13.05.2016

Xu thế dỡ bỏ các đập trên sông khắp thế giới

(Việt Nam có đề xuất xây dựng 6 đập dọc sông Hồng trong một dự án tỷ đô. Trong khi đó thì nhiều nước trên thế giới đang bỏ tiền tháo dỡ các đập để trả lại dòng chảy cho sông.)
Xu thế dỡ bỏ các đập trên sông khắp thế giới

Việc dỡ bỏ các đập thủy điện trên sông đang là xu hướng ở nhiều nước trên thế giới, nhằm trả lại môi trường sống cho khu vực.
Hàng nghìn đập bị tháo dỡ.

Từng tự hào là quốc gia có nhiều đập thứ hai thế giới chỉ sau Trung Hoa lục địa, ngày nay chính quyền Hoa Kỳ đang phải trả giá vì những sai lầm của một kỷ nguyên xây đập ồ ạt bằng việc tháo dỡ hàng loạt các con đập xuống cấp, kém hiệu quả hoặc gây tác động nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái.

Dòng Elwha đang hồi sinh sau quyết định tháo dỡ đập thủy điện được xây dọc sông này. Ảnh National Geographics. 


Tính đến nay, cả nước Mỹ đã tháo gỡ 1.300 đập trên sông. Chỉ tính riêng 2 thập kỷ qua đã có trên 500 đập ở Mỹ, đa phần là đập nhỏ, bị tháo dỡ. Đến năm 2020, gần 4.400 đập sẽ không còn hiệu quả và Hiệp hội Giới chức An toàn Đập ước tính sẽ phải mất 21 tỷ USD cho hoạt động bảo trì, sửa chữa.

Hai con đập Elwha và Glines Canyon trên sông Elwha được tuyên bố tháo dỡ trong một trong những dự án phục hồi hệ sinh thái tham vọng nhất của Mỹ. Bộ Nội vụ nước này đã được chính phủ trao quyền mua các con đập với giá 29,5 triệu USD để thực hiện dự án phục hồi sông Elwha – một trong những dòng sông dồi dào nguồn cá hồi ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương. Tổng chi phí dỡ bỏ 2 đập này lên tới 350 triệu USD. 

Sông Elwha từng là kho tài nguyên giàu có của khu vực tây bắc nước Mỹ, nhưng những con đập ngăn dòng đã nhanh chóng phá hủy các hệ sinh thái tự nhiên của dòng sông... Các con đập đẩy những giống cá hồi bản địa, trong đó có cá hồi vua, cá hồi lưng gù và cá hồi chó, vào nguy cơ tuyệt chủng.

Ngay khi dòng chảy của sông Elwha trở nên thông thoáng hơn, những đàn cá hồi đã bắt đầu quay về đẻ trứng tại nơi cư trú của tổ tiên chúng cách đây hơn 1 thế kỷ, cây cỏ đã mọc đầy những vỉa đất cao hình thành sau khi hồ Mills và Aldwell xả hết nước...

Đập Glen Canyon trên sông Klamath là dự án tháo dỡ đập mới nhất được thông qua, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. 

Xu hướng này không chỉ ở Mỹ. Từ đầu thế kỷ XI, nhiều dự án dỡ bỏ các đập thủy điện trên sông đã được triển khai trên khắp thế giới. Tại Pháp, tổ chức SOS Loire Vivante đã vận động thành công việc tháo dỡ 2 đập thủy điện ở thượng nguồn dòng Loire, để khôi phục môi trường sinh thái cho cá hồi Atlantic. 

Pháp và Canada cũng hoàn thành một loạt các dự án khác, trong khi Nhật Bản cũng đã khởi động dự án dỡ bỏ đập thủy điện Arase trên sông Kuma vào năm 2012, dự kiến hoàn thành vào năm 2018. 

Vì sao dỡ bỏ?
Trong hầu hết các trường hợp, việc dỡ bỏ các đập xuất phát từ những tác hại đáng kể mà các đập này gây ra với các dòng sông. Các đập làm cạn kiệt thủy sản, suy thoái hệ sinh thái và làm cắt giảm khả năng đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân trên sông. 

Cụ thể, theo Hiệp hội sông ngòi Mỹ, các đập gây ra các tác hại chính với các sông như làm giảm mực nước, chặn hoặc làm chậm dòng chảy, thay đổi nhiệt độ nước và thời gian dòng chảy, thay đổi mực nước hồ chứa và giảm lượng oxy trong nước. 

Đập lớn nhất thế giới cũng sẽ bị dỡ bỏ.

Dùng nước làm thủy điện, đập loại bỏ lượng nước cần thiết cho hệ sinh thái lành mạnh trong dòng. Điều này làm giảm lượng nước ở lưu vực phía dưới. Đập ngăn chặn dòng chảy của thực vật và các chất dinh dưỡng, làm cản trở sự di cư của cá và động vật hoang dã khác, và ngăn chặn con người sử dụng để giải trí.

Rất nhiều loài cá như cá hồi, phụ thuộc vào dòng chảy ổn định để  di chuyển về khu vực hạ lưu và ngược dòng trở lại để đẻ trứng. Hồ chứa nước tù đọng làm mất phương hướng di cư của cá và làm tăng đáng kể thời gian di chuyển của chúng.

Bởi dòng chảy chậm lại, đa số các đập làm tăng nhiệt độ nước. Cá và các loài khác rất nhạy cảm với những bất thường nhiệt độ, khiến chúng bị tuyệt chủng.
Hoạt động tích trữ và xả nước khiến cho khu vực hạ lưu của sông đối mặt luân phiên giữa tình trạng không có nước hoặc ngập mạnh, gây xói mòn đất và thực vật, và lũ lụt.

Bởi dòng chảy chậm lại, đập cho phép phù sa tích tụ ở đáy sông và vùi lấp môi trường sống sinh sản cá. Phù sa bị mắc kẹt trên đập tích lũy kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác. Sỏi, gỗ và các mảnh vụn khác cũng bị mắc kẹt bởi các con đập, khiến chúng không di chuyển được về hạ lưu sông để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho khu vực này.