Võ
Đắc Danh
(1)
Bà Võ Thị Ba, bảy
mươi tuổi, tóc trắng như một bà Tiên; con trai bà, anh Nguyễn Tấn Bông, 42 tuổi,
người gân guốc, đen sạm và mạnh khoẻ như anh tiều phu; mười một đứa trẻ, chín
trai, hai gái, đứa lớn năm tuổi, đứa nhỏ nhất một tuổi, đứa nào cũng trắng trẻo,
khôi ngô như những thiên thần.
Anh
Nguyễn Tân Bông và những đứa trẻ trên đỉnh mồ côi, ảnh chụp năm 2007
Đó là một gia đình
sống trên đỉnh Mồ Côi hoang vắng, thuộc quần thể Núi Cấm, giữa vùng núi Thất
Sơn, An Giang. Người ta cho rằng đó là một gia đình lạ, có một không hai trên đất
nước nầy, nếu không muốn nói là có một không hai trên thế gian.
BÀ VÕ THỊ BA- ẢNH CHỤP NĂM 2007
Dì Ba kể rằng, quê
dì ở Bình Thủy, Cần Thơ. Ngày xưa dì từng là chủ xe đò. Năm 1980, có lần dì
theo xe đưa nghĩa vụ quân sự qua Thất Sơn, bỗng dưng dì mê núi. Từ đó, thỉnh
thoảng là dì "đi núi", không phải viếng chùa cúng miễu gì cả, dì
không theo đạo nào, nhưng trong nhà dì, đạo nào dì cũng thờ, thờ chung một bàn,
không sợ họ "nghịch" nhau.
Dì nói, tôi không học
giáo lý của tôn giáo nào cả, nhưng tôi thờ tất cả vì đạo nào cuối cùng cũng là
hướng thiện, mà con người luôn cần có cái tâm. Trở lại chuyện đi núi, dì nói
không hiểu sau mỗi lần đi là không muốn quay về. Núi Cấm hồi ấy hùng vĩ, mênh
mông, hoang vu và cô tịch. Vậy mà dì cảm thấy mê.
Một hôm, dì nói với các con: "Tao bán nhà lên lên Núi Cấm ở". Anh Nguyễn Tấn Bông, con trai út của dì lúc bấy giờ mới hai sáu tuổi, nói: "Nếu má đi thì con đi theo má". Cuối năm 1991, dì bán căn nhà được ba lượng vàng, dẫn anh Bông lên xe đò đi Núi Cấm. Anh Bông kể: "Đầu tiên khi đến đây, hai mẹ con tôi mua một căn nhà nhỏ dưới chân núi để mở quán cà phê. Được một năm, má tôi nói ở đây xe cộ ồn ào, những ngày lễ chùa, khách hành hương đông nghẹt. Bán quán thì cần khách, nhưng khách đông thì bà cảm thấy khó chịu. Biết tính má tôi muốn sống yên tĩnh một mình, không thích gần ai nên tôi tìm đường lên đỉnh Mồ Côi mua đất. Gọi là mua nhưng thật ra hồi ấy, ba mẫu đất chỉ có hai chỉ vàng.
Từ chân núi lên tới đỉnh Mồ Côi, hồi ấy không có đường xe, chỉ có con đường mòn len lỏi theo con suối Thanh Long. Độ cao của Núi Cấm chỉ trên dưới bảy trăm mét nhưng đường lên đỉnh quanh co gần mười cây số, lên xuống nhiều con dốc, lởm chởm đất đá, đầy nguy hiểm, nhọc nhằn. Cách một hai cây số mới có một ngôi nhà. Rừng núi hoang vu buồn đứt ruột.Vậy mà má tôi kiên quyết ở đây".
Hỏi, lúc mới lên sống
bằng gì ? Anh Bông nói, cái may mắn của anh là, từ chiến trường Campuchia vừa
xuất ngũ trở về, đôi chân và cả phần tâm linh còn quen với núi rừng bên ấy. Ban
đầu, anh đi gánh mướn các loại đồ rẫy cho những gia đình trên núi. Nào su, nào
chuối, nào xoài, nào mít, nào măng . . ., mỗi gánh bảy mươi ký, mỗi ký hai trăm
đồng, mỗi ngày anh gánh hai chuyến từ đỉnh xuống chân núi, có khi chuyến lên
gánh thêm gạo, cát, đá, xi măng, gạch ngói. Bông vừa gánh thuê, vừa học nghề làm
rẫy. Mấy năm sau, ba mẫu đất của anh đã thành một khu vườn. Từ đó Bông không
còn đi gánh hàng thuê nữa mà gánh thành quả của chính mình. Cứ ba ngày đi một
chuyến, mỗi chuyến kiếm ba bốn trăm ngàn. Thấy anh làm giỏi, chi cục kiểm lâm
giao cho anh quản lý thêm 12 mẫu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm
mươi năm.
Mười năm sau kể từ
ngày lên Núi Cấm, "chàng tiều phu" Nguyễn Tấn Bông đã tích lũy được
vài chục cây vàng. Dì Ba giục anh đi cưới vợ. Tuổi đã sắp bốn mươi rồi. Bông
cũng từng ước mơ trong căn nhà có thêm người phụ nữ, có tiếng cười tiếng khóc của
trẻ thơ. Nhiều lúc trong chiêm bao, Bông thấy thấp thoáng một người vợ trẻ, tay
ẳm con đứng chờ anh sau mỗi chuyến đi rừng. Nhưng người phụ nữ ấy là ai ? Mười
năm sống ở đây, Bông chưa hề quen được một người bạn gái.
Thế rồi bỗng dưng
năm năm qua, ông trời cho Bông liên tục mười hai đứa con, mười trai hai gái,
thành một bầy trẻ trong nhà. Câu chuyện như một huyền thoại lan truyền khắp rừng
núi Thất Sơn. Và, qua mỗi ngọn núi, nó được thêu dệt thêm đôi chút.
Khi chúng tôi lần
mò lên tận đỉnh Mồ Côi, chứng kiến tận mắt, nghe kể tận tai mới biết rõ ngọn
nguồn sự thật. Năm 2002, dì Ba với anh Bông về Cần Thơ thăm đứa cháu gái trong
bệnh viện đa khoa. Tình cờ, dì nghe được câu chuyện khá thương tâm: có một thai
phụ nghèo không có tiền nhập viện, chị ôm bụng ngồi khóc quằn quại trên ghế đá
trước sân khoa sản. Anh Bông đưa dì Ba vào thăm, cho tiền và làm thủ tục cho chị
ta nhập viện với tấm lòng thành, giúp người vượt cạn trong cảnh nghèo khó neo
đơn. Sau khi thằng bé ra đời, người sản phụ kia quỳ lạy tạ ơn và nói ra sự thật:
"Cháu ở trong quê, chồng chết, nhà
nghèo phải đi làm phụ hồ để nuôi một đứa con. Nhưng vì nhẹ dạ nên cháu bị tay
thợ hồ lường gạt. Giờ nếu ẳm con về thì không biết lấy gì nuôi . . .".
"Đây là năm chỉ vàng, đây là tám trăm ngàn, tôi giúp cô làm vốn mua bán kiếm
sống. Còn thằng bé, tôi mang nó về đỉnh Mồ Côi trên Núi Cấm. Sau nầy nếu cô muốn
nhận con thì cứ lên đó, tôi giao lại. Điện thoại của tôi
là 0986544323".
Trước khi ẵm thằng
bé ra về, dì Ba để lại số điện thoại cho các bác sĩ và hộ lý của khoa sản cùng
với lời căn dặn: "Từ nay về sau, nếu
có trường hợp tương tự như vậy, các cô gọi điện cho mẹ con tôi. Trước hết là
mình giúp người ta mẹ tròn con vuông, sau đó, nếu người ta vì lý do gì mà không
nuôi được thì mình đem về nuôi giúp".
Câu chuyện bắt đầu
là như vậy. Mỗi lần nghe điện thoại từ bệnh viện đa khoa, anh Bông, dù đang cuốc
đất trồng khoai giữa rừng sâu cũng bỏ việc chạy về. Gọi đứa cháu qua giữ nhà,
hai mẹ con lăn xăn xuống núi. Từ chân núi đi xe lôi qua thị trấn Tịnh Biên, từ
Tịnh Biên đi xe đò lên Long Xuyên, rồi từ Long Xuyên lại đi xe đò qua Cần Thơ,
từ bến xe Cần Thơ đi xe lôi vô bệnh viện, một cuộc hành trình không đơn giản để
làm một công việc độc nhất vô nhị trên đời. Cứ thế, sau mỗi cú điện thoại: "Em ở khoa sản, bệnh viện đa khoa cần
Thơ ,. . ." là trong nhà anh Bông thêm một tiếng khóc trẻ sơ sinh. Anh
Bông vừa cười vừa nói: "Trời khiến
thế nào mấy ông ạ, năm 2005, tôi ẵm về năm đứa, mà năm ấy má tôi lại bệnh. Ôi
trời đất ôi, khuấy sữa, thay tã, tắm rửa, ca hát suốt ngày. Lại phải lên rừng
hái măng, hai su gánh xuống núi, rồi mua tã giấy, mua sữa gánh lên. Nhưng vậy
mà vui, đứa nào đứa nấy bụ bẫm ngon lành, không bệnh hoạn gì hết."
Anh Bông kéo đám trẻ
vào lòng, vừa xoa đầu, vừa kể về hoàn cảnh ra đời của từng đứa một: "Đây là thằng Nguyễn Sơn Giàu, đứa đầu tiên
con của chị phụ hồ đây, nó đẻ bọc điều đó, thằng nầy không thành tỷ phú thì
cũng làm quan. Còn đây là thằng Nguyễn Sơn Thanh, đẻ được hai ngày thì mắc bệnh
phổi. Tôi với má tôi lên giúp một triệu đồng, nhưng không ngờ mẹ nó cầm một triệu
đồng rồi bỏ trốn. Thằng nhỏ mới hai ngày tuổi mà phải thở oxy, ngậm ống sữa và
truyền nước biển. Tôi với má tôi phải ở lại bệnh viện nuôi nó hai mươi ngày.
Khi ẵm nó về, bác sĩ dặn mỗi tháng phải lên tái khám. Nhưng năm năm nay có tái
khám lần nào đâu, mà nó cứ sân sẩn. Còn đây là thằng Nguyễn Sơn Hà, mẹ nó là một
cô gái nghèo đi mót lúa ở Vị Thanh, phải lòng một thằng chăn vịt, mang thai lúc
mới mười bảy tuổi, sợ bị phát hiện nên dùng dây thun nịt bụng rồi trốn sang ở
nhà bà ngoại. Khi chúng tôi đến bệnh viện thì nghe nói nó bị đứt tim thai, phải
mổ bỏ con để cứu mẹ. Nhưng không ngờ nó được cứu sống. Nó sống, nhưng mẹ nó
không dám mang nó về nhà . . .
Mười hai đứa trẻ
trong căn nhà nầy là mười hai câu chuyện khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chổ,
chúng là sản phẩm của những cuộc tình vụn trộm từ trong nhà trọ đến màn trời
chiếu đất ngoài đồng. Anh Bông kết thúc câu chuyện thứ mười hai bằng một nỗi buồn:
"Nó là Nguyễn Sơn Thành, đang nằm trên
núi. Khi tôi với má tôi đến thì mẹ nó đã bỏ đi, nó nằm trong phòng cấp cứu suốt
hai mươi ngày với chứng bệnh não úng thủy, một chứng bệnh ngặt nghèo. Tôi với
má tôi rất đắn đo, cuối cùng thì không thể quay lưng trước một hài nhi vô tội.
Nhưng suốt ba tháng, thằng bé cứ khóc ngày khóc đêm, đầu to dần, mắt đờ đẩn.
Tôi ẵm nó trở lại bệnh viện, nơi nó cất tiếng khóc chào đời, bác sĩ nói ở đây
không có khả năng điều trị, tôi đưa nó lên bênh viện nhi đồng II, người ta nói
phải phẫu thuật để đặt ống dẫn, sẽ rất tốn tiền nhưng không khả thi. Và đúng là
như vậy, tôi đã bán miếng đất lấy mấy chục triệu đồng để mong nó sống, nhưng
hơn hai năm sau thì nó đã ra đi".
Qua câu chuyện buồn
ấy, Bông lại ôm mấy đứa nhỏ vào lòng: "Tôi
còn mười một đứa, chín trai, hai gái. Nhưng năm rồi, nhỏ em ở Cần Thơ lên chơi,
thấy bé Cẩm Như đẹp quá, nó nói cho mượn về chơi mấy tháng, nói vậy rồi nó giựt
luôn không trả, giờ con nhỏ đang học mẫu giáo ở dưới, lâu lâu gọi điện lên than
nhớ cha, nhớ nội nhưng cô Út không cho về". Sau mỗi câu nói như vậy là
một tràng cười, tiếng cười nắc nẻ, hồn nhiên. Tôi hỏi anh định bao giờ cưới vợ,
Bông lại cười: "Một bầy con như thế
nầy, ai dám ưng tôi mới nể. Nói thì nói vậy thôi, chớ tôi biết chắc, giả dụ người
ta có ưng mình đi chăng nữa thì làm sao người ta có thể thương con mình như
mình được. Tụi nó đã khổ từ trong bào thai rồi, tôi không muốn tụi nó phải khổ
vì mẹ ghẻ".
Hỏi anh có định
nuôi thêm nữa không, Bông trầm ngâm: "Má
tôi năm nay bệnh nhiều quá, sắp gần đất xa trời rồi. Tôi muốn dành thời gian
cho má". Hỏi, chuyện học hành của mấy đứa nhỏ, anh tính sao. Bông lại
trầm ngâm: "Thằng Sơn Ngọc năm nay lẽ
ra phải lên lớp lá, thằng Sơn Thanh phải là lớp chồi, thằng Sơn Giàu phải là lớp
mầm. Nhưng đây là đỉnh núi. Hồi ẵm chúng nó lên đây, mình cứ nghĩ cứu sống một
hài nhi, không để chúng nó lăn lóc ở vỉa hè hay đầu đường xoá chợ. Nhưng bây giờ,
nhìn mặt mày đứa nào đứa nấy sáng sủa, khôi ngô, những ánh mắt cứ như luôn nói
với mình rằng, cha đừng để cho con dốt. Tôi đã tâm nguyện phải cho chúng nó học
tới cùng. Tiền bạc thì tôi không lo, trước mắt, nguồn lợi từ mười lăm mẫu đất
cũng đủ để trang trải, sau nầy, khi chúng nó học lên cao thì mình bán đất.
Nhưng, cái khó là chỗ ở. Thằng Sơn Ngọc năm tới sẽ tạm thời gởi cho nhỏ em ở Cần
Thơ. Nhưng không thể gởi hết cả mười đứa. Còn mua nhà ở dưới đó thì ai chăm
sóc, mà tôi đi thì ai ở đây lo vườn tược, cây trái cho mình. Càng nghĩ càng thấy
rối . . ."
Thưa bạn đọc !
Câu chuyện cổ tích
trên đỉnh Mồ Côi xin tạm dừng ở đây, bởi người kể chuyện chưa trả lời được câu
hỏi sau cùng rằng: Khi bà Tiên qua đời, anh tiều phu có lo cho những thiên thần
bé nhỏ ấy học hành đỗ đạt hay không. Những câu chuyện cổ tích bao giờ cũng đi đến
một kết thúc có hậu. Nhưng dân gian thường hay lý giải sự bế tắt bằng những
phép màu. Và tôi hy vọng trong câu chuyện nầy, sẽ có một phép màu nào đó đến với
anh Bông. Phép màu ấy chính là cái tâm, lòng nhân ái đang ẩn chứa đâu đây, trên
cõi đời nầy.
Sài Gòn năm 2007
(2)
VÕ ĐẮC DANH GẶP LÊ MINH TRIỂN TẠI SAN DIEGO NĂM 2010
Kể xong câu chuyện
"Cổ Tích Trên Đỉnh Mồ Côi", tôi vẫn còn ray rứt trước hai câu hỏi
không tìm ra lời đáp: Thứ nhất, liệu anh Bông có lấy vợ được không ở cái tuổi bốn
lăm ? Người phụ nữ, dù có rộng lượng đến đâu cũng không thể ưng một người chồng
đang nuôi 11 đứa con nheo nhóc. Thứ hai, chuyện học hành của 11 đứa trẻ ấy rồi
sẽ ra sao giữa đỉnh núi cao hoang vu, heo hút, đường đến trường quanh co, năm
ba cây số, dốc núi dựng đứng, trập trùng ?
Tôi đã gởi vào đoạn
kết câu chuyện một nỗi lo cùng với một niềm tin mong manh, rằng : " Khi bà Tiên qua đời, liệu anh tiều phu có lo
cho những thiên thần bé nhỏ ấy học hành đỗ đạt hay không ? Những câu chuyện cổ
tích bao giờ cũng đi đến một kết thúc có hậu. Nhưng dân gian thường hay lý giải
sự bế tắt bằng những phép màu. Và tôi hy vọng trong câu chuyện nầy, sẽ có một
phép màu nào đó đến với anh Bông. Phép màu ấy chính là cái tâm, là lòng nhân ái
đang ẩn chứa đâu đây, trên cõi đời nầy".
Và, cái phép màu ấy
đã đến với anh Bông và những đứa trẻ mồ côi sau khi câu chuyện được kể trên Sài
Gòn Tiếp Thị.
Một buổi tối, Dì Ba
gọi điện cho tôi, nói như nửa đùa nửa thật: "Con biết không, mấy ngày qua có nhiều cô từ miền Trung đến miền Tây, rồi
cả bên Mỹ gọi điện cho thằng Bông để chia sẻ, bày tỏ tình cảm, nhã ý muốn lên
đây làm mẹ của mấy đứa nhỏ, giờ con tính sao ?"
Gần một năm sau tôi
trở lại Đỉnh Mồ Côi thì Câu Chuyện Cổ Tích đã có nhiều thay đổi đến không ngờ.
Con đường lên đỉnh núi đã được tráng xi măng để xe gắn máy dễ dàng lên xuống,
anh Bông cho biết, ngay tuần đầu sau khi câu chuyện được lên báo, nhiều tổ chức,
cá nhân đã mang tiền lên giúp sức, kẽ ít người nhiều, trước hết là giúp anh làm
con đường bê tông để giảm bớt nỗi nhọc nhằn khi lên xuống núi. Mới đây, một
nhóm thanh niên gọi là nhóm chim cò gồm 36 người do dược sĩ Trần Anh Tuấn dẫn đầu
từ Đồng Nai lên chơi , chở lên ba tấm nệm Kim Đan, mấy thùng đồ chơi trẻ em và
14 triệu đồng tặng cho đám trẻ.Có một câu chuyện rất cảm động mà dì Ba nói rằng
dì sẽ giữ bí mật cho đến khi nào tôi trở lại để dì dành cho tôi một sự ngạc
nhiên.
Hôm ấy, có một
chàng trai tên là Minh Triển từ Mỹ trở về, một thân một mình trèo lên đỉnh núi,
khi tới nơi, anh ôm những đứa trẻ vào lòng rồi bật khóc. Anh nói, đọc câu chuyện
trên mạng tưởng người ta hư cấu, không ngờ sự thật là như vậy. Minh Triển cũng
không nói gì thêm, trước khi ra về, anh gởi cho dì Ba 300USD cùng với lời hứa sẽ
tìm cách giúp dì với anh Bông lo cho mấy đứa nhỏ học hành.
Mấy tuần sau, Triển
gọi điện qua nói với dì Ba: "Con xin phép được làm con nuôi của má, làm em
của anh Bông, làm chú của 11 đứa trẻ để con được góp sức chăm lo cho tụi
nó". Thì ra, trong chuyến đến thăm lần ấy, Triển đã khảo sát dưới chân núi
Cấm có trường học dạy từ lớp một đến lớp 12. Anh đề nghị anh Bông xuống chân
núi mua đất xây nhà cho các cháu có chỗ ở gần trường để học hành, công việc tiến
hành tới đâu Triển gởi tiền về tới đó.
Đến nay, ngôi nhà
đã được hoàn tất, chiều ngang 9 mét, chiều dài 20 mét, một trệt một lầu, phía
sau có 1.000 mét vuông đất vườn. Anh Bông cho biết, Triển gởi về tổng cộng
45.000USD. Ngôi nhà 360 mét vuông, mỗi đứa một phòng ngủ riêng, đó là ý tưởng của
Minh Triển vừa tập cho các cháu sinh hoạt độc lập, vừa dự phòng khi chúng lớn
lên có đủ không gian để sinh hoạt cá nhân.
Lê Minh Triển với gia đình dì
Ba trong ngôi nhà mới xây dưới chân núi
Minh Triển là ai ?
Tôi gởi lại địa chỉ mail cho anh Bông với hy vọng sẽ liên lạc với con người khá
bí ẩn nầy.
Anh Bông lấy ra cho
chúng tôi xem hơn mười lá thư của các chị, các cô gởi về, không chỉ từ mọi miền
đất nước mà cả những lá thư cách nửa vòng trái đất. Mỗi người kể một hoàn cảnh,
một tâm sự khác nhau. Nhưng thật đáng trân trọng vì hầu hết những lá thư đều
bày tỏ lòng trân trọng với anh Bông. Ai cũng muốn chung vai gánh vác với anh một
phần trách nhiệm. Một chị ở Hà Nội tâm sự rằng, chị lấy chồng gần năm năm nhưng
không có khả năng sinh con, bị chồng bỏ đi lấy vợ khác, chị sống trong những
ngày tuyệt vọng thì tình cờ đọc được câu chuyện về anh, bỗng dưng chị khát khao
muốn được làm mẹ của những đứa con anh, được bồng ẵm, được chăm sóc chúng như
con ruột của mình. Một chị ở Cali thì đặt thẳng vấn đề kết hôn với anh và bảo
lãnh cho những đứa con anh du học. Tôi hỏi Bông tính sao, anh cười hiền: "Mình chẳng biết tính sao cả, đã thề sống độc
thân để nuôi tụi nó rồi, giờ lấy vợ, liệu người ta có thương tụi nó bằng mình
không, nói thì nói vậy chớ chạm vào thực tế mới biết, không khéo sẽ đỗ vỡ hết,
sẽ nát bét hết . . ."
*
Mấy ngày sau, tình cớ tôi nhận được mail của Minh Triển, anh tâm sự khá dài. Ngoài những điều như dì Ba và anh Bông kể, Triển còn cho biết tuổi thơ của anh ở Trà Vinh đã trải qua những tháng ngày cơ cực, mồ côi cha từ bé, phải nghỉ học sớm để mưu sinh.
Năm 15 tuổi, Triển
theo một chiếc tàu đánh cá ra khơi và không ngờ rằng mình đặt chân lên đất Mỹ.
Tuổi thơ lưu lạc, khao khát tình thương. Khi lên tới Đỉnh Mồ Côi, Triển như thấy
bóng dáng thân phận mình qua từng đứa trẻ. Về Mỹ, anh quyết định gom đến đồng bạc
cuối cùng của mình dành dụm bao nhiêu năm để làm một điều gì đó nhằm giảm bớt nỗi
bất hạnh cho những đứa trẻ ấy, Triển cảm thấy như được bù đắp cho những mất mát
của chính tuổi thơ mình.
*
Tháng 5 năm 2010, tôi sang Mỹ và gởi mail báo tin cho Triển. Một sáng sớm, Triển đến đón tôi từ Fullerton về San Diego, nơi anh đang ở. Những ngày ở đây, tôi lại được sống trong câu chuyện cổ tích và những phép màu:
Em mồ côi cha từ nhỏ,
năm 15 tuổi, em theo một chiếc ghe biển làm thuê kiếm tiền nuôi mẹ và hai đứa
em. Một hôm, em thấy lạ, chiếc ghe cứ đi mãi, đi mãi không đánh cá mà cũng
không về, và em đã hiểu ra rằng họ đi vượt biên. Cuộc đời em bắt đầu sang trang
từ đó. Những ngày đầu sống trên đảo Bidong, em tìm đến xin việc ở một lò bánh
mì của một người Việt tỵ nạn, người ta không nhận, em tìm gặp ông chủ để năn nỉ:"
Xin ông cho con được làm công, không cần
trả lương, chỉ cần ông cho con mỗi ngày hai ổ bánh mì thôi". Ông nhận
em vào làm và được trả công mỗi ngày hai ổ bánh mì. Được vài tháng em nói với
ông chủ: " Con muốn đi bán bánh mì
nhưng không có vốn, xin ông cho con lấy bánh trước, chiều về con trả tiền".
Ngày đầu em lấy mười ổ đi bán trong các trại tỵ nạn, ngày sau mười lăm ổ, rồi
hai mươi ổ . . . con số cứ tăng dần. Không biết từ lúc nào, ông chủ lò bánh mì
thương em như con ruột.
Một hôm ông gọi em đến nói: " Tao được xét đi Úc rồi, cái lò bánh mì có nhiều người mua nhưng tao
không bán, tao tặng lại cho mầy . . .". Những ngày trước khi đi, ông
chỉ dạy cho em cách làm bánh. Bỗng dưng em trở thành ông chủ nhỏ như một giấc
mơ. Vài tháng sau em có tiền, em tiếp tục mua thêm một lò bánh mì nữa của một
người được xét đi Mỹ. Khoảng sáu tháng sau, trên đảo xảy ra sự cố: Một người tỵ
nạn say rượu nổi loạn bắn chết một nhân viên của Cao ủy. Họ nỗi giận, họ trừng
phạt bằng cách cắt trợ cấp lương thực. Hàng ngàn người tỵ nạn rơi vào tình trạng
đói khát. Lúc ấy, hai lò bánh của em không kinh doanh nữa mà chuyển sang cứu
đói, mỗi ngày làm ra bao nhiêu bánh mì em đem phát không cho họ. Nhiều người mắng
chửi em ngu dại, đây là thời cơ hốt bạc mà không biết nắm bắt để kinh doanh. Em
nghĩ đã đến đây, đã lâm vào tình cảnh nầy thì ai sao mình vậy. Bao nhiêu vốn liếng
em tiếp tục bỏ ra mua bột làm bánh cứu đói đến đồng bạc cuối cùng, đến hai lò
bánh mì đóng cửa. Sau sáu tháng trừng phạt, Cao ủy họ tiếp tục cứu trợ lương thực
cho người tỵ nạn. Một người quen tới rủ em: " Mầy có lò bánh, có nghề, tao có ít vốn, mình hợp tác làm ăn".
Hai lò bánh mì hoạt động trở lại cho đến ngày em đi Mỹ.
Sang Mỹ, em lại gặp
một sự cố đáng buồn. Lúc làm hồ sơ đi Mỹ, theo quy định thì những người dưới 18
tuổi phải có người đỡ đầu, tối thiểu phải là họ hàng thân thuộc, em nhờ một người
quen nhận em là cháu. Nhưng khi tới Mỹ thì họ lấy hết tiền trợ cấp, mỗi tuần chỉ
đưa lại cho em 10USD. Em với mấy người bạn Việt cùng cảnh ngộ se phòng trọ để
đi học, đi nhặt rác và đi giao báo để kiếm sống. Mỗi tuần kiếm được năm bảy chục
đô, cứ lây lất như thế cho đến khi vào đại học. Và, cuộc đời em sẽ không biết
ra sao nếu không có một "phép màu", em cho rằng đó là một phép màu.
Hôm ấy một thằng bạn
rủ em tới nhà cha nuôi của nó chơi. Ông nầy là một người Mỹ, trước đây là một
tiểu thương đã nghỉ hưu, sống độc thân và khá giả, ông đã nhận bốn sinh viên Việt
Nam làm con nuôi. Sau cuộc gặp gỡ ấy, ông lại nhận thêm em, là đứa con nuôi thứ
năm. Từ đó, thỉnh thoảng ông gọi em tới chơi, làm thức ăn đãi em, rồi hỏi thăm,
dạy bảo. Dần dà, em cảm nhận ở ông một tình cảm rất lạ, rất đầm ấm, rất chân
thành. Có hôm trời mưa, ông gọi điện hỏi em đang ở đâu, em nói đang ở ngoài đường.
Giọng ông tỏ ra lo lắng: " Tao đã bảo
mầy trời mưa không được ra ngoài !".
Một hôm ông gọi em
tới và ôn tồn nói:" Tao thấy mầy học
ngành điện không ổn, ở đây có nhiều kỹ sư điện thất nghiệp, còn nếu có việc làm
thì cũng chỉ đủ sống. Mầy nghỉ học đi, mở cái công ty cắt cỏ, tao giúp
cho". Ở Mỹ, trừ khu trung tâm thành phố, mỗi nhà đều bắt buộc phải có
khu đất trồng cỏ, nếu không trồng thì bị phạt, còn trồng mà hàng tháng không cắt
theo quy cách cũng bị phạt. Ông tư vấn cho em từ việc thành lập công ty, cách
quản lý, cách tiếp thị, quảng cáo . . .
Dạo quanh thành phố
San Diego, thấy những chiếc xe bán tải với mấy người Mễ chở máy móc đi cắt cỏ
cho các sân vườn, Triển nói công nhân của em đó, rồi kể tiếp:
Sau chuyến về Việt
Nam gặp anh Bông và những đứa trẻ trên núi Cấm, em quyết định chuyển toàn bộ số
tiền trong tài khoản về cho anh ấy mua đất và cất nhà dưới chân núi. Nhưng rồi
em nghĩ, đó chỉ là việc khởi đầu cho một tương lai dài đăng đẳng của mười một đứa
bé. Làm sao cho chúng học hành tới nơi tới chốn, có một cuộc sống đàng hoàng,
đó là khát vọng lớn nhất của em. Em đem chuyện ấy bàn với ba nuôi và ngỏ ý muốn
lập một hội từ thiện. Ông nói, trong mấy đứa con nuôi, ngay từ đầu tao thấy mầy
là đứa có tấm lòng, sống phải biết vì quê hương, vì đồng bào mầy ạ. Mầy lập hội
từ thiện đi, tao đứng ra giúp đỡ, mầy quyên góp được một đồng, tao cho thêm một
đồng . . . Em cũng không ngờ, năm đầu tiên em vận động được 37 ngàn USD, ổng
góp vô 37 ngàn nữa. Vậy là, ngoài việc chu cấp cho mười một đứa con nuôi, số tiền
quỹ từ thiện hàng năm em mang về giúp đỡ trẻ em nghèo các tỉnh.
Một hôm, ba nuôi gọi
em đến, ông nói tao bây giờ già rồi, không biết ra đi ngày nào, tao đã nhờ luật
sư làm di chúc, giao lại toàn bộ tài sản và tiền bạc trong nhà băng cho mầy. Em
cầm tờ di chúc mà bủn rủn tay chân, số tiền quá lớn, tài sản cũng quá lớn. Và lớn
lao hơn hết là tấm lòng của một người cha không cùng màu da sắc tộc.
LÊ
MINH TRIỂN TẠI XẺO LÁ NĂM 2012
Tôi hỏi Triển dự định
thế nào với tờ di chúc ấy, anh nói:
Mong muốn trước
tiên của em là cho mười một đứa con nuôi du học, tiếp theo, em sẽ về quê xây
thêm trại mồ côi theo cách làm của anh Bông, tức là những đứa trẻ vô thừa nhận
khi vừa mới chào đời.
Võ Đắc Danh