29.10.2016

Sự hình thành chế độ cộng hoà tại Việt Nam - Thiện Ý

„…có thể nói nền cộng hoà thực sự đã chỉ được thiết lập và thực hiện tại Việt Nam kể từ khi Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà được ban hành ngày 26-10-1956. Nền cộng hoà ấy đã là nền tảng cho một chế độ dân chủ pháp trị, với chủ quyền thuộc về toàn dân.“

Sự hình thành chế độ cộng hoà tại Việt Nam

Thiện Ý
Hội nghị Genève khai mạc ngày 8/5/1954 tại Thụy Sĩ.

Cách đây 60 năm (1956-2016), chế độ cộng hoà đã được thiết lập tại Việt Nam, với bản Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà ban hành ngày 26-10-1956 tại Miền Nam Việt Nam. Trước đó 15 năm, một chế độ cộng hòa khác đã được Hồ Chí Minh dựng lên sau cái gọi là Cách mạng Tháng 8 năm 1945 mang bảng hiệu giả mạo “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.


Gọi là “giả mạo” vì chế độ đó không có thực chất cộng hòa. Trên thực tế, danh xưng “Dân chủ Cộng hòa” đó chỉ nhằm mục đích lừa bịp công luận thế giới để tìm hậu thuẫn quốc tế và lừa bịp nhân dân trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và trong cái gọi là “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam” (1954-1975), trong khi thực chất vẫn là độc tài cộng sản phản dân chủ. Vì vậy, có thể nói nền cộng hoà thực sự đã chỉ được thiết lập và thực hiện tại Việt Nam kể từ khi Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà được ban hành ngày 26-10-1956. Nền cộng hoà ấy đã là nền tảng cho một chế độ dân chủ pháp trị, với chủ quyền thuộc về toàn dân. Tuy còn phôi thai và có nhiều khuyết điểm, song chế độ này đã phản ánh đúng ý nghĩa chân chính của từ ngữ “Cộng hòa” và đáp ứng đúng nguyện vọng của toàn dân Việt Nam.

Sau Thế chiến II, chủ nghĩa thực dân cũ đã bước vào thời kỳ cáo chung, xu thế giải thực đã buộc các đế quốc từng có nhiều thuộc địa như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan… phải lần lược trao trả độc lập cho các nước bị trị. Điển hình là một số nước trong khu vực như Ấn Độ và Pakistan được Đế quốc Anh trao trả độc lập năm 1947; Indonesia được Hà Lan trao trả độc lập năm 1949; Triều Tiên được Nhật Bản trao trả độc lập năm 1945; Lào và Campuchia được Pháp trao trả độc lập năm 1953... Do đó, theo nhận định của nhiều học giả nghiên cứu chính trị và lịch sử, thì chẳng cần cuộc kháng chiến 9 năm do đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) tiến hành (1945-1954) thực dân Pháp sớm muộn cũng phải trao trả độc lập cho Việt Nam cũng như nhiều thuộc địa khác. Chẳng qua Hồ Chí Minh và đảng CSVN tiến hành các cuộc chiến tranh này, chỉ là lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, dùng chiêu bài độc lập dân tộc để chiếm quyền thống trị đất nước, để áp đặt chế độ độc tài đảng trị CS, theo chủ trương bành trướng lãnh thổ, nhuộm đỏ toàn cầu của cộng sản quốc tế, đứng đầu là hai tân đế quốc Đỏ Liên Xô - Trung Quốc.

Trên thực tế, trước áp lực của xu thế giải thực, thực dân Pháp đã phải lùi từng bước, trao trả độc lập từng phần cho Việt Nam, qua các Hiệp định Vịnh Hạ Long ngày 5 tháng 6 năm 1948, “đề cử” Hoàng đế Bảo Đại làm Quốc trưởng, và Pháp thừa nhận Việt Nam như là một quốc gia độc lập nằm trong Liên Hiệp Pháp. Ngày 8 tháng 3 năm 1949 Tổng thống Pháp Vicent Auriol và Quốc trưởng Bảo Đại đã ký Thỏa ước Elysée. Theo đó, Pháp hứa sẽ xây dựng cho Việt Nam một quân đội quốc gia chống cộng. Đây là khởi điểm của sự thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam. Một số sĩ quan thuộc lực lượng này đã nắm vận mệnh quốc gia sau khi đảo chánh lật đổ Tổng thống Diệm ngày 1-11-1963, cho đến ngày Miền Nam mất vào tay cộng sản Bắc Việt (30-4-1975).

Thế rồi, cuối cùng thực dân Pháp cũng đã phải trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. Nhưng Việt Nam có số phận không may đã rơi vào thế gọng kìm của một chiến lược quốc tế mới, với cuộc chiến tranh ý thức hệ nên đất nước bị chia cắt theo Hiệp định Genève ngày 20-7-1954, do sự áp đặt của các cường quốc, trái với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

Hệ quả là một nửa nước Miền Bắc rơi vào tay đảng CSVN, thiết lập “Nền chuyên chính vô sản”, xây dựng chế độ độc tài toàn trị. Nửa nước Miền Nam Việt Nam được trao trả cho chính quyền quốc gia Việt Nam, thiết lập nền Cộng hòa, xây dựng chế độ tự do dân chủ với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và các đồng minh trong Thế giới tự do trên nguyên tắc, song trên thực tế đã bị Hoa Kỳ biến thành công cụ chiến lược chống cộng của mình. Vì đảng CSVN vốn là một công cụ bành trướng của cộng sản quốc tế nên đã phát động và tiến hành cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn để thôn tính Miền Nam Việt Nam, nhuộm đỏ cả nước.

Chính quyền và nhân dân Miền Nam, trong thế chẳng đặng đừng đã phải làm tiền đồn chống cộng cho Hoa Kỳ và Thế giới tự do, buộc lòng phải thực hiện cuộc chiến tranh tự vệ nhằm mục tiêu tối hậu là vừa chiến đấu chống cuộc xâm lăng của CSBV, vừa nỗ lực xây dựng thành công chế độ dân chủ pháp trị tiến tới thống nhất đất nước, không phải bằng bạo lực quân sự, mà bằng sự ưu thắng của chế độ dân chủ pháp trị và nền kinh tế phát triển phồn vinh ở Miền Nam, để thay thế chế độ độc tài toàn trị CS và nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu ở Miền Bắc.

Cuộc chiến tranh tự vệ của quân dân Miền Nam bảo vệ chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng hòa tuy đã thất bại, song chỉ là thất bại tạm thời, có tính giai đoạn. Vì sau đó và cho đến nay, cuộc chiến đấu chống cộng sản độc tài để tái lập chế độ cộng hòa trên cả nuớc vẫn đang tiếp diễn. Đây là giai đoạn chống cộng cuối cùng vì dân chủ, cho nền cộng hòa Việt Nam của nguời Việt Nam không cộng sản trong cũng như ngoài nuớc. Thực tế đã và đang ngày một khẳng định chính nghĩa “Cộng hòa” (Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân) tất thắng ngụy nghĩa “Cộng sản” (Chủ quyền quốc gia thuộc về đảng CSVN).


Thiện Ý (VOA)