12.07.2016

Phán Quyết Tòa Án Quốc Tế La Haye: Bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung cộng trên Biển Đông.

Phán Quyết Tòa Án Quốc Tế La Haye:
Bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung cộng trên Biển Đông.

Tòa quốc tế La Haye vừa ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung cộng trên Biển Đông.


Tòa kết luận không có căn cứ pháp l‎ý để Trung cộng đòi quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong ‘đường chín đoạn’,” theo thông cáo của Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague.


"Tòa xác định rằng, mặc dù các nhà hàng hải TH và ngư dân của họ, cũng như những người như vậy từ các Quốc gia khác, đã từng trong lịch sử sử dụng những hòn đảo này ở Biển Nam Trung Hoa, hiện không hề có chứng cứ gì rằng Trung cộng đã thực thi về mặt lịch sử sự kiểm soát đặc quyền trên toàn vùng nước hay tài nguyên. Vì thế, Tòa kết luận rằng không có căn cứ pháp lý cho việc Trung cộng nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường Chín Đoạn.”

Trung cộng đã ra phản ứng, nói phán quyết “vô căn cứ”.

Tân Hoa Xã nói phán quyết “không có giá trị”.

Trong văn bản 497 trang, các quan tòa nói các tàu chấp pháp Trung cộng gây rủi ro đụng chạm với tàu đánh cá Phi Luật Tân trong vùng biển và việc xây dựng của Trung cộng gây thiệt hại vô kể với các rạn san hô.

"Đường Chín Đoạn" là gì?

Bắc Kinh tuyên bố "chủ quyền không thể chối cãi" đối với khoảng trên 85% diện tích Biển Đông, tương đương 3 triệu trên tổng số 3,5 triệu cây số vuông toàn bộ vùng biển này.

"Đường Chín Đoạn" chạy có những chỗ cách xa khỏi Trung Hoa lục địa tới 2.000km và vào sát bờ biển Phi Luật Tân, Malaysia và Việt Nam vài trăm cây số.

"Đường Chín Đoạn" ban đầu xuất hiện trên một bản đồ của Trung cộng hồi 1947 với 11 đoạn đứt quãng, khi lực lượng hải quân của Cộng hoà Trung Hoa thuộc Quốc Dân đảng khi đó kiểm soát được một số đảo vốn do Nhật chiếm đóng trong thời Đại chiến Thế giới lần thứ hai.

Khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949 và Quốc Dân đảng phải bỏ chạy ra Đài Loan, chính quyền cộng sản đã tự tuyên bố mình là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung cộng và thừa kế toàn bộ các tuyên bố về biển đảo của nước này trong khu vực.

Sau đó, đầu thập niên 1950, hai "đoạn đứt quãng" được bỏ đi ở khu vực Vịnh Bắc Bộ như một hành động thân thiện của Bắc Kinh với chính quyền miền Bắc Việt Nam.

PCA là tổ chức liên chính phủ lâu đời nhất thế giới, chuyên xử lý các vụ tranh chấp quốc tế thông qua biện pháp trọng tài "và các biện pháp hoà bình khác".

PCA được thành lập năm 1899 trong Hội nghị Hoà bình Hague, do Sa Hoàng Đệ Nhị của Nga tổ chức. Cơ quan này dẫn chiếu tới các hợp đồng, các thoả thuận đặc biệt, và nhiều hiệp ước khác nhau của Liên hợp quốc để phân xử tranh chấp.

PCA cũng hiện diện thường trực tại Mauritius, và có thể tiến hành các phiên tranh tụng trên toàn thế giới.


Reuters: Ngoại trưởng Phi Luật Tân kêu gọi "kiềm chế và tỉnh táo" tại Biển Đông ngay sau một phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế có lợi cho Manila và lên án Bắc Kinh.

"Các chuyên gia của chúng tôi đang nghiên cứu phán quyết này cẩn trọng và triệt để bởi đó là kết quả quan trọng của tòa trọng tài."

Ngoại trưởng Perfecto Yasay nói tại một cuộc họp báo."Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tỉnh táo. Phi Luật Tân khẳng định hết sức tôn trọng quyết định cột mốc này".


Trích đoạn phán quyết của Tòa Trọng tài LHQ về ‘Đường Chín Đoạn’ của Trung cộng:

“Tính hợp pháp của các hành động Trung cộng:
Tòa đã xem xét tính hợp pháp của các hành động Trung cộng gây ra tại Biển Nam Trung Hoa. Tòa nhận thấy một số khu vực nằm trong vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của Phi Luật Tân, và theo tòa, Trung cộng đã vi phạm chủ quyền của Phi Luật Tân trong EEZ qua cách:

(a) Can thiệp vào công tác khai thác dầu khí và ngư nghiệp của Phi Luật Tân,

(b) Xây dựng đảo nhân tạo, và

(c) Không ngăn các ngư dân Trung cộng đến đánh cá trong EEZ này.
Tòa cũng nhận định rằng ngư dân Phi Luật Tân có quyền đánh cá truyền thống (traditional fishing rights) tại Bãi Scarborough và Trung cộng đã ngăn cản quyền của họ.
Tòa nhận định rằng các tàu hải tuần của Trung cộng đã tạo ra một cách phi pháp rủi ro nghiêm trọng cho các vụ va đập khi họ thực hiện việc ngăn cản các tàu thuyền Phi Luật Tân."


Tờ Inquirer của Phi Luật Tân tường thuật Nhật Bản đang dàn xếp một thông cáo chung về phán quyết Biển Đông với các đối tác trong nhóm các quốc gia G7 có nền kinh tế phát triển như một phần của xu hướng "ngoại giao chủ động", mặc dù Nhật Bản có thể sẽ im lặng khi phán quyết được công bố.


Alexander Neill, chuyên viên nghiên cứu lâu năm tại Viện nghiên Cứu chiến lực châu Á IISS-Asia viết:

Việc xây dựng và cải tạo đảo phục vụ cho mục đích kép, vừa củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung cộng và vừa tạo ra một sự hiện diện liên tục của Trung cộng, cả quân sự và dân sự tại Biển Đông.

… Có một vùng rộng lớn tại phía nam của Biển Đông là khá nông – độ sâu dưới 100m. Tuy nhiên, gần tiếp giáp với "đường chín đoạn" (đường mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền của Biển Đông) thì thềm lục địa có độ sâu khoảng 4,000m, tạo điều kiện tốt hơn cho tàu ngầm hoạt động.

Đó là lý do tại sao một số chuyên gia tin rằng vùng nước sâu của Biển Đông, và những nỗ lực của Trung cộng tăng cường chống tàu ngầm ở đó, có thể tạo địa bàn cho các tàu ngầm của Trung cộng trong tương lai.

Trong những năm gần đây, độ sâu của Biển Đông đã trở thành tâm điểm cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung cộng và Hoa Kỳ."



Nếu Trung cộng tăng cường hoạt động quân sự ở khu vực tranh chấp, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác không có lựa chọn nào hơn là phản ứng bằng các nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải đa quốc gia và bay tuần tra, quân chức Hoa Kỳ ẩn danh nói với Reuters.



Hãng tin AFP nói Đại sứ Phi Luật Tân tại Trung cộng cảnh báo công dân cẩn trọng với “đe dọa cá nhân” và tránh các tranh cãi chính trị trước thềm phán quyết hôm thứ Ba 12/7.

Công dân Phi Luật Tân được khuyên “tránh các cuộc thảo luận và tụ tập công cộng về vấn đề chính trị” và không ủng hộ hoạt động tụ tập và thảo luận nơi công cộng “đặc biệt là trên mạng xã hội,” AFP trích lại nội dung email.

Bức thư cũng cảnh báo công dân nên mang theo giấy tờ tùy thân “mọi lúc” và báo cáo ngay bất cứ đe dọa nào mà họ nhận được cho đại sứ quán hoặc cảnh sát Trung cộng.


Học giả về Asean Somkiat Onwimon nói đường chín đoạn "như một cái lưới cá bao bọc toàn bộ vùng biển" trên tờ Bangkok Post của Thái Lan.
Thitinan Pongsudhirak, nhà nghiên cứu chính trị từ Đại học Chulalongkorn nói phán quyết của Tòa trọng tài sẽ cho Trung cộng và Asean một cơ hội hàn gắn những rạn nứt bằng cách cùng hành động trên luật lệ chung.

"Không đáng cho tham vọng lâu dài của Trung cộng là trở thành một siêu cường quốc toàn cầu lại đi có tranh cãi về biển đảo với các quốc gia nhỏ láng giềng, và sau đó phớt lờ phán quyết quốc tế về tranh chấp. Đó sẽ là hành xử không thể trở thành cường quốc toàn cầu đáng được tôn trọng."


Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, của Bộ Công an Việt Nam nói với BBC: “Trung cộng gần như có một chiến dịch vận động ngoại giao và truyền thông để quảng bá quan điểm rằng Trung cộng là có cơ sở pháp lý với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và cơ sở pháp lý với chủ quyền vùng nước bao chiếm trong đường chín đoạn.”


Họ có một chiến dịch truyền thông, là đòn tâm lý. Thứ nhất là để 1 tỷ 350 triệu người Trung cộng biết. Thứ hai là tạo ra một dư luận ủng hộ của quốc tế với Trung cộng khi tòa công bố phán quyết.”

Hành động như vậy để “dọn mặt bằng tâm lý,” ông Cương nói thêm.



Cảnh biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung cộng tại Manila, Phi Luật Tân, ngày 12/7, vài giờ trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hague ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Phi Luật Tân.

Theo tin BBC


Biển Đông: Tòa Án Trọng Tài bác bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung cộng

Biểu hiệu của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye
Hôm nay, 12/7/2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye đã ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Phi Luật Tân với Trung cộng và tuyên bố rằng không có cơ sở pháp lý” cho việc Trung cộng đòi hỏi quyền lịch sử trên những tài nguyên tại các vùng nằm trong bản đồ đường chín đoạn, còn được gọi là bản đồ “đường lưỡi bò”.
Trong phán quyết, Tòa ghi rõ “ mặc dù các ngư dân và nhà hàng hải của Trung cộng, cũng như của những nước khác, trong lịch sử đã từng sử dụng các "đảo" ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung cộng trong lịch sử đã từng độc quyền kiểm soát các vùng biển và các nguồn tài nguyên tại đây.”
Về quy chế của các thực thể, Tòa cũng phán quyết rằng không một thực thể nào của quần đảo Trường Sa “có thể tạo các vùng biển mở rộng”, không một thực thể mà Trung cộng đòi chủ quyền “có thể tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế. Do vậy, Tòa tuyên bố - tuy không xác định ranh giới - rằng một số khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân vì những khu vực này không chồng lấn với bất cứ khu vực nào của Trung cộng.
Liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp của Trung cộng tại Biển Đông, phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực cho rằng Trung cộng đã vi phạm chủ quyền của Phi Luật Tân ở vùng đặc quyền kinh tế của nước này, vì đã cản trở việc thăm dò dầu khí và đánh cá của Phi Luật Tân, xây dựng các đảo nhân tạo, cũng như đã không ngăn cản ngư dân Trung cộng đến đánh cá trái phép ở vùng này.
Tòa còn phán quyết rằng các ngư dân Phi Luật Tân ( cũng như ngư dân Trung cộng ) có quyền đánh cá truyền thống ở vùng bãi cạn Scarborough và Bắc Kinh đã cản trở việc thực thi các quyền đó khi hạn chế việc đi vào vùng này. Cũng theo Tòa án Trọng tài Thường trực các tàu chấp pháp của Trung cộng đã hành xử trái phép khi họ dùng tàu cản đường các tàu Phi Luật Tân gây nguy cơ đụng tàu nghiêm trọng.
Về môi truờng biển, Tòa nhận định là các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung cộng trong thời gian gần đây đã làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường bãi san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo về môi trường sinh thái biển.
Cuối cùng, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực còn cho rằng các hành động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung cộng không phù hợp với nghĩa vụ của một Nhà nước trong tiến trình giải quyết tranh chấp, gây ra những tổn hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển, xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, tàn phá môi trường tự nhiên của các thực thể ở Biển Đông. 
Xin nhắc lại là phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực không phán quyết về chủ quyền biển đảo, mà chỉ xác định là những thực thể nào trên biển có thể tạo ra chủ quyền lãnh thổ trên các vùng biển xung quanh chiếu theo luật quốc tế.

Trung cộng đã nhiều lần tuyên bố là không chấp nhận và cũng không tham gia vào vụ kiện “đơn phương” của Phi Luật Tân. Tuy nhiên, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực cho rằng, việc Bắc Kinh từ chối tham gia không ảnh hưởng gì đến thẩm quyền xét xử của tòa và việc Philipines đơn phương kiện không phải là một hành động vi phạm các thủ tục giải quyết tranh chấp theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Tin RFI