18.12.2016

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 18.12.2016)

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 18.12.2016)


Mã Lai hối ASEAN đoàn kết đối phó Trung cộng ở biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai Hishammuddin Hussein hôm 18-12 hối thúc ASEAN đoàn kết trong vấn đề biển Đông để ngăn các nước lớn gây áp lực đối với chính trị khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai Hishammuddin Hussein. Ảnh: Free Mã Lai Today

Một mình, chúng ta không thể đối mặt với họ, nhưng khi liên minh 10 quốc gia, tôi tự tin rằng dù có là Trung cộng cũng không thể làm ngơ trước sự đứng lên của chúng ta” – ông Hishammuddin nói, trong đó có đề cập tới căng thẳng ngoại giao xung quanh việc Trung cộng thu giữ tàu lặn tự hành (UUV) của Hải quân Mỹ ở vùng biển quốc tế tại biển Đông hôm 15-12.



Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai khẳng định Kuala Lumpur vẫn vững vàng chống lại sự leo thang khai triển các khí tài quân sự ở khu vực tranh chấp ở biển Đông, dù điều đó có nghĩa là phải đứng lên chống lại Trung cộng và Mỹ.

Cũng theo lời ông Hishammuddin, Mã Lai vừa bổ nhiệm Đô đốc Hải quân Hoàng gia Mã Lai Ahmad Kamarulzaman Ahmad Badaruddin làm đại diện của nước ngày trong các tranh chấp lãnh thổ. “Ông ấy sẽ là nhân vật liên hệ trực tiếp với cả Mỹ và Trung cộng” – Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai cho hay.

Phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS) hồi tuần trước vừa công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung cộng dường như đã triển khai hệ thống vũ khí tại 7 cấu trúc địa lý phi pháp ở biển Đông.

Ông Hishammuddin hôm 16-12 đã tuyên bố rằng ông sẽ viết thư tới người đồng cấp Trung cộng để yêu cầu một lời giải thích. Vị bộ trưởng còn nói rằng các nước thành viên ASEAN cũng nên hành động để ngăn chặn những căng thẳng trong khối.

Về phần Mã Lai, ông khẳng định hải quân nước này cần tăng cường giám sát các hoạt động để ngăn những sự việc liên quan tới ngư dân hay tranh chấp hàng hải trong khu vực. “Chúng tôi hi vọng rằng điều đó sẽ đảm bảo sự an toàn và ổn định của khu vực, cũng như đảm bảo sự lưu ý về địa chính trị của các cường quốc” – ông Hishammuddin nói thêm.

 (Theo Today Online)



Trung cộng trả tàu lặn lại cho Mỹ ‘đúng cách thức’
Tư liệu - Tàu khảo sát dưới mặt nước Deep Drone của Hải quân Hoa Kỳ.

Trung cộng hôm thứ Bảy 17/12 cho hay quân đội của họ đang liên lạc với phía Mỹ để “giao trả lại đúng cách thức” một thiết bị lặn không người lái của Hải quân Mỹ bị Trung cộng “bắt” trong hải phận quốc tế ở Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông.


Bắc Kinh không cho biết khi nào vụ này mới được giải quyết.
Ngũ giác đài sử dụng các kênh ngoại giao để yêu cầu Trung cộng ngay lập tức trả lại thiết bị lặn không người lái khảo sát đại dương và yêu cầu Trung cộng không lập lại những vụ việc như vậy nữa. Mặc dù không có người lái, thiết bị lặn tự hành này vẫn thuộc chủ quyền và được bảo vệ của tàu hải quân Mỹ.

Đại tá Hải quân Jeff Davis, phát ngôn viên Ngũ giác đài, nói: “Đây là một hành động bất tuân luật pháp quốc tế. Rõ ràng chúng tôi không xem một quân đội chuyên nghiệp như của Trung cộng lại đi làm một chuyện không xứng tầm như vậy.”

Người phát ngôn của Ngũ giác đài này nói tiếp rằng Trung cộng không cho biết lý do họ thu bắt thiết bị lặn không người lái mà ông nói trị giá khoảng 150.000 đôla này.

Thủy thủ của tàu chiến Trung cộng trong lúc tàu của họ rời khỏi địa điểm đó đã trả lời bằng sóng radio cho tàu của Mỹ rằng “chúng tôi tiếp tục hoạt động thường nhật của chúng tôi,” theo lời Đại tá Davis.

Ngũ giác đài nói rằng hai thiết bị lặn đang thực hiện những khảo sát để tìm giải đáp cho một số thông tin, trong đó bao gồm những dữ liệu như nhiệt độ, độ trong, độ mặn của nước biển và tốc độ âm thanh lan truyền trong môi trường nước đó. Các dữ liệu giúp việc nghiên cứu về định vị dưới nước được Hải quân Mỹ khảo sát và thu thập ở các hải phận quốc tế trên khắp thế giới.


Những bình luận đáng chú ý vụ Trung cộng bắt UUV của Mỹ ở Biển Đông

Phải điều chỉnh chính sách và chiến lược của Mỹ để phù hợp với thực tế này, và đảm bảo chúng ta có lực lượng quân sự, khả năng và tư thế cần thiết.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ lên án mạnh mẽ động thái vừa qua của Trung cộng ở Biển Đông. Ảnh: News Max.

Financial Times ngày 18/12 đưa tin, Ngũ Giác Đài cho biết Trung cộng đã đồng ý trả lại Mỹ một thiết bị lặn không người lái (UUV) của hải quân Mỹ bị hải quân Trung cộng bắt giữ khi đang hoạt động trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông.

Chúng tôi đã phản đối chính thức hành vi bắt giữ trái pháp luật thiết bị lặn không người lái của Mỹ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông.

Thông qua giao thiệp trực tiếp với chính quyền Trung cộng, chúng tôi đã được đảm bảo rằng Trung cộng sẽ trả lại Mỹ thiết bị lặn không người lái này”, người phát ngôn Ngũ Giác Đài Peter Cook cho biết.

Việc bắt giữ thiết bị lặn không người lái Hoa Kỳ mà hải quân Trung cộng thực hiện, đánh dấu một sự leo thang mạnh căng thẳng vốn đã gia tăng giữa hai nước.

Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm qua đã chỉ trích việc bắt giữ này là động thái chưa từng có.

Hôm qua thứ Bảy 17/12, Bộ Quốc phòng Trung cộng cho biết, một trong hai tàu hải quân của họ ngăn chặn thiết bị lặn không người lái của Mỹ vì nó gây nguy hiểm cho hoạt động chuyển hướng của con tàu và thủy thủ đoàn.

Lầu Bát Nhất nói rằng, họ sẽ đưa thiết bị lặn không người lái này trở lại Mỹ “một cách thích hợp”, đồng thời chỉ trích phản ứng của Mỹ trong vụ việc này là “không có lợi” cho giải quyết tranh chấp.

Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia ở Washington bình luận:

Đây mới là phần đầu tiên của các phản ứng Trung cộng muốn dùng nó đẩy lùi ông Donald Trump trong vấn đề Đài Loan. Có khả năng đây là một quyết định được dàn dựng kỹ từ đầu”.

Có quan điểm cho rằng, vụ bắt giữ này liên quan đến những phát biểu của ông Donald Trump về nguyên tắc “một Trung cộng”, quan hệ với đảo Đài Loan.

South China Morning Post ngày 18/12 dẫn lời Wang Yiwei, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân bình luận, Trung cộng muốn gửi thông điệp rằng nước này có khả năng chống đỡ các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông:

“Việc tạm giữ thiết bị lặn không người lái này cho thấy sức mạnh của quân đội Trung cộng. Nó cũng mang một tín hiệu rằng, chúng tôi có khả năng ngăn chặn Mỹ can thiệp quân sự”.

News Max ngày 17/12 dẫn lời Thượng nghị sĩ John McCain cho hay, Trung cộng không có quyền bắt giữ thiết bị lặn không người lái của Mỹ đang thu thập dữ liệu hải dương học trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông.

Ông lưu ý, hành động này phù hợp với mô hình hành vi ngày càng gây mất ổn định khu vực mà Trung cộng theo đuổi:

“Bắt giữ một thiết bị lặn không người lái nghiên cứu hải dương học ở vùng biển quốc tế ngoài Biển Đông là sự vi phạm trắng trợn của Trung cộng đối với quyền tự do hàng hải.

Trung cộng không có quyền bắt giữ thiết bị này. Và Hoa Kỳ sẽ không để yên cho một hành vi thái quá như vậy. Tự do của các vùng biển và những nguyên tắc trật tự dựa trên luật pháp đã không được thực thi.

Lãnh đạo Hoa Kỳ cần phải bảo vệ những nguyên tắc này. Nhưng đang có những thiếu sót nghiêm trọng hiện nay.

Chúng tôi đang phải đối mặt với một Trung cộng hung hăng đã từng chứng tỏ họ sẵn sàng đe dọa và cưỡng chế để phá vỡ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Như tôi đã nói nhiều lần, chúng ta phải điều chỉnh chính sách và chiến lược của Mỹ để phù hợp với thực tế này, và đảm bảo chúng ta có lực lượng quân sự, khả năng và tư thế cần thiết trong khu vực, để ngăn chặn, và nếu cần thiết, đánh bại các lực lượng xâm lược”.


Hoa Kỳ muốn thử chiến thuật mới ở Biển Đông : Dùng bộ binh diệt chiến hạm

Tổng tham mưu trưởng quân đội Phi Luật Tân Ricardo Visaya (T) đón đô đốc Mỹ Harry Harris. Ảnh chụp ngày 22/11/2016, tại tổng hành dinh ở vùng Manila.Reuters

Chủ lực của quân đội Hoa Kỳ tại vùng Tây Thái Bình Dương cho đến nay thường là Hải Quân và Không Quân. Tuy nhiên mới đây, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris đã cho rằng Lục Quân Mỹ cũng nên đóng một vai trò tích cực hơn bằng cách thành lập những đội có thể gọi là Lục Quân Hải Chiến, đặc trách việc tiêu diệt chiến hạm đối phương. Nguyệt san The Diplomat, trụ sở tại Nhật Bản trong số tháng 12/2016 đã có bài nêu bật chiến thuật mới này.

The Diplomat trước hết nhắc lại sự kiện đô đốc Harry Harris, ngày 15/11/2016, trong một tham luận đọc tại Washington, đã cho biết ông muốn Lục Quân Mỹ thành lập các đơn vị mới chuyên trách nhiệm vụ diệt hạm để răn đe chiến hạm của đối thủ của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông.

Đối với đô đốc Harris, vai trò của bộ binh cần phải được phát huy trong đó có việc « tiêu diệt các chiến hạm bằng cách sử dụng các hệ thống tên lửa chống hạm đặt ở trên bờ ». Theo ông, đúng với truyền thống, Lục Quân sẽ mang đến những thế mạnh của họ: « nhân lực, hỏa lực và năng lực ». Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến cũng có thể đóng một vai trò tương tự trong tương lai.

Các yếu tố trung tâm của một chiến lược phòng thủ như vậy sẽ được bố trí chung quanh các hòn đảo có thể án ngữ lối ra biển khơi ngoài Thái Bình Dương của các đối thủ tiềm tàng như Hải Quân Trung cộng chẳng hạn
Đô đốc Harris giải thích : « Tôi nghĩ đến một nơi ở vùng tây Thái Bình Dương mà ta có thể bố trí các hệ thống vũ khí ở nhiều chỗ ; các hệ thống này sẽ đặt các đối thủ tiềm tàng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Biển Nhật Bản vào vòng nguy hiểm... Tôi cho rằng đây là một khái niệm quan trọng mà chúng ta buộc phải nghĩ đến khi vạch ra cách duy trì ưu thế so với các đối thủ của chúng ta trong khu vực. »

Biến tên lửa địa đối địa thành địa đối hải

Các hệ thống vũ khí có thể được triển khai bao gồm loại pháo tự hành Paladin M109A7, hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142, và hệ thống tên lửa chiến thuật của Lục Quân. Hệ thống này sẽ được nâng cấp để có thể tấn công các mục tiêu di động trên đất liền và trên biển...

Trong một bài phát biểu ngày 03/11, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter ghi nhận : « Khi được gắn một thiết bị dò tìm có sẵn lên mũi, tên lửa có thể bắn trúng một mục tiêu di động, cả trên đất liền lẫn trên biển. Với khả năng này, những gì trước đây chỉ là một hệ thống tên lửa địa-đối-địa của Lục Quân, nay có thể được bắn đi từ bờ biển đến những mục tiêu ngoài khơi cách đó đến 300 km [186 dặm] ».

Bước tiếp theo là phải giúp cho Lục Quân Mỹ hiểu rõ địa bàn vùng biển là mục tiêu, và điều này sẽ đòi hỏi những thay đổi trong học thuyết của Lục Quân Mỹ.

Như chuyên gia Steven Stashwick đã giải thích vào tháng 10 vừa qua, Lục Quân đã bắt đầu làm quen với khái niệm gọi là « Chiến Tranh Đa Miền » - Multi-Domain Battle – « sử dụng lực lượng trên bộ để vừa khai thác, vừa cho phép hành động trên không, trên biển, trên mạng, trên không gian và bao quát toàn bộ quang phổ điện từ ». Ở Tây Thái Bình Dương, điều đó được hiện thực hóa thành một cái ô chống tiếp cận và truy cập A2/AD hình thành từ các cơ sở đặt trên đất liền và bao trùm chuỗi đảo đầu tiên.

Điểm quan trọng cần lưu ý là mọi vai trò phòng thủ bờ biển mới được giao cho Lục Quân Mỹ, đều phải được thực hiện trong sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực.

Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng một khái niệm chống tiếp cận và truy cập khu vực A2/AD với đặc điểm của Nhật Bản, dựa trên các dàn pháo và tên lửa nhằm bảo vệ hải đảo và vùng ven biển. Vào tháng Tám, Nhật Bản cũng tuyên bố là sẽ phát triển loại tên lửa địa-đối-hải mới để củng cố hệ thống phòng thủ các hải đảo xa bờ mà Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông.


Chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông là gì?
Formularende
Image copyright  CHINA DAILY  Image caption  Trung cộng tăng cường năng lực hải quân

Tổ chức nghiên cứu địa chính trị toàn cầu Stratfor phân tích chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông sau các diễn biến mới nhất như cải tạo Đá Lát.

Startfor cho rằng Hà Nội đang ngấm ngầm tăng cường năng lực quốc phòng thông qua việc đẩy mạnh xây dựng cải tạo đảo ở Trường Sa cũng như tiếp tục phát triển quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Ấn Độ.

Nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung cộng có thể bị một số nước láng giềng cản trở. Phi Luật Tân và Mã Lai dường như đã ngả theo áp lực của Trung cộng để chuyển sang đàm phán song phương trực tiếp với nước này thay vì đưa chủ đề Biển Đông ra các bàn đàm phán quốc tế đa phương.

Hà Nội đang tích cực cải thiện quan hệ với Trung cộng trong các lĩnh vực khác để tránh đối đầu với Bắc Kinh thế nhưng theo Stratfor, nếu cứ tiếp tục giữ lập trường của mình về các vấn đề biển đảo, Việt Nam có thể sẽ bị Trung cộng đối xử cứng rắn và buộc phải theo chân các nước láng giềng, chịu ngồi vào bàn đàm phán song phương.

Tăng gấp đôi nỗ lực

Lâu nay Việt Nam đã thực hiện việc xây dựng, cải tạo các đảo mà Việt Nam kiểm soát. Các đảo như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây hay Sinh Tồn là nơi Việt Nam đã có quân đội đồn trú. Các nỗ lực này trong những năm gần đây được tăng mạnh.

Image copyright  CSIS/AMTI   Image caption  Hình ảnh so sánh cho thấy quy mô cải tạo đảo Trường Sa Lớn của Việt Nam

Trong hai năm trở lại đây, Việt Nam đã cơi nới thêm 50 hectare ở Trường Sa cho dù có kêu gọi của các bên dừng ngay việc cải tạo này để tránh gia tăng căng thẳng.

Theo hình chụp từ vệ tinh, Việt Nam đã nối dài gấp đôi đường băng trên đảo Trường Sa Lớn từ 600 mét lên 1.200 mét, dựng thêm hai kho chứa máy bay trên con số hai kho đã có từ trước. Khi xong các công trình này, đa số chiến đấu cơ của không quân Việt Nam có thể đáp xuống đảo.

Theo nguồn tin từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Hà Nội có thể sẽ điều tới đây máy bay do thám biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295.

Mới nhất, không ảnh vệ tinh cho thấy Hà Nội đang cho nạo vét cải tạo Đá Lát cũng thuộc quần đảo Trường Sa.

Trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa Lớn có lẽ mang tính chiến lược quan trọng nhất.

Đây là đảo lớn, đối với Việt Nam đóng vai trò tiền tiêu giống như đảo Thị Tứ đối với Phi Luật Tân hay đảo Thái Bình (Ba Bình) với Đài Loan.

Trường Sa Lớn nằm trên rìa phía Tây của đường chín đoạn mà Trung cộng vạch ra để chiếm trọn Biển Đông. Bởi vậy nếu Việt Nam giữ được chủ quyền ở đảo này, đó sẽ là thách thức cho chủ quyền của cả đường chín đoạn.
Stratfor cho rằng vì vậy, Việt Nam sẽ chú trọng tăng cường năng lực phòng thủ ở Trường Sa Lớn như một ưu tiên hàng đầu.

Trung cộng phản ứng thế nào?

Tổ chức này đánh giá rằng thời gian hiện nay tình hình tranh chấp Biển Đông dường như đang yên ả, một phần vì Mã Lai và Phi Luật Tân đã ngả theo áp lực của Trung cộng để tránh đối đầu và tranh thủ hỗ trợ.

Image copyright  XINHUA  Image caption  Tàu Coconut Princess của Trung cộng đưa khách ra Hoàng Sa

Trung cộng một mặt gây áp lực với các nước trong khu vực, mặt khác hiện đại hóa quân đội, xây dựng cải tạo đảo của mình và phát triển công nghệ khoan sâu dưới biển.

Stratfor nói sau phán quyết bất lợi của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, Trung cộng dường như từ bỏ thái độ hung hăng đe dọa mà chuyển sang cách tiếp cận mềm dẻo hơn: sử dụng 'mồi nhử' kinh tế và ngoại giao, kêu gọi hợp tác với một số nước trong khu vực trong khi giữ nguyên áp lực lên một số nước "cứng đầu" khác.

Việt Nam được cho là trường hợp ngoại lệ, không giống như Phi Luật Tân hay Malaysia đã phải ngả theo áp lực của Trung cộng.

Bắc Kinh xem việc Việt Nam cải tạo đảo là "khiêu khích", nhưng không có cơ sở luật pháp hay chưa muốn sử dụng biện pháp quân sự để đối phó với Hà Nội.

Để trả đũa, Bắc Kinh có thể tăng cường hiện diện ở Hoàng Sa hay tăng cường tuần tra ở Trường Sa, kêu gọi nhà thầu bên ngoài vào khai thác tài nguyên trong khu vực. Tuy nhiên trước khi làm những công việc này, Trung cộng sẽ phải cân nhắc kỹ hậu quả là khiến các quốc gia xung quanh trở lại nghi ngờ và lo sợ Trung cộng, điều có thể có lợi trong tính toán của Việt Nam.


Tin RFA, VOA, RFI, BBC