đổi mới lần hai."

Image caption  Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng việc người dân tự đứng ra ứng cử độc lập là một cuộc tập dượt cho bầu cử tự do, dân chủ và là một thách thức, áp lực với chính quyền.
Cũng trong dịp này một số ý kiến của các nhà hoạt động và quan sát khác cũng chia sẻ thêm về chủ đề trên với BBC, từ Hoa Kỳ một ý kiến bình luận:
"Hiện tại chưa thể có ý kiến gì về vụ TS. Nguyễn Quang A và một số nhà dân chủ ra ứng cử Quốc Hội Việt Nam. Nhìn tổng thể thì thấy 'cú đánh hay', nhưng cần nhìn rõ hơn sự tác động chính trị ra sao lên phong trào chung."
Còn một ý kiến khác từ Anh Quốc bình luận: "Quan điểm chung... là vậy, không nhìn thấy tương lai chắc chắn nào của mọi hoạt động có tính cá thể, mà nên tìm đến cuộc vận động chung, vì bài toán dân chủ là bài toán của một đáp số chung chứ không phải là tìm đáp số cá nhân.
"Dù sao thì những cuộc lấn rào thế này đều góp phần vào cuộc vận động dân chủ cho đất nước," ý kiến này nói.