12.03.2016

NƯỚC MƯA: CỨU TINH của Đồng Bằng Sông Cửu Long trong Tương lai

 NƯỚC MƯA: CỨU TINH của Đồng Bằng Sông Cửu Long trong Tương lai
  
Nhiều khoa học gia nhận định rằng, kể từ cuối thập niên của thế kỷ 20, arsenic trong nước (đặc biệt là nước ngầm) là một nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe toàn cầu. Trong suốt thập kỷ qua, sự hiện diện của asenic trong thức ăn thực vật - đặc biệt là gạo - đã làm tăng sự chú ý. Hơn nữa, ở các nước Bắc Âu nói riêng, việc sử dụng các hóa chất arsenic vô cơ hòa tan trong nước như chromated asenate đồng dùng làm chất bảo quản gỗ, sản xuất thủy tinh và việc khai thác quặng chứa sulfidic đã ảnh hưởng trầm tọng lên sức khỏe con người.

Vấn đề này đã được nhấn mạnh bởi những khám phá của arsenic tự nhiên nằm trong các trầm tích trong nước ngầm, nhứt là là giếng cá nhân. Thụy Điển đã đi đầu trong việc nghiên cứu về ảnh hưởng sức khỏe của asenic, công nghệ loại bỏ asenic và các biện pháp bền vững làm giảm thiểu tác động của arsenic cho các nước đang phát triển.


Từ ngày 19 đến 23 tháng 6 năm 2016, Hội nghị Quốc tế về Arsenic trong Môi trường lần thứ sáu (As2016) sẽ nhóm họp tại Stockhom, Thụy Điển. Chủ đề kỳ họp nầy là “Nghiên cứu Arsenic và Sự Bền vững Toàn cầu”. Hội nghị tổ chức mỗi hai năm một lần, và lần nầy được bảo trợ bởi Executive Board of the International Society of Groundwater for Sustainable Development (ISGSD). Đây là lần thứ sáu. Lần đầu tiên tổ chức tại Mexico 1006, Spain 2008, Taiwan 2010 Australia, 2012 và Argentina 2014.

Trên thế giới, hiện tại, có trên 100 triệu người có nguy cơ bị ô nhiễm arsenic qua nguồn nước sinh hoạt và nước uống cũng như qua thực phẩm. Chính vì vậy,       chủ đề trên được đề xương và trọng tâm của Hội nghị sẽ tập trung vào vấn đề:”Tiếp nhiễm dài hạn và với hàm lượng arsenic thấp qua nguồn thực phẩm và nướng uống tác động lên sức khỏe con người”.

Để rồi từ đó hướng đến việc:     
  • Theo dõi tình trạng nhiễm độc arsenic trên thế giới;
  • Cập nhật hóa các nghiên cứu liên hệ đến ảnh hưởng lên sức khỏe của con người;
  • Và, nhất là truy tìm những phương cách thực dụng và ít tốn kém để ngăn ngừa và giải quyết vấn đề nhiễm độc arsenic ở các quốc gia đang phát triển. 
Bài viết không giới hạn trong các đề tài cùng nhận xét của Hội nghị mà đây chỉ là một sự mượn duyên để người viết trang trải một số suy nghĩ về vấn đề nước của người dân ĐBSCL. 

     Hồi tưởng lại 14 năm về trước, năm 2002, người viết có tham dự một Hội nghị về arsenic tại San Diego, lúc còn cư ngụ ở Orange. Trên quảng đường dài khoảng 90 dậm từ San Diego về lại thành phố Orange, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi hàng chữ “World war for water” trên tấm biểu ngữ căn trước Hội nghị.
    
     Tôi tự hỏi chiến tranh thế giới vì nước, do nước, hay do.… con người?
    
     Nỗi ám ảnh càng được tô đậm thêm mỗi khi nghĩ đến hội nghị nầy. Đâu đây vẫn còn văng vẳng những lời kêu cứu, những số liệu cho thấy tình trạng nhiễm độc arsenic ở những vùng nghèo đói trên quả địa cầu...  do hầu hết các khoa học gia đến từ các nước “đang mở mang” đã trình bày trước hội nghị cũng như ở các phòng trưng bày kết quả nghiên cứu.

     Họ đến từ Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Mông Cổ, Đài Loan, Đại Hàn, Trung Mỹ, Phi Châu. Họ thông báo cho thế giới biết những vấn nạn đang xảy ra trên đất nước của họ. Đặc biệt năm nay (2002), Mông Cổ chính thức công bố tình trạng nhiễm độc trầm trọng ở xứ nầy và yêu cầu sự giúp đở của thế giới. 
     
      Trong khi đó, Việt Nam, vùng đất đang bị nguy cơ nhiễm độc arsenic ở ĐBS Hồng và ĐBSCL thì vẫn chưa có một tiếng nói chính thức nào về vấn nạn arsenic trên diễn đàn nầy ngoại trừ một dự thính viên người Mỹ gốc Việt đến tham dự hàng năm để thu thập tin tức và quan sát.

     Đó là nỗi ray rứt chính trong tôi.

     Không lẽ nào đây chỉ là một vấn đề thứ yếu không ảnh hưởng đến quốc phòng hay an ninh quốc gia mà lãnh đạo hiện tại không cần lưu tâm đến?

     Không lẽ nào đây là một vấn nạn chỉ ảnh hưởng đến 80% nông dân và những người nghèo thành phố không có điều kiện mua nước lọc?

     Không lẽ nào vấn nạn arsenic không ảnh hưởng đến vài triệu “công dân cao cấp” cho nên dễ bị lãng quên!

Không lẽ nào, không lẽ nào... ba tiếng trên cứ ám ảnh mãi trong tôi vì những phát biểu trong hội nghị còn ghi đậm trong tâm khảm:“Nước tự nó không màu và không có biên giới cho nên không thể bị ức chế được (water has no colour of its own, it has no boundary to be restricted). Và mục tiêu tối hậu của LHQ trong Nghị trình 21 “Tất cả mọi người trên thế giới đều có quyền có đủ lượng nước sạch và an toàn cần thiết cho nhu cầu hàng ngày”.

Ngày nay, Homo Sapiens chiếm cứ hầu hết khắp nơi trên mặt địa cầu với 7,2 tỷ người và với khả năng gia tăng 80 triệu nhân khẩu mỗi năm. Không nơi nào không có dấu chân người. Ước tính đến năm 2050, thế giới sẽ chứa tổng cộng trên 10 tỷ, trong đó dân số trong 48 nước nghèo nhất sẽ tăng gấp ba lần trong khoảng thời gian nầy.

Vấn đề sẽ không cần được bàn cải nếu chúng ta có đủ lượng nước sạch để  phân phối đồng đều và công bằng cho tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Nhưng trên thực tế, khó có thể thực hiện cùng một lúc, nhất là đối với những quốc gia cùng chia xẻ một dòng sông. 
  • Sông Colorado không còn chảy vào vịnh Mể Tây Cơ vì các đập thủy điện đã ngăn chận nguồn nước ở thượng nguồn. Mặc dù hàng năm Hoa Kỳ đền bù cho Mể hàng triệu mẫu khối nước, nhưng việc làm đó cũng không làm cho người dân sống ở hạ lưu thoát khỏi cảnh nghèo đói mặc dù họ đã xử dụng lượng nước trên cho việc tưới tiêu trong nông nghiệp. 
  • Ngược lại, ở miền Trung Nam Mỹ, hàng năm chính phủ Mể phải đền bù lại vài triệu mẫu khối nước cho Texas từ sông Rio Grande qua hiệp ước NAPTA làm phong phú thêm cho nền kinh tế vốn dỉ đã quá thịnh vượng của Hoa Kỳ. 
  • Ở Á Châu, sông Cửu Long là một con sông quốc tế chảy xuyên qua 7 quốc gia Tây Tạng, Miến Điện, Trung Cộng, Thái Lan, Lào, Cao Miên, và Việt Nam. Tuy nhiên chỉ có 4 quốc gia sau cùng nằm trong Ủy Hội Sông Mekong để liên đới cùng chia xẻ trách nhiệm, còn các quốc kia ở thượng nguồn, mặc dù không tuyên bố nhưng đã có những hành xử vô trách nhiệm đối với dòng sông và cư dân sống ở vùng hạ lưu. 
  • Hiện tại, Trung Cộng đang cấu kết với Miến Điện, Thái Lan, và Lào để lập phương án vét nạo lòng sông để cho tàu bè từ Vân Nam có thể thông thương qua các nước kể trên. Việc làm nầy có thể làm đảo lộn dòng chảy của sông và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng hạ lưu là Cao Miên và Việt Nam trong mùa khô. Quả thật đây là một hành động bá quyền của một “nước lớn”! 
Nguy cơ trước mắt 

Tổng sản lượng nước trên thế giới gồm: 97,5% nước biển (mặn) và chỉ 2,5% nước ngọt. Trong 2,5% nầy chỉ có 0,4% nước mặt gồm sông ngòi, ao hồ và hơi nước trong không khí, 30,1% nước ngầm, và phần còn lại là những tảng băng trải rộng ở Bắc và Nam cực. Và sau cùng trong 0,4% nước mặt đó, có 67,4% nước ao hồ, 1,6% sông ngòi, 12,2% nước đã thấm vào đất, 9,5% hơi nước trong không khí, và phần còn lại gồm các wetlands .

Sự phân bổ nước trên thế giới hoàn toàn không đồng bộ do điều kiện địa lý từng vùng, sự lạm dụng của những quốc gia kỹ nghệ, và sự “nhắm mắt làm ngơ” không giúp đỡ các quốc gia nghèo đói của các “nước lớn”. Theo ước tính, có 70% lượng nước trên thế giới được xử dụng cho nông nghiệp, 20% cho kỹ nghệ, và 10% cho sinh hoạt gia đình. Hàng ngày, trong nhiều vùng ở Phi Châu, phần đông cư dân không có hơn một lít nước dùng cho sinh hoạt cá nhân; trong lúc đó ở Hoa kỳ, mức tiêu thụ nước cho mỗi người dân có thể lên đến 700 lít cho một ngày, và người dân Paris, 100 lít!

Với sự tận dụng hơn 90% nước dùng trong nông nghiệp và kỹ nghệ, mực nước ngầm có khuynh hướng hạ thấp dần do đó có thể làm cho mặt đất lún sâu. Thành phố Mexico, thủ đô của Mể Tây Cơ trong vòng 50 năm trở lại đây đã bị lún sây hơn 60 bộ (1 bộ = 25 cm), khiến cho nhiều nơi trong thành phố bị sụp lở. Tỉnh Trà Vinh ở Viện Nam, theo thống kê năm 2000, có khoảng 41.512 giếng khoan tạo ra tình trạng suy giảm trử lượng nước ngần và ô nhiễm nguồn nước. Mặt đất nơi đây đã giảm từ 2 đến 2,5 mét so với mặt đất năm 1994.

Thêm nữa, sự gia tăng dân số kéo theo nhu cầu cần phải phát triển nông nghiệp, do đó việc tận dụng nguồn nước, nhất là nước ngầm sẽ là một nguy cơ làm cạn kiệt nguồn nước trong tương lai. Trước mắt, các quốc gia đang phát triển phải trực diện với nạn gia tăng dân số vì không có khả năng ngăn chặn mức sinh sản của người dân, các nước nầy sẽ là những nạn nhân đầu tiên của nạn khan hiếm nguồn nước trong một tương lai không xa.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, ở các quốc gia Á Châu, Phi Châu, hay Châu Mỹ La tinh, nhu cầu nước dùng cho nông nghiệp cao gấp đôi so với các quốc gia kỹ nghệ. Lý do là vì ở các quốc gia kể trên không có hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh và hiệu quả cũng như nguồn vận chuyển nước còn quá thô sơ, cho nên sự thất thoát rất cao.

Theo dự đoán của các chuyên gia, mức độ chiến tranh có thể gia tăng ở nhiều vùng trên thế giới trong một tương lai gần đây vì sự phân bố không đồng đều nguồn nước của các dòng sông. Có thể có nhiều mâu thuẩn trước mắt cho các quốc gia sau đây:

  • 1) Ấn – Bangladesh vì vấn đề tranh chấp sông Ganges (Hằng Hà);
  • 2) Ấn – Pakistan vì sông Indus;
  • 3) Israel nằm trên thượng nguồn sông Jordan và các quốc gia Jordanie, Syria, và Libanon nằm ở hạ lưu. Nơi sau cùng nầy sẽ là điểm cực nóng vì có thêm lý do tôn giáo và chủng tộc;
  • 4) Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, và Syria cùng chia xẻ dòng sông Tigris và Euphrate, trong đó Thổ nằm trên thượng nguồn và đã hoàn tất việc xây dựng một hệ thống đập thủy điện ở nhiều nơi để tăng gia năng lượng và nông nghiệp.  Iraq nhiều lần hăm dọa dội bom vào các đập ở thượng nguồn nằm trong địa phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy, trong tương lai, nếu không có một biện pháp can thiệp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề trên ở tầm mức toàn cầu thì chiến tranh vì “nước” ở những vùng kể trên có thể xảy ra bất cứ lúc nào!

Nước và sự tái xử dụng

Do nhu cầu phát triển, lượng nước dùng trong nông nghiệp và kỹ nghệ ngày càng tăng nhất là đối với các quốc gia đang phát triển. Ở các nước kỹ nghệ, các nguồn nước thải sinh hoạt và kỹ nghệ được xử lý và được xử dụng lại. Do đó, họ hạn chế được mức ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn cả là tiết kiệm nguồn nước thiên nhiên ngày càng giảm dần.

·         Nguồn nước sông Gironde ở vùng kỹ nghệ Bordeaux (Pháp) đã được tái xử dụng sáu lần.

·         Tại California, thành phố Los Angeles, San Diego và quận Orange đã pha thêm vào nguồn nước sinh hoạt gia đình (khoảng 15%) với một lượng nước sinh hoạt đã được “tái sinh” bằng phương pháp “percolation” (căn cứ vào sự thẩm thấu của nước tái sinh vào mạch nước ngầm).

Do đó, ngay từ bây giờ, cần phải xóa đi quan niệm về nguồn nước mặt, nước ngầm . . . là vô tận! Thêm nữa, trên bình diện quốc gia cần phải đầu tư nhiều vào các dịch vụ thanh lọc nước thải để dùng lại. Việc xử dụng bừa bãi phân bón trong nông nghiệp cũng như các loại hóa chất bảo vệ thực vật đã góp phần không nhỏ vào nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.

Kinh nghiệm Bangladesh

Đứng trước thảm nạn ô nhiễm arsenic trong nguồn nước ảnh hưởng lên 50 trịêu dân do việc UNICEF khuyến khích đào hơn 4 triệu giếng đóng, Bangladesh đang trực diện trước một vấn nạn sinh tử là truy tìm nguồn nước mới cho người dân. Câu giải đáp hiện tại và cuối cùng cho quốc gia nầy là phải nhờ đến thiên nhiên: MƯA. Hầu như tất cả các chuyên gia kinh nghiệm trong vấn đề nầy đều đồng ý về những thuận lợi cho việc dùng nước mưa tại đây là: 
  • Lượng nước mưa sẽ đủ dùng cho mùa khô nếu có phương tiện dự trử;
  • Nước mưa tương đối sạch và có thể thanh lọc vật lý như gạn lọc trước khi dùng (rẻ tiền);
  • Mỗi đơn vị nhà cửa có thể chứa nước mưa trên nóc nhà hay các bồn chứa cá nhân để dự trử trong mùa khô;
  • Có thể thiết lập các hồ chứa công cộng có đáy bằng cát nhuyễn cho một khu dân cư lớn. Hồ nầy có thể dẫn đến các hệ thống tưới tiêu cho nông nghiệp. 

Từ những thuận lợi kể trên, chính phủ Bangladesh cho áp dụng việc tồn trử nước mưa khắp nơi, đặc biệt là những vùng ven biển bị nhiễm mặn triền miên. Vũ lượng ở Bangladesh thay đổi từng vùng từ 200 mm/năm ở Tây Bắc đến 2000 mm ở Đông Nam. Mặc dù đứng trước những khó khăn trong việc thuyết phục người dân dùng nước mưa và phải lo tồn trữ nước, chính phủ Bangladesh sau cùng cũng thành công trong việc giải quyết được nạn ô nhiễm arsenic trong nguồn nước và những hệ lụy của arsenic lên sức khỏe người dân một phần nào. (Các bịnh tật do arsenic gây ra đã từng được người dân Bangladesh thừa nhận là do Thượng đế trừng phạt.

Sau cùng, kế sách xử dụng nước mưa đã được UNICEF ủng hộ và yểm trợ phương tiện cùng tài chánh cho Bangladesh. Hy vọng từ đây các bịnh trạng do arsenic gây ra sẽ giảm dần trong tương lai cho đất nước nầy.

Mưa và Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)

Vùng ĐBSCL có vũ lượng hàng năm là khoảng 2000 mm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11. Do đó chỉ cần tồn trữ nước mưa từ tháng 11 cho đến tháng tư cho mùa khô. Nếu tính mỗi đầu người cần 5 lít nước mưa một ngày để dùng cho ăn uống thì nhu cầu hàng năm cho một gia đình 4 người ở vùng nầy là:

5L/ngày/người x 4 người/gia đình x 356 ngày/năm = 7.300 L/gia đình/năm

Như vậy, chỉ cần các bồn chứa có dung tích khoảng 4.000 L là đủ dùng cho mùa khô.

Đối với các dịch vụ công cộng chỉ cần các hồ chứa lớn hơn và có lớp plastic LDPE (low density poly-ethylene) bọc phần đáy và thành hồ, chúng ta sẽ có những bồn chứa có trữ lượng hàng ngàn m3 cho nhu cầu công cộng.

Đây là một biện pháp đơn giản, ít tốn kém, không đòi hỏi “khoa học kỹ thuật” cao, hoàn toàn thích hợp cho điều kiện Việt Nam hiện tại.

  • Đứng trước viễn ảnh bị ô nhiễm arsenic qua việc xử dụng hơn 200.000 giếng đóng ở ĐBSCL mà cả UNICEF lẫn chính phủ Phan Văn Khải cũng phải chính thức nhìn nhận vào năm 2002;
  • Đứng trước thực trạng xử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu rầy, xử dụng quá tải lượng phân bón cho nông nghiệp mà kết quả là bao nhiêu vụ ngộ độc thực phẩm đã diễn ra hàng ngày trên báo chí Việt Nam;
  • Đứng trước sự thành công bước đầu trong việc giải quyết thảm nạn arsenic của chính phủ Bangladesh;
  • Liên Hiệp Quốc qua UNICEF đã nhìn nhận rằng không còn có biện pháp nào tối ưu hơn để giải quyết vấn nạn ô nhiễm arsenic ở các quốc gia đang phát triển bằng cách tận dụng nước mưa do thiên nhiên “tài trợ”.

Do đó, mục tiêu của bài viết nầy là gợi ý giới hữu trách Việt Nam về vấn nạn đang xảy ra cho ĐBSCL: Ô nhiễm arsenic trong nguồn nước sinh hoạt hiện tại. Nồng độ arsenic trong nước ở các giếng đóng đo được ở nhiều nơi đã đạt đến mức tiêu chuẩn chấp nhận của Liên Hiệp Quốc là 10 ug/L (10 ppb) và cao hơn. 

Kết luận

Nước là nguồn sống cho nhân loại.  Nước sạch để tưới tiêu, nước sạch để tắm gội, rữa rau cá thịt, để nấu nướng, để uống.  Nước cho cây cỏ, cho cá tôm, theo đó cho sự điều hòa của hệ sinh thái thiên nhiên. 

Nhưng con người đôi khi chưa ý thức được sự quan trọng của nước, đã lạm dụng nguồn nước, chẳng những không bảo vệ nguồn mà làm cho nước ngày càng mất đi tính tinh khiết do thiên nhiên đãi ngộ.

Con người cũng chưa lường hết những hệ quả trong khi khai thác tài nguyên, bất chấp những hệ lụy của sự tác động môi trường, điển hình là các đập trên sông Mekong, sông Colorado, và rất nhiều đập thủy điện đã được xây dựng ngày trên những dòng sông ngắn trong nội địa Việt Nam. Tại Quảng Ngãi, trên khoảng sông chưa đầy 30 Km đã xây 6 đập thủy điện, gây ra tình trạng sạt lở, lũ lụt hàng năm do việc xả nước vào mùa mưa.

Đối với Việt Nam, ảnh hưởng của các đập trên thượng nguồn sông Cửu Long, sự phá hoại các rừng tram rừng đước thiên nhiên ở Cà Mau, Bạc Liêu để nuôi tôm, sự tận dụng nguồn nước ngầm trong nông nghiệp, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tất cả đã và đang sinh ra các hệ quả hết sức tiêu cực và khó thể ước lượng được mức tác hại trong tương lai…

Do đó, dù muốn dù không, nước mưa cũng sẽ là vị cứu tinh cuối cùng cho người dân ĐBSCL.

Lạy Trời mưa xuống lấy nước tôi uống… . . . Câu hò miền thôn dã quả đã ứng nghiệm thật đúng cho tâm cảnh hiện tại của người dân ĐBSCL mà niềm tin cuối cùng còn đọng trên môi là TRỜI.

Thiết nghĩ đã đến lúc người dân cũng phải nghĩ đến phương cách tự cứu lấy chính mình để có những quyết định thực tế và sống còn cho đời sống. Đó là việc thiết lập những bồn chứa nước cho gia đình trong mùa khô. Vì tương lai của những thế hệ con cháu sau nầy, mong mọi người dân chơn chất vùng ĐBSCL lưu ý đến một vấn nạn lớn nầy.

Mai Thanh Truyết