16.05.2016

CSVN loay hoay chống đỡ sự phẫn nộ của dân chúng

CSVN loay hoay chống đỡ sự phẫn nộ của dân chúng 

(NV) - Có hàng loạt dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam đang hoảng sợ trước sự phẫn nộ của công chúng nhưng không tìm được giải pháp giảm sự giận dữ mà chỉ chống đỡ.

Một số thanh niên biểu tình ở Hà Nội hôm 15 Tháng Năm. (Hình: tinhdongchuacuuthe.com)

Các giải pháp mà chính quyền Việt Nam đã áp dụng như phát gạo cứu đói, mua lại toàn bộ hải sản mà ngư dân đánh bắt nhưng không bán được cho ai, tuyên bố giãn nợ, giảm lãi, cho các nạn nhân của thảm họa cá chết trắng biển vay thêm tiền, dắt díu nhau cùng tắm biển, ăn hải sản, liên tục công bố “kết quả quan trắc,”... nhằm chứng minh biển đã sạch, hải sản đã an toàn đều... vô tác dụng.


Biểu tình phản kháng tình trạng môi trường sống bị đầu độc vẫn bùng nổ tại nhiều nơi trong ba Chủ Nhật liên tiếp. Để có thể ngăn chặn mà không mang tiếng, chính quyền Việt Nam đã sử dụng dân phòng, dân quân, bảo vệ các doanh nghiệp, thanh niên xung phong và những kẻ mặc thường phục tấn công, bắt giữ người biểu tình. Tuy nhiên, sự tàn bạo không những không làm người ta sợ mà chỉ gây thêm căm phẫn và quyết tâm phản kháng.

Suốt tuần vừa qua, người sử dụng Internet tại Việt Nam đã hỗ trợ nhau truy tìm lai lịch của một số cá nhân mặc thường phục đã đánh đập họ. Ít nhất họ đã tìm ra được tung tích của một số kẻ hung hãn nhất. Một người được xác định là sĩ quan của công an quận 5, Sài Gòn, và một người là sĩ quan của tiểu đoàn Kiểm Soát Quân Sự của Bộ Chỉ Huy Quân Sự ở Sài Gòn.

Công an thành phố Sài Gòn xác nhận, sau khi bị nhận diện, “một số người tham gia giữ trật tự” trong cuộc biểu tình hôm 8 Tháng Năm bị “dọa giết,” có người bị hành hung ngay tại tư gia.

Cũng trong tuần vừa qua, nhiều cựu thành viên của lực lượng thanh niên xung phong ở Sài Gòn đã chính thức lên tiếng phản đối việc sử dụng “thanh niên xung phong” để đàn áp biểu tình vì điều đó “trái với truyền thống” của họ. Đang có khá nhiều ý kiến cho rằng phải kiện thanh niên xung phong ra tòa vì “lạm quyền” khi “trấn áp, bắt người” như công an.

Cuối tuần vừa qua, khi có dấu hiệu cho thấy dân chúng nhiều nơi sẽ tiếp tục biểu tình lần thứ ba (Chủ Nhật, 15 Tháng Năm) và đặc biệt lần thứ tư (Chủ Nhật, 22 Tháng Năm, vừa là ngày bầu đại biểu quốc hội, vừa là thời điểm ông Barack Obama, tổng thống Hoa Kỳ, đến thăm Việt Nam), chính quyền Việt Nam đã áp dụng thêm nhiều giải pháp nữa. 

Giáo dân giáo xứ Song Ngọc ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, biểu tình hôm Chủ Nhật, 15 Tháng Năm. (Hình: tinhdongchuacuuthe.com)

Có những lời kêu gọi, ý kiến phân tích sự cần thiết phải bày tỏ thái độ về nhu cầu được sống an toàn lan rộng và được hưởng ứng mạnh mẽ trên Internet, từ trưa cho đến chiều ngày Thứ Bảy, 14 Tháng Năm, mạng Internet tại Việt Nam đột nhiên tê liệt. Nếu nội dung các tin nhắn qua điện thoại có những từ thời sự như “cá chết,”... đều không thể gửi cho người nhận. Chưa rõ việc chặn Internet và hạn chế hoạt động của các mạng điện thoại di động có thể giảm tác động của những lời kêu gọi biểu tình hay không nhưng những điều này gây khó chịu cho toàn xã hội.

Cảm nhận sự sợ hãi của chính quyền về sự kiện “cá chết” càng lúc càng rõ ràng khi người ta tận mặt chứng kiến một MC của hệ thống truyền hình quốc gia, giựt lại microphone từ tay một giáo viên lúc ông này đề cập đến hai từ “cá chết,” khi trả lời phỏng vấn của MC này về đội tuyển do ông dẫn đi tham dự một cuộc thi chế tạo robot.

Nếu hai tuần trước, dù biểu tình bùng nổ tại nhiều nơi nhưng hệ thống truyền thông của Việt Nam không hề đả động đến những sự kiện đó thì tới giữa tuần này, một số tờ báo bắt đầu khuyến cáo dân chúng rằng tham gia biểu tình là bị “kẻ xấu lợi dụng.”

Hôm Thứ Bảy, các tờ báo đồng loạt đưa thông báo của công an Sài Gòn, khẳng định, các cuộc biểu tình là do đảng Việt Tân “tổ chức.” Bởi vì chắc chắn lý do này sẽ khiến nhiều người ngần ngại vì việc tham dự biểu tình của họ chỉ thuần túy là bày tỏ sự bất bình về tình trạng môi trường sống bị đầu độc, qua Internet, một số người đã đề nghị người biểu tình cầm theo các biểu ngữ “Đả đảo Việt Tân” nhằm vô hiệu hóa những cáo buộc vô căn cứ ấy.
Bên cạnh đó, một số người dùng Internet tại Việt Nam cũng đã chụp lại, công bố thông báo của một số trường đại học, cao đẳng, buộc sinh viên phải tập trung để “ôn tập đột xuất” vào... sáng Chủ Nhật. Những thông báo này cảnh báo việc vắng mặt sẽ ảnh hưởng đến chuyện học hành của sinh viên.


Cũng trong ngày Thứ Bảy, Bộ Khoa Học-Công Nghệ và Môi Trường của Việt Nam hối hả công bố “nguyên nhân” dẫn tới thảm họa môi trường khiến cá chết trắng bờ biển miền Trung. Cũng giống như hai lần trước, lần này, sau khi kể lể dông dài về nỗ lực của chính quyền Việt Nam, một thứ trưởng của bộ này tuyên bố “sẽ có câu trả lời với căn cứ khoa học.” Hai yếu tố cốt lõi và là một trong những nguyên nhân khiến người Việt tràn ra đường biểu tình: Độc chất nào làm cá chết và chúng từ đâu ra (?) vẫn còn nằm ở tương lai. (G.Đ.)