„…viễn cảnh họ Tập phát
động cùng lúc 2 cuộc chiến - tại Trung Nam Hải và tại Biển Đông - có xác suất
xảy ra thấp…
Đối với người Việt Nam,
điều đáng nhục là Bắc Kinh càng né đụng độ với các nước khác thì càng gia tăng
ức hiếp Việt Nam…“
Sóng gió từ Bắc Kinh đến Biển Đông
Vũ Thạch
Khi sấm sét đả hổ diệt ruồi tuần tự đốn ngã từng cây đại thụ như Chu Vĩnh
Khang, Từ Tài Hậu, Bạc Hi Lai, ... ở thượng tầng lãnh đạo đảng CSTH, bộ máy
tuyên truyền đưa lên hình ảnh đoàn kết sắt thép của bộ ba: Chủ tịch Tập Cận
Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, và Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương
Vương Kỳ Sơn. Những xôn xao trước đó về sự khác biệt lý lịch và phe phái giữa
ông Tập và ông Lý - một tiến thân nhờ có nhân thân "thái tử đảng",
một phải phấn đấu lên từng bậc thang của Đoàn Thanh niên Cộng sản - hầu như đã
im bặt. Thủ tướng Lý Khắc Cường có vẻ như đã an phận; bỏ hẳn chủ ý từ thời Đặng
Tiểu Bình về nhu cầu cân bằng quyền lực ở 2 vị trí cao nhất nước; và để mặc cho
ông Tập thu gom quyền lực, ngoại trừ lãnh vực kinh tế.
Nhưng nay lãnh vực kinh tế cũng đang từng bước bị tước
khỏi tay họ Lý. Ông Tập Cận Bình tập trung quyền lực bằng cách lập ra các ủy
ban cho từng lãnh vực điều hành quốc gia vượt trên mọi bộ, ban, ngành. Hầu hết
các ban này do chính ông Tập Cận Bình đứng đầu và trực tiếp điều động. Về kinh
tế, giới quan sát quốc tế được biết hiện có một ủy ban bao gồm khoảng 6 người.
Ủy ban này không chỉ bắt đầu lẳng lặng lấn vào lãnh vực kinh tế mà còn công
khai chỉ trích các chính sách kinh tế của Thủ tướng Lý Khắc Cường.
- Dấu hiệu đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 2015. Sau 4
lần cho phá giá đồng Nhân dân tệ vẫn không ngăn được mức độ tuột dốc của thị
trường chứng khoán TC, các lời lẽ đổ tội cho thủ tướng bắt đầu xuất hiện
giữa vòng cán bộ cao cấp. Và kể từ đầu năm 2016 đến nay, phe ông Tập liên tục
tăng dần nhịp độ tấn công.
- Vào tháng 5-2016, xuất hiện trên trang đầu Báo Nhân
Dân bài phỏng vấn dài với "một nhân vật có thẩm quyền" nhưng lại ẩn
danh. Nhân vật này chỉ trích nặng nề chính sách dựa biện pháp cung cấp tín dụng
(gần 700 tỉ mỹ kim) của thủ tướng để đẩy tăng trưởng kinh tế quí đầu 2016.
Những ai quen thuộc với tình trạng kiểm soát báo chí tại TC, đặc biệt là cơ
quan ngôn luận của đảng - báo Nhân Dân, đều biết loại bài bản này chỉ có thể
phát xuất từ ủy ban của ông Tập. Thủ tướng Lý Khắc Cường không được biện minh
cho mình trên báo Nhân Dân, mà chỉ gỡ gạc yếu ớt bằng cách đưa vào một bản tin
trên các báo đài khác một câu gần như khẩu hiệu: "thủ tướng nhẫn nhịn vì
đất nước".
- Ngày 4 - 7 - 2016, tại cuộc họp Hội Đồng Nhà Nước họ
Tập và họ Lý cùng lúc ra lệnh trái chiều về kinh tế. Chủ tịch Tập Cận Bình gởi
một công văn để đọc lên tại cuộc họp, yêu cầu phải "làm mạnh hơn, tốt hơn,
lớn hơn" khu vực kinh tế quốc doanh với vai trò chủ đạo của Đảng CSTH.
Nhưng cũng trong cuộc họp này, Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu, nhấn mạnh
"phải giảm thiểu" các công ty quốc doanh và cải thiện các công ty này
theo "các qui luật thị trường".
- Đến giữa tháng 7 - 2016, ông Tập Cận Bình cho triệu
tập 1 cuộc họp với gần 30 chục chuyên gia kinh tế hàng đầu quốc gia nhưng
không mời ông Lý Khắc Cường, người trách nhiệm kinh tế cao nhất. Hai ngày sau
đó, ông Lý gỡ gạc bằng một cuộc hội thảo bàn tròn với một nhóm kinh tế gia
khác.
Tình hình đối đầu đã căng đến độ nhiều nguồn tin cho biết
Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ bị thay thế trong đợt xốc lại nhân sự vào năm tới. Nhưng hệ quả đã thấy
ngay trước mắt là dàn lãnh đạo các bộ phận điều phối kinh tế quốc gia cũng các
bí thư tỉnh ủy đều án binh bất động chờ xem gió thổi theo chiều nào. Không ai
muốn mình bị đem ra làm dê tế thần.
Câu hỏi được giới phân tích quốc tế đặt ra là những sóng gió như thế tại
Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình Biển Đông? Điều được nhiều người
đồng ý là viễn
cảnh họ Tập phát động cùng lúc 2 cuộc chiến - tại Trung Nam Hải và tại Biển
Đông - có xác suất xảy ra thấp.
Thật vậy, bên cạnh những phát biểu hùng hổ bề ngoài
của vài quan chức và tướng tá quân đội, người ta thấy Bắc Kinh đã có những hành
động mang tính thụt lùi như sau.
Trong bản trả lời chính thức chỉ vài ngày sau phán
quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực (PCA), do Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn
Dân công bố, điều mà giới phân tích quốc tế đặc biệt chú ý là sự vắng
bóng của cụm từ "đường 9 đoạn". Thay vào đó, Bắc Kinh chỉ nhắc
đến chủ quyền của TC tại các đảo trong quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và 2 bãi
cạn của Phi Luật Tân. Nghĩa là chuyển từ chủ quyền biển sang chủ quyền đất.
Mục tiêu của thủ thuật này là:
1- Bắc Kinh cố giảm thiểu tác động quá lớn của phán
quyết PCA bằng cách chứng tỏ phán quyết đó không liên hệ đến tình hình nữa. Tòa này xét xử chiếu
theo bộ luật biển UNCLOS nhưng nay Bắc Kinh không còn tranh chấp về vùng biển
nữa mà chỉ tranh chấp chủ quyền các đảo.
2- Bắc Kinh cũng hy vọng với thủ thuật tạo áp suất thật
lớn bao trùm cả vùng biển "lưỡi bò", rồi nay chuyển sang chỉ muốn các
đảo, thế giới sẽ cảm thấy "nhẹ nhõm" và chấp nhận đòi hỏi chủ quyền
của họ cho yên chuyện.
3- Nhưng quan trọng hơn nữa, Bắc Kinh kỳ vọng các
cường quốc như Mỹ, Pháp sẽ kéo quân về, không quan tâm đến Biển Đông nữa một
khi đường hàng hải không còn bị đe dọa.
Và để trang điểm cho thủ thuật này, Bắc Kinh còn cho
rút một số dàn hỏa tiễn lưu động ra khỏi một vài căn cứ trên các đảo.
Nhưng điều mà Tập Cận Bình chịu thừa nhận là ông đã
mất sạch uy tín đối với thế giới kể từ chuyến sang Mỹ năm ngoái. Khi đứng cạnh
Tổng thống Mỹ trước sự chứng kiến của giới truyền thông quốc tế, họ Tập tuyên
bố sẽ ngưng ngay các công trình xây cất trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa. Thực tế qua các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tiến độ xây dựng đã tăng
tốc gấp đôi, ngay cả gấp ba, với nhiều thiết bị quân sự được cài đặt, kể cả các
đường băng cho phi cơ vận tải và tiêm kích.
Nay ai cũng biết chiêu trò xuống thang của Bắc Kinh, dù có
được thực hiện, chỉ mang tính ngắn hạn. Ngay sau đập dẹp xong đối thủ mới nhất
là Lý Khắc Cường, họ Tập sẽ trở lại gây hấn tại biển Đông. Và từ các đảo, TC sẽ
lại phùng lên đòi áp đặt Vùng Nhận diện Phòng không, và rồi lại trở lại chuyện
chủ quyền biển. Các hạm đội Mỹ không thể cứ chạy đi chạy về được. Chính vì thế
mà chẳng có quốc gia nào thay đổi vị trí trước các biến chiêu của Bắc Kinh.
Đối với người Việt Nam, điều đáng nhục là Bắc Kinh
càng né đụng độ với các nước khác thì càng gia tăng ức hiếp Việt Nam - một nước cứ nhất
định đứng ngoài liên minh ngăn chận TC xâm lược. Lãnh đạo Hà Nội không chỉ
không dám kiện TC như Phi Luật Tân; không dám có hành động gì ngay cả khi 2 phi
cơ quân sự bị bắn rơi; mà nay chính Chủ tịch Quốc hội, tức một trong tứ trụ,
còn phê phán cả các phản đối TC bằng lời nói. Không có chỉ dấu gì cho thấy nhóm lãnh đạo
vừa lên ngôi dám thay đổi, dám đặt chủ quyền đất nước lên trên nỗ lo sợ mất ghế
cai trị của họ.