Việt Nam trên Con đường tơ lụa
Bạch Hoàn
Trong bối cảnh đó, từ năm 2012,
cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, với mục tiêu đưa Trung cộng (TC)
trở thành trung tâm của thế giới đã được khởi động. Chủ nghĩa ái quốc của Giang
Trạch Dân đã được thay thế bằng Chủ nghĩa dân tộc Đại Hán của Tập Cận Bình.
Con đường nào cho VN?
Hôm qua, VN là một trong những thành
viên tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017, tổ chức tại tỉnh Hải Nam, TC. Một
trong bốn vấn đề được đưa ra bàn luận tại diễn đàn này là sáng kiến “Một
con đường, Một vành đai” (OBOR).
OBOR là công cụ về mặt kinh tế mà TC sử dụng để hiện thực hoá giấc mơ Trung Hoa
vĩ đại, từng bước thực hiện tham vọng TC bá chủ thế giới.
Hàng loạt chuyên gia kinh tế, thời gian
qua đã bàn luận về sự lựa chọn của VN trước OBOR, đặc biệt là khi TPP rơi vào
tuyệt vọng. Bài viết này sẽ đưa ra vài suy nghĩ vụn vặt của người viết về OBOR
và VN.
1. Công cụ kinh tế cho khát khao chính trị
Trước tiên phải nói về OBOR. Sáng kiến
OBOR được Chủ tịch TC Tập Cận Bình đưa ra vào nằm 2014. OBOR còn được hiểu là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên biển và trên bộ kết nối
Châu Á và Châu Âu. OBOR sẽ tạo ra một khu vực kinh tế rộng lớn nhất thế giới
bao gồm 31 nước tham gia với 4,4 tỷ dân và GDP là 21.000 tỷ USD.
Để tỏ rõ quyết tâm, TC ngay lập tức bơm
một lượng tiền khổng lồ cho 2 tổ chức định chế, gồm: Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ
tầng châu Á (50 tỷ USD) và Ngân hàng Phát triển mới (41 tỷ USD). Các định chế
tài chính này xây dựng kế hoạch các khoản cho vay, danh mục các dự án nước
ngoài, chủ yếu cho vay phát triển cơ sở hạ tầng như cảng biển, giao thông đường
bộ, đường sắt… đối với các nước nằm trên con đường tơ lụa.
Đặc biệt, lãi suất mà TC sẽ cho các nước
tham gia vào Con đường tơ lụa của mình chỉ dao động từ 4-5%/năm, thấp hơn rất
nhiều so với cam kết của TC khi kêu gọi các nước tham gia thành lập Ngân hàng Đầu
tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). TC cam kết lợi nhuận cho các nước tham gia
thành lập AIIB hàng năm là 15%/năm trên số tiền tham gia ban đầu.
Mặc dù vẻ bề ngoài là chiếc
áo kinh tế nhưng thực chất OBOR bao hàm 4 yếu tố : Chính trị – Kinh tế – Văn
hóa – Xã hội. Ẩn sau việc hỗ trợ tài chính để giúp các
nước tham gia OBOR phát triển hạ tầng, tăng trưởng kinh tế, TC muốn dùng sức mạnh
kinh tế để chi phối chính trị – văn hóa – xã hội các nước tham gia.
OBOR còn giúp TC giải quyết một số vấn đề
lớn:
– Chuyển giao các công nghệ, thiết bị,
máy móc lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
– Tiêu thụ hàng hóa, nguyên liệu kém chất
lượng, hàng tồn kho.
– Lan tỏa văn hóa TC tại các nước tham
gia OBOR.
– Giải quyết tình trạng mất cân bằng giới
tính nghiêm trọng tồn tại suốt nhiều năm qua. Nhiều dự báo cho thấy, trong vòng
2 thập kỷ nữa, TC dư thừa 30 triệu đàn ông.
OBOR là một cuộc chơi lớn, một sân chơi
lớn do TC bày ra và đương nhiên TC là người đưa ra luật chơi. Không thấy có bất kỳ thông tin nào về một hiệp định chung,
luật chơi chung nào giữa các quốc gia trong cuộc chơi này. Các nước muốn tham
gia vào cuộc chơi buộc phải tuân thủ theo những điều kiện do TC đưa ra. Thông
qua đàm phán song phương với TC, mỗi quốc gia có thế mạnh riêng, có vị trí khác
nhau sẽ hưởng lợi ích hoàn toàn khác nhau.
OBOR là chính sách ngoại giao đương đại
mà TC sẽ theo đuổi trong 10-15 năm tới với tham vọng biến Trung cộng thành một
cường quốc, một bá chủ mới của thế giới. Trước một sân chơi lớn như OBOR, hơn nữa
nằm trên con đường tơ lụa, vành đai kinh tế, VN liệu có đứng ngoài cuộc chơi?
Nhiều chuyên gia kinh tế, nhiều nhà hoạch
định chiến lược đã phân tích, đánh giá và đưa ra những nhận định khuyến cáo. Đa
phần đều mong muốn VN tham gia vào sân chơi lớn, chạy trên con đường tơ lụa
nhưng cần hết sức thận trọng.
Vậy VN có nên tham gia OBOR hay không?
Cho đến bây giờ, câu hỏi này đã lạc hậu. Tôi nghĩ khác các chuyên gia kinh tế. Nhiều thông tin cho thấy, thực chất VN đã đặt chân vào OBOR,
đã tham gia cuộc chơi kinh tế phục vụ cho tham vọng chính trị này từ rất lâu rồi.
Chân đã nát bấy, máu chảy đầm đìa vì cắm đầu, cắm cổ chạy trên con đường tơ lụa
trải đầy đinh.
2. Tập tễnh, xiêu vẹo…
Hạ tầng yếu kém là một trong những
lực cản làm giảm chất lượng tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh nền kinh
tế của VN. Để phát triển kinh tế, ước tính đến năm
2020, VN cần tới 480 tỉ USD, một con số khổng lồ.
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Thực tế, VN và TC đã có sự ký kết
hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng. Đã có nhiều dự án hạ tầng dùng nguồn vốn vốn
vay từ TC với khoản vay lớn. VN đã vay vốn TC để làm tuyến đường sắt Cát Linh –
Hà Đông và Ga Hà Nội- Nhổn. Tuyến CL-HĐ vay TC 419 triệu USD, đến nay chậm tiến
độ 4 năm, dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 9-2017, vốn đầu tư tăng 250 triệu
USD. Tuyến đường sắt Ga Hà Nội – Nhổn mới thực hiện được 30% khối lương, dự kiến
2021 mới hoàn thành và vốn dự kiến cũng sẽ tăng 393 triệu USD, tương đương hơn
50% so với dự toán ban đầu. Chưa biết chất lượng ra sao, khả năng hoàn vốn và
trả nợ thế nào khi đưa vào khai thác hai dự án trên.
Tôi có cuộc trao đổi khá sâu với
một viên chức. Vị này nói rằng, nhiều doanh nghiệp Trung
cộng thực hiện các dự án ở VN thực chất làm trì hoãn sự kinh tế và bất ổn xã hội.
Họ kéo dài thời gian thực hiện, làm vốn tăng, gây ô nhiễm, tạo bức xúc trong dư
luận, bất đồng trong xã hội.
Thực tế đã cho thấy, nhiều dự
án vay vốn hoặc có sự tham gia của các đối tác TC thường không mang lại hiệu quả
kinh tế, thậm chí còn làm cho nền kinh tế càng chậm phát triển, nợ công tăng
cao, gây bức xúc trong xã hội.
Thế nhưng, Bộ Tài chính đang tỏ
ra hồ hởi khi cách đây mấy ngày AIIB tuyên bố cho VN vay vốn đầu tư xây dựng hạ
tầng với một điều kiện về mặt kinh tế không thể dễ dãi hơn, đó là Chính phủ VN
không cần bảo lãnh. AIIB là định chế tài chính phục vụ cho Con đường tơ lụa của
Trung cộng.
Theo các anh chị, có bữa tiệc nào miễn phí cho VN hay không?
Về Văn hóa – Xã hội, các dự án có vốn vay của TC, lien quan đến TC thường
kéo theo số lượng lớn công nhân và chuyên gia người TC đến sinh sống và làm việc.
Tại dây bắt đầu hình thành xóm, làng người TC. Formosa Hà Tĩnh cũng có một khu
dành riêng cho người TC, Đà Nẵng tích cực xây dựng khu phố TC, Quảng Nam, Cà
Mau và ngay ở Hà Nội cũng có. Người Trung cộng xuất hiện
ở khắp nơi.
Sự giao lưu giữa người VN và TC
ngày càng gắn kết. Chính sự giao thoa và kết hợp này đã tạo ra những đứa trẻ
mang hai dòng máu, một thế hệ trẻ VN mới. Trong những
năm gần đây, số lượng người TC kết hôn và có con với người Việt gia tăng đáng kể.
Theo số liệu thống kê, đến đầu năm 2015, 120.000 phụ nữ Việt đã lấy chồng
TC (bao gồm cả Đài Loan – TC). Đến ngày hôm nay, tôi dám chắc chắn con số đã
hơn rất nhiều. Theo chiều hướng này thì không biết 10 – 20 năm nữa, VN sẽ ra
sao, văn hóa chúng ta sẽ thế nào?
Đừng quên, một trong những vấn
đề mà OBOR đặt ra chính là yếu tố nhân dân.
3. Trên con đường tơ lụa…
VN đang đói vốn để phát triển hạ
tầng. Có một nguồn vốn ưu đãi từ TC để xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh
tế, đương nhiên sẽ có những lợi ích thiết thực. Nhưng, từ ngàn năm nay, tham vọng
bành trướng của TC chưa khi nào dừng lại. Cân nhắc giữa cái được và cái mất
trong câu chuyện kinh tế đầy màu sắc chính trị này, thì cái mất nhiều hơn.
Campuchia là quốc
gia được Trung cộng rót vốn đầu tư mạnh mẽ. Đến
giờ, sự phụ thuộc của Campuchia vào TC là không thể chối cãi. Hình ảnh của Campuchia trên bàn ngoại giao khu vực ngày càng
đi xuống. Vì lợi ích kinh tế của mình, quốc gia này phải bảo vệ cho lợi
ích TC.
Nếu nói đó là lựa chọn của
Campuchia thì vẫn còn nhiều ví dụ khác cho thấy, các quốc gia trong khu vực lo
lắng trước tham vọng bành trướng của TC. Cảnh giác với TC, Miến Điện đã cho
ngưng các dự án hạ tầng liên quan tới nguồn vốn từ TC. Một dự án đường sắt mà TC
muốn thông qua đó để kết nối đến Ấn Độ Dương với vốn đầu tư 20 tỉ USD, hay dự
án đập thuỷ điện phía Bắc Miến Điện do TC đầu tư 3,6 tỉ USD đã bị Miến Điện
hoãn lại.
Còn VN thì sao? Để
chạy thật nhanh trên con đường tơ lụa trải đầy đinh này, theo các anh chị,
chúng ta sẽ phải làm sao? Tôi nghĩ, phải mua dép cao su.