„…người dân nghe từ dân
chủ nhưng họ không hiểu hết ý nghĩa bản chất thật sự của nó. Về xã hội, từ khai
thiên lập địa đến giờ người Việt chưa một ngày nào sống với chính quyền dân chủ
thật sự. „
Tìm đến Dân Chủ
Trần Duy Sơn
Bất cứ ai cũng trả lời ngay được
rằng: Tại
sao người Việt vô cảm? Bởi vì họ sợ tù tội, sợ CS tàn ác, sợ CS còn hơn khủng
bố. Chúng ta sẽ tự hỏi, vậy tại sao các nước Đông Âu làm
được cuộc Cách Mạng Dân chủ, bức tường Berlin, Liên Xô sụp đổ, và tại sao CSTQ
không sụp đổ tiếp theo, theo sau phản ứng dây chuyền và VN cũng sụp tiếp... Còn
các nước độc tài khác như Ai Cập, Miến Điện hay Nam Phi, tại sao phong trào đấu
tranh của Nelson Mandela hay bà Aung San Suu Kyi thắng lợi, vậy họ có điểm
chung gì, phải chăng người dân của họ không sợ hãi, hay chính quyền của họ
không đàn áp người dân vô tội. Phải chăng người Việt quá hèn nhát? Và liệu tức
nước có vở bờ hay không?
Không ai phủ nhận khả năng nhồi
sọ, tuyên truyền và tàn ác của CS, nhưng như vậy tại sao Đông Âu lật đổ được
CS. Tại sao CS Trung Hoa không sụp đổ trước mà lại là Ba Lan hay Tiệp Khắc, như
vậy chắc chắn phải có sự tác động nào đó thêm nữa của truyền thống, xã hội và
con người, chứ không thể nào đổ lỗi cả cho CS được, phải chăng xã hội VN là
mảnh đất màu mỡ cho CNCS phát triển và đảng CSVN gặp thiên thời địa lợi?
Chắc chắn con người là yếu tố
quyết định trong chuyện này. Từ sức mạnh bản thân, tiến tới sức mạnh cả dân
tộc, lôi kéo cả xã hội. Chính hệ tư tưởng quyết định sức mạnh từng con người
trong xã hội. Cái gì đã hình thành nên hệ tư tưởng ấy? Lịch sử, xã hội, và môi
trường đã hình thành nên cốt cách của con người. Do đó, để trả lời cho câu hỏi
tại sao người Việt thờ ơ với xã hội, có rất nhiều yếu tố tác động đan xen lẫn
nhau, bên cạnh chính sách nhồi sọ của CS.
Theo tôi, đây là những lý do:
- Thứ 1: Người
Việt chưa thoát khỏi chế độ Phong kiến.
- Thứ 2: Bao
nhiêu năm luân phiên các cuộc chiến tranh, người Việt tranh thủ hưởng thụ cuộc
sống độc lập hòa bình, đủ ăn đủ mặc, dù bất kỳ đảng nào lãnh đạo cũng vậy, họ
không quan tâm.
- Thứ 3: Người
Việt không nhìn nhận ra bản chất của xã hội hiện tại.
- Thứ 4: Người
Việt chưa biết xã hội dân chủ là gì, chỉ biết nó trên truyền thông, hình ảnh
sung túc phát triển của các nước tiên tiến tác động đến họ chứ thực ra họ chưa
trải nghiệm nó, chưa sống với nó, hiểu nó và phải hình thành nó như thế nào,
cho nên mức độ đòi hỏi không phải là quyết tử mà chỉ là nhu cầu tìm đến theo lẽ
của cuộc sống để chống lại những lạc hậu do chế độ CS tạo ra. Cho nên dân chủ hãy
còn là khái niệm tương đối mới mẻ trừu tượng.
- Thứ 5: Thật
ra Phong trào Dân chủ trong nước hãy còn non yếu, chưa đủ sức tác động vào
người dân quan tâm đến xã hội, bởi nhiều nguyên do.
- Thứ 6: Quan
trọng nhất, theo lịch sử 1000 năm phong kiến, 100 năm thực dân, 70 năm CS ở
miền Bắc, 40 năm CS ở Miền Nam, người Việt vẫn sống trong tư duy nhất nguyên,
không có thói quen của tính đa nguyên, không có khái niệm phản biện đối lập và
sống chung với khác biệt là như thế nào, cho nên họ không đòi hỏi nhiều về cấu
trúc xã hội cần thay đổi.
Tôi sẽ phân tích chi tiết một số
lý do trên và từ đó đề ra một số giải pháp.
1- Chế độ phong kiến hình thành nên tính
cách người Việt
Bất cứ một chính quyền độc tài
nào cũng làm tha hóa người dân, đó là sách lược để cai trị, nếu nó không là
sách lược thì nó vẫn là kết quả của những chính sách dốt nát, điều hành yếu kém
của lãnh đạo không có trình độ thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu khoa học, phản
dân chủ nhưng thừa quyền lực và nòng súng, bắt buộc người khác phải làm theo.
Chính quyền độc tài không đủ trình độ và kiến thức để thực hiện và biện minh
cho những yếu kém mình tạo ra, nên cấm đoán, triệt tiêu tính phản biện, triệt
tiêu sự khác biệt trong xã hội, và kết quả là xã hội luôn luôn đi theo một lề
lối duy nhất, một định hướng bậc thấp nhất. Nó phù hợp với tư duy nhà cầm
quyền, cho nên xã hội càng ngày càng thụt lùi, càng đơn điệu, tha hóa người
dân.
Bài viết trước "Tấn công vào quần chúng" tôi
đã nói rõ tư tưởng phong kiến, Khổng giáo đã tác động ảnh hưởng vào người Việt
như thế nào, xã
hội VN hiện tại không khác gì xã hội phong kiến xưa, người dân chấp nhận mình
là thần dân, tầng lớp thứ 2 trong xã hội, chầu rìa đứng dưới cấp chính quyền.
Người dân chỉ được quyền lo cho gia đình, vui thú với gia đình, phục vụ triều
đình, còn muốn tham gia việc nước anh phải học giỏi thi đậu và ra làm quan. "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".
Ngoài ra anh chỉ ngồi nói phét. Triết lý của Khổng Tử tuyệt vời trong việc giáo
dục con người làm điều hay lẽ phải trong xã hội, nhưng cách giáo dục đó dựa
trên những mẫu thức quy định rập khuôn. Quân tử phải là thế này, tiểu nhân phải
là thế kia, vợ phải là thế nọ, v.v...
“Khổng Tử nói: Người quân tử thân với khắp mọi người mà không tư vị, kẻ tiểu nhân
tư vị mà không thân với khắp mọi người”. (Luận ngữ, II:14).
“Khổng Tử nói: Người quân tử trầm tĩnh an hòa, kẻ tiểu nhân phập phồng âu lo”.
(Luận ngữ, VII.36).
“Khổng Tử nói: Người quân tử ung dung mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân kiêu
căng mà không ung dung”. (Luận ngữ, XIII:26).
“Khổng Tử nói: Người quân tử cầu ở mình, kẻ tiểu nhân cầu ở người”.
(Luận ngữ, XVII:20).
“Khổng Tử nói: Người quân tử quan tâm tới đạo đức, kẻ tiểu nhân quan tâm tới nhà
đất. Người quân tử quan tâm tới phép tắc, kẻ tiểu nhân quan tâm tới ơn huệ”.
(Luận ngữ, IV:11), v,v,v…..
Với cách giáo dục như vậy đúng
trên cảm tính, lý thuyết, nhưng khi ra thực tế xã hội đa thành phần, sai hoàn
toàn, bởi vì không phải ai ung dung cũng là quân tử, hoặc ai kiêu căng cũng là
tiểu nhân, và ai là ngụy quân tử. Hoặc phải sống một cách rập khuôn đúng quy
định, phải ung dung mới là quân tử, không ung dung không quân tử. Từ đó hình
thành cái gì? Con người mất đi tính sáng tạo, tính phân tích và nhận định sự
việc, không phán xét vấn đề, cứ vậy mà làm, nhắm mắt mà làm. Như John F.
Kennedy đã nói: "Rập khuôn là cai tù của tự do và là kẻ
thù của phát triển". Người Việt quan tâm đến lý thuyết mà không
biết đến thực tế. (*)
Từ cách giáo dục rập khuôn, dẫn
đến xã hội cũng vậy. Xã hội bắt buộc người dân phải sống theo những áp đặt,
biến những giá trị tương đối trong tự nhiên thành những chuẩn mực cố định, giá
trị đạo lý con người. Mỗi người phải sống theo đúng thứ bậc và chức phận của
mình. Hãy làm tốt công việc của mình, nếu mỗi người làm tốt nhiệm vụ của mình
thì xã hội sẽ ổn định và phát triển. Làm ruộng lo làm ruộng, thợ rèn lo thợ
rèn, quân lính lo quân lính, thầy đồ lo dạy học, quan lại lo chuyện quan lại,
không liên quan lẫn nhau. Họ có tự hỏi không? Nếu tôi làm ruộng giỏi, đạt năng
suất cao, nhưng anh thợ rèn chỉ làm ra sản phẩm dối trá cái rìu không sắc bén,
hay thầy đồ dạy con tôi không ngoan, thì sao? Hoặc tất cả người dân làm tốt vị
trí của mình, nhưng quan lại tham lam, hống hách cướp bóc, chính quyền không
anh minh thì sao? Một xã hội không thể quản lý để phát triển trên một cách như
vậy. Đó là yêu cầu chứ không phải mục đích, khi trở thành mục đích, thành cơ
chế nó sẽ ràng buộc con người và phát sinh nhiều mâu thuẫn. Chính vì vậy xã hội
phong kiến gần như chỉ có 2 thành phần thích hợp nhất, nông dân và thầy Nho,
thương nghiệp lẫn chăn nuôi không thể phát triển được, vì buôn bán không thể
nằm trong mối ràng buộc tốt xấu, và cần mối quan hệ rộng "Sĩ nông công
thương".
Công bằng ổn định là chuyện của
chính quyền phải giải quyết, nhưng chính quyền phong kiến lại
áp đặt, đổ lỗi vào người dân, bắt họ phải đứng đúng vị trí của mình, để xã hội
ổn định, không đa dạng phức tạp, để dễ cai trị. Dùng quyền lực và tư tưởng áp chế vào người
dân bắt họ phải tuân theo. Đúng ra, chính quyền bằng cách nào đó, quản lý, tổ
chức xã hội công bằng, không để phát sinh mâu thuẫn. Bởi vì khuynh hướng xã hội
luôn luôn phình ra, phức tạp hơn, dân số sẽ nhiều hơn, ngành nghề nhiều hơn,
mạnh được yếu thua, và tất cả mọi mặc dù ít hay nhiều đều có tác động liên quan
lẫn nhau. Đằng này, chế độ phong kiến lại dùng tư tưởng Nho giáo, đè bẹp người ta
xuống, nén họ lại bằng triết lý thứ bậc và chính danh, để xã hội đơn giản hơn,
rập khuôn hơn, để chính quyền dễ dàng cai trị.
Tư tưởng của Khổng Tử chỉ đúng
khi xã hội còn đơn sơ, phù hợp với xã hội Trung Hoa thời kỳ Xuân thu loạn lạc
(722-481 TCN), mục đích của triều đình là ổn định. Khi đã thanh bình rồi cần
phải thay đổi, nhưng các triều đại phong kiến vẫn sử dụng nó vì nó phù hợp với
cuộc sống nông nghiệp ít thành phần, dễ cai trị, do đó nó kèm hãm sự phát
triển. Kết quả là gì? Người
dân phải chấp nhận việc mất tự do và sống chung với mâu thuẫn. Vợ
không thể hơn chồng, con cái có gia đình rồi vẫn không độc lập, người già luôn quyết
định tất cả, nhưng khi đỗ Trạng nguyên rồi cha phải nghe lời con, mê tín dị
đoan, bói toán phát triển bởi vì mỗi người đều thuộc vào một chức phận thứ bậc
nào đó, sao ra không giống nhau, chính quyền tạo ra nhiều cường hào ác bá,
v.v... làm ruộng là suốt đời làm ruộng, dù tướng có tốt mấy cũng không thể học
để ra làm quan được, học hành dang dở bị xã hội khinh khi, cả xã hội dính vào
một cục trong những định kiến, rất khó tháo gỡ ra. Cho nên người dân chỉ biết
cắm đầu cắm cổ làm việc, bị ràng buộc trong cái gia đình và lệ thuộc trong
những ý nghĩ câu nệ ấy. Họ
phải chấp nhận sống chung với những điều phi lý, mâu thuẫn, kềm hãm phát triển
tư duy của bản thân, riết như vậy, đôi khi họ cảm thấy những điều phi lý là
bình thường mà không cần phải xem xét lại. Cho nên người Việt bị triệt tiêu
tính phản biện, không dám nhìn xa, không dám nhìn chung quanh, không dám phân
tích, không dám nhìn tổng quan vấn đề.
Hãy xem Khổng Tử
nhìn về tổng quan con người:
“Khổng Tử nói: Người quân tử có ba điều phải răn ngừa: Lúc còn trẻ, huyết
khí chưa ổn định, cần răn ngừa về nữ sắc. Tới khi tráng niên, huyết khí đang
mạnh, cần răn ngừa về ham tranh đấu. Tới lúc già, huyết khí đã suy, cần răn
ngừa về ham được hơn người”. (Luận ngữ, XVI:7).
Cả xã hội là một tổng thể thụ
động và người Việt bị nô dịch hóa, an nhàn hóa sống trong xã hội nông nghiệp
đến thế kỷ thứ 19. Có lẽ việc thừa hưởng tốt nhất từ xã hội phong kiến là học.
Học để thành quân tử.
2- Bản chất chế độ XHCN Việt Nam là bóc
lột và nô lệ
Bước qua chế độ CS, rồi CS hậu
toàn trị kinh tế thị trường định hướng XHCN vấn đề còn tồi tệ hơn, cái gì cũng có nhưng chỉ
có 50%.
Tự do 50%. Người
dân được quyền tự do đi lại, nhưng cư ngụ ở đâu phải đăng ký tạm trú, tạm vắng.
Người dân được quyền nói, nhưng không được nói đến chính quyền, không được lập
hội, không được có báo chí tự do. Người dân được quyền sống, tự do buôn bán,
nhưng chính quyền có quyền trưng thu đất đai nhà cửa bất cứ khi nào cần, thèm,
muốn. Mọi người dân đều là tội phạm, nếu liên quan đến bất cứ lãnh vực nào của
chính quyền, mạng sống phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền. Đất nước này không có bóc
lột nhưng chính quyền là đảng cướp.
Bóc lột cũng 50%. Nhìn
bề mặt thì người dân ai cũng có xe máy, đời sống tương đối sống được, nếu so
sánh với thời bao cấp 1975-1985 đúng là cuộc sống có tiến lên thật, nhà cửa
đường sá mở rộng nhiều hơn, nhưng bạn đã về nông thôn chưa? Sức lao động của
tất cả các tỉnh đều đổ dồn về các đô thị lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội, Bình
Dương... biểu sao các khu đô thị không nhộn nhịp sung túc, trong khi ở quê chỉ
còn lại một dúm ông bà già còm lưng làm nông, chăn nuôi vừa đủ sống. Đương
nhiên nông thôn cũng sáng sủa hơn, nhưng 40 năm không chiến tranh nếu quân bình
lại toàn bộ vậy thì VN có tiến lên hay không? Tôi không tin hoàn toàn vào chỉ
số GDP 5 hay 6% kia vì nó có cả vốn vay ODA trong đó. Nhiều vốn ODA vay mượn để
mở mang đường sá, xây dựng các công trình công cộng đã bị tham nhũng, ăn bớt ăn
xén, rồi ai sẽ trả nợ, phải chăng được tính vào tiền thuế của người dân. Phải
chăng chính quyền này vay mượn tiền trong tương lai để lấy tăng trưởng trong
hiện tại, lừa bịp người dân, tham nhũng bỏ túi, rồi bắt nhân dân còng lưng trả
nợ. Có tham nhũng của công nghĩa là có bóc lột, bởi vì người dân phải đóng thuế
nhiều hơn để bù vào khoản thâm hụt đó. Hôm nay tính trên mỗi đầu người, phải
đóng thuế nợ công gần 23 triệu đồng.
Rồi giá chênh lệch giải tỏa đền
bù đất đai. Đất nông nghiệp định mức giá mạt rệp (có thể 160.000đ/1m2). Sau khi
quy hoạch, giao cho chủ đầu tư và chuyển đổi thành đất thương mại, xây dựng các
cơ sở hạ tầng, dân cư đan xen, phân lô bán nền với giá “cắt cổ”, gấp lên cả 100
lần, (có thể 16 triệu đ/1m2). Lợi nhuận này sẽ được chia năm xẻ bảy cho các
quan chức “có công” bao che, thực hiện giải tỏa di dời. Vậy sao không có bóc
lột, chính điều này mới làm mờ mắt người dân, họ chỉ thấy nhà cao cửa rộng mà
không phân biệt được bản chất bên trong của nó.
Nhưng, điểm bóc lột tinh vi nhất,
xảo quyệt nhất, ghê gớm nhất mà nguời dân không thấy, đó là khoản thuế để nuôi
cái đảng ký sinh trùng sống bám vào chính quyền, hút máu người dân mà tự cho là
tổ chức đảng chính quyền lãnh đạo. Đúng ra đảng phải
có kinh phí tự nuôi đảng, đằng này có chính quyền rồi, còn có đảng bộ phường,
chủ tịch phường, đảng bộ tỉnh, Bí thư tỉnh ủy, Mặt trận tổ quốc, v.v... để chi?
Người dân đâu cần họ, họ tự áp đặt đứng vào, lãnh lương ngân sách, bắt người
dân đóng thuế nuôi, rồi quay lại đàn áp dân chúng. Vậy bóc lột bao nhiêu
%?
Đó là chưa đi sâu vào tính cách
bóc lột từ khoản lương công nhân với chính sách lao động nhân công giá rẻ, mà
mỗi năm khiến hàng ngàn cuộc đình công diễn ra.
Nô lệ 50%. Việt
Nam hiện tại, không khác gì chế độ chiếm hữu nô lệ. Xét một số đặc điểm chung
của chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ CS ta thấy cả 2 nhà nước đều nắm trong tay
toàn bộ tư liệu sản xuất, đất đai. Trong chế độ chiếm hữu nô lệ, chủ nô nắm
toàn bộ đất đai, tư liệu sản xuất, toàn bộ nô lệ và hình thành nên nhà nước chủ
nô. Trong chế độ CS đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, nhưng nhà nước quản
lý, thực tế nó thuộc đảng chủ nô sở hữu và toàn bộ tư liệu sản xuất cũng do các
tập đoàn nhà nước quản lý phân phối, các công ty xây dựng, nhà thầu các dự án
lớn đều do tay chân nối dài của đảng cộng sản quyết định, nắm trong tay toàn bộ
nền kinh tế đất nước. Đảng
quyết định toàn bộ nhân sự, chính sách, chiến lược, thi hành, thực hiện, hành
pháp, tư pháp lập pháp, vậy thì đảng có khác gì một ông chủ nô toàn năng bao
trùm cả đất nước. Trong khi người dân bị mất quyền con người, mất
quyền sở hữu, mất quyền phản đối. Có khác chăng là người nô lệ trong chế độ
chiếm hữu làm việc không lương và trở thành những công cụ biết nói.
"Khi đề cập tới vấn đề này, V.I.Lênin
cho rằng chuyên chính vô sản không phải chỉ là bạo lực đối với bọn bóc lột, và
cũng không phải chủ yếu là bạo lực mà mặt cơ bản của nó là tổ chức, xây dựng
toàn diện xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Cũng vì
những tính chất đặc biệt như vậy của nhà nước vô sản mà những nhà kinh điển của
chủ nghĩa Mác-Lênin đã khẳng định rằng nhà nước vô sản là một kiểu nhà nước đặc
biệt trong lịch sử, đó là nhà nước không còn nguyên nghĩa, là nhà nước nửa nhà
nước. Sau khi những cơ sở kinh tế, xã hội (nguồn gốc) của sự xuất hiện và tồn
tại của nhà nước mất đi thì nhà nước sẽ không còn."
Mãi mãi CS sẽ không bao giờ tiến
lên được cái nhà nước ấy, vì điều đó là không tưởng, phi thực tế bởi vì sau khi
xóa bỏ giai cấp, chính giai cấp đang nắm quyền mặc nhiên trở thành giai cấp
thống trị và chuyên chính vô sản biến họ thành giai cấp chủ nô, toàn bộ dân
chúng trở thành bị trị, tuy chưa thành nô lệ điển hình, tuy họ vẫn phải tự bươn
chải kiếm ăn trong miếng rẻo thừa mà đảng chừa lại để nhân dân vẫn lầm tưởng
mình còn là con người, nhưng thực chất họ đã là nô lệ, bởi vì họ không được một
quyền hạn nào tham gia vào chính trường để quyết định cho số phận của mình hay
đất nước. Đại hội đảng 12 người dân đứng chầu rìa xem đảng tự tung tự tác, họp
kín, bỏ phiếu kín, tự quyết định vận mệnh cả dân tộc, tòa án xử công khai thì
nhân dân chỉ được nghe "qua loa", dân chưa bầu cử nhưng chủ tịch quốc
hội, thủ tướng đã có, người dân tát CA thì tù tội 3 năm, nhưng CA làm chết dân
thì hưởng án treo, vân vân và vân vân...
Chế độ CSVN là chế độ chiếm hữu nô lệ được ngụy trang
bằng hiến pháp, cho nên người dân không nhận thức đúng về đảng và thực tế xã
hội.
3- Người Việt chưa hiểu xã hội dân chủ là
gì?
Từ "dân chủ" chỉ xuất
hiện đại trà trên truyền thông khoảng 2,3 năm trở lại đây, trước kia nó thuộc
loại "nhạy cảm", phạm húy với đảng. Các diễn dịch về nó cũng mang đậm
chất mị dân lừa bịp giả dối: "dân chủ là dân mở
miệng", hay "dân chủ là quyền làm chủ của
nhân dân", nghe mơ hồ giống như: "nhân dân làm chủ, đảng lãnh đạo", "đất đai thuộc sở hữu toàn dân", hoặc "quyền lực thuộc về người dân", nhưng thực tế
là cái gì, có vẻ sướng tai, mơ ngủ, nhưng anh không xác định được nó là cái gì
cụ thể.
Trong tiếng Anh, từ dân chủ xác
định rõ ràng danh từ và tính từ: democracy và democratic có nghĩa nền dân chủ,
chế độ dân chủ và chính quyền dân chủ, xã hội dân chủ. Qua báo chí VN, gần như
chỉ sử dụng theo nghĩa danh từ nhiều hơn tính từ như tự do, độc lập, hạnh phúc
và bao quát tất cả mọi nghĩa cho nên nó mờ mịt tối nghĩa, không hiểu được. Thật
sự nếu hỏi dân chủ là gì không trả lời được, nó phải đi đôi một từ nữa mới có
nghĩa: chính quyền dân chủ là gì, xã hội dân chủ là gì, dân chủ tự do là gì
v.v... Có lẽ nằm trong chính sách tuyên truyền của CS cho nên từ dân chủ luôn
được sử dụng một mình, không dám gợi mở cho người dân đi đến ý niệm chính xác
hơn, đúng cấu trúc của nó. Người ta sử dụng từ dân chủ bao hàm nghĩa tự do và
công bằng chung chung, chứ không phải là một cấu trúc chính quyền hợp lý cần
thay đổi. Họ sợ sự lật đổ. Cho nên người dân nghe từ dân chủ nhưng họ không
hiểu hết ý nghĩa bản chất thật sự của nó.
Về xã hội, từ khai thiên lập địa
đến giờ người Việt chưa một ngày nào sống với chính quyền dân chủ thật sự. Thời
Pháp thuộc có tự do, có đa nguyên nhưng mất độc lập cho nên mục đích tối hậu là
độc lập, có độc lập có tất cả. Thời VNCH cũng vậy, nền dân chủ còn non yếu bị
CS tuyên truyền, đầu độc, tấn công "Đế quốc Mỹ" xâm lược, mục đích
độc lập toàn vẹn lãnh thổ, giải phóng dân tộc cho nên người dân có biết dân chủ
là cái gì đâu?
Vậy tại sao người Việt vẫn tìm
đến xã hội dân chủ?
Đơn giản họ nghĩ dân chủ là công
bằng tự do. Nhưng thật ra dân chủ còn hơn như vậy. Dân chủ là một cấu trúc
chính quyền "của dân do dân và vì dân", nghĩa là nhân dân là mục đích
để chính quyền phục vụ, chứ không phải nhân dân làm chủ một cách mơ hồ như đảng
tuyên truyền. Và trong luật lệ cấu trúc chính quyền đó, mọi quyền
lợi của người dân đều đã được bảo đảm bằng luật pháp, không ai được quyền xâm
phạm kể cả chính quyền như quyền con người, quyền lập hội, bảo vệ quyền tự do
ngôn luận, quyền tự do quan điểm, quyền phán xét, v.v... Chính quyền chỉ là một
phần trong cấu trúc xã hội, ngoài việc tách rời lập pháp, hành pháp, tư pháp
độc lập để tránh việc lũng đoạn của chính quyền, tha hóa quyền lực, còn có
nhiều tổ chức độc lập khác cùng nhau phục vụ xã hội như: toàn án độc lập, báo
chí độc lập, và các tổ chức Xã hội dân sự độc lập khác. Điều này sẽ tránh cho
sự lũng đoạn của các đảng phái và ngăn ngừa bất công tồn tại.
Điểm đặc biệt quan trọng khác mà
xã hội phong kiến và CS không có là hệ thống bầu cử và ứng cử công khai minh
bạch có sự giám sát của báo chí. Với cách đi diễn
thuyết, tìm lá phiếu, tìm cử tri, cương lĩnh hoạt động, mục đích ứng cử v.v...
đã tạo ra một cuộc sống chính trị bàn bạc sôi nổi trên toàn đất nước. Nó thể
hiện tính trách nhiệm quan tâm của người dân với xã hội, thể hiện sức mạnh
người dân trên từng lá phiếu. (Trong chế độ CS, tất cả đều là đảng cử đảng bầu,
hệ thống chính quyền cũng có tam quyền nhưng không phân lập vì đảng là ký sinh
trùng đang hút máu trong đó).
Những điều này là cơ sở để dẫn tới một xã hội công
bằng tự do mà người Việt chưa bao giờ trải nghiệm. Rất buồn là người
Việt mới biết dân chủ trên internet nhưng chưa trải qua. Họ như mầm xanh vươn
ra ánh sáng mặt trời đi tìm nhựa sống.
So sánh giữa 3 chế độ chúng ta
thấy vấn đề gì? Chế độ phong kiến và CS
có những điểm chung:
1. Cả 2 chế độ đều xây dựng xã hội trên cơ sở con
người, từ con người tạo ra xã hội. Chế độ phong kiến hô
hào con người phấn đấu trở thành quân tử, gia đình là rường cột của xã hội, nếu
gia đình tốt thì xã hội tốt. Trong chế độ CS, giai cấp là nguyên nhân của sự
bóc lột, thủ tiêu giai cấp, mọi người ngang nhau thì thế giới sẽ đại đồng. Cả 2
đều đổ lỗi về cho con người và xã hội, không chú ý đến bản chất của chính quyền
và mặc nhiên xem chính quyền là hoàn hảo chỉ dùng để cai trị.
2. Chế độ phong kiến và CS đều không có cơ chế giải
quyết xung đột ở cấp thượng tầng, cho nên luôn tồn tại sự phi lý trong xã hội.
Muốn giải quyết chỉ có đạp đổ xây dựng cơ chế khác.
3. Cả 2 chế độ đều phi tự nhiên.
Không có một xã hội nào mà mọi người đều là quân tử, và cũng không có xã hội
nào mà không có giai cấp. Phải chấp nhận tính đa dạng của tự nhiên và xây dựng
xã hội trên cơ sở đa dạng đó, chứ không phải dùng bạo lực để ép buộc nó đơn
giản lại, điều này là nguyên nhân tạo ra mâu thuẩn.
Ngược lại, chế độ dân chủ gần như
giải quyết được những bất cập mà 2 chế độ kia tạo ra. Nó giải quyết xã hội trên
cơ sở thay đổi cấu trúc chính quyền, chứ không đổ lỗi cho người dân hay xã hội.
Cấu trúc chính quyền hợp lý, nền giáo dục khai sáng sẽ tạo ra xã hội tốt, từ đó
hình thành những con người tốt và bổ sung ngược lại. Nghĩa là chế độ tạo ra con
người, chứ không phải con người tạo ra xã hội. Muốn đất nước ổn định và phát
triển phải giải quyết từ chính quyền, bởi vì chính quyền biểu tượng cho công
bằng và hợp lý, nếu chính quyền tốt sẽ có xã hội tốt, triệt tiêu mối xung đột
giữa chính quyền và người dân, là nguyên lý cơ bản.
Mâu thuẫn xã hội không phải phát sinh từ giai cấp, mà
từ chính quyền với người dân. Bản thân giai cấp không có quyền
lực, thực chất nó là mâu thuẫn giữa quyền lực thống trị và người dân. Trước và
ngay thời của Marx, chính quyền được dựng lên từ giai cấp thống trị, nên nó
mang màu sắc của giai cấp. Sau này chế độ Tư bản đã nhiều lần thay đổi, ngày
nay xã hội đa dạng, phức tạp cả ngàn lần trước kia, con người chuyển qua Kỷ
nguyên tri thức, một chính quyền không đại diện cho giai cấp nào cả, mà nó là
tiếng nói của khoa học tri thức giúp người dân làm chủ vận mệnh với tự nhiên. Những người CS đã ngu muội
và lừa dối dân tộc này khi tuyên bố giai cấp địa chủ mâu thuẫn với giai
cấp nông dân trong xã hội VN, để xác lập chủ nghĩa Cộng sản vào đất Việt. Thực
ra nó là mâu thuẫn giữa triều đình, rồi thực dân với người dân, chứ giai cấp
địa chủ làm gì có quyền lực mà mâu thuẫn - để dựng lên chế độ CS cũng đầy mâu
thuẫn không khác chế độ phong kiến. Kết quả là giai cấp địa chủ bị giết sạch
trong Cải cách ruộng đất nhưng xã hội không hết mâu thuẫn, mà càng mâu thuẫn
hơn.
Người Việt đã trải qua những chế
độ chính trị như vậy, họ bị bần cùng hóa, nô dịch hóa, dốt nát hóa, Khổng giáo
tách họ ra khỏi đời sống chính trị, CS bồi thêm nhát nữa, đạp xuống hố nô lệ,
nỗi sợ hải phần nào đó trở thành căn nguyên nhận thức, Phong trào Dân chủ cần
phải phục hồi họ lại, để xem những gì cần phải thay đổi trong nhận thức.
Đó là những nguyên nhân khách
quan, đừng trách sao người Việt hèn nhát. Hãy hiểu họ!
(Còn tiếp)
(Kỳ sau:Tác động của Phong trào Dân chủ)
Sài Gòn 5/4/2016
(Bài
đăng trên trang mạng danlambaovn.blogspot.com)