Phỏng
vấn Nhạc sĩ Tuấn Khanh:
“Hãy
chọn cho mình một thái độ chính xác trước thời cuộc”
Phạm Thanh Nghiên
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, người được công chúng yêu mến
không chỉ bởi những ca khúc mà anh sáng tác. Khán giả Việt Nam luôn hào hứng
với sự góp mặt của anh trong vai trò Ban giám khảo của nhiều chương trình
truyền hình đình đám như “Sao mai điểm hẹn”, “Việt Nam Idol”, hay
Commander trong “Trò chơi âm nhạc”. Đối với nhiều nghệ sĩ trong nước,
được tham gia vào các game- shows truyền hình quốc gia là mơ ước và cơ hội để
quảng bá tên tuổi, hình ảnh.
Tuấn Khanh không chỉ là một nhạc sĩ, anh là một nhà
báo chuyên nghiệp và từng là phóng viên báo Tuổi trẻ, Thanh niên và báo Người
lao động.
Những năm trở lại đây, trên cả lĩnh vực báo chí lẫn âm
nhạc, Tuấn Khanh chủ yếu viết về các đề tài xã hội, phản ánh hiện thực đất
nước, cổ vũ cho tự do, dân chủ và nhân quyền.
Các ca khúc, bài viết của Tuấn Khanh thu hút một lượng
không nhỏ khán - thính giả trong cũng như ngoài nước. Một bài viết, thậm chí chỉ
một đoạn viết ngắn bày tỏ quan điểm của anh trên Facebook cá nhân có thể lên
tới hàng ngàn lượt likes, chia sẻ và bình luận đồng tình.
Hai ca khúc mới nhất anh sáng tác. “Hãy gấp trang
báo và tắt ti vi”, “Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ” được công luận
đánh giá là hai trong số những ca khúc giá trị nhất trong dòng nhạc tranh đấu.
Mời quý độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Tuấn
Khanh.
Phạm Thanh Nghiên: Trước tiên xin cảm ơn
nhạc sĩ đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.
Thưa
nhạc sĩ, nếu cần một câu trả lời nhanh thì nhạc sĩ sẽ nói gì khi được hỏi: Cá
chết hàng loạt, thảm họa môi trường trong hơn 3 tháng qua, ai là thủ
phạm?
Nhạc sĩ Tuấn Khanh:
Tôi nghĩ mọi vấn đề đều có nguồn cơn của nó. Cá chết hay biển nhiễm độc hôm
nay, đó là một thảm họa cần phải được lường trước. Cũng như về việc khai thác
bauxite, cả thế giới đều biết hậu quả sẽ lớn hơn kết quả, nhưng dường như những
người có trách nhiệm luôn bỏ ngoài tai những cảnh báo.
Thủ phạm trực tiếp của thảm họa, có thể thấy là
Formosa Hà Tĩnh. Nhưng
không thể không gọi tên là thủ phạm cho những ai đã tiếp tay cho Formosa dựng
nên một hệ thống lộng hành như vậy, coi thường luật pháp và con người. Tôi
thích quan điểm của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về việc kêu gọi thanh tra,
kiểm tra xem trong quá trình thẩm định, cấp phép, phê duyệt cho Formosa có tiêu
cực hay không. Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông ta có vẻ như chìm vào một màn
sương mù, không lời đáp.
Nói theo quan điểm của Nhà nước, “nhóm lợi ích” đang
bao phủ khắp nơi trên đất nước này.
Phạm Thanh Nghiên: Hiện chính phủ cũng chưa
đưa ra những số liệu chính thức nhằm đánh giá về hậu quả của thảm họa môi
trường do Formosa gây ra. Vậy thưa nhạc sĩ, dưới cái nhìn của một nhà hoạt động
xã hội, anh nhận định thế nào về thảm họa này đối với Việt Nam?
Nhạc sĩ Tuấn Khanh:
Tôi không phải là một nhà khoa học nên không thể nói hết được cái gì đang tàn
phá, cái gì đang hấp hối, và cái gì đang bị làm lơ. Tôi chỉ biết hàng triệu
người xáo động, từ bỏ đất nhà mà tìm đường khác sinh sống. Tôi thương đất quê mình
giờ đây bỏ hoang, nghề nghiệp cha ông truyền đời từ ngàn năm, nay người ta buộc
phải phủi tay, chập chững vào đời bằng ngã khác như trẻ nhỏ. Không
thể so sánh biển miền Trung với Chernobyl ở Nga hay Minamata ở Nhật. Cũng không
thể so sánh nỗi đau nào giống nỗi đau nào, nhưng bên cạnh đó còn sự sợ hãi về
tồn vong của giống nòi và tổ quốc. Chính quyền Cộng sản Trung Quốc như con thú
dữ, luôn lăm le chiếm từng tấc đất, từng hải lý của Việt Nam, mà giờ thì trên
biển, mọi thứ hoang vắng đó sớm trở thành là phần ăn vội của chúng.
Ở một quốc gia, khi thảm họa xảy ra. Con người và
chính phủ phải cùng là một phía để tái tạo, để cứu nhau. Nhưng trong lúc này,
dường như mọi thứ không phải như vậy. Hơn nữa, tôi tin rằng Formosa hay những gì đang xâm
hại đất nước này đều có bóng dáng của bọn trục lợi và phản bội.
Phạm Thanh Nghiên: Anh đánh giá thế nào về
khả năng của “chính phủ” khi giải quyết vấn đề Formosa?
Nhạc sĩ Tuấn Khanh: Bản thân tôi nhìn thấy sự
kiện Formosa được chính phủ Việt Nam giải quyết như một bài tính nhanh, chứ
không phải là một chương trình hành động. Tôi muốn nói rằng ở
một thảm họa tầm mức thế giới như vậy, cho đến giờ này vẫn chưa có chính sách
miễn thuế cho toàn bộ ngư dân trong khu vực bị hại. Cho đến nay, vẫn chưa có
một chương trình điều tra xã hội nào để tìm xem thu nhập và hoàn cảnh của những
người dân ở đó cần được đền bù như thế nào?
Chính phủ nhanh vội công bố việc sẽ dạy nghề khác để
giúp người dân tìm đường sinh sống - nhưng nếu có những gia đình vẫn không thể
thích nghi được thì sao? Và chính phủ không thể cưỡng bức người dân hành động
theo ý mình để làm yên bề mặt sự kiện, như kiểu dồn lớp hay chuyển trường cho
trẻ em mẫu giáo.
Năm 1473, vua Lê Thánh Tông gửi thư cho Thượng thư bộ
Binh Lê Cảnh Huy khi xuất hiện tranh chấp biên giới với nhà Minh, ghi rằng: “Một
thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết
tranh biện chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương
Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của
Thái tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.
Chiếu
theo lời của tiền nhân, việc rước vào nhà những kẻ hủy hoại đất đai của tổ
tiên, nay lại dồn dân bỏ đất hủy nghiệp ra đi, có phải là cách đang vứt bỏ,
núi, vứt bỏ biển, để lại lợi thế cho giặc Tàu hay không?
Phạm Thanh Nghiên: Trong khuôn khổ bài phỏng
vấn này, nhạc sĩ muốn dành những lời nào cho các ngư dân, các nạn nhân và cả
anh thợ lặn xấu số Lê Văn Ngày?
Nhạc sĩ Tuấn Khanh:
Cái chết của anh Lê Văn Ngày không đơn giản là một số phận. Đó là một thông
điệp cảnh báo cho mọi người rằng hôm nay anh gánh vác đế báo tin, ngày mai sẽ
là phần tự quyết của mỗi người. Tôi cảm thương cho anh Ngày và những người dân
miền Trung vẫn ngày đêm với biển, rồi chết nơi biển với trái tim công dân trong
sáng.
Không hiểu nổi vì sao, cho đến hôm nay, hồ sơ kết quả
khám nghiệm tử thi của anh Ngày vẫn bị công an tỉnh Quảng Bình giữ lại, không
giao cho gia đình. Điều đó thật là dã man.
Tôi
muốn dành những lời chia sẻ cao quý nhất có được đến những người dân Cồn Sẻ,
Quảng Bình đã xuống đường đòi Formosa phải ra khỏi Việt Nam. Máu của họ đã đổ.
Máu của cuộc sống được trải trên đường đi đến công lý của họ như dự báo một
ngày mới. Có những người trách họ về việc đã để xảy ra những
xung đột với phía chính quyền, nhưng với kinh nghiệm của một người sống gần nửa
thế kỷ trên đất nước này, tôi tin rằng chính quyền đừng nên quen cách dùng bạo
lực dồn ép người dân trước những điều đơn giản. Đức Đạt Lai Lạt Ma có nói “Bằng
bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời, bạn đang gieo
các hạt giống bạo lực khác”.
Phạm Thanh Nghiên: Đây có lẽ là một trong
những vụ việc thu hút nhiều sự quan tâm của công luận. Nhưng dường như chưa đủ
để tạo ra một sức ép để đẩy lùi sự lộng quyền, mang lại chút hy vọng cho công
lý được thực thi? Chúng ta thiếu những gì thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Tuấn Khanh: Chúng ta đang thiếu tiếng
nói chung. Thiếu một thái độ chung, một chương trình hành động đủ rõ để chính
phủ Việt Nam cảm nhận một cách sâu sắc rằng người dân đang muốn gì. Có
thể bạn đang nghĩ tôi nói đến một cuộc cách mạng? Dạ, không, tôi đang nghĩ đến những
đổi thay cần thiết của một quốc gia vẫn còn nhiều người tin vào giá trị của bản
hiến pháp.
Hãy chọn cho mình một thái
độ chính xác trước thời cuộc, chẳng hạn, hãy
nhiệt liệt cỗ võ và nhắc lại liên tục lời của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về
việc lôi những kẻ có trách nhiệm về việc tạo dựng Formosa trên đất nước này ra
công luận. Hãy kêu gọi sức mạnh luật pháp thật sự với tiếng hô tán thưởng của
nhân dân.
Đừng
nói hy vọng công lý sẽ được thực thi, mà hãy nói phải
hành động để công lý trên đất nước này phải có giá trị như một niềm hy vọng của
người dân Việt Nam vào tương lai mới.
Phạm Thanh Nghiên: Vâng, “Hãy chọn cho mình
một thái độ chính xác trước thời cuộc”.
Cảm
ơn Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã dành cho Phạm Thanh Nghiên cuộc phỏng vấn này. Đây có
thể nói là cuộc phỏng vấn “liều lĩnh” nhất mà tôi từng thực hiện. Nó là cuộc
phỏng vấn của một “phóng viên bất đắc dĩ” dành cho vị khách mời là một nhà báo,
phóng viên chuyên nghiệp.
Hy
vọng sẽ có nhiều dịp khác được trò chuyện với nhạc sĩ về những đề tài mà chúng
ta cùng quan tâm. Một lần nữa xin cảm ơn nhạc sĩ.
9.7.2016
Phạm Thanh Nghiên