28.03.2016

Đặc sứ về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ đến Việt Nam

Đặc sứ về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ đến Việt Nam 
WASHINGTON, DC - Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông David Saperstein, đặc sứ về tự do tôn giáo của Mỹ, sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng này. Trước khi đến Việt Nam, ông Saperstein sẽ thăm Thái Lan.
Cảnh sát và an ninh Đà Nẵng chặn, hạch sách Đại Đức Thích Thiện Phúc trước cổng chùa Giác Minh. (Hình: GHPGVNTN)

Trong hai ngày 24 và 25 Tháng Ba, tại Thái Lan, ông Saperstein gặp những người đã hoặc đang xin tị nạn tại Thái Lan vì bị ngược đãi bởi tín ngưỡng của họ. Từ 26 đến 31 Tháng Ba, ông Saperstein đến Việt Nam, thảo luận với các viên chức Việt Nam, giới lãnh đạo các tôn giáo và đại diện các tổ chức dân sự để tìm kiếm giải pháp cải thiện tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Đến nay, cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, vẫn xem tự do tôn giáo tại Việt Nam là một thách thức chưa thể giải quyết thỏa đáng.


Tháng Mười năm ngoái, trong một báo cáo về tình hình tự do tôn giáo toàn cầu, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhận định, Hà Nội vẫn xâm hại tự do tôn giáo, đặt định nhiều biện pháp nhằm hạn chế hoạt động của các tôn giáo. Thậm chí sách nhiễu, bắt giữ cả giới chức sắc và tín đồ những tôn giáo mà chính quyền Việt Nam không công nhận.

Cho dù Hiến Pháp CSVN minh định, công dân có quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng bên cạnh đó, chính quyền Việt Nam còn ban hành thêm nhiều nghị định, thông tư để hệ thống chính quyền các cấp có thể giám sát các tôn giáo thông qua việc buộc các tôn giáo phải “đăng ký hoạt động.”

Tại Việt Nam, hiện chỉ có 38 tôn giáo được “nhà nước công nhận.” Cho dù được “nhà nước công nhận” những cộng đồng tôn giáo này vẫn bị giới hạn hoạt động, không thể tham gia vào những lĩnh vực liên quan đến giáo dục, y tế,...
Giống như mọi khi, Bộ Ngoại Giao Việt Nam lên tiếng phản bác báo cáo vừa kể “không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam.” Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam tiếp tục khẳng định, chính quyền Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách cũng như biện pháp cụ thể để bảo đảm rằng dân chúng được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Trong thực tế, chẳng riêng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có nhận định như vừa kể.
Dầu cho trong nhiều cuộc đối thoại với Liên Hiệp Quốc, đại diện chính quyền nhiều quốc gia, và tổ chức quốc tế về nhân quyền tại Việt Nam, các viên chức đại diện chính quyền Việt Nam liên tục nhấn mạnh, Việt Nam đang cố gắng cải thiện tình trạng nhân quyền và càng ngày càng tôn trọng tự do tôn giáo. Đặc biệt là Việt Nam đang soạn thảo dự luật về tín ngưỡng, tôn giáo và dự luật này sẽ là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất để chứng minh cho nỗ lực đó.

Tuy nhiên, giữa năm ngoái, khi chính quyền Việt Nam công bố dự luật tôn giáo, mời gọi dân chúng góp ý thì nhiều người khẳng định, dự luật vừa kể chỉ gây thêm lo ngại. Hồi Tháng Năm, 2015, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từng đề nghị chính quyền Việt Nam viết lại dự luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Thư góp ý của hội đồng gửi chủ tịch quốc hội và trưởng ban tôn giáo chính phủ vào thời điểm đó cho thấy, nội dung dự luật tín ngưỡng, tôn giáo mà chính quyền Việt Nam từng liên tục “quảng cáo” chỉ là một... nỗ lực đáng ngại.

Theo Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, dự luật tín ngưỡng, tôn giáo đã “đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình an cho mọi người.”

Trong phần nhận định chung về dự luật này, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhận định, dự luật bao gồm “những điều luật chỉ nhằm mang lại quyền lợi cho giới cầm quyền mà quên đi quyền lợi của người dân.” Thiếu sót quan trọng nhất của dự luật là không công nhận tổ chức tôn giáo là một “pháp nhân,” điều đó đồng nghĩa với việc không xác nhận tổ chức tôn giáo có quyền “tồn tại hợp pháp trước pháp luật Việt Nam.”

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phân tích 14 điểm bất hợp lý, không khả thi, mâu thuẫn với cả Hiến Chương Liên Hiệp Quốc lẫn Hiến Pháp của Việt Nam thể hiện ở nhiều chương, nhiều điều trong dự luật.

Do dự luật tín ngưỡng, tôn giáo trái ngược với cả Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền lẫn Hiến Pháp mới của Việt Nam, thậm chí còn có sự thụt lùi so với Pháp Lệnh Tín Ngưỡng, Tôn Giáo năm 2004 bởi vì “tạo ra quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị cản trở.” Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khẳng định rằng, Công Giáo Việt Nam “không đồng ý với dự luật tín ngưỡng, tôn giáo.” Đồng thời đề nghị “soạn lại một dự luật khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ.”

Cần nhắc lại rằng vào Tháng Mười năm ngoái, ông Saperstein đã từng nhấn mạnh, trong những lần đến Việt Nam, ông đã tận mắt chứng kiến các nhóm tôn giáo bị buộc phải thực hiện nhiều thủ tục nhiêu khê và tùy tiện để được hoạt động hợp pháp. Năm nay, có lẽ kết quả cuộc khảo sát khó mà khá hơn. 

Báo Người Việt