10.11.2016

Tân tổng thống và bầu cử Mỹ trong mắt người Việt - tuankhanh

„Thật rõ, người ta lựa chọn không phải vì một đảng nào là thần thánh hay vinh quang mãi mãi, mà là đảng có thật sự có khả năng làm gì cho con người hiện tại hay không, hay chỉ ăn mày quá khứ.“

Tân tổng thống và bầu cử Mỹ trong mắt người Việt

tuankhanh

Ý kiến nói "nhiều người Việt theo dõi cuộc bầu cử không vì nước Mỹ, mà vì cho quê hương mình".

Cũng như bao người có khuynh hướng thích bà Hillary Clinton làm tổng thống, tôi đã có thoáng bàng hoàng khi nghe kết quả chung cuộc. Thế giới quả là đầy những bất ngờ, nhưng sự dân chủ và nỗ lực ủng hộ lựa chọn mang tính dân chủ ở một quốc gia cách Việt Nam hàng ngàn dặm, cũng đem lại nhiều điều bất ngờ hơn nữa.


Nhà báo Phạm Đoan Trang có phân tích ngắn của mình, nói rằng phân nửa số bạn trên facebook của cô đã buồn, vì chọn phía bà Hilary. Cô phân tích rằng nhiều người Việt trong nước có cảm tình với bà Hilary Clinton vì bà có nhiều hình ảnh gắn với Việt Nam. Chồng bà cũng vậy. Thậm chí những nỗ lực về cải cách nhân quyền và cứng rắn trong các chính sách về tự do tín ngưỡng, ngoại giao… của bà cũng là điều dễ gây thiện cảm. Nhưng quan trọng hơn, có lẽ thái độ luôn không muốn nhún nhường trước Trung cộng của bà, khiến hàng triệu người Việt đang mang tâm trạng ức chế về tổ quốc, dân tộc khiến họ thân thiện với bà hơn.

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, xa xôi và lạ lùng, nhưng khiến báo chí Nhà nước cũng đưa tin liên tục, phân tích và dự đoán. Có lẽ ngoài các cuộc hội ngộ túc cầu tầm quốc tế, thì không có khi nào không khí báo chí Việt Nam lại hừng hực và dễ có đề tài như vậy. Thậm chí, trên trang VnExpress sáng ngày 9/11, người ta còn đọc được một tít bài lớn "Vì sao bầu cử tổng thống Mỹ năm nay gay cấn hơn cả siêu xổ số?"

Sự lựa chọn một nhà lãnh đạo tương lai cho mình, công khai và minh bạch, đã khiến mọi thứ reality show đều tuột hạng. Thậm chí, dựa vào từng ngày, từng giờ của cuộc tranh cử, người Việt lại có cơ hội so sánh và cười mỉm về những gì gọi là bầu cử trong cuộc sống của mình. Trên trang facebook của mình, nhà văn Nguyễn Đình Bổn viết về việc người Việt theo dõi sát sao cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, rằng "cho thấy khát vọng tranh cử, bầu cử tự do tại Việt Nam hiện nay là cháy bỏng. Nhưng từ khát vọng đi đến hiện thực này tại Việt Nam xa hay gần lại lệ thuộc vào quá nhiều tác động từ bên trong lẫn bên ngoài mà khai dân trí là một trong những điều kiện cần thiết".

Một facebooker khác vì hóm hỉnh nói rằng khác với những cuộc bầu cử ở Việt Nam, đến giờ cuối cùng người ta mới có được kết quả cuối cùng của người thắng cuộc. Còn ở Việt Nam thì mọi thứ có thể biết trước cả tuần, thậm chí cả tháng.

'Không giống ai'

Riêng tôi, lại thấy thêm rằng khi bước vào một kỳ bầu cử nào đó, hầu hết các cử tri đều không biết hoặc xác minh được nhân thân, trình độ… của các ứng cử viên được Đảng giao phó là ai. Người dân chỉ còn tạm lựa ra những nhân vật đã được chọn. Mà cái "chọn" đó, luôn giới thiệu những sai lầm hoảng kinh về việc không có ai chịu trách nhiệm đưa ra các nhân vật đó. Cụ thể như Trần Văn Truyền, Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Huy Hoàng… chẳng hạn.

Dù ông Donald Trump quả có làm nhiều người hoảng kinh về tính cách hay phát ngôn, nhưng rõ ràng sự lựa chọn rất mạnh mẽ của công chúng Mỹ là bởi họ có thông tin và cho rằng đã hiểu rõ ông. Ngay cả ở Việt Nam cũng vậy.

Ông Huỳnh Ngọc Tuấn đã hân hoan bày tỏ sự ủng hộ với Trump. Ông viết: "Vì ông ta là người mà tôi mong đợi, người có thể thay đổi cái trật tự thế giới và khu vực hiện nay, cái trật tự bất công và bất lợi cho đất nước tôi. Đã nhiều lần tôi nói rằng chỉ khi nào cái trật tự này bị phá vỡ thì khi đó đất nước ta mới có cơ hội thoát Trung, thoát cộng. Còn một điều nữa tôi ủng hộ Donald Trump vì ông ta và tôi đều là những thằng "không giống ai" và ít có người ưa".

Donald Trump: 'Chính quyền sẽ phục vụ người dân'

Đây cũng là một điều thú vị. Sát nách, Bắc Kinh qua các kỳ bầu cử, ngoài việc báo chí Nhà nước hô hào và giới thiệu, dân chúng vẫn bàng quan. Thậm chí, ai lên tổng bí thư hay vào chủ tịch, không mấy người Việt quan tâm để học thuộc tên. Bất luận hai Đảng cộng sản vẫn luôn nói tình hữu nghị keo sơn, nhưn dường như đa số người dân Việt vẫn có khuynh hướng gần phương Tây hơn, gần Mỹ hơn. Cũng như niềm tin đã được thử thách của những người ủng hộ bà Hilary hay ông Donald, nhiều người Việt tin rằng nền dân chủ phương Tây sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước nước mình, nhân dân của mình.

Trong tâm thế đó, nhiều người Việt theo dõi cuộc bầu cử không vì nước Mỹ, mà vì cho quê hương mình. Một người tên là Hien Le, chỉ rời khỏi Việt Nam đi định cư chừng vài năm nay, viết rằng cô lo ngại khi ông Trump đắc cử. Lý do vì "Trump phản đối hầu hết các hiệp định thương mại có liên quan Việt Nam và Mỹ, Trump lên thì xác định mất xuất siêu. Trump phản đối người nhập cư, kể cả người nhập cư Việt Nam, và Trump phản đối ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở Biển Đông, Trump lên thì biển Đông là chuyện riêng của Trung Quốc và Asean".

Một người bạn của tôi trên facebook, anh Truong Thanh Liem, có viết vài dòng khiến tôi không khỏi tần ngần, rằng anh chọn bầu đảng Dân chủ vì những chính sách an sinh xã hội cho người già, cho những người tỵ nạn còn kẹt ở Philippines hay Thái Lan thỉnh thoảng có cơ hội ra đi đến nước thứ ba. Còn những người bạn của anh thì chọn đảng Cộng hòa bởi những chính sách cho dân làm ăn. Thật rõ, người ta lựa chọn không phải vì một đảng nào là thần thánh hay vinh quang mãi mãi, mà là đảng có thật sự có khả năng làm gì cho con người hiện tại hay không, hay chỉ ăn mày quá khứ.

Thật là bất đồng, trong một cuổi chiều ở Việt Nam, khi tôi như đang buồn về sự thất cử của bà Hilary Clinton, một người bạn trẻ ủng hộ Donald Trump reo mừng và nhắn vào máy của tôi "ghé qua làm ly bia chúc mừng Trump đi".

Ai nói bầu cử tổng thống Mỹ xa lạ với Việt Nam?