Hà Nội tìm cách chiêu dụ kiều bào Việt Nam
VOA
Tiếng Việt
Lượng kiều hối năm nay về Việt Nam giảm bất ngờ, khoảng
9 tỷ USD, thấp hơn tới 25% so với dự báo là khoảng 12 tỷ USD.
Giữa lúc lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm
2016 không đạt như kỳ vọng, chính quyền Hà Nội họp bàn để tìm cách chiêu dụ người
Việt sinh sống ở nước ngoài.
Theo báo Đại Đoàn Kết, hôm 27/12, ông Nguyễn Thiện
Nhân, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông Phạm Bình
Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, chủ trì một hội nghị tìm cách thu hút kiều bào về
đóng góp cho đất nước. Hà Nội vẫn mong thu hút kiều bào, đặc biệt là giới tri
thức, nhưng với chính sách và luật lệ bất cập, số lượng Việt Kiều về đóng góp
cho nền kinh tế trong nước không mấy cao.
Trong hội nghị này, hai ủy viên Bộ Chính trị duy nhất
được đào tạo ở Hoa Kỳ đã cùng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài rà
soát lại các văn bản pháp luật có liên quan đến kiều bào và lên kế hoạch tuyên
truyền nhắm vào kiều bào thuộc thế hệ trẻ. Việt Nam cho rằng trí thức trẻ “mong muốn đóng góp
sức mình cho quê hương, nhưng do tiếp cận nhiều thông tin trái chiều và tiêu cực
về tình hình đất nước nên từ chối trở về.”
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA Việt ngữ, bác
sĩ Đỗ Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng Chấp
hành Cộng đồng người Việt quốc gia Liên bang Hoa Kỳ, kiêm Trưởng ban Điều
hành Hội đồng liên kết Quốc nội - Hải ngoại nói rằng nhiều kiều bào mong muốn
quay về đóng góp cho dân tộc, cho đất nước, nhưng chính sách của Hà Nội trong
nhiều năm qua đã thất bại do kiều bào đã mất niềm tin vào chính quyền, và theo
ông, vấn đề cốt lõi là vì các chính sách của Việt Nam dựa trên một chế độ thiếu
dân chủ và tự do:
“Vấn đề mà muốn giúp đất nước, thì tất cả mọi người đều mong
muốn giúp, người trong nước cũng như người ở hải ngoại. Tuy nhiên dưới chế độ cộng
sản hiện nay, không có một nền dân chủ và tự do. Người cộng sản thì luôn giữ phần
cho mình, cho đảng viên của họ. Nhưng họ không tin tưởng những ai mà thật tình
muốn góp. Họ không tin vào những người không phải là đảng viên. Nếu có kêu gọi
đến mấy cũng không ai tin những người cộng sản để mà giúp đất nước. Trong lòng
thì họ rất muốn giúp. Nhưng không phải dưới một chế độ như vậy.”
Cũng theo báo Đại Đoàn Kết, đội ngũ trí thức kiều
bào trên thế giới rất đông đảo, nhất là những người trẻ nhưng mỗi năm chỉ có
khoảng 200 - 300 người về nước lập dự án hoặc làm việc.
Lượng kiều hối năm nay về Việt Nam giảm bất ngờ, khoảng
9 tỷ USD, thấp hơn tới 25% so với dự báo là khoảng 12 tỷ USD. Các năm trước đây
lượng kiều hối dồn về Việt Nam vào dịp cuối năm khá cao. Tuy nhiên, báo chí
trong nước trích lời lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thì đến cuối
tháng 11 năm nay, lượng kiều hối gửi về thành phố HCM chỉ khoảng 4,3 tỷ USD, thấp
hơn dự kiến khoảng 10%. Được biết mỗi năm, Sài Gòn tiếp nhận khoảng 50% lượng
kiều hối chuyển về Việt Nam.
Trả lời câu hỏi Việt Nam cần thay đổi chính sách như
thế nào để thu hút kiều bào, bác sĩ Đỗ
Văn Hội nói:
“Tôi nghĩ bây giờ một lời khuyên hay nhất để xây dựng đất nước
thì nên thay đổi chế độ. Tức là chấp nhận một chế độ dân chủ tự do. Có như vậy
người dân sẽ trở về và giúp nước, chứ không cần phải kêu gọi gì nữa.”
Ông Nguyễn Phú Bình, chủ tịch Hội Liên lạc với người
Việt Nam ở nước ngoài được Báo Đại Đoàn Kết trích lời nói rằng theo ông thì các
quy định luật pháp hiện nay đã tương đối đủ. Theo ông thì người Việt sinh sống ở
nước ngoài khi về già, đều muốn mua một căn nhà để sống ở Việt Nam, nhưng vấn đề
mua nhà đối với kiều bào rất phức tạp. Ông nói:
“Khi trở về nước
làm thủ tục mua nhà thì cơ quan quản lý đưa ra hàng loạt những quy định, điều
kiện, giấy tờ thành ra bà con rất e ngại. Tôi cứ băn khoăn, luật đã cho phép Việt
kiều có thể mua nhà, nhưng dường như những quy định vẫn còn rất 'o ép' gây khó
khăn cho người dân. Tôi mong những rào cản chính sách hiện nay cần phải được giải
tỏa để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con Việt kiều.”
Hà Nội ước tính hiện nay có khoảng 4,5 triệu người
Việt Nam ở nước ngoài và nhìn nhận đây là nguồn lực lớn “không thể tách rời của
dân tộc” để góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nhưng để tìm ra những
giải pháp để thu hút kiều bào thật không dễ nếu Việt Nam không thật sự thay đổi
từ hệ thống chính trị đến gầy dựng niềm tin trong lòng kiều bào.