„…nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là một nền giáo dục tốt nhất trong
lịch sử các nền giáo dục Việt Nam trong lịch sử và cho đến thời điểm hiện nay.“
Giáo dục trước và sau năm 1975
Hai nữ sinh trên đường phố Sài Gòn. AFP
photo
Giáo dục các thế hệ trở thành những con người có đầy
đủ lòng yêu thương và nhân cách để bước vào đời, hòa điệu cùng xã hội hay đào tạo
ra những cỗ máy biết đi, đứng, nằm ngồi và biết đào ra tiền nhưng lại nhanh
chóng làm nghèo đất nước? Đó là câu hỏi chung của mọi nền giáo dục. Vấn đề giáo dục tại Việt Nam trước và sau 30 tháng 4 năm
1975 là một câu chuyện dài. Trong giới hạn của tường trình này, chúng
tôi chỉ xin phép đề cập đến những lát cắt thông qua các nhận định của những người từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, trong
phép so sánh của họ về giáo dục trước và sau 1975 tại Việt Nam.
Một nền giáo dục nhân bản
đã mất
Thầy Luận, một giáo sư dạy cấp trung học phổ thông
(trước năm 1975, những người dạy trung học phổ thông được gọi là giáo sư), chia
sẻ: “Hồi đó giáo dục thì yêu thương gia đình,
tổ quốc, tôn sư trọng đạo, nhưng họ làm thật. Rồi chào cờ thì phải
nghiêm túc, đi gặp đám tang thì dở mũ đưa tiễn, đó là nhưng thứ liên quan đến đạo
đức mà gần như ai cũng được dạy và làm. Hồi đó học sinh tôn trọng thầy lắm, sợ
thầy lắm. Còn thầy thì gương mẫu lắm, nghiêm túc. Cái kiểu mặc quần đùi lên giảng
dạy là không có rồi. Anh có thể dạy học sinh phá vỡ nhiều thứ, ví dụ như những
hủ tục nhưng tư cách của anh phải nghiêm túc. Mô phạm đó.”
Theo thầy Luận,
vấn đề trọng tâm của giáo dục nằm ở chỗ người làm quản lý và người dạy đang nắm
cái lõi nào, nhắm vào trung tâm, hạt nhân nào để từ đó khai triển thành một bộ
khung triết lý trong giáo dục con người. Và nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa miền
Nam Việt Nam đã làm được điều này.
Theo ông, chính nhờ vào nền
giáo dục nhân bản, lấy triết lý con người làm trung tâm mà trong vòng hai mươi
năm nội chiến với khói lửa chiến tranh và máu đổ, nền giáo dục miền Nam vẫn mọc
lên những cây trái thành tựu hết sức xuất sắc với những cái tên như Bùi
Giáng, Bùi Văn Nam Sơn, Phạm Công Thiện, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh cùng hàng
loạt trí thức, nghệ sĩ tài năng và đức độ khác.
Điều này, cũng tại miền Nam Việt Nam, với quĩ thời
gian hơn gấp đôi, 42 năm, sống trong hòa bình, không có lửa đạn chiến tranh
nhưng lại không có những cá nhân xuất sắc như trước đây. Đó là nói riêng về các
thành tựu đỉnh cao,nhưng khi nói tới giáo dục, mặt bằng chung vẫn là quan trọng
nhất, nghĩa là một xã hội được hình thành từ giáo dục như thế nào. Điều này thì
giáo dục miền Nam Việt Nam tốt hơn rất nhiều so với giáo dục sau 1975.
Với triết lý nhân bản, dân tộc và khai
phóng, qua giáo dục, phát triển toàn diện mỗi cá nhân, phát triển tinh thần quốc
gia ở mỗi học sinh, phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học…
Điều này đã mang lại một mặt bằng xã hội tương đối cân bằng, ổn định bởi sự hiểu
biết, tôn trọng dân chủ, yêu quê hương, đất nước và yêu dân tộc cũng như coi trọng
con người, lấy nhân cách và phẩm hạnh làm mục tiêu của đời người.
Như kết luận vấn đề đã nêu, thầy Luận cho rằng nền giáo dục Việt Nam Cộng
Hòa là một nền giáo dục tốt nhất trong lịch sử các nền giáo dục Việt Nam trong
lịch sử và cho đến thời điểm hiện nay. Và hơn nữa, vấn đề chính phủ, nhà
nước quan tâm đến giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa cũng là điều đáng nói, bởi
ngân sách giáo dục tuy không phì đại như hiện nay nhưng lại đảm bảo học sinh
không tốn tiền khi đến trường và nếu học tốt thì có cơ hội du học nước ngoài. Nền
giáo dục không có tính chợ búa như nền giáo dục hiện tại.
Một nền giáo dục chợ búa
Nữ sinh trong trang phục áo dài trắng tại
buổi lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ hôm 7/5/2004, tại Hà Nội. AFP
photo
Như để chứng mình cho những luận điểm của thầy giáo
cũ của mình, thầy Toàn, một giáo
viên dạy môn văn vừa nghỉ hưu, chia sẻ thêm: “Thì đầu tiên, chính sự dối trá đã phá vỡ giáo dục. Nó dẫn đến giả bằng thật,
dẫn đến bệnh háu danh, cả xã hội bùng lên lạm phát bằng cấp. Rồi người
ta lợi dụng, hợp thức hóa những cái bằng, học vị chuyên tu, toàn bi kịch, dốt
nát kinh khủng, điều này kéo dài đã bao nhiêu năm. Rồi những cái học vị xỏ lá
đó tạo nên những vết thương trong xã hội, cái bất công trong giáo dục cũng giống
như bất công trong xã hội vậy.
Cái bất công trong giáo dục
là thằng học vị cao nhất, ngu dốt nhất sẽ là thằng lên học vị cao nhất bởi nó sẽ
tìm cách hợp thức hóa cái bằng nhanh nhất, cái học vị khốn nạn nhất. Những
cái thằng học đại học chuyên tu nó sẽ là thằng đầu tiên đi học thạc sĩ chuyên
tu. Chính vì sự chen lấn như vậy nên người có học theo kiểu này càng có nhiều bằng
cấp, học vị càng tàn ác bởi họ trả giá quá đắt. Cái kiểu đổi tình, đổi tiền lấy
điểm phổ biến.
Và khi mà họ đã trả giá quá đắt cho việc
có được cái bằng, cái học vị đó, cả thân xác họ mà họ còn không quý nữa thì
nghĩa lý gì người khác, họ phải tận thu để ‘bù vốn’, vì họ đầu tư quá lớn. Cái trụ cột đạo đức bị gãy. Như những cô giáo mẫu
giáo, họ nghĩ ra việc trộn thuốc ngủ cho con người ta ăn đi ngủ khỏi phải
trông. Những cái độc ác xuất phát từ những gì độc ác mà họ phải trải qua trong
quá trình chen lấn để lấy cái bằng.”
Theo thầy Toàn, để nói về nền giáo dục Việt Nam hiện
tại, ông có thể tóm gọn trong mấy chữ, đó là nền giáo dục chợ búa. Tính chợ búa
này thể hiện rất rõ trong các chính sách giáo dục tốn kém nhưng không có hiệu
quả và đằng sau nó là hàng tá các nhà giáo dục xôi thịt đang chực chờ để tham
nhũng, đục khoét. Cứ mỗi lần cải cách giáo dục, học sinh phải chịu thêm một
gánh nặng mới từ học phí, sách mới, học thêm, kính thưa các loại gánh nặng chất
lên đôi vai non nớt của học sinh.
Nói sâu xa hơn một chút, nền
giáo dục phía Bắc vĩ tuyến 17 những năm trước 1975 đã có những dấu hiệu thiếu vắng
tính nhân bản. Nếu như miền Nam chú trọng vào triết lý nhân bản trong
giáo dục thì miền Bắc lại tập trung vào tính chiến đấu trong giáo dục. Những
bài thơ, những truyện ngắn đầy tính giết tróc được áp dụng triệt để trong các
giáo trình văn học miền Bắc. Từ thơ Tố Hữu cho đến truyện ngắn của Nguyên Ngọc
và nhiều nhà văn, nhà thơ khác. Các tác phẩm văn học miền Bắc đều lấy tinh thần
kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam làm kim chỉ Nam.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, trận gió giáo dục
mang tính chiến đấu của miền Bắc đã xô dạt những thư viện giáo dục nhân bản miền
Nam. Và hệ quả của nó là suốt 42 năm, nền giáo dục càng lúc càng bệ rạc. Những
quan chức giáo dục bị kỉ luật ở cấp thấp thì lại được thăng cấp, nhảy tót lên
ghế trên để làm quản lý. Hiện tại, có nhiều quan chức giáo dục cấp tỉnh, với vị
trí giám đốc sở giáo dục, nhưng nếu chịu khó kiểm tra kiến thức, trình độ và đạo
đức của họ, dường như là có quá nhiều vấn đề để bàn.
Theo thầy Toàn, có người từng bị kỷ luật ở nhà trường
vì nạn đề đóm nhưng sau đó lại được cất nhắc làm chuyên viên sở, rồi cuối cùng
là giám đốc sở giáo dục, trong khi đó, người này từng ra đề thi sai nhiều lần
vì không có kiến thức và ông ta chỉ giỏi duy nhất một điều, đó là biết làm được
lòng cấp trên, biết đội trên đạp dưới.
Một nền giáo dục không có triết lý, không
coi trọng dân chủ và không đề cao nhân cách đã và đang cho ra những đáp số xã hội
đầy rẫy tội lỗi và cái ác. Thầy Toàn khẳng định rằng nếu như truy
tìm nguyên nhân gây ra một xã hội hết sức manh động và vô cảm như hiện tại, nền
giáo dục đã góp một phần rất lớn để xây dựng nên xã hội như đang thấy.
Nói cho cùng, một nền giáo dục chỉ lấy vật dục làm
kim chỉ Nam và không coi trọng tính nhân bản, tính dân chủ, cộng thêm với sự
thiếu thành thật và phiến diện sẽ không bao giờ là một nền giáo dục có khả năng
hoàn thiện con người. Và những người trưởng thành
trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, nói cho cùng là nhờ vào niềm đam mê tri thức
cũng như thiện căn có sẵn của họ chứ không phải do tác động của giáo dục.
Một nền giáo dục tốt phải là nền giáo dục có khả
năng tác động, làm giàu nhân tính xã hội, ngược lại, một nền giáo dục tồi tệ là
nền giáo dục luôn chịu lời nhắc nhở về nhân tính cũng như phẩm hạnh từ xã hội.
Và nền giáo dục Việt Nam kể từ sau 30 tháng 4 năm 1975 đến nay là nền giáo dục
như thế!
Nhóm
phóng viên tường trình từ VN
RFA
RFA