Tin Formosa (16.06.2016)
Người
Việt tại Đài Loan xuống đường biểu tình phản đối Formosa hôm 2 Tháng 5, 2016.
Vào sáng hôm nay 16/06 vào lúc 9:30 giờ Đài Loan đã
có một cuộc họp báo tại Quốc hội Đài Loan về công ty Formosa Hà Tĩnh.
Cuộc họp báo được tổ chức bởi văn phòng của ba dân
biểu lập pháp Quốc hội Đài Loan với sự tham dự của các tổ chức phi chính phủ,
các nhóm bảo vệ môi trường và các luật sư.
Chủ trì cuộc họp báo sẽ bao gồm: ông Lin Renhui, Tổng
thư ký Hiệp Hội Luật Pháp Môi Trường; Linh Mục Nguyễn Văn Hùng, đại diện Văn
Phòng Giúp Đỡ Cô Dâu và Người Lao Động Việt Nam thuộc Giáo Phận Hsinchu; một vị
đại diện Liên Đoàn Giám Sát Thực Thi Quyền Con Người; và đại diện các văn phòng
Dân Biểu Wu Kun Yu và Su Chifen.
“Bằng cách hợp
tác với các tổ chức tại Việt Nam và gây áp lực tới chính phủ Đài Loan để điều
tra Formosa, có thể đây là động thái để có được một số câu trả lời cho những gì
thực sự đã xảy ra,” phóng viên Cindy Sui của BBC nhận định.
Cindy Sui cho biết trong cuộc họp có sự tham gia của
Ủy ban Đầu tư Đài Loan. Cơ quan này đánh giá các đơn xin đầu tư nước ngoài của
các tập đoàn, và có thể cho phép hoặc không cấp phép dựa trên việc các đầu tư
này có gây ra vấn đề môi trường, vi phạm quyền lao động, nhân quyền hay làm ảnh
hưởng xấu tới hình ảnh của Đài Loan hay không.
Trước khi cuộc họp báo diễn ra, các tổ chức xã hội
dân sự sẽ phổ biến một tài liệu trình bày chi tiết về vụ cá chết hàng loạt xảy
ra ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam từ ngày 6-4-2016, mà dư luận cho là do chất độc
thải từ nhà máy luyện thép Hà Tĩnh Formosa. Nhà máy luyện thép Hà Tĩnh Formosa
có 75% vốn đầu tư từ Formosa Plastic của Đài Loan và 25% từ tổng công ty Thép của
Trung Quốc.
Cuộc họp báo nhằm đưa ra một số đòi hỏi như sau:
– Tổng công ty Formosa phải chủ động nhận trách nhiệm
xã hội về sự kiện cá chết hàng loạt và nhất là tình trạng các thợ lặn bị nhiễm
độc. Hai vấn đề cần Formosa làm sáng tỏ là 384 tấn hóa chất nhập vào Việt Nam
đã sử dụng như thế nào và quá trình xả thải ra biển của nhà máy luyện thép Hà
Tĩnh Formosa.
– Tổng công ty Formosa phải nhanh chóng chủ động mời các chuyên gia, các nhóm công dân, các tổ chức xã hội dân sự để xúc tiến điều tra độc lập và công khai các kết quả điều tra trong thời gian nhanh nhất tại vùng biển Vũng Áng.
– Yêu cầu Bộ Trưởng Kinh Tế, Cục Đầu Tư xem xét lại
các quy định đầu tư ở nước ngoài của những đại công ty như Formosa nhằm không
vi phạm môi trường quốc tế, quyền lao động và các công ước liên quan đến quyền
con người.
Chow Ching-sway, chuyên viên cao cấp từ Ủy ban Đầu
tư, Bộ Kinh Tế Đài Loan nói tại họp báo: “Nếu
họ [Formosa] vi phạm các luật đó, chúng tôi sẽ không thông qua đơn xin đầu tư…
nhưng hiện giờ chúng ta không có luật xử lý đầu tư của công ty sau khi nó được
thông qua bởi Chính phủ Đài Loan. Quốc gia nhận đầu tư sẽ phải xử lý với họ nếu
họ vi phạm luật. Nếu người dân muốn Chính phủ Đài Loan điều tra các công ty đã
được cho phép đầu tư, vậy thì chúng ta phải có luật mới.”
Cindy Sui của BBC bình luận: “Cơ bản là ủy ban cho phép thông qua cũng dựa vào các thông tin mà FPG
cung cấp. Họ không đến quốc gia đặt nhà máy để làm kiểm tra. Nếu có sự cố gì xảy
ra, đó là do chính phủ của quốc gia đặt nhà máy tự xử lý với sự cố đó. “
Formosa Hà Tĩnh ‘tạm hoãn khánh thành’
Nhà
máy thép của tập đoàn Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh. Nguồn: AFP
Phó chủ tịch Formosa Hà Tĩnh nói “vẫn hoạt động bình
thường” và chỉ tạm hoãn khánh thành sản xuất một thời gian ngắn.
Tập đoàn Formosa Plastics (FPG) công bố ngày khánh
thành đưa vào hoạt động nhà máy thép ở Việt Nam đã bị hoãn, và chưa đưa ra thời
gian khánh thành mới, tờ Taipei Times tường thuật.
Trả lời phóng viên Cindy Sui của BBC Đài Loan sáng
16/6, ông Chang Fu-ning cho biết:”Chúng
tôi vẫn hoạt động bình thường ở đây, chẳng có gì là đình chỉ hoạt động cả. Chỉ
là chúng tôi ngừng việc khánh thành sản xuất một chút. Chúng tôi cần sự cho
phép của chính phủ [Việt Nam].”
“Chúng tôi
đang nộp hồ sơ xin phép đây. Chúng tôi đã lên kế hoạch bắt đầu sản xuất thép cuối
tháng Sáu, nhưng giờ chúng tôi cần nói chuyện với chính phủ. Có thể việc tạm
hoãn này sẽ kéo dài 2 -3 tháng nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ đi vào sản xuất.
Nhà máy đã xây xong rồi, sao lại không được vậy hành? Chúng tôi cần phải đăng
ký xin một giấy phép bảo vệ môi trường. Việc này không liên quan gì đến chuyện
cá chết cả.”, ông Chang nói với BBC.
Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh,
công ty con của FPG, đã và đang được dư luận và truyền thông trong nước và quốc
tế chú ý nhiều trước cáo buộc liên quan tới thảm họa cá chết hàng loạt ở nhiều
tỉnh ven biển miền Trung.
Phó chủ tịch Formosa Hà Tĩnh Chang Fu-ning được dẫn
lời nói tổ hợp lò cao số một của nhà máy thép ở khu công nghiệp Vũng Áng, Hà
Tĩnh sẽ không đi vào hoạt động vào thứ Bảy tuần tới 25/6 theo kế hoạch.
Tin được xác nhận sau khi truyền thông Đài Loan tường
thuật FPG bị buộc phải tạm hoãn thời gian khởi động nhà máy sản xuất thép vì
chính quyền Việt Nam đòi hỏi tập đoàn phải trả 70 triệu đôla Mỹ tiền thuế còn
thiếu.
Tin cho biết việc tạm hoãn đưa nhà máy đi vào hoạt động
vì chính quyền Việt Nam cần thêm thời gian để xử lý hồ sơ mà FPG nộp xin bắt đầu
sản xuất.
Taipei Times nói các nguồn tin từ Việt Nam cho biết
động thái truy thu thuế với FPG có “những lý do chính trị không được nêu ra”.
Ông Chang nói với Tờ Taipei Times FPG đã liên lạc với
Bộ tài chính Việt Nam về cáo buộc trốn thuế.
Hôm 25/5, báo Tuổi Trẻ tại Việt Nam đưa tin trong hai
năm, công ty Formosa Hà Tĩnh đã bị truy thu, truy hoàn 2.000 tỷ đồng tiền thuế,
trong đó truy hoàn 1.554 tỷ do sử dụng hóa đơn hoàn thuế không đúng quy định.
Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn tại Việt Nam dẫn lời một
lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết “lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã biết được thông tin
nêu trên và đang có những cuộc làm việc cần thiết với bên đối tác và Bộ Tài
chính để phối hợp xử lý các thông tin liên quan”
Ngoài Taipei Times, các hãng tin khác của Đài Loan
như Focus Taiwan, Chinapost cũng đã đưa thông tin này.
Tin
BBC
Wei Shu và Frances Huang (CNA) CTV Danlambao lược
dịch
Công ty hỗn hợp Nhựa Formosa - Formosa Plastics
Group (FPG), một trong những tập đoàn hàng đầu của Đài Loan, xác nhận hôm thứ
Tư rằng hoạt động dự kiến cho nhà máy thép tại Việt Nam đã bị hoãn lại và
không có lịch trình hoạt động mới được định ra.
Chang Fu-Ning, phó chủ tịch của Công tý thép Formosa
Hà Tĩnh cho biết rằng các lò số 1 của khu liên hợp thép tại Khu kinh tế Vũng
Áng, tỉnh Hà Tĩnh, miền Trung Việt Nam, sẽ không đi vào hoạt động vào ngày 25
tháng 6 như dự kiến.
Việc xác nhận đưa ra sau khi một bản tin của truyền
thông Đài Loan cho biết FPG đã buộc phải trì hoãn việc bắt đầu hoạt động của lò
luyện thép vì các nhà chức trách Việt Nam đã yêu cầu công ty này trả 70 triệu
đô la tiền thuế vốn chưa được trả.
Ngoài ra, báo cáo truyền thông cũng nói rằng sự chậm
trễ cũng là do nhà cầm quyền Việt Nam cần có thêm thời gian để xử lý hồ sơ xin
khởi động sản xuất của Formosa.
Ông Chang cho biết FPG đã liên lạc với Bộ Tài chính
của Việt Nam về các lời buộc tội không trả thuế. Bài báo trích dẫn các nguồn
tin ở Việt Nam nói rằng hành động truy đuổi FPG cho vấn đề thuế má có thể có yếu
tố chính trị ngầm.
Các nguồn tin cho biết rằng việc trì hoãn có thể là
một đòn giáng mạnh vào chính sách hướng Nam mới của chính phủ Đài Loan, với mục
đích xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác kinh doanh hơn trong khu
vực, trong đó có một tham vọng biến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
thành một phần mở rộng của thị trường nội địa của Đài Loan.
Các nguồn tin cho biết rằng việc hoãn các hoạt động
đã làm nhiều nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam bị bất ngờ, và hy vọng rằng
chính phủ Đài Loan sẽ bước vào để giải quyết vấn đề.
Formosa Hà Tĩnh Steel với vốn đầu tư 10 tỷ đô la là
dự án đầu tư lò thép đầu tiên của Đài Loan trong một thị trường nước ngoài.
Hiện nay, các công ty con của FPG, như Formosa
Plastics Corp, Nan Ya Nhựa Corp, Formosa Hóa chất & Sợi và Formosa
Petrochemical Corp, giữ 70% cổ phần trong dự án tại Việt Nam. China Steel Corp,
nhà sản xuất thép lớn nhất Đài Loan, và JFE Steel Corp của Nhật Bản, sở hữu 20
phần trăm và cổ phần 5 phần trăm, tương ứng. Ông Chang cho biết ban quản lý của
các nhà máy thép Hà Tĩnh đã thảo luận để đưa ra chiến lược để đối phó với sự chậm
trễ.
Công ty thép FPG là một trong những đối tượng của
các cuộc biểu tình chống Trung cộng tổ chức bởi những người lao động Việt vào
tháng 5 năm 2014 qua việc Trung cộng triển khai giàn khoan $ 1 tỷ đô la trong
vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Xây dựng khu liên hợp Hà Tĩnh bắt đầu vào tháng năm
2013. Ngoài các cơ sở sản xuất thép, dự án sẽ bao gồm cảng và nhà máy điện xây
dựng, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2020.
Wei Shu và Frances Huang