23.10.2016

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (23.10.2016)

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (23.10.2016)

Tin tặc Trung cộng âm mưu tấn công tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông ?

Khu trục hạm USS Ronald Reagan.wikipedia
Một hôm trước khi Tòa Trọng tài Thường trực La Haye- Hà Lan ra phán quyết vụ Manila kiện Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, tin tặc Trung cộng đã mưu toan tấn công mạng tin học trên Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ đang hoạt động trên Biển Đông vào khi đó. Sự kiện xẩy ra từ tháng 7/2016  nhưng mãi đến ngày 21/10/2016 mới được Financial Times tiết lộ.

Theo nhật báo Anh, tin tặc đã gửi một tài liệu nhiễm mã độc, nhìn giống như một lá thư chính thức gởi cho các quan chức ngoại quốc lên thăm tàu sân bay của Mỹ. Mã độc này mang tên Enfal, được cấu tạo để lọt qua các hệ thống an ninh, thu thập thông tin về các hoạt động diễn tập và chính sách hiện hành. Mã độc đó cũng có thể tải thêm các virus khác về máy tính.
Tuy nhiên, theo Hải Quân Mỹ, vụ tấn công của các tin tặc đã không thành công, và không thấy có dấu hiệu nào là thông tin mật của chiếc Ronald Reagan bị đánh cắp trong vụ tấn công.
Theo công ty an ninh mạng FireEye của Mỹ, một nhóm tin tặc tại Trung cộng là tác giả vụ tấn công, và trong quá khứ, nhóm này đã từng đánh vào một số mạng quốc phòng của Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy là chính phủ Trung cộng đứng đằng sau vụ tấn công kể trên.
Theo giới phân tích, phương thức dùng để tấn công tàu Ronald Reagan tương tự như những gì đã được sử dụng để đánh vào một số cơ quan chính phủ và quân sự Việt Nam vào năm 2014, và đã tiếp cận được môt số thông tin mật liên quan đến chiến lược quốc phòng của Việt Nam.

Trung cộng: Mỹ ‘khiêu khích’ khi đưa chiến hạm vào Biển Đông
Khu trục hạm Decatur có trang bị hỏa tiễn dẫn đường cập bến tại cảng Port Klang, Malaysia. (Hình: Getty Images/Tengku Bahar) 
Một tuần dương hạm Mỹ tuần hành sát các đảo Tri Tôn và Phú Lâm ở Biển Đông mà Trung cộng nhận chủ quyền, khiến Trung cộng đưa ra lời cảnh cáo phải rời khỏi khu vực.
Reuters trích dẫn lời giới chức Hoa Kỳ nói rằng hành động mới nhất này của Mỹ là để chống lại điều mà Washington xem như là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế sự tự do hàng hải trên hải lộ chiến lược.
Bộ Quốc Phòng Trung cộng gọi động thái này là “bất hợp pháp” và “khiêu khích,” và thêm rằng hai chiến hạm của họ được phái đến để đưa ra lời cảnh cáo, yêu cầu khu trục hạm Mỹ phải rời khỏi khu vực.
Theo các giới chức Hoa Kỳ giấu tên, khu trục hạm Decatur có trang bị hỏa tiễn dẫn đường, muốn thách thức “yêu sách chủ quyền lãnh hải quá đáng” của Trung cộng ở Biển Đông, nơi đang còn tranh chấp với các nước láng giềng.
Ngũ Giác Đài nói, khu trục hạm Decatur “thực hiện cuộc tuần tra thường lệ, hoàn toàn hợp pháp mà không cần đến tàu hộ tống và không có biến cố nào xảy ra.”
Đây là thách thức lần thứ tư của Mỹ kể từ khi Trung cộng nhận hầu hết chủ quyền vùng Biển Đông hồi năm ngoái, và cũng là lần thứ nhất tính từ Tháng Năm.
Tuy nhiên, theo RFI, ba lần trước đây, khu trục hạm Mỹ đều đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo đá mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, hai lần đầu ở khu vực Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập ở Trường Sa, và lần thứ ba vào Tháng Giêng 2016 ngoài khơi đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa.
Việc tàu Mỹ vào ngày 21 Tháng Mười tránh không đi vào vùng 12 hải lý của Tri Tôn và Phú Lâm đã bị một số chuyên giá phê phán.
Ông Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, CSIS, tại Washington, đã coi chiến dịch đó hoàn toàn vô ích.
Dẫu sao thì chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải mà Hoa Kỳ tiến hành ngày 21 Tháng Mười rất đáng chú ý vì là chiến dịch đầu tiên kể từ khi Tòa Trọng Tài Thường Trực, The Haye, ra phán quyết ngày 12 Tháng Bảy 2016, phủ nhận các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung cộng trên Biển Đông. 

Tàu chiến Mỹ tiến sát quần đảo Hoàng Sa
Khu trục hạm có hỏa tiễn dẫn đường USS Decatur của Mỹ tại vùng biển gần đảo Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hôm 21/10/2016.  AFP

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, cho hay chủ đích là để Trung cộng biết họ không thể “ngăn cấm bất hợp pháp các quyền tự do đi lại, tự do và sự sử dụng hợp pháp vùng biển mà cả Hoa Kỳ và các nước khác đều có quyền sử dụng theo luật lệ quốc tế.”

 Theo tin của Reuters, khu trục hạm USS Decatur chỉ đi rất gần với phạm vi 12 hải lý của các đảo Phú Lâm và Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa chứ không đi vào bên trong phạm vi này. Tuy nhiên chiến hạm Mỹ đã bị 3 chiến hạm của Trung cộng bám theo và lên tiếng xua đuổi.

Đây là lần thứ tư Hoa Kỳ đưa chiến hạm vào Biển Đông, nơi Trung cộng tự nhận là có chủ quyền hầu hết vùng biển ở cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Ba lần trước, phía Bắc Kinh đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ, đồng thời chỉ trích Hoa Kỳ cố ý can dự vào khu vực để gây thêm bất ổn.

Cũng cần nói thêm Trung cộng đã xây phi đạo ở đảo Tri Tôn, và theo các viên chức quốc phòng Mỹ, Bắc Kinh còn đặt những dàn hỏa tiễn phòng không trên đảo.


Vai trò của Phi Luật Tân ở Biển Đông hiện nay?

Nhật bản quan tâm đến thái độ của Phi Luật Tân về Biển Đông
Tại Tokyo, các giới chức Nhật Bản cho biết khi đón Tổng Thống Phi Luật Tân vào tuần tới, Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe sẽ gặp riêng Tổng Thống Duterte, yêu cầu nhà lãnh đạo Phi giải thích rõ ràng hơn về vai trò của Phi trong khu vực, đặc biệt là vai trò của Phi ở Biển Đông.
Một viên chức yêu cầu không nêu tên nói với hãng thông tấn Reuters rằng một trong những điều Thủ Tướng Abe sẽ nêu lên là mong muốn Phi tiếp tục hợp tác với các nước, trong kế hoạch do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm ngăn cản bước tiến quân sự của Trung cộng.
Ngoài ra trong cuộc họp báo sáng nay, ông Yoshihide Suga, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Nhật Bản nói rằng Nhật đang tìm hiểu xem những biến chuyển mới giữa Trung cộng, Phi Luật Tân và Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình chung cũng như vai trò của Nhật trong tương lai.
Trung cộng và Phi Luật Tân tìm giải pháp cho vấn đề biển Đông
Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte (trái) bắt tay Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung cộng Trương Đức Giang trước cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 20 Tháng 10 năm 2016.  AFP photo

Trung cộng và Phi Luật Tân đồng ý mở lại đối thoại về vấn đề tranh chấp lãnh hải tại khu vực Biển Đông, nơi còn có tuyên bố chủ quyền của ba nước khác gồm Việt Nam, Mã Lai, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Thứ trưởng ngoại giao Trung cộng, Lưu Chấn Dân, cho biết như vừa nêu sau khi diễn ra cuộc gặp giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Rodrigo Duterte tại Bắc Kinh nhân chuyến công du Hoa Lục của vị tân tổng thống Phi Luật Tân.
Cũng theo lời thứ trưởng ngoại giao Lưu Chấn Dân của Trung cộng thì vấn đề tranh chấp lãnh hải tại khu vực Biển Đông không phải là tổng thể của mối quan hệ song phương Trung- Phi.
Ông Lưu Chấn Dân nói rõ hai phía đồng ý trở lại với phương sách được sử dụng cách đây 5 năm là tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa đôi bên thông qua đối thoại. Bên cạnh đó hai phía cũng sẽ nối lại tham vấn quốc phòng.
Tin cho biết, Tổng thống Phi dự định sẽ thảo luận về bãi cạn Scarborough với Trung cộng và đề nghị để ngư dân Phi có thể vào đánh cá nhưng Tập Cận Bình đã không màng đề cập đến vấn đề này trong cuộc gặp gỡ.
Hãng thông tấn AP cho biết không thể liên lạc được giới chức ngoại giao Phi Luật Tân để có bình luận về tin mà phía Trung cộng đưa ra như vừa nêu.


Trung cộng biến Đá Chữ Thập thành căn cứ quân sự
Đá Chữ Thập, Biển Đông - Ảnh do một chiếc P-8A của Mỹ chụp ngày 21/05/2015. Reuters/ CSIS

Trung cộng đang thúc đẩy hoạt động xây dựng để biến Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), thuộc quần đảo Trường Sa, thành một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn nhất ở Biển Đông. Căn cứ trên dành cho cả hai lực lượng hải quân và không quân.

Theo thông tin được đăng trên tạp chí Quốc Phòng Kanwa (Canada) và được Focus Taiwan đưa ngày 18/10/2016,  các hình ảnh chụp từ vệ tinh về các cơ sở quân sự trên Đá Chữ Thập cho thấy một đường băng dài 3.000 mét với 4 nhà kho lớn dài 34 mét và rộng 25 mét. Kích thước này giống với số liệu của các cơ sở đã được xây trên đảo Phú Lâm (Woody Island), thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Tờ Kanwa cho rằng những nhà xưởng trên sẽ được xây để chứa phi cơ chống tầu ngầm công nghệ cao và phi cơ cảnh báo sớm của Trung cộng.

Hai đường dốc, dài 535 mét và 626 mét, dường như được thiết kế để chiến đấu cơ có thể đậu tại đây, và có sức chứa đến 24 chiếc. Vẫn theo nguyệt san, một số nhà chứa phi cơ có thể sẽ được xây gần đó. Ngoài ra, các bệ phóng tên lửa địa đối không có thể được lắp đặt xung quanh sân bay.

Ở khu vực bên ngoài đường bay là ăng-ten HF/DF có bán kính 30 mét và trông giống hệ thống AN/FLR-9 của quân đội Hoa Kỳ để tìm kiếm các mục tiêu trên không và trên biển.

Cuối cùng, Kanwa nhấn mạnh đến một chiếc tàu đổ bộ đã được neo đậu tại cảng quân sự đang được mở rộng.

Hoa Kỳ sẽ khai  triển “quân đoàn không người lái” ở Biển Đông đối phó Trung cộng?

Tờ JoongAng Ilbo Hàn Quốc gần đây có báo cáo cho biết đối với chiến lược với ý đồ biến Biển Đông thành ao nhà của Trung cộng, Hoa Kỳ có kế hoạch huy động "quân đoàn không người lái" để tiến hành phá vỡ.


Trong kế hoạch này không chỉ gồm có phi cơ không người lái bay lượn trên không, mà sẽ còn phát triển các vũ khí như xuồng không người lái và tàu ngầm không người lái để chọc thủng hệ thống phòng thủ của Trung cộng, đã đưa ra ý tưởng "đàn ong người máy" không người lái được đồng thời triển khai ở trên không, trên biển và dưới mặt biển.

Theo JoongAng Ilbo, tháng 4/2016, trên hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton B. Carter đã công khai chiến lược tàu ngầm không người lái. Ông cho biết: "Tàu ngầm không người lái có nhiều loại kích cỡ và tải trọng, có thể tự hoạt động ở khu vực biển nông mà tàu ngầm có người lái không thể tiếp cận".

The Financial Times Anh cho rằng: "Tàu ngầm không người lái không chỉ có thể dùng để trinh sát, mà còn có thể dễ dàng xâm nhập cảng biển của địch, thậm chí có thể chở theo các loại vũ khí như hỏa tiễn".

Đặc biệt là, Ngũ Giác Đài còn dự tính dùng tàu ngầm không người lái làm "tàu sân bay", trên đó chở theo tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ hơn. Khi xảy ra chiến tranh, tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ sẽ trở thành "thủy lôi", có trách nhiệm ngăn chặn tàu địch ra vào bến cảng.

Loại vũ khí này một khi được phát triển, công dụng của nó sẽ không thể hạn chế. Tháng 1/2016, Hải quân Hoa Kỳ cho biết: "Chúng tôi có kế hoạch trước năm 2020 tiến hành triển khai tàu ngầm không người lái lượng giãn nước lớn (LDUUV)". LDUUV là một trong những chương trình phát triển tàu ngầm không người lái.

Ngoài ra, còn có phi cơ không người lái phóng ra từ tàu ngầm. Hải quân Hoa Kỳ đã đề nghị ngân sách với Bộ Quốc phòng mua 150 phi cơ không người lái Blackwing, loại phi cơ này có thể được phóng ra từ tàu ngầm hoặc tàu ngầm không người lái.  Đây loại phi cơ không người lái cỡ nhỏ dài 50 cm, nặng 1,8 kg, có thể mang theo máy quay điện tử và bộ cảm biến hồng ngoại, tiến hành hoạt động trinh sát.  Công ty chế tạo Aero Vironment, nếu mang theo đầu đạn cỡ nhỏ, Blackwing còn có thể được dùng cho mục đích tấn công.  
Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis của Hải quân Hoa Kỳ.

Cơ quan phụ trách nghiên cứu các dự án tương lai (DARPA) Mỹ đã đầu tư 20 triệu USD nghiên cứu phát triển xuồng không người lái, có tính năng thông minh nhân tạo, khi đưa vào khu vực tác chiến sẽ tự động hoạt động, không cần phải điều khiển từ xa.

Hoa Kỳ dự định đưa xuồng săn ngầm không người có trang bị các vũ khí như ngư lôi và hỏa tiễn vào khu vực Tây Thái Bình Dương trong 5 năm tới. Dự định này là nhằm chống lại chiến lược A2/D2 của Trung cộng muốn phong toả Biển Đông không cho các tàu chiến Hoa Kỳ đến gần.

Báo cáo "Cảnh giới đỏ" của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) tháng 2/2016 cảnh báo, sức mạnh quân sự của Trung cộng đã bắt đầu tạo ra mối đe dọa đối với hải đoàn hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ.


Biển Đông: Trả Giá
Trần Khải

Có vẻ như Trung cộng ưa được vuốt ve, hơn là cãi lý cứng rắn? Hình như Tổng thống Phi Luật Tân thử một độc chiêu, nhằm hòa hoãn, hy vọng giữ biển phần nào hay phần đó.

Trước tiên, là cho dân đánh cá vào laị bãi cạn Scarborough Shoal ở Trường Sa, nơi taù Hải quân Trung cộng đã bao vây, chiếm lĩnh và xem như quê nhà Sơn Đông của họ Mao từ đời nào.

Bản tin Reuters nói, nguồn tin từ giới lãnh đaọ TC nói rằng TC có thể cho ngư dân Phi Luật Tân vào vùng bãi cạn Scarborough Shoal, nơi ngư trường truyền thống của dân Phi Luật Tân nhưng bị TC chiếm từ năm 2012.

Nếu như thế, TC muốn cho cả thế giới thấy rằng: xích mích với TC chẳng lợi gì. Thậm chí, khi Hải quân TC vây chiếm bãi cạn này, Hải quân Mỹ đã bất động, cũng còn đang bận chuyện sang vùng biển Iran để lo bảo vệ cho Israel và Trung Đông. Phải chăng, Mỹ chỉ nói, nhưng không làm, vì cũng lạnh cẳng với Hải quân TC? Có lẽ, Tổng Thống Phi Luật Tân suy nghĩ như thế.

Trong khi đó, nhà nước Việt Nam cũng lăng ba vi bộ theo kiểu riêng.

Bản tin VOA kể rằng 3 tàu chiến Trung cộng sẽ vào Cam Ranh tuần sau. Bản tin này nói, 3 chiến hạm của Trung cộng, với gần 800 sĩ quan và thủy thủ, sẽ tới cảng chiến lược của Việt Nam, ít lâu sau khi tàu chiến Hoa Kỳ rời đi.

Hai chiến hạm hộ vệ tên lửa cùng tàu hộ tống của hải quân quốc gia láng giềng phương bắc sẽ cập cảng quốc tế Cam Ranh trong 4 ngày, từ ngày 22 đến 26/10, và sẽ “giao lưu với hải quân Việt Nam”.

Báo điện tử VnExpress dẫn Sở Ngoại vụ Khánh Hòa cho biết rằng đây là lần đầu tiên tàu hải quân Trung cộng tới cảng quốc tế nằm trong vùng biển chiến lược hướng ra biển Đông của Việt Nam.

Nhận định với VOA Việt Ngữ, chuyên gia về quan hệ Việt – Trung, ông Dương Danh Di, nói rằng “không phải vô cớ” mà Trung cộng thực hiện chuyến thăm như vậy.

Ông nói thêm:

Giữa Việt Nam và Trung cộng bây giờ, động tác gì cũng có chuyện cả. Không ai tự dưng làm cái chuyện đó cả đâu. Lợi cho họ thì họ làm, muốn tuyên truyền cho thế giới thì họ làm, tác động vào nội bộ của Việt Nam thì tác động. Cái chính là chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với cái đó như thế nào. Họ định làm để ra vẻ để lừa gạt, dụ dỗ Việt Nam, nhưng nhân dân Việt Nam trưởng thành rồi. Họ không làm được chuyện đó đâu. Trung cộng bây giờ đều có ý đồ với Việt Nam cả, chứ không phải tự dưng họ làm điều tốt với Việt Nam đâu”.

Cựu viên chức ngoại giao của Việt Nam còn nói thêm rằng Bắc Kinh có thể “chủ động” đưa tàu chiến vào Cam Ranh để “làm dịu” quan hệ với Hà Nội.

Trong khi đó, bản tin BBC kể về trường hợp 3 chiến hạm TC khi vào Cam Ranh: Theo thông lệ, chỉ huy và thủy thủ đoàn sẽ có tiếp xúc xã giao với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Vùng 4 Hải quân và thăm tàu hải quân Việt Nam cũng như tham gia hoạt động giao lưu thể thao với các chiến sỹ Việt Nam và tham quan Nha Trang.

Hồi đầu tháng, khu trục hạm USS John S. McCaine và tàu tiếp liệu USS Frank Cable của Hải quân Hoa Kỳ cũng đã tới Cam Ranh.

Trước đó, tàu Nhật Bản, Nga và Pháp cũng từng thăm cảng chiến lược miền Trung này.

BBC nhắc rằng tuần trước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam sẽ không bao giờ cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở trong lãnh thổ Việt Nam, kể cả cảng Cam Ranh.

Một bản tin khác của VOA ghi rằng Tổng thống Phi Luật Tân sẽ chờ TC nêu vấn đề Biển Đông trước.

Tổng thống Phi Luật Tân tuyên bố phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế về Biển Đông sẽ không được ông nêu lên trước trong các cuộc thảo luận tại Trung cộng. Ông Rodrigo Duterte nói thêm rằng, thay vào đó, ông sẽ chờ Bắc Kinh nêu vấn đề trước.

Phát biểu của ông Duterte được đưa ra ngày 19/10 tại Bắc Kinh, một ngày sau khi ông đặt chân tới đây cùng ít nhất 200 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu để mở đường cho điều ông gọi là một liên minh thương mại mới, giữa lúc quan hệ của Manila với Mỹ, đồng minh lâu năm, đang bị sụt giảm.

Những nỗ lực giao tiếp với Trung cộng đánh dấu sự đảo ngược chính sách ngoại giao của Phi Luật Tân kể từ khi ông Duterte nhậm chức vào ngày 30 tháng 6 năm nay.

Nói chuyện với các phóng viên tại khách sạn, ông Duterte mô tả phán quyết của Tòa trọng tài chỉ là “một mảnh giấy”.

VOA ghi rằng Trung cộng hoan nghênh việc Phi Luật Tân đổi giọng làm gia tăng căng thẳng giữa Phi Luật Tân và Hoa Kỳ, dù là ông Duterte cam kết không nhượng bất cứ chủ quyền lãnh thổ nào cho Trung cộng.

Phát biểu trước đây, Bộ trưởng Ngoại giao Phi Luật Tân Perfecto Yasay nói tranh chấp lãnh thổ giữa Trung cộng và Phi Luật Tân có thể phải mất cả đời mới giải quyết được, nhưng không nên cản trở những quan hệ nồng ấm giữa hai nước.

Mặt khác, theo VOA, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Phi Luật Tân, Ramon Lopez, ngày 19/10 nói với các phóng viên tại Bắc Kinh là Ngân hàng Trung cộng đồng ý cấp 3 tỉ đôla tín dụng cho việc đầu tư vào hạ tầng cơ sở ở Phi Luật Tân.

Trong khi đó, báo Người Lao Động ghi rằng, theo báo The Inquirer hôm 19-10 cho biết Phi Luật Tân sẽ hợp tác với Trung cộng để thăm dò các nguồn năng lượng tại biển Đông.

Theo tờ báo, các quan chức chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã đàm phán với các đối tác Trung cộng để hoàn tất một thỏa thuận cho phép 2 nước hợp tác thăm dò dầu mỏ, khí đốt tại vùng biển đang tranh chấp. Cuộc đàm phán về thỏa thuận này vẫn đang tiếp diễn.

Một viên chức chính phủ Phi Luật Tân giấu tên tiết lộ Bắc Kinh và Manila đang trong quá trình hoàn tất thỏa thuận và sẽ đạt được kết quả sớm hơn so với dự kiến.

Bản tin cũng nói, trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày của Tổng thống Duterte tới Trung cộng, ông Manuel Pangilinan - Chủ tịch Công ty Philex Petroleum Corp - là một trong những doanh nhân góp mặt trong phái đoàn của nhà lãnh đạo Phi Luật Tân.

Công ty con của Philex Petroleum Corp, Forum Energy Plc., là đơn vị giữ giấy phép thăm dò dầu khí tại bãi Cỏ Rong (Manila tuyên bố chủ quyền) ở biển Đông.

Hòa bình dĩ nhiên là cái phước lớn vô cùng. Tuy nhiên, cái giá phải trả vẫn chưa rõ...



Tổng hợp tin tức, bình luận từ VOA, RFA, RFI, Viettimes, Người Việt