16.06.2016

Nguy cơ về tâm trạng nạn nhân của Trung cộng - Abdrew Browne (WSJ)

Nguy cơ về tâm trạng nạn nhân của Trung cộng
(Dự đoán Trung cộng sẽ tấn công, nếu phán quyết về các yêu sách biển Đông chống lại họ)

Andrew Browne (The Wallstreet Journal 14.06.2016)
Song Phan dịch
Trung cộng đang xây đảo nhân tạo trên Biển Đông. Nguồn: Financial Times

THƯỢNG HẢI – Trong những giờ phút chót chờ đợi phán quyết về các yêu sách bao trùm ở biển Đông của Trung cộng, một Bắc Kinh ngày càng điên cuồng, tổ chức cuộc tấn công ngoại giao quanh ba lập luận cốt lõi: toà án do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn không có tư cách pháp lý để xử vụ án, nước Mỹ đã chủ mưu tất cả các rắc rối và Trung cộng là nạn nhân.

Đặc biệt lưu ý đến lập luận cuối cùng trong số này. Nếu đúng như dự đoán, tòa trọng tài phán quyết chống lại Trung cộng thì sẽ có một phản ứng dân tộc mạnh mẽ.


Nó sẽ được nâng cao bởi cảm giác sâu sắc Trung cộng là nạn nhân—sự kết án mà phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, ra sức ngăn chặn sự trỗi dậy của họ và nô dịch dân tộc họ thêm một lần nữa. Niềm tin đó thường khuấy động cảm xúc bạo lực công chúng, chẳng hạn như lúc máy bay chiến đấu của Mỹ vô tình bị đánh bom nhầm tòa Đại sứ Trung cộng tại Belgrade năm 1999. Lần này không thể loại trừ một phản ứng quân sự.

Washington đang có tín hiệu e ngại Trung cộng có thể sẽ tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông, tương tự như điều mà họ đã lập ra trên biển Hoa Đông vào năm 2013. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nhìn về phán quyết sắp tới, cảnh báo rằng Washington sẽ xem xét một hành động như vậy là “khiêu khích và gây mất ổn định”. Máy bay chiến đấu Trung cộng đã hai lần bay gần một cách nguy hiểm các chuyến bay giám sát của Mỹ trong những tuần gần đây, theo Ngũ Giác Đài.

Một vụ kiện có tính cột mốc sinh ra từ những cảm giác bị tổn thương của Phi Luật Tân, họ đã tiến hành các thủ tục pháp lý ba năm trước đây sau khi hải quân Trung cộng chiếm giữ thực tế một ngư trường giàu tôm cá ngoài khơi đảo chính Luzon, kết thúc với sự biểu hiện tâm trạng thương tổn của Trung cộng.

Trung cộng là nạn nhân trong vấn đề biển Đông”, Duơng Yến Di (Yang Yanyi), đại sứ Trung cộng tại Liên minh châu Âu viết. Vụ kiện này là “một hành động xấu xa, Từ Hoành (Xu Hong), tổng giám đốc Sở Điều ước và Luật pháp của Bộ Ngoại giao nói. Từ Bộ (Xu Bu), đại sứ Trung cộng tại Hiệp hội các nuớc Đông Nam Á, cho rằng âm mưu đằng sau hậu trường là một nuớc Mỹ “độc tài và độc đoán” vốn “không thể chịu đựng được nuớc khác thách thức bá quyền toàn cầu của mình”.

Manila đã thách thức các yêu sách của Trung cộng đối với một vùng biển rộng lớn—khoảng 80% biển Đông—bên trong “đường chín đoạn” chạy viền theo các nuớc ven biển, bao gồm hàng trăm đảo, đá, rạn san hô và bãi cát.

Tòa trọng tài không được yêu cầu để quyết định về chủ quyền mà chỉ về tình trạng pháp lý của đảo tranh chấp và các rạn đá; Bắc Kinh tranh cãi rằng hai vấn đề này là không thể tách rời và đã từ chối tham gia vào vụ trọng tài.
Để hậu thuẫn các yêu sách lãnh thổ, Trung cộng đã tìm cách kiểm soát tuyến đuờng biển thương mại sầm uất nhất này của thế giới bằng cách xây các rạn đá nửa chìm, thành các đảo giả, có đặt đường băng dài có thể cho máy bay chiến đấu lớn nhất đáp xuống. Tuyến đường biển tràn ngập với các đội tàu bán quân sự của Trung cộng. Tàu hải quân màu xám ẩn khuất ở phía sau. Các pháo tên lửa chỉ lên bầu trời; các trạm radar rà quét tới chân trời.
Các nuớc ven biển, dõi theo việc mở rộng này, đang đổ xô đi mua vũ khí và cầu xin Hoa Kỳ bảo vệ.

Tuy nhiên, Trung cộng lại mô tả chính mình không phải là kẻ săn mồi mà là con mồi.
Logic của họ như thế này: Những mỏm đá rải rác là của Trung Hoa “từ thời xa xưa”, do đó các trọng tài của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển ở The Hague, không phải là việc của họ để thụ lý vấn đề; các nước như Phi Luật Tân và Việt Nam, thèm muốn dầu dưới đáy biển, bắt đầu lấy từng chút và từng miếng lãnh thổ Trung cộng trong các thập niên 1960 và 1970 và xây dựng trên đó, cũng giống như Trung cộng đã làm; gần đây, Tổng thống Obama lại hậu thuẫn việc xâm lấn của họ với việc “chuyển trục” quân sự sang châu Á.

Các kể lể về việc bị hiếp đáp là trung tâm của chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa mà nhà sử học truy nguợc tới cuối thế kỷ 19, khi Trung Hoa bị lục quân và hải quân Nhật đánh thua. Trước đó, các quốc gia phương Tây cũng đã buộc Trung Hoa phải quỳ gối trong cuộc chiến tranh nha phiến. Nhưng bây giờ Trung cộng gục ngã truớc một cuờng quốc châu Á nhỏ hơn. Đòn ác nghiệt đó đã làm cả nuớc bừng tỉnh.

Mặc dù có sức mạnh hiện đại, Trung cộng không bao giờ tìm lại được đầy đủ lòng tự trọng của mình.

Mối hận quốc sỉ sâu đậm là điểm khởi đầu của “Giấc mơ Trung Hoa” của chủ tịch Tập Cận Bình, nó tưởng tượng ra sự hồi sinh vẻ vang về địa vị ưu việt truớc đây của đất nước này. Và ở biển Đông, nó đã tạo ra một hỗn hợp mâu thuẫn của sự phách lối vênh vang với sự phòng vệ khúm núm.

Các đốm lãnh thổ tranh chấp có thể không đáng kể, nhưng đó không phải là điểm chính. Đối với Trung cộng, “mỗi tấc đất” quê hương là thiêng liêng, như các tuyên truyền viên của Đảng cộng sản luôn nhấn mạnh, và mỗi vụ ‘xâm phạm’ của các đối thủ là một lời nhắc nhở họ về “thế kỷ quốc sỉ”.

Trung cộng lo sợ rằng, nếu Manila thắng vụ kiện ở The Hague, Hà Nội và Jakarta có thể bị cám dỗ để bắt chước khởi kiện. Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của tòa, thậm chí chấp nhận nguy cơ tự gán chính mình là kẻ ngoài vòng pháp luật quốc tế và hy sinh thẩm quyền về đạo lý.

Chúng ta sắp bước vào một giai đoạn có khả năng nguy hiểm hơn của một cuộc tranh giành vùng biển lớn vốn đã trở thành đại diện cho một cuộc thi thố rộng lớn hơn giữa siêu cường Mỹ đã thành và một kẻ mới nổi ở châu Á muốn hơn thua.

Hãy coi chừng một Trung cộng tự cảm thấy bị hiếp đáp; một cường quốc nhìn quay trở lại, phiền muộn, bực bội có khả năng tung đòn mang tính hủy diệt nhiều hơn một cuờng quốc tự tin về vị trí của mình trên thế giới.