Nguyễn
Đình Cống
Trong mấy chục năm qua ĐCSVN loay hoay với việc chỉnh đốn đảng, làm cho nó trong sạch, vững
mạnh. Mấu chốt của việc này là ra sức chống lại sự tự
diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng và sự suy thoái về đạo đức, lối sống.
Tạm chưa bàn đến những thiếu sót và sai lầm trong việc tìm nguyên nhân và biện
pháp khắc phục, về mức độ đúng sai của phương pháp (xin để bài khác), chỉ mới
xin bàn một chút về hình thức trình bày. Hai vấn đề trên, tuy rằng đều góp phần
làm tan rã đảng, nhưng là hai khái niệm khác nhau, thuộc hai lĩnh vực khác
nhau. Thế mà chúng được trộn lẫn và bỏ chung vào cùng một bị, giống như sự nhốt
chung vào một phòng những thiên thần và ác quỷ.
Tự diễn biến, tự chuyển hóa là thế nào,
gồm những ai. Tôi chưa tìm thấy một định nghĩa thật
rõ ràng và khoa học (mặc dầu gõ vào Google nhận được trên 3 triệu kết quả trong
chưa đầy 1 giây). Tuy vậy những ý kiến sau đây được chấp nhận rộng rãi. Đó là sự
thay đổi từ lập trường, tư tưởng cách mạng vô sản theo Chủ nghĩa Mác Lê (CNML)
để xây dựng chế độ XHCN và CSCN, chuyển sang nghi ngờ, sự phủ định nó để đi
theo một con đường khác. Trước đây người ta gọi những người có tư tưởng như thế
là bọn xét lại. Có một số con đường khác với mức độ tốt xấu không giống nhau.
Tuy vậy tuyên giáo của ĐCSVN khẳng định rằng con đường khác đó là con đường tư
bản, đế quốc, những người tự diễn biến đã đứng vào hàng ngũ thù địch của đảng,
của chế độ, của dân tộc! Sự trình bày của tuyên giáo đã sử dụng lối ngụy biện xảo
trá.
Tại sao người ta nghi ngờ, phủ định con đường
XHCN và muốn tìm con đường khác? Vì người ta đã
thấy rõ những tai họa mà con đường XHCN mang lại. Và con đường khác,
theo nhiều người mong ước là con đường Xã hội dân chủ của các nước Bắc Âu, là sự
chuyển hóa của các nước Đông Âu, là sự dân chủ hóa của Myanma, v.v. chứ có phải
duy nhất một con đường tư bản đế quốc như tuyên giáo gán ghép đâu (Hơn nữa khái
niệm bè lũ tư bản do đế quốc Mỹ cầm đầu đã tỏ ra sai lầm). Lại nữa, những người
tự diễn biến, có thể nói họ đã phản đối CNML nhưng không thể quy cho họ là thù
địch của dân tộc. Rồi đây lịch sử sẽ phán xét giữa họ và những người CS kiên trì
CNML xem ai là người yêu nước chân chính.
Vậy ai là những người bị tổ chức Đảng
cho là xét lại, là tự diễn biến. Đầu tiên chắc phải kể đến Võ Nguyên Giáp, người
được Lê Duẩn và Lê Đức Thọ xem là tên xét lại số 1 của VN. Kế đến là những người
như Võ Văn Kiệt, Trần Xuân Bách, Trần Độ, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Nguyễn
Kiến Giang, Nguyễn Trọng Vĩnh, Hoàng Minh Chính, Trần Lâm, Vi Đức Hồi và hàng
trăm cán bộ cao cấp khác của Đảng, những người đã vào Đảng từ trước 1945, đã có
nhiều hy sinh và công lao, huân chương đầy ngực. Tiếp theo là các trí thức, văn
nghệ sĩ và những đảng viên dám tự suy nghĩ, không chịu sự tuyên truyền và áp đặt
một chiều. Tất cả họ là những người có trí tuệ, có đạo đức, có lương tri, yêu
nước, dũng cảm, những con người đáng kính phục. Chống lại họ là chống lại xu hướng
tiến bộ. Thử hỏi, các nước trong Liên xô cũ, các nước Đông Âu và Mông Cổ như
bây giờ có phải là kết quả của việc tự diễn biến, tự chuyển hóa hay không?
Tuyên giáo của đảng cho rằng sự tự diễn biến theo xu thế dân chủ, chống lại độc
tài đảng trị là suy thoái về tư tưởng chính trị là một luận điệu vu cáo, vô
cùng sai trái.
Suy thoái về đạo đức và lối sống tương đối
rõ. Đó là lớp người nhờ có quyền lực mà tham nhũng, mua quan bán tước, sống ích
kỷ, thực dụng, cơ hội, thủ đoạn, dối trá, vụ lợi, hám danh, ham quyền lực, bè
phái cục bộ, mất đoàn kết, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của
dân, họ hầu như không nghĩ tới quyền lợi của dân tộc, của nhân dân, không quan
tâm tới sự thịnh suy của đất nước mà chủ yếu chăm lo cho lợi ích cá nhân và lợi
ích nhóm. Đó là những người đã mất liêm sĩ.
Cả hai loại trên đều là sản phẩm tất yếu của ĐCS,
nhưng khác nhau về lý do phát sinh. Một bên vì thấy được những sai lầm và tác hại,
muốn tìm cách khắc phục, khi không thể khắc phục thì ly khai. Bên khác thì lợi
dụng được sự độc tài toàn trị của đảng để mưu cầu, để thỏa mãn lợi ích cá nhân.
Về bản chất và tính cách họ rất khác nhau. Suy luận sau đây của các nhà lý luận
của đảng là sai lầm: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn,
thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường”.
Thế mà Đảng ghép họ lại với nhau, bỏ chung vào trong
một bị, dùng chung một phương pháp để đối phó. Liệu như thế có hợp lý, có hiệu
quả hay không? Đúng ra đối với hai loại người trên phải có hai cách đối xử khác
nhau, nhưng vì vô minh mà các nhà lý luận của đảng không nhìn thấy, dẫn đế việc
trộn lẫn khái niệm một cách ngờ nghệch.
N.Đ.C.