Những nghịch lý tồn tại đã từ lâu
Song Chi.
Đọc hai bài báo “Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: 40 người dân phải nuôi một công chức” (Pháp Luật TP.HCM),
và “11
triệu người ăn lương: Ngân sách nào kham nổi?” (VietnamNet).
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “Bộ máy nhà nước của chúng
ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức.
Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác
hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người,
chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang
tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi
nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.
Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân
số gần gấp bốn lần nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Nhìn sang
Trung Quốc thì chúng ta thấy đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số.
Như vậy, chúng ta thấy 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức,
trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức…”(“Chuyên gia
kinh tế Phạm Chi Lan: 40 người dân phải nuôi một công chức”)
Chưa kể các tổ chức quần chúng công cần phải cấp kinh phí hoạt động như Mặt
trận Tổ Quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông
dân, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, và Hội Cựu chiến binh, cùng 28 hội đặc thù
khác…khiến ngân sách quốc gia rơi vào tình cảnh khó khăn từ lâu nay.
Thử nhìn sang các quốc gia như Bắc Âu nói chung và Na Uy nói riêng, dù
giàu có nhưng bộ máy nhà nước, bộ máy hành chính công rất gọn nhẹ, một phần do
các nước này ít dân, họ luôn luôn suy nghĩ làm thế nào để người dân có thể tự
gánh bớt việc và nhà nước cũng như các công ty tư nhân khỏi phải thuê nhiều
nhân công.
Người dân phải tự làm lấy hết, mọi thứ giao dịch được tiến hành qua
internet, ví dụ sử dụng netbank để giao dịch chi tiêu tại nhà không cần phải đến
ngân hàng chỉ trừ khi thật cần thiết, tự khai báo số điện hàng tháng qua
internet chứ không cần có người đi ghi điện và trả tiền qua tài khoản ngân
hàng, khai báo thuế, mua vé máy bay, đặt khách sạn, mua vé xem phim…qua
internet. Khi lắp đặt điện thoại, khi sửa chữa bất cứ cái gì từ internet bị trục
trặc chẳng hạn…thì gọi điện thoại cho cơ quan, công ty đó để được hướng dẫn và
tự làm lấy chứ không có người tới làm thay, còn nếu bất cứ cái gì mà có người tới
làm thì giá dịch vụ sẽ rất đắt, cho nên người dân phải tập làm tất cả mọi thứ.
Đã vậy các nước Bắc Âu còn tiến tới mức dùng máy móc để thay thế dần con
người trong mọi công việc đơn giản. Ví dụ trong các siêu thị bây giờ bên cạnh
các nhân viên ngồi cashier tính tiền cho khách hàng thì có một dãy máy tính tiền
tự động, người mua sẽ sử dụng thẻ quẹt mã vạch của các món hàng mình mua và cuối
cùng đi qua quầy tự động để trả tiền; đi vệ sinh công cộng bây giờ cũng không mấy
nơi có người ngồi thu tiền nữa mà cứ tự động bỏ tiền vào máy, lấy cái giấy có
mã vạch rồi quẹt cái mã vạch đó qua một cái máy scan bên ngoài nhà vệ sinh và cửa
tự động mở ra cho ta đi vào; đi xem phim thì vẫn có thể mua vé tại rạp hay mua
vé qua internet tại nhà, nhưng khi mua vé qua internet bây giờ các rạp họ không
in vé ra cho khách như trước nữa mà họ sẽ gửi mã vạch vào điện thoại của người
mua, khi đến rạp cứ việc giơ điện thoại có mã vạch ra cho người soát vé họ scan
kiểm soát là xong…
Phần lớn mọi thứ chi tiêu bây giờ là bằng thẻ visa card, master card,
credit card…chỉ trừ mua những thứ lặt vặt, chính phủ Thụy Điển còn tính đến
chuyện trong tương lai gần sẽ hoàn toàn không sử dụng tiền mặt nữa, kể cả mua một
chai nước ngọt hay một cái bánh mì. Các nước phát triển đang tiến dần tới một
thực tế là tất cả những loại việc đơn giản sẽ giao dịch qua internet hoặc do
máy móc tự động làm, con người do đó phải có trình độ, phải có những kỹ năng
cao hơn thì mới kiếm được việc.
Mọi thứ chi tiết, giấy tờ hành chính liên quan đến mỗi công dân đều được
lưu trữ vào hệ thống tư liệu của nhà nước, mỗi người chỉ cần có số cá nhân
(personal number), khi đi tới bất cứ cơ quan nào người ta chỉ cần hỏi personal
number là ra mọi thứ thông tin cần thiết.
Trong khi đó, ở những quốc gia lạc hậu mà lại đông dân như VN thì quá thừa
người nên bất cứ việc gì cũng có thể thuê nhân công, từ ghi điện, lắp đặt điện
thoại, đủ các loại dịch vụ sửa chữa từ sửa vá quần áo, sửa giày, đồng hồ, máy
vi tính…trở đi, cái gì cũng có dịch vụ làm sẵn, kể cả dịch vụ đi du học hay kết
hôn với người nước ngoài, muốn học cái gì cũng có người dạy và dạy cái gì
cũng có người học.
Như vậy thì phù hợp với hoàn cảnh đông dân của VN. Và thuận lợi cho những
ai có tiền là có đủ dịch vụ cần thiết, có người làm cho mình, mà giá nhân công ở
VN thì rẻ rề, còn ở nước ngoài mà thuê người thì chỉ có chết tiền! Nhưng ngược
lại, mặt tiêu cực là tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội, khi có một tầng lớp
người chỉ cần bỏ tiền ra là thuê được sức lạo động của người khác trong bất kỳ
loại công việc gì dù đơn giản, và có một tầng lớp người chỉ chuyên đi làm các
loại dịch vụ phổ thông phục dịch người khác. Và khi có thể kiếm sống được bằng
những công việc đơn giản thì người ta không có nhu cầu phải tự học hỏi thêm,
nâng cao mình hơn nữa.
Ngoài ra, có những điều đáng nói hơn ở đây. Thứ nhất là nền "kinh tế tiền mặt” ở
VN. Cái này báo chí
cũng đã nói nhiều lần. Một nền kinh tế mà mọi thứ giao dịch đều bằng tiền mặt
như ở VN chỉ tồn tại ở những quốc gia lạc hậu, và chính việc giao dịch bằng tiền
mặt như thế mới dẫn tới tình trạng là nhà nước không thể kiểm soát được nguồn gốc,
đường đi của dòng tiền, tất cả những vấn nạn tham nhũng, hối lộ, trốn thuế, thu
nhập không minh bạch, kể cả rửa tiền…mới có cơ hội tồn tại, sinh sôi phát triền
đến mức không thể khống chế, tiêu diệt như hiện nay.
Cứ thử nghĩ nếu mọi thứ giao dịch tiền bạc đều đi qua cổng ngân hàng,
công khai sờ sờ đó thì những “căn bệnh” trên làm sao mà hoành hành được? Tất
nhiên, cũng sẽ có, ngay cả những quốc gia được đánh giá chỉ số minh bạch, trong
sạch cao cũng không thể nói là 100% không có tham nhũng hay trốn thuế, rửa tiền,
nhưng mức độ ít hơn nhiều vì không dễ thực hiện.
Tuy nhiên, đối với một nhà cầm quyền không minh bạch như VN và với một
bộ máy quen “bôi trơn” bằng tiền, quan chức cho tới cán bộ quen sống bằng “bổng,
lậu” nhiều hơn bằng lương, quen “chân ngoài dài hơn chân trong” thì chắc
là sẽ không thích như vậy. Chỉ riêng chuyện phải kê khai tài sản thôi cũng đủ
chết các quan to quan nhỏ, lộ hết cả bí mật!
Thứ hai là sự
rườm rà trong khâu giấy tờ, hành chính, một người dân khi ra đời, lớn lên, đi học,
đi làm… ở VN phải cần không biết bao nhiêu loại giấy tờ, bao nhiêu lần kê khai;
mãi đến gần đây mới thấy học theo các nước là đơn giản hóa với số cá nhân,
personal number, và lưu trữ mọi thứ trong hệ thống, nhưng cũng không rõ đã thực
hiện được chưa.
Bài báo “Bắt đầu cấp mã số cá nhân cho người dân từ năm 2016” trên
tờ Người đưa tin viết từ năm 2014:
“Theo tính toán sơ bộ của Bộ Tư pháp, việc cung cấp
số định danh cá nhân thay cho việc phải khai các thông tin cá nhân, việc ứng dụng
công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời
gian điền thông tin, ước tính khoảng trên 461 tỷ đồng/năm. Nếu trừ đi các khoản
chi phí tại 4 cấp chính quyền trong các giao dịch hành chính thì mới có thể tiết
kiệm được tối thiểu là gần 2.500 tỷ đồng.
Theo thống kê, hiện nay trong số 5.400 thủ tục hành
chính các loại thì có tới 1.600 thủ tục yêu cầu khai thông tin cá nhân liên
quan tới giấy tờ của công dân. Với quy mô dân số lên tới gần 90 triệu, số lượng
giao dịch hành chính công giữa công dân và cơ quan hành chính, sự nghiệp được
thực hiện hàng năm trung bình khoảng 600.000 giao dịch/ngày. Phần lớn thủ tục
hành chính đòi hỏi công dân phải tự chứng minh về nhân thân thông qua việc xuất
trình hoặc nộp bản sao, trong khi mỗi công dân có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy
tờ…”
Và cuối cùng, bộ
máy nhà nước, bộ máy hành chính công quá nặng nề ở VN khiến ngân sách vốn còm
cõi ngày càng hụt hơi. Như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã vạch ra ở
trên.
Mỗi người dân
phải còng lưng nuôi cùng lúc hai bộ máy nhà nước rồi bộ máy đảng ngày càng
phình to, thêm nhiều người, nhiều chức vụ, bên cạnh đó đội ngũ nhân viên ăn lương nhà nước
quá đông, rồi đủ các loại tổ chức quần chúng công, hội này hội kia…chịu sao cho
thấu. Rồi cũng sẽ đến lúc VN vỡ nợ mà thôi!
Có một câu hỏi rất đơn giản là tại sao đã cầm quyền hơn 7 thập kỷ
ở miền Bắc và hơn 4 thập kỷ trên cả nước, nhưng trong rất nhiều khía cạnh, nhà
nước cộng sản VN không thèm học hỏi những cái hay ở những nước đi trước, những
nước phát triển, mà cứ để mặc cho những vấn đề tiêu cực, lạc hậu tồn tại hết
năm này qua năm khác, và VN cứ càng ngày càng tụt hậu trong cái bãi lầy luẩn quẩn?
Nhưng có thể, câu trả lời cũng đơn giản không kém, là nhà nước này không thật tâm muốn cải cách, sửa đổi cái gì hết!