Kính Hòa (RFA)
Trụ sở chính của Việt Nam Quốc dân đảng ở số 7 phố Ôn
Như Hầu.
Courtesy of baotangcongan.hanoi.gov.vn
Tròn 70 năm kể từ ngày lực lượng Việt Minh tấn công
hàng loạt các cơ sở của Quốc dân đảng trên toàn quốc vào ngày 12 tháng 7 năm
1946, trong đó có nhà số 7 phố Ôn Như Hầu, Hà Nội. Quốc dân đảng bị buộc tội âm mưu đảo chính. Hình ảnh
Quốc dân đảng trong các tài liệu trong nước là một hình ảnh không tốt. Sau đây
là ghi nhận ý kiến từ một phía khác về sự kiện Ôn Như Hầu, cũng như di sản của
Quốc dân đảng ngày nay.
Vụ Ôn Như Hầu
Tài liệu được công bố của đảng
cộng sản Việt Nam nói rằng tại số 7 Ôn Như Hầu, Hà Nội, có nhiều căn hầm dùng
làm nơi giam giữ và tra tấn với nhiều dụng cụ còn dính máu. Khai quật trong
vườn chuối có nhiều xác người mà Quốc dân đảng đã thủ tiêu.
Trả lời về thông tin này, ông
Trần Tử Thanh, hiện là Chủ tịch Hội đồng đại biểu Quốc dân đảng, hiện sống tại
Virginia, Hoa Kỳ cho rằng:
“Lúc đó Việt Nam quốc dân đảng
chúng tôi mới nhận trụ sở Ôn Như Hầu mới có vài tháng thôi. Người nhà thầu đến
sửa sang trụ sở đó cho Quốc dân đảng làm việc, sau này có kể lại là khi ông ta
vào làm việc thì thấy trong khu vười chuối có vài ngôi mộ, hỏi ra thì mới biết
là mộ đó của những người Trung Hoa quốc gia họ sang đây bị bệnh chết, rồi chôn
ở đó. Dựa vào đó người cộng sản họ dựng nên vụ án, rồi nói rằng trong đó có vũ
khí với tra tấn, làm sao mà một cái nhà giữa thành phố Hà Nội lại như vậy.
Chuyện đó hoàn toàn không phải là sự thật.”
Ông Thanh còn thuật một câu
chuyện là đêm hôm trước công an Việt Minh có đến lấy một số tử thi ở nhà xác
thành phố, và sau đó đem đến số 7 Ôn Như Hầu, nói là do Quốc dân đảng giết hại.
Cũng theo tài liệu chính thức
của Việt Nam thì vụ tấn công trụ sở Quốc dân đảng ở số 7 Ôn Như Hầu, cũng như
hàng loạt cơ sở khác là nhằm để đập tan một âm mưu đảo chính lật đổ chính phủ.
Ông Trần Tử Thanh không đồng
ý:
“Vụ đảo chánh lật đổ chính phủ
thì chính ngay ông Võ Nguyên Giáp cũng đã liên hệ với một sĩ quan của Pháp để
chính thức xin yểm trợ cho ông ta một số vũ khí tối tân, cũng như một số sĩ
quan Pháp, để ông ta tấn công vào các cơ sở của Việt Nam Quốc dân đảng. Thì như
vậy làm sao nói Việt Nam Quốc dân đảng liên hệ với Pháp được, tài liệu của
những người cộng sản sau này cũng có đề cập đến vấn đề đó.”
Lệnh bắt những người ở số 7 phố Ôn Như Hầu, ngày 12
tháng 7 năm 1946.
Trong giai đoạn 1945-1946, chính phủ Việt Nam tại Hà
Nội là một chính phủ có nhiều đảng phái, trong đó có lực lượng Việt Minh do
người cộng sản làm nòng cốt. Kết luận về vụ án Ôn Như Hầu, ông Trần Tử Thanh
cho rằng nguyên nhân chính là Việt Minh của đảng cộng sản muốn độc chiếm quyền
lãnh đạo chính trị:
“Chủ nghĩa cộng sản hay con người cộng sản thì khi họ
đưa bất cứ vấn đề gì ra thì chúng ta cũng cần phải xét lại. Chắc
chắn vụ Ôn Như Hầu phải được sự chuẩn thuận của ông Hồ Chí Minh và bộ tham mưu
của ông ta, và đây hoàn toàn là dàn dựng. Ông Hồ Chí Minh đã ký một hiệp định
sơ bộ với Pháp, đồng ý cho 15 ngàn quân Pháp trở lại Việt Nam. Và chính phủ
Pháp sẽ công nhận ông ta là người chính thức đại diện cho người Việt Nam. Và
người Pháp nói là để cho Việt Nam tự do trong Liên hiệp Pháp. Ông Hồ Chí Minh tham
quyền hành, muốn đảng cộng sản nắm hết quyền, và khi chính phủ liên hiệp quốc
gia và cộng sản được thành lập, ông ta dần dần loại bỏ các thành phần quốc gia,
trong đó có các thành viên Quốc dân đảng, Đại Việt, cũng như Việt Nam cách mạng
đồng minh hội của cụ Nguyễn Hải Thần. Tức là loại bỏ các thành phần
quốc gia ra khỏi chính phủ bằng cách gây nên một vụ án.”
Di sản Quốc dân đảng
Quốc
dân đảng Việt Nam được ông Nguyễn Thái Học thành lập năm 1927 nhằm mục tiêu lật
đổ chế độ thực dân Pháp bằng bạo lực. Sau cuộc khởi nghĩa
Yên Bái 1930 bị thất bại, ông Nguyễn Thái Học và nhiều đồng chí bị Pháp xử tử,
hơn 300 người bị bắt đày biệt xứ sang Guyana thuộc địa Pháp tại Nam Mỹ.
Sự thành lập Quốc dân đảng Việt nam cũng được cho là
lấy cảm hứng từ Quốc dân đảng Trung Quốc do Tôn Trung Sơn thành lập. Trên trang
Web của Quốc dân đảng Việt Nam hiện nay người ta thấy khẩu hiệu Dân tộc độc
lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, và đó là nội dung của chủ nghĩa Tam
Dân mà Tôn Dật Tiên cổ súy.
Sau
sự kiện Ôn Như Hầu, Quốc dân đảng và đảng cộng sản trở thành thù nghịch nhau,
nhưng trong số đảng viên cộng sản cũng có một số người từng là đảng viên Quốc
dân đảng. Theo ông Trần Tử Thanh, ông Trần Huy Liệu, một cán bộ Việt Minh tiếp
nhận chiếu thoái vị của Vua Bảo Đại vào năm 1945 từng là đảng viên Quốc dân đảng.
Một người khác là ông Văn Tiến Dũng, một thời là ủy viên Bộ chính trị đảng cộng
sản, và đảm trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng câu
khẩu hiệu rất đặc biệt nằm trên các giấy tờ hành chính của nước Việt nam ngày
nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập tự do hạnh phúc cũng lấy từ
chính tinh thần của chủ nghĩa Tam dân của Quốc dân đảng.
Sau
năm 1954, Việt Nam Quốc dân đảng hoạt động công khai tại miền Nam Việt Nam.
Sau năm 1975, nhiều thành viên Quốc dân đảng bị đi tù cải tạo, trong đó có hai
ông Vũ Hồng Khanh và Trần Văn Tuyên, từng phụ trách những vị trí quan trọng
trong chính phủ liên hiệp tại Hà Nội trong giai đoạn 1945-1946.
Năm 2008, báo Tuổi trẻ ở Việt Nam đăng một loạt bài về
nhà tù biệt xứ của những tù chính trị Việt Nam bị đưa sang Guyana, trong số đó
có hơn 300 đảng viên Quốc dân đảng. Báo địa phương của Guyana, trong số ra ngày
17 tháng 11 năm 2008 có tường thuật buổi đặt biển đồng tưởng niệm các tù nhân
với sự có mặt của một nhà báo đến từ Việt Nam là ông Đào Danh Đức.
Trang Việt Quốc của Quốc dân đảng cho biết là vào đầu
năm 2010 tổ chức Quốc dân đảng ở Bắc Mỹ và châu Âu hợp lực dựng một tấm bảng
đồng thứ hai để tưởng niệm những người đã hy sinh tại Guyana. Song ông Trần Tử
Thanh cho biết là tấm bảng này đã bị hư hại, và có nhiều nghi ngờ cho rằng
những người cộng sản Việt Nam đã tìm cách phá hoại. Tuy nhiên theo ý kiến của
một nhà nghiên cứu độc lập trong nước thì Hà Nội không làm chuyện này, vì họ đã
cho phép đăng công khai loạt bài tưởng nhớ các liệt sĩ Quốc dân đảng vào năm
2008.
Tại Việt Nam cũng như hải ngoại tên tuổi Nguyễn Thái
Học cùng các đồng chí của ông như Nguyễn Khắc Nhu, Đoàn Trần Nghiệp, Cô Giang,
Phó Đức Chính đều được trân trọng. Nhưng vụ án Ôn Như Hầu thì không có sự đồng
ý như vậy.