23.04.2016

Ngư dân phát giác ‘đường ống khổng lồ’ ở đáy biển Vũng Áng

Ngư dân phát giác ‘đường ống khổng lồ’ ở đáy biển Vũng Áng

VIỆT NAM - Chưa rõ phát giác vừa kể có liên quan đến tình trạng các loại cá tại vùng biển suốt từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết, nổi trắng biển hay không.
Viên chức ở Quảng Trị kiểm tra tình trạng cá chết, nổi trắng khu vực bờ biển Quảng Trị. (Hình: Thanh Niên) 

Báo chí Việt Nam cho biết, mới đây, khi lặn xuống biển săn hải sản, ngư dân Nguyễn Xuân Thành, 36 tuổi, ngụ ở phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã tìm thấy một “đường ống khổng lồ” dài khoảng 1.5 cây số, đường kính khoảng 1.1 mét.

Theo ông Thành, đường ống này chạy từ Formosa Hà Tĩnh thuộc Khu Kinh tế Vũng Áng ra biển.


Formosa Hà Tĩnh là tên gọi dự án đầu tư của Tập Đoàn Formosa của Đài Loan tại Hà Tĩnh. Sau khi Formosa trình dự án đầu tư xây dựng nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh, với tổng vốn đầu tư là $15 tỷ, tại khu kinh tế Vũng Áng, chính quyền Việt Nam đã quyết định giao cho tập đoàn này 2,000 héc ta đất và 1,200 héc ta mặt nước để làm cảng Sơn Dương.

Dự án vừa kể khiến 3,000 gia đình bị thu hồi đất, giải tòa nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sinh kế của khoảng 20,000 người. Chưa kể có 15,000 ngôi mộ bị cải táng. 58 nhà thờ bị dỡ bỏ.

Chính quyền Việt Nam đã từng dành cho Tập Đoàn Formosa nhiều ưu đãi khi đầu tư Dự Án Formosa Hà Tĩnh: Cho thuê đất 70 năm nhưng từ năm thứ 16 mới phải trả tiền thuê đất. Chỉ tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi có thu nhập chịu thuế và tỉ lệ chỉ là 10% thay vì phải 25% như thông lệ. Chưa kể khi có thu nhập chịu thuế còn được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và trong 9 năm sau đó được giảm 50% tính trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Dự Án Formosa Hà Tĩnh khởi công vào cuối năm 2012 và ngay sau đó trở thành túi chứa công nhân từ Trung Quốc sang Việt Nam làm việc.

Trong vài năm gần đây, bộ phận điều hành Formosa Hà Tĩnh liên tục đòi thêm nhiều ưu đãi khác. Ví dụ đề nghị cho phép lập “Đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng” với Ban Quản Lý “trực thuộc văn phòng chính phủ.” Đề nghị thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép. Ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh. Trực tiếp vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn. Miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu... Chưa kể bộ phận điều hành Formosa Hà Tĩnh còn đề nghị “được cắt đất để bán cho khoảng 15,000 nhân viên mà nếu tính cả thân nhân thì khoảng 60,000 người nhằm xây dựng một thị trấn...”

Cách nay vài ngày, sau khi xảy ra tình trạng các loại cá tại vùng biển suốt từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết, nổi trắng biển, nhiều người bày tỏ nghi ngờ đó là do Formosa Hà Tĩnh lén lút xả nước thải và chất thải ra biển song giới hữu trách tại Việt Nam bác bỏ giả thiết này vì “thiếu chứng cứ.” Cho đến nay, giới hữu trách tại Việt Nam chỉ khuyến cáo dân chúng không nên mua bán, ăn cá chết và tổ chức vớt, thiêu hủy cá chết để tránh tình trạng cá chết khiến vùng biển gần bờ của bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị ô nhiễm. Trừ Quảng Trị loan báo đã vớt và tiêu hủy 30 tấn cá chết, ba tỉnh còn lại chưa công bố thống kê thiệt hại về nguồn lợi hải sản.

Trong khi giới hữu trách tại Việt Nam còn đang lúng túng trong việc xác định nguyên nhân thì phát giác của ngư dân Nguyễn Xuân Thành khiến nghi ngờ cá chết do Formosa Hà Tĩnh xả nước thải và chất thải ra biển trở thành mạnh mẽ hơn trước.

Ông Thành kể rằng “đường ống khổng lồ” mà ông đã thấy không đặt trên bề mặt đáy biển mà được che đậy bằng các bao cát và đá hộc. Ở điểm cách bờ khoảng 1.5 cây số, đường ống có đường kính 1.1 mét được tách ra thành ba đường ống nhỏ hơn, đường kính của mỗi đường ống nhỏ khoảng 40 centimeter.

Theo lời ông Thành thì nước được bơm rất mạnh từ trong lòng ống vào lòng biển và có màu vàng đục, sền sệt, nặng mùi. Ông Thành đã báo phát giác của ông cho Đồn Biên Phòng Đèo Ngang, thuộc Bộ Chỉ Huy Biên Phòng Hà Tĩnh.

Một viên trung tá là chỉ huy phó Đồn Biên Phòng Đèo Ngang cho biết, nơi này chưa làm gì cả vì cấp trên chưa chỉ đạo. Một viên vụ phó Vụ Nuôi-Trồng Thủy Sản thuộc Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, xác nhận đã biết phát giác vừa kể nhưng cơ quan này cũng đang chờ chỉ đạo vì khu kinh tế Vũng Áng “có yếu tố nước ngoài” nên không thể đột ngột xông vào kiểm tra. (G.Đ.)


(Người Việt)

đọc thêm:

Vụ cá chết hàng loạt: Formosa nhập hàng trăm tấn hóa chất
Trong quý I/2016, Formosa nhập hàng trăm tấn hóa chất, chế phẩm sinh học mới vào Việt Nam.

Liên quan đến việc cá nhiễm độc chết hàng loạt phát sinh từ vùng biển Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh rồi kéo dài vào vùng biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Dư luận đặt ra nhiều hoài nghi về việc môi trường nước bị nhiễm độc do chất thải công nghiệp, hóa chất ở các nhà máy trong khu kinh tế Vũng Áng, trong đó tập trung vào hệ thống xả thải ở tầng nước sâu ra biển của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt Formosa).
Qua tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, Formosa đã nhập 297 tấn hóa chất vào Việt Nam phục vụ quá trình thi công và chuẩn bị vận hành nhà máy. Trong số các hóa chất này có nhiều loại hóa chất chỉ sử dụng trong công nghiệp, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường nếu không được sử dụng đúng cách hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường.
Ngoài ra, theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, ngày 16/12/2015 Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có nhập lô chế phẩm sinh học HSBEMBM (hay còn gọi là vi sinh vật) để xử lý nước thải.
  Cá biển chết trôi dạt vào bờ.
Tuy nhiên, do đây là loại chế phẩm sinh học hoàn toàn mới, lần đầu đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam nên Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên & Môi trường) phải thực hiện các thủ tục xác minh với Bộ Bảo vệ môi trường Trung cộng về tính an toàn của chế phẩm này. Đồng thời tiến hành thẩm định, kiểm nghiệm trước khi cấp giấy chứng nhận cho phép lưu hành chế phẩm này. Đến ngày 5/4/2016, chế phẩm này mới được Tổng cục Môi trường cấp Giấy chứng nhận lưu hành và có công văn gửi đơn vị hải quan cho phép thông quan lô sản phẩm này.
Tính đến thời điểm này, Formosa đã tiến hành nhập 3 lô sản phẩm chế phẩm sinh học HSBEMBM về cảng Sơn Dương với tổng trọng lượng 361 tấn.
Theo đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Vũng Áng, các chế phẩm này có dạng lỏng được chứa trong các thùng phuy trọng lượng 200kg/thùng. Sản phẩm này do Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật môi trường Hán Lam Triết Giang (Trung Hoa lục địa) sản xuất.
Tuy nhiên vị đại diện Chi cục hải quan khẳng định, chưa có bất cứ cơ sở nào để nói rằng việc Formosa nhập khẩu các hóa chất và chế phẩm sinh học liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt trong thời gian qua. Hiện vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, trước khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra.
Riêng về hệ thống đường ống ngầm dẫn nước thải dài 1,5km sâu dưới biển của Formosa, ông Đặng Bá Lục – Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Tĩnh cho biết: Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường khi triển khai xây dựng nhà máy cũng đã có hệ thống đường ống này, không phải đơn vị tự ý xây dựng hay lắp đặt thêm.