14.02.2017

KỶ NIỆM ĐỆ TAM THẬP CHU NIÊN NGÀY THÀNH LẬP HỘI NVTN CAO NIÊN TẠI MÜNCHEN – BAYERN

KỶ NIỆM ĐỆ TAM THẬP CHU NIÊN
NGÀY THÀNH LẬP HỘI NVTN CAO NIÊN
TẠI MÜNCHEN – BAYERN
29.11.1986 – 29.11.2016

Đàm Văn Tiếu
Hôm 26 tháng 11 năm 2016 vừa qua, Hội Người Việt Tỵ Nạn Cao Niên München đã tổ chức Đại Hội Mừng Kỷ Niệm 30 Năm Ngày Thành Lập Hội, tại hội-trường Giáo xứ Sankt Stephan, Lüderstraße 12, 81737 MÜNCHEN. Hội cảm ơn sự tham dự đông đảo của các Đồng Hội cùng các Đoàn Thể và Thân Hữu. Cảm ơn những  lời chúc mừng của Quý Đoàn Thể và Quan Khách mà Quý Vị luôn dành cho Hội Cao Niên tình gắn bó trong các sinh Hoạt của Cộng Đồng người Việt Tỵ Nạn tại München nói riêng và tại CHLBĐ nói chung... 


30 năm quả là đoạn đường dài kể từ ngày thành lập Hội. Hội tồn tại được đoạn đường 30 năm trường, trong sự gắn bó giữa các Đồng Hội, là dấu chỉ Hội còn tiếp tục tồn tại thêm dài lâu, dù khó khăn luôn có, kể từ khi thành lập Hội, mà túc số chỉ vỏn vẹn có 13 Thành Viên Sáng Lập, rồi phát triển rất nhanh đến hàng trăm, mà cao điểm là 152 Hôi Viên ở thập niên cuối của thế kỷ trước.

Việc thành lập Hội Cao Niên được đề xướng  thật sớm vào đầu năm 1986…


Lúc đó chúng tôi với trách nhiệm tổ chức và quan tâm đến các sinh hoạt của một Phó Nội Vụ trong Ban Chấp Hành Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại München, nên nhìn ra mọi lứa tuổi đều có những nơi sinh hoạt mang tính tập thể trong các lãnh vực tôn giáo, hay cộng đồng…

Chỉ riêng các Lão Niên, gồm những người đã chấp nhận bỏ lại tất cả tài sản của cả một đời tạo dựng, bỏ lại di sản của Tổ Tiên, để ra đi với hai bàn tay trắng, với kỳ vọng duy nhất là mong cho con cháu được hưởng tự do mà trau dồi kiến thức nơi xứ người…

Nhưng chính các Lão Niên lại chịu cảnh cô đơn trong xã hội nơi xứ người, vì không còn năng lực cho công việc và vì tuổi tác cao nên khó hội nhập.
Chính nhìn ra sự cần thiết có một nơi hay một đoàn thể thích hợp, dành cho các Lão Niên có thể đến sinh hoạt. Và ít nhất để yên ủi lẫn nhau, giúp nhau tìm lấy niềm vui bên con cháu, tìm bằng cách thông cảm với lối sống mà con cháu được trưởng thành nơi quê hương mới, nơi một xã hội có nền văn hóa dị biệt với nền văn hóa cổ truyền chúng ta đã được hấp thụ và khó cởi bỏ…

Một nơi cần thiết để các lão niên có thể tìm đến mà trao đổi về những kinh nghiệm sống, trong quảng đời còn lại nơi xứ người.

Nên chúng tôi đề nghi việc thành lập Hội Cao Niên. Lời đề nghị đã được cố Linh mục Théophano Nguyễn Văn Bích và Ban Chấp Hành Cộng Đoàn Công Giáo gồm quý ông Bùi Văn Sở (Chủ-tịch), ông Nguyễn Tiến Thành (Phó Ngoại-vụ), ông  Đàm Văn Tiếu (Phó Nội-vụ), ông Phan Huy Thượng (Thư-ký) và bà Phạm Thị Lan (Thủ-quỹ) hưởng ứng và giúp đỡ việc vận động thành lập Hội.

Các Lão Niên được mời gọi tham gia thảo luận vào mỗi cuối tuần, vô số những ý kiến trái chiều được đưa ra, trong đó có những ý kiến nhắm vào cá nhân, dễ gây phật lòng, mà một số niên trưởng cho là chúng tôi còn quá trẻ để bàn chuyện của người già. Nhưng với tư cách người đề xướng, chúng tôi tìm mọi cách để dung hòa. (lúc đó chúng tôi chưa tròn 45 tuổi).

Việc vận động kéo dài gần một năm, mới đi đến kết luận là cần có một Nội Quy cho Hội, cả Linh Mục Tuyên Uý cùng đa số các Lão Niên đã chỉ định cho chúng tôi soạn một “Bản Dự Thảo Nội Quy“.

Nhưng vẫn bị một số Vị cho rằng chúng tôi chưa đủ tuổi để biết được thế nào là một Lão Niên, hầu có thể soạn một bản Nội Quy cho Hội Cao Niên…

Chúng tôi đã trình bản Dự Thảo trước một phiên họp, để xin góp ý, xin chỉnh sửa từng câu hay từng chữ nếu cần…

Kết quả là không có sự chỉnh sửa nào cần thiết và Bản Dự Thảo đã được biểu quyết là “BẢN NỘI QUY“ chính thức của Hôi Người Việt Tỵ Nạn Cao Niên Tại München, trong phiên họp quyết định việc thành lập Hội vào ngày 8.11.1986.

Hội được chính quyền München công nhận vào ngày 29.11.1086, tính đến tháng 11 năm 2016 vừa qua là vừa tròn 30 năm…

Túc số Hội Viên lúc thành lập Hội, kể cả chúng tôi là hội viên dự bị vì chưa đủ tuổi, cũng chỉ có được 13 Hội Viên.

Con số 13 này có người đã cho là không hay. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn từ con số 13 Hội Viên Sáng Lập, Hội đã phát triển nhanh chóng và số hội viên đã lên tới trên 150 hội viên ở lúc cao nhất, gồm các lão niên thuộc nhiều tôn giáo khác nhau trong cộng đồng tham gia…

VỀ TRỤ SỞ SINH HOẠT CỦA HỘI:

- Từ khi thành lập, Hội có trụ sở sinh hoạt tại trung tâm Công Giáo cũ ở Rumfortstr. 21A, 8000 München 5.

- Khi linh mục Tuyên Úy từ chức cố vấn Hội vào đầu năm 1991, Hội rơi vào tình trạng khó khăn, là hàng tháng phải sinh hoạt lưu động ở những địa điểm khác nhau.

- Mãi đến tháng 7 năm 1991 Hội mới có trụ sở sinh hoạt ổn định tại Seniorentreff Leonrodstr, 14B. 80634 München.

- Vì Seniorentreff Neuhausen nâng cao giá mướn hội trường, nên vì khả năng tài chánh không đáp ứng nổi, nên tháng 5 năm 2013 Hội rời địa điểm sinh hoạt ở Seniorentreff, tạm thời mượn trụ sở sinh hoạt của CĐ NVTDM-B ở Caritas Zentrum München Nord.

- Bắt đầu từ tháng 7 năm 2013, Hội có trụ sở sinh hoạt thường xuyên tại Hội-trường Giáo xứ St. Stephan, Lüderstraße 12, 81737 M. cho đến nay.

NAY, 30 NĂM NHÌN LẠI. Trong suốt 30 năm Qua Hội đã được sự lèo lái của các BCH do sự lãnh đạo của 5 Vị Hội-Trưởng:

-         Cố Hội trưởng LT Nguyễn Ngọc Hồ
-         Cựu Hội-trưởng Đỗ Khương
-         Cố Hội-trưởng Bùi Văn Sở
-         Cố Hội-trưởng Nguyễn Văn Nguyệt
-         Đương kim Hội-trưởng BS Nguyễn Quí Cường.
-          
Vì một số Hội Viên đã di dân khỏi nước Đức hay chuyển chỗ ở đến các thành phố xa, hoặc theo luật Tạo-Hóa đã để lại nhiều thương tiếc cho Đồng Hội. Hiện nay (2016) Hội chỉ còn 51 Hội Viên, sinh hoạt đều đặn, gắn bó, đùm bọc và che chở tinh thần cho nhau như là anh chị em trong một nhà.

Hội luôn chào đón các Lão Niên với tinh thần đoàn kết, mời gọi Quý Vị hãy đến sinh hoạt chung để tìm hiểu, nếu có duyên, xin gia nhập Hội..
Hội luôn mừng đón quý Anh Chị Em ở lớp tuổi 50-60. Anh chị em đừng sợ hai chữ Cao Niên sẽ khiến mình già. Tuổi thọ là trời cho cần được trân quý... Hội rất cần các Anh Chị Em trẻ để tiếp tay ở nhiều lảnh vực, vì đa số Hội Viên đang ở tuổi lực bất tòng tâm..

Bằng những sinh hoạt đúng đắn trong tình gắn bó như một đại gia đình. Hội rất mong quý Thân Hữu hãy gia nhập Hội trong tình quý mến của những người già đồng cảnh ngộ đang lưu lạc nơi đất khách…

30 NĂM NHÌN LẠI. Lật lại hồ sơ Hội, thật không khỏi bùi ngùi nhớ tới trên 60 Đồng Hội đã để lại thương tiếc, khi vĩnh viễn rời xa Hội, gồm:
Hai cố vấn của Hội:

-         Cố lm cố vấn Nguyễn Văn Bích
(hưởng thọ 93 tuổi)
-         Cố lm cố vấn  Vũ Đức
(hưởng thọ 70 tuổi).

Các cố Hội Trưởng:
-         Cố hội trưởng LT Nguyễn Ngọc Hồ
(hưởng thọ 83 tuổi)
-         Cố hội trưởng Bùi Văn Sở
                   (hưởng thọ 72 tuổi)
-         Cố hội trưởng Nguyễn Văn Nguyệt
(hưởng thọ 86 tuổi)

Các cố niên trưởng:
-         Cụ Phạm Đình Nghị
 (hưởng thọ 97 tuổi)
-         Cụ Hồng Sum Ký
          (hưởng thọ 91 tuổi)
-         Cụ Hòang Túy
           (hưởng thọ 94 tuổi)

Cùng các cố Hội Viên khác mà hàng năm vào tháng 11 Hội vẫn tổ chức tới các phần mộ để cầu nguyện và tưởng nhớ đến tình cảm gắn bó mà các cố Hội Viên đã dành cho hội lúc còn sống.

Nay nhìn lại những tấm ảnh kỷ niệm lúc các Lão Niên dìu nhau trên những nẻo đường du ngọan dưỡng sức ở Áo, ở Ý, ở Tây Ban Nha hay Thổ Nhĩ Kỳ khi xưa, thật tiếc là có những tấm hình mà trên đó có tới trên 10 Hội Viên không còn trên thế gian này để cùng chúng ta mừng sinh nhật thứ 30 của Hội hôm cuối tháng 11.2016 vừa qua.

Nhìn lại 30 năm kể từ ngày Hội được thành lập, thời gian thật nhanh như gió thoảng, thoáng cái từ một hội viên dự bị, nay chúng tôi đã là một hội viên 75 tuổi, luôn gắn bó với những nỗi buồn, nhưng cùng nhiều niềm
vui của Hội vì :

- Hội vẫn là điểm tựa của lớp tuổi già, tìm đến nhau mà an ủi nhau, về những mất mát to lớn ở cuối đời theo vận nước và trao đổi những kinh nghiệm sống nơi xứ người…

Đặc biệt là kinh nghiệm về sự thông cảm với những ý niệm và phương cách sống của con cháu, vì con cháu chúng ta trưởng thành ở một nền văn hóa Âu Tây, khác biệt với nền văn hóa cổ truyền của chúng ta.

Việc xây dựng tinh thần đoàn kết và gắn bó giữa tuổi già, Hội không quên việc liên kết cùng cộng đồng Người Việt Hải Ngoại trong trách nhiệm đấu tranh cho một nền dân chủ nhân quyền trên quê hương Mẹ Việt Nam bằng những khả năng hạn hẹp của Hội.

Cái hạn hẹp của tuổi già một khi đồng hành với giới trẻ, Hội biết rõ ở thời đại này Hộ không thể nói “khôn đâu có trẻ“.
Nhưng cầm chắc là “khỏe đâu có già“.


Nên Hội tin là việc duy trì tình đoàn kết và bảo tồn nền văn hóa cổ truyên, qua các sinh hoạt truyền thống trong cộng đồng, nếu được chuyển giao cho tuổi trẻ đảm trách, tất sẽ linh động và có hiệu quả hơn.

Ở tại München Hội hoan hô tinh thần liên kết chặt chẽ từ 5 năm nay giữa Hội Cao Niên và Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại München – Bayern.
Biểu hiện gắn bó nhất là nhiều hội viên hội Cao Niên đã gia nhập Cộng Đồng và ngược lại Hội Cao Niên đã chào mừng các Tân Hội Viên trẻ, mà đa số là thành viên của Cộng Đồng NVTD đã gia nhập Hội...

Nhờ có thêm các Hội Viên trẻ, nên Hội CN có thêm tiềm lực trong sinh hoạt và có cơ hội để chuyển giao các kinh nghiệm và các nghi thức văn hóa cổ truyền của dân tộc…. 

CÁC SINH HOẠT CHÍNH CỦA HỘI:

Ngay từ sau khi thành lập Hội nhanh chóng đi vào các sinh hoạt được đặt lên hàng đầu, là nhắm vào các lãnh vực chăm lo về tinh thần và sức khỏe cho các Hội Viên, bằng cách tổ chức những chuyến du ngoạn dưỡng sức dài hạn miễn phí, vừa hữu ích cho sức khỏe, vừa tạo cho các Lão Niên có cơ hội vui trong gắn bó giữa lớp tuổi già, để an ủi nhau, hầu giảm thiểu niềm cô đơn hàng ngày nơi lối xóm ở xứ người, mà chưa thể một sớm một chiều hội nhập được, do ngôn ngữ bất đồng và văn hóa dị biệt…

NHÌN LẠI 30 NĂM SINH HOẠT CỦA HỘI thì việc tham gia các hoạt tôn giáo đáng ghi nhớ, như đông đảo các Đồng Hội không phân biệt tôn giáo đã cùng CĐCG München đến Roma dự buổi lễ do Đức GH Gioan Phaolo Đệ II tuyên phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam vào ngày 19.6.1988.

Và nay hội vẫn dìu nhau đến dự các Thánh Lễ cầu nguyện cho Việt Nam và rước kiệu Đức Mẹ La Vang tại Đan Viện St. Ottilien, do Linh mục Augusten Phạm Sơn Hà tổ chức hàng năm, mà có cả các Đồng Hội không phải Công Giáo cũng lên trước Cung Thánh để dâng lên lời cầu nguyện cho Việt Nam...

Hội luôn có những sinh hoạt tạo tình gắn bó và đùm bọc nhau trên những chyến đi dưỡng sức, đông người cỡ trên dưới 30 Tham–dự-viên, dài hạn đến vài ba tuần lễ mà đa số là ăn ở miễn phí, tại các thành phố xa như Abtebau, Natz, Wagrain, tới Calella Tây Ban Nha, Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ và thủ đô Praha của Tiệp … Hay lập từng nhóm nhỏ đi xa tới tận Na-Uy, Hòa Lan, Đan Mạch hay tham dự biểu tinh tại Paris Pháp v.v…

Đặc biệt cứ một đôi năm, Hội lại tổ chức đưa vài ba chục Hội Viên xuống Ý-Đại-Lợi tắm biển ở những thành phố đẹp và sạch sẽ như Bibione hay Lignano. Để rồi từ đó tổ chức những chuyến đi tiếp xuống thăm thành phố nổi Venice, thăm đền thánh Antonio ở Padova, hay có khi ghé ngang Verona để thăm ngôi nhà cũ của Julia, thăm ngôi mộ của Julia và Romeo để ôn lại chuyện tình “Romeo-Juliet” bất tử ở thời phong kiến…

Hội thường tổ chức những chuyến du ngoạn ngắm các kỳ hoa dị thảo, các di tích lịch sử, hay danh lam thắng cảnh gần ngắn hạn trong một đôi ngày đến Nürnberg, Regensburg, Dachau, Salzburg Königsee, Tegensee, Pasau, Burghausen, Mainau…

Cứ mỗi chuyến đi như thế là một kỷ niệm gắn bó khó quên cho nhau…

ĐẤU TRANH CHO QUÊ HƯƠNG MẸ VIỆT NAM. Các lão niên trong Hội cũng không ngại đường xa hay thời tiết nóng bức mùa hè và băng giá dưới độ không ở mùa đông, hay phải thức khuya dạy sớm để đồng hành với tuổi trẻ tới nhũng thành phố xa như Mönchengladbach, Frankfurt, Stuttgart, hay Hamburg, Berlin, để tham dự các cuộc biểu tinh, hầu góp sức già nâng cao tiếng nói đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền trên quê hương mẹ Việt Nam, mà chín chục triệu đồng bào của chúng ta đang đau khổ, dưới chế độ hà khắc CSVN…

Hội gồm những người có thu nhập rất khiêm nhượng của tuổi gìa, nhưng cũng vẫn kẻ ít người nhiều để gởi về góp phần nhỏ cho việc an ủi các Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa, giúp các bệnh nhân bệnh phong cùi có thêm chút hương vị vào dịp tết…

Và dĩ nhiên Hội không quên ghi nhớ công ơn của, chính quyền và nhân dân Đức, nên từng tổ chức những đêm văn nghệ để quyên góp cho việc cứu lụt tại Đức, góp phần vào các công trình dựng bia ghi ơn và nhất là xây tượng đài nhớ ơn tiến sĩ Neudeck, đã ra tay cứu vớt trên mười ngàn  thuyền nhân Việt Nam ở biển đông sóng gió.

HỘI CAO NIÊN 30 NĂM NHÌN LẠI tất  không thể quên tìm lại những hình ảnh và những bài viết về nhiều thể loại của các Hội Viên… Những hình ảnh và bài viết thật rất trân quý, thường là những bài tường thuật về những sinh hoạt mừng xuân tha hương, đại lễ dân tộc, về những chuyến du lịch, nghỉ hè dưỡng sức tập thể dài hạn của Hội.

Nhất nhất được tường thuật tỷ mỉ, về những dấu kỷ niệm, những cảnh sắc cùng nhau chung hưởng đã làm tăng thêm tình gắn bó và quý mến nhau giữa lớp tuổi già ở nơi đất khách…
Đàm Văn Tiếu


HỘI TƯỞNG NHỚ
--------------
CÁC CỐ CỐ VẤN HỘI
Linh-mục Theôphanô Nguyễn Văn Bích                      - Hưởng thọ 93 tuổi
Linh-mục Thiếu tá Joseph VŨ ĐỨC. TUQĐHK tại ĐỨC - Hưởng thọ 70 tuổi 


CÁC CỐ NIÊN TRƯỞNG
Cố Niên trưởng  PHẠM ĐÌNH NGHỊ 1913   - Hưởng thọ 97 tuổi
Cố Niên trưởng  HỒNG XUM KÝ 1915                  - Hưởng thọ 91 tuổi
Cố Niên trưởng  HOÀNG TÚY 1917              - Hưởng thọ 94 tuổi

CÁC CỐ HỘI TRƯỞNG
Cố Hội-trưởng LT Nguyễn Ngọc Hồ    - Hưởng thọ 83 tuỏi
Cố Hội-trưởng Bùi Văn Sở                    - Hưởng thọ 72 tuổi
Cố Hội-trưởng Nguyễn Văn Nguyệt     - Hửơng thọ 86 tuổi