24.10.2016

Ở Việt Nam, nói lên sự thật bị coi là tội “tuyên truyền” - Washington Post (21.10.2016)

Ở Việt Nam, nói lên sự thật bị coi là tội “tuyên truyền”

Washington Post, ngày 21/10/2016
(bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

Việt Nam cũng đã đồng ý cải cách kinh tế và lao động theo yêu cầu của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Nhưng đây không phải là đủ. Việt Nam cũng phải giải phóng người dân của mình, để họ viết blog, phản đối và nói ra mà không sợ hãi.

Blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị Công an Khánh Hòa bắt vì cô dám phản đối Formosa


Trong dịp viếng thăm Việt Nam vào tháng 5, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương như một nỗ lực để bình thường hóa quan hệ song phương sau chiến tranh. Trong khi hai nước có bước phát triển trong quan hệ kinh tế và an ninh, ông Obama cảnh báo rằng để quan hệ ngoại giao phát triển thực sự trong những năm tới, Chính phủ Việt Nam cần tôn trọng tự do ngôn luận, hội họp và tôn giáo. “Nhiều người vẫn thấy khó khăn trong việc tụ tập và hội họp ôn hòa về những vấn đề mà họ quan tâm sâu sắc về”, ông nói.

Những động thái gần đây của Việt Nam cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội đã không chú ý đến lời khuyên của ông Obama. Ngày 07/10, họ tuyên bố rằng Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (Việt Tân), một tổ chức ủng hộ dân chủ có trụ sở ở California là một tổ chức khủng bố và cảnh báo về những hình phạt nặng nề đối với những ai có liên hệ với đảng này. Việt Tân, một nhóm tự coi là một “tổ chức ủng hộ dân chủ làm việc để thúc đẩy công bằng xã hội và quyền con người thông qua các phương tiện bất bạo động”, cho biết đây là lần đầu tiên bị chính thức coi là khủng bố theo pháp luật của Việt Nam. Ba trong số các thành viên của nhóm bị án tù dài hạn vì những bài viết và hoạt động cộng đồng.

Ngày 10/10, công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 37 tuổi, người viết với bút danh Mẹ Nấm. Cô là người đồng sáng lập một mạng lưới các blogger độc lập, một tổ chức tập hợp những người viết độc lập trong một chế độ kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông tin tức và giới bất đồng chính kiến. Đài phát thanh Á Châu Tự Do trích dẫn mạng lưới coi cô Quỳnh là một “nhà hoạt động đã ủng hộ cho nhân quyền, cải thiện điều kiện sống cho người dân, và chủ quyền đất nước trong nhiều năm”.

Gần đây nhất, cô Quỳnh đã viết nhiều về một vụ xả thải hóa chất tàn phá đời sống biển và làm hàng nghìn ngư dân và người lao động ngành du lịch thất nghiệp ở bốn tỉnh. Trong tháng Sáu, một công ty thuộc sở hữu của Đài Loan thừa nhận trách nhiệm cho tình trạng ô nhiễm và cam kết sẽ khắc phục, nhưng thảm họa đã gây nên cuộc biểu tình của người Việt Nam chỉ trích chính phủ im lặng về nguyên nhân của vụ xả thải ở giai đoạn đầu và sau đó không cung cấp thông tin về sức khỏe và mối nguy hiểm môi trường. Nhiều người trong các cuộc biểu tình đã được huy động trên Facebook.

Khi bị bắt giữ, cô Quỳnh đã bị buộc tội “tuyên truyền” chống Nhà nước. Một tuyên bố của cảnh sát cho biết cô đã gửi một báo cáo về 31 trường hợp nghi can đã chết trong trại giam. Theo cảnh sát, tài liệu này biểu hiện sự “thù địch đối với lực lượng cảnh sát”.

Khi ông Obama đến thăm vào tháng 5, cả hai bên đều thấy rõ là sự hợp tác an ninh và bình thường hóa quan hệ hai nước đang được coi trọng vì cả hai đang phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Đáng chú ý là Việt Nam cũng đã đồng ý cải cách kinh tế và lao động theo yêu cầu của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Nhưng đây không phải là đủ. Việt Nam cũng phải giải phóng người dân của mình, để họ viết blog, phản đối và nói ra mà không sợ hãi.