„Có thể nói rằng câu chuyện đoàn người đi tìm công lý từ Nghệ An, bị
chặn ở cầu La Gi và quay trở về sau khi bị hành hung đến tả tơi là một câu chuyện
về sự thất bại của công lý tại Việt Nam.“
Sau một chuyến đi tìm công lý
Nhiều giáo dân bị công an Nghệ An đánh đập
dã man khi đi khiếu kiện hôm 14/2/2017. Courtesy of
tintuchangngayonline.com
Trong hai ngày qua, các trang mạng xã hội nóng lên
vì câu chuyện đi tìm công lý của các ngư dân Nghệ An bị đàn áp đổ máu và mọi đường
đi tới đều bị cắt, buộc phải quay trở về. Và mọi chuyện dường như rơi vào bế tắc.
Vấn đề bế tắc mà chúng tôi muốn nói đến ở đây không phải là chuyến đi của người
dân Nghệ An vào Hà Tĩnh khởi kiện Formosa bế tắc mà chính công lý Việt Nam đang
bế tắc. Vì sao?
Công lý bị phủ bụi
Một
nữ giáo dân trong đoàn khiếu kiện đã bị hành hung
cho hay: “Tôi đi đường, khi đi đường tôi bị
công an mặc áo vàng đánh đập tôi. Họ xúm bảy người lôi tôi vào xe tù và đánh
tôi, dùng dùi cui đập vỡ nón bảo hiểm, đánh tôi toạc phần má nuốt nước miếng rất
khó, họ vặn cánh tay tôi sưng to và dùng dùi cui dộng vào ngực. Họ nhủ là đập
cho chết để khỏi đi kiện. Họ nói là nếu quay về thì họ thả xuống xe, chứ không
về thì đóng cửa xe đập tiếp…”.
Vị nữ giáo dân này yêu cầu chúng tôi công khai tên
tuổi nhưng chúng tôi quyết định không nêu tên. Vị này chia sẻ thêm về niềm tin
của mình vào công lý. Và vị này cũng định nghĩa thêm về công lý mà bà đang tin
không phải là công lý của nhà nước hiện tại. Bởi công lý hiện tại đang bị phủ bụi
bởi kiểu điều hành công an trị và lấy bạo lực làm kim chỉ Nam để đối phó với
người dân. Đây là điều bà hoàn toàn không tin rằng sẽ có công lý.
Nhưng bà cũng khẳng định rằng công lý chỉ bị phủ bụi
bởi một số ít người đang nắm quyền lực chứ không phải công lý không có. Bởi bà
tin rằng khi đứng trên sự chính nghĩa của dân tộc, đứng trên quyền lợi chính
đáng của người dân và vì sự tồn vong của môi trường Việt Nam thì nhất định công
lý sẽ mỉm cười với bà cũng như những người đồng cảm với bà.
Vị này cho biết thêm là chưa bao giờ cảnh một đoàn
người đi kiện trong ôn hòa lại bị chặn xe, nhà cầm quyền buộc nhà xe phải đơn
phương cắt hợp đồng và khi đoàn khiếu kiện đi xe gắn máy thì tiếp tục bị chặn,
đến khi đoàn người tiếp tục đi bộ thì bị tấn công, bị ném lựu đạn cay và những
ai thoát ra được khỏi đám khói mù thì bị hốt lên xe, bị bắt… Cuối cùng, cả đoàn khiếu kiện mới hiểu ra rằng công lý
không thuộc về những người đang chịu bất công mà thuộc về những kẻ có đủ khả
năng sai khiến người khác bẻ gãy cán cân công lý.
Bà chua xót nói thêm rằng ở đây, một đoàn người Việt
Nam, là nạn nhân đi khiếu kiện một tập đoàn kinh tế của Đài Loan vì tập đoàn
này đã xả độc vào biển, làm hỏng môi sinh Việt Nam và đập nát sinh kế của họ.
Những tưởng nhà nước sẽ tạo điều kiện để người dân đi khiếu kiện và câu chuyện
đúng sai còn có tòa án giải quyết, cho ra kết quả cuối cùng.
Đằng này thì không, chính nhà cầm quyền đã đưa an
ninh ra chặn khi đoàn người đi tìm công lý, tìm lẽ phải chưa kịp đến nơi. Như vậy,
suy cho cùng, cái giá của đi tìm công lý, đi tìm lẽ phải trong hiện tại là bị
đánh vỡ mặt, bị đàn áp không thương tiếc và bị xuyên tạc, bóp méo hình ảnh và
thậm chí bị mạ lị không thương tiếc bởi báo chí nhà nước.
Ngọn lửa tìm công lý vẫn
tiếp tục cháy
Một
bạn trẻ ở Nghệ An, Hà Tĩnh, người đã tham gia đồng hành
cùng đoàn người đi khởi kiện ở Nghệ An, chia sẻ: “Đi ra đến đó thì bị đuổi theo, dân đi kiện Formosa làm hại
môi trường biển thì bị công an tỉnh lừa, họ bảo đi chung một xe, dồn mình lên một
xe rồi sau đó đưa mình quay về, mình không quay về thì bị đánh đập, ngay cả Cha
Thục cũng bị đánh đập tàn bạo...”.
Bạn trẻ này cho biết thêm là hiện tại, sự quay trở về
của đoàn người khiếu kiện hoàn toàn không có biểu hiện sợ hãi hay bỏ cuộc. Mà bởi
có nhiều người phải đi bệnh viện sau những cú đòn nặng nề nên buộc phải quay trở
lại để dưỡng thương và cùng tựa vào nhau mạnh mẽ hơn.
Dường như chưa có đoàn khiếu kiện nào bị
đánh đập dã man như chuyến đi khiếu kiện của bà con Nghệ An, ngay cả Linh Mục
Nguyễn Đình Thục cũng bị đánh bầm dập, bị theo dõi ráo riết và
bị nhà các đài truyền hình, báo chí nhà nước vu cho ngài tội khích động quần
chúng nổi loạn. Chưa có nhà cầm quyền nào lại đối xử với dân oan theo cách này.
Hiện tại, hầu như đoàn người chỉ còn biết tin vào
công lý, bản thân bạn trẻ này cũng chỉ biết tin vào công lý. Mặc dù công lý đã
bị phủ bụi bởi kiểu hành động mang tính trù dập của nhà cầm quyền nhưng dường
như ngọn lửa niềm tin vào công lý vẫn cháy trong mỗi người. Bởi công lý giống
như ngọn lửa trước gió, gió càng mạnh thì lửa cháy càng lớn.
Đương nhiên, bạn trẻ này tỏ ra hết sức thất vọng với
cách hành xử của những kẻ nắm quyền lực trong tay. Bởi một khi thương dân, có
trách nhiệm với nhân dân, với dân tộc và đất nước, sẽ không có ai chơi trò vùi
dập một đoàn người đi tìm công lý bằng bạo lực, máu đổ và tiếng kêu đau, kêu
oan thấu trời như vậy.
Bạn trẻ này cũng tỏ ra thất vọng với nền báo chí nhà
nước hiện tại và không ngại gọi báo chí nhà nước đã loan tin trù dập, xuyên tạc
và mạ lị linh mục Nguyễn Đình Thục là báo chí phổi bò. Bởi chỉ có báo chí phổi
bò mới dám mạ lị người khác và dám ngồi xổm trên công lý, dám đứng che mặt tòa
án để kết tội người khác tội khích động quần chúng. Bởi theo bạn trẻ này, Linh
mục Nguyễn Đình Thục có tội hay không có tội, tội như thế nào phải do tòa án kết
luận chứ không có bất kỳ cơ quan nào khác được phép phát ngôn về tội lỗi của
ngài trong lúc tòa án chưa có bất kỳ bản án nào về tội đó.
Có thể nói rằng câu chuyện đoàn người đi
tìm công lý từ Nghệ An, bị chặn ở cầu La Gi và quay trở về sau khi bị hành hung
đến tả tơi là một câu chuyện về sự thất bại của công lý tại Việt Nam. Tiếp
sau đó là những trò phát ngôn hết sức vi phạm pháp luật của các cơ quan ngôn luận
nhà nước có liên quan đến sự việc. Bởi đứng trên góc nhìn công lý, họ hoàn toàn
không được phát ngôn áp đặt và vô căn cứ như đang có.
Nhóm
phóng viên tường trình từ VN (RFA)