„…trong
bối cảnh phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, những người tự ứng cử tự do đã tạo
một biến chuyển mới về sinh hoạt chính trị tại Việt Nam.“
Hành
trình của những ứng cử viên tự do
Trung Điền
Từ khi đảng CSVN thiết lập chế độ chuyên
chính vô sản ở miền Bắc vào năm 1946 và trên cả nước từ năm 1975 cho đến nay,
họ đã tổ chức 14 lần bầu cử đại biểu quốc hội theo mô hình “đảng cử, dân bầu”.
Nghĩa là những người được đưa ra ứng cử và
trúng cử đại biểu đều được sắp xếp theo cơ cấu, do Ủy ban thường vụ quốc hội
khóa trước quy định. Trước khi tiến hành cuộc bầu cử, quốc hội ra một Nghị
Quyết ấn định số lượng đại biểu ở trung ương và địa phương, cũng như phân bố số
lượng đại biểu của những cơ quan đảng, đoàn, chính phủ, các đoàn thể, bộ công
an, bộ quốc phòng vân, vân…
Dựa trên sự phân bố này, Mặt Trận Tổ Quốc
và các tổ dân phố có nhiệm vụ “lùa” dân đi bỏ phiếu dựa trên danh sách được ấn
định phải bầu này mà không có một chọn lựa nào khác.
Ứng cử viên độc lập
Sau đợt thay đổi hiến pháp vào năm 2001,
đảng CSVN đã chế thêm loại ứng cử viên độc lập trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa
11 năm 2002.
Lúc đó, những ứng cử viên độc lập thường
là các doanh nhân hay các học giả vốn là đảng viên hoặc có quan hệ sâu với đảng
được “khuyến khích” ra ứng cử để tạo dáng vẻ dân chủ. Tuy nhiên, hầu hết những
ứng viên độc lập này đã bị loại ra trước khi việc bỏ phiếu bắt đầu bởi một quá
trình sàng lọc phức tạp, dưới sự kiển soát của đảng qua hai cửa ải:
- Cửa ải thứ nhất là Hội nghị lấy ý kiến
cử tri tại nơi cư ngụ hay tại sở làm. Hội nghị nơi cư trú được tổ chức ở cấp
Phường, nằm trong tay sinh sát của ba thành phần là Mặt trận tổ quốc, ủy ban
nhân dân và tổ trưởng dân phố, với sự tham dự của vài chục cử tri được chọn sẵn
để “triệt hạ” ứng viên.
- Cửa ải thứ hai là Hội nghị Hiệp thương
vòng ba được tổ chức một cách bí mật không có ứng cử viên tham dự. Hội nghị
hiệp thương này nằm trong tay sinh sát của Mặt trận tổ quốc, ủy ban nhân dân và
một số đoàn thể địa phương, nhằm loại những ai có nhiều xác xuất làm thay đổi
kết quả bầu cử đã định sẵn theo nguyên tắc “so bó đũa chọn cột cờ” mà bà Lê Thị
Kim Oanh, phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc phát biểu. Nói một cách khác, những ứng
cử viên độc lập nào có nguy cơ đe dọa những ứng cử viên của đảng sẽ bị loại dù
có đạt 100% ủng hộ của cử tri.
Sau đây là những con số ứng cử viên độc
lập qua ba kỳ bầu cử đáng suy gẫm:
- Bầu cử đại biểu quốc hội khóa 12 vào năm
2007, toàn quốc có 282 ứng cử viên độc lập, chỉ có 30 người được lọt vào trong
danh sách ứng viên đại biểu, nhưng kết quả chỉ có hai người được chọn làm đại
biểu quốc hội khóa 12.
- Bầu cử đại biểu quốc hội khóa 13 vào năm
2011, toàn quốc có 82 ứng cử viên độc lập, chỉ có 15 người được lọt vào trong
danh sách ứng cử viên, nhưng kết quả chỉ có 4 người được chọn làm đại biểu khóa
13.
- Bầu cử đại biểu quốc hội khóa 14 (2016)
hiện nay, toàn quốc có 154 ứng cử viên độc lập, cũng như các kỳ bầu cử trước,
hầu hết các ứng viên độc lập đều bị loại ở vòng lấy ý kiến cử tri, dự kiến có
khoảng 15 người được lọt vào danh sách ứng cử viên, nhưng chưa biết bao nhiêu
người sẽ được chọn.
Thành phố Hà Nội có đến 48 người nộp đơn tự
ứng cử nhưng bị loại đến 95%; trong
đó có 4 người tuy được phiếu tín nhiệm cao trong Hội nghị cử tri, nhưng lại
không được chọn vào danh sách ứng cử đại biểu gồm ông Trần Đăng Tuấn (nguyên
Phó giám đốc Đài truyền hình Việt Nam), ông Nguyễn Cảnh Bình (Giám đốc nhà sách
Alpha), Kỹ sư Nguyễn Đình Nam (Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc công ty CP
VP9 Việt Nam) và ông Nguyễn Hải Nam (Quản lý sản xuất và dự án, Chủ tịch Hội
đồng thành viên Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Quyết Thắng Phù Đổng Gia Lâm).
Hiện nay dư luận đang dấy lên làn sóng
phản đối mạnh mẽ về những màn đấu tố ở Hội nghị cử tri, và nhất là gửi các kiến
nghị mang tính tập thể tố cáo về những sai trái ở Hội nghị hiệp thương 3.
Ứng cử viên tự do
Trong kỳ bầu cử quốc hội 2016 đã có một
không khí rất đặc biệt. Đó là trong số các ứng cử viên độc lập đã có những
người từng tham gia tích cực vào các sinh hoạt vận động cho dân chủ và chống
lại hành động bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Có khoảng 30 người đã nộp đơn tự ứng cử
tại Hà Nội, Sài Gòn và một số địa phương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Đà
Lạt như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, anh Nguyễn Đình Hà,
bà Nguyễn Thúy Hạnh, Nhà văn Nguyễn Tường Thụy, Nhà báo Phạm Thành, Luật sư Võ
An Đôn, Ca sĩ Mai Khôi, ông Nguyễn Chí Trung, Nhà thơ Bùi Minh Quốc vân, vân..
Ngoài những người này, còn có khoảng hơn
10 người khác như Mục sư Nguyễn Trung Tôn, anh Nguyễn Trung Lĩnh cũng đã xúc
tiến các thủ tục tự ứng cử nhưng đã bị chính quyền địa phương làm khó dễ về
việc thị thực các loại hồ sơ nên đã không thể nộp đơn.
Sự kiện 30 người không thuộc diện doanh
nhân, không có quan hệ nào với đảng và chính quyền CSVN, nộp đơn tự ứng cử tự
do đã tạo sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Tuy có một số người kỳ vọng họ có thể sẽ
được lọt vào danh sách ứng cử viên chính thức hay sẽ có thể đắc cử, nhưng đa số
đều nhìn thấy là kết quả thắng cử rất mong manh.
Điều mà dư luận phẫn nộ chính là thủ đoạn
gian lận và bẩn thỉu của chế độ đã tung ra trong các Hội nghị lấy ý kiến cử
tri, nhằm triệt hạ những ứng cử viên tự do chỉ gồm vài chục cử tri.
Thủ đoạn trấn áp không có gì mới, nhưng
trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, những người tự ứng cử tự do
đã tạo một biến chuyển mới về sinh hoạt chính trị tại
Việt Nam.
Thứ
nhất, từ sự thờ ơ, không
quan tâm đến các cuộc bầu cử nhàm chán theo hình thức “đảng cử dân bầu” trong
nhiều năm qua, sự tự ứng cử của hơn 30 ứng cử viên tự
do đã giúp cho dư luận nhìn thấy hệ thống “dân chủ gấp ngàn lần” của Hà Nội
hoàn toàn là bịp bợm.
Thứ
hai, hơn 30 ứng cử viên
tự do cùng với một số người hậu thuẫn đã can đảm trực diện đối đầu tại những
buổi đấu tố ở các Hội nghị cử tri. Lần đầu tiên bản chất phi dân chủ và dối
trá của những Hội nghị cử tri mà Hà Nội đã dùng hầu triệt hạ những tiếng nói
độc lập, đã bị lột trần trước công luận.
Thứ
ba, sự kiện 30 ứng cử
viên tự do không lọt vào vòng chung kết danh sách ứng cử chính thức lần này
không phải là một thất bại như một số người đề cập, mà chính là dấu ấn để tạo
khởi điểm buộc đảng CSVN phải coi lại chính sách “so bó đũa chọn cột cờ”, và
vấn đề tự ứng cử độc lập trong những kỳ bầu cử tới. Các ứng viên tự do đã tạo
ra áp suất và động lượng cho sự thay đổi cần thiết.
Thứ
tư, những bài học rút ra
từ các cuộc vận động tự ứng cử vừa qua sẽ giúp cho mọi người tìm
ra phương pháp và hành động thích ứng trong khuôn khổ của đấu tranh bất bạo
động, nhằm mở rộng phong trào đấu tranh công khai và trực diện.
Nếu chúng ta coi vụ tự ứng cử vừa qua là
một nỗ lực nong rộng vòng xích để vận động dư luận tạo áp lực lên chế độ, thì
30 người ứng cử tự do đã mang lại một sinh khí mới cho vấn đề tham dự sinh hoạt
chính trị trực diện và gây ra những lúng túng chống đỡ của bộ máy bạo lực.
Sự kiện Hội đồng bầu cử trung ương phải
họp báo cải chỉnh những phát biểu mang tính cáo buộc sai trái, hay Ban tuyên
giáo Thành phố Hà Nội phải ra giải thích về việc loại 4 người ứng cử độc lập
đạt trên 50% phiếu tín nhiệm của Hội Nghị cử tri là dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang rất lo ngại sức ép của dư luận,
chứ không còn tự tung tự tác như các kỳ bầu cử trước đây.
*
Nói tóm lại, những người ứng cử tự do vừa
qua đã đi một hành trình hết sức cam go; nhưng chính sự can đảm của họ khi trực
diện với bộ máy bạo lực tại các buổi đấu tố đã góp phần nâng cao ý thức dân chủ
trong dư luận. Những nỗ lực này đã tạo thêm chất keo nối kết mạnh hơn cho những
nhà hoạt động đang quyết tâm dấn thân cho một nền dân chủ thật sự tại Việt Nam.
Trung Điền