08.04.2017

Giới trẻ tìm về lịch sử qua những ca khúc nhạc vàng

Giới trẻ tìm về lịch sử qua những ca khúc nhạc vàng

Cát Linh (RFA)
Học sinh đạp xe trên đường phố Buôn Mê Thuột. Ảnh chụp hôm 7/12/2006.  AFP photo

Việc cấm lưu hành vĩnh viễn 5 ca khúc được sáng tác trước năm 1975, cùng với nhiều qui định khác như phạt tiền nếu hát những bài nhạc bị cấm cho dù là trên mạng xã hội nhận lại phản ứng thế nào từ các bạn trẻ?

Càng cấm, càng tìm đến


Cuối cùng, sau gần một tháng từ khi tạm dừng lưu hành năm ca khúc trước 1975, bao gồm Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) với lý do cần xem lại ca từ và tên tác giả, ngày thứ Ba, 4 tháng Tư vừa qua, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn có thông báo quyết định cấm lưu hành vĩnh viễn năm ca khúc trên.

Lời giải thích được đưa ra là do các bài hát bị thể hiện sai lời so với bản gốc. Cũng cần phải nói thêm rằng tuyệt nhiên không một tờ báo trong nước nào trưng ra bản gốc của năm ca khúc bị cấm, ngoại trừ trang bìa của ca khúc “Con đường xưa em đi”, tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương.

Trang Nguyễn, bạn trẻ ở Sài Gòn nêu ra câu hỏi về lý do cấm năm ca khúc trước 75 này:

“Làm sao họ biết được bản nào là bản gốc? Tác giả của những ca khúc đó đâu còn nữa?”

Đến với những ca khúc bolero, nhạc vàng từ thời là sinh viên vì yêu cái giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng, Thái Minh Hải, từ Hà Nội chia sẻ anh tìm thấy cả tính triết lý trong ấy.

Chính vì họ cấm những bài hát đó mà tụi em có cơ hội được tiếp cận những thông tin có những bài hát hay như vậy. Tụi em sẽ tìm hiểu tại sao bài bị cấm? Sau khi tìm hiểu thì thấy những bài hát đó là những bài hát rất bình thường, nhưng họ cấm vì hoàn cảnh sáng tác những bài đó và nội dung nói lên sự thật của không gian thời gian lúc đó.”

Chính vì vậy khi nhà nước càng cấm, họ càng tò mò tìm kiếm. Tìm được rồi, họ hát với tất cả sự thích thú và trân quí.

Kể lại câu chuyện về chương trình liveshow của ca sĩ Lộc Vàng được tổ chức ở Sài Gòn tuần qua phải ngưng đột ngột với lý do “chưa có giấy phép”, Thái Minh Hải nói rằng vì vì đọc được bài báo ấy mà anh “tò mò” tìm hiểu Lộc Vàng là ai?

“Nhờ thông tin đó mà em biết đến chú Lộc Vàng vì em khá đam mê nhạc, nhất là những chương trình có chiều sâu như thế, em rất muốn đến và tìm hiểu. Em không biết phải miêu tả cảm xúc của mình thế nào nhưng thật sự khi tiếp xúc được với chú thì em nhận ra được rất nhiều điều. ví dụ muốn hát được nhạc vàng tốt, người ca sĩ muốn toát lên được cái tâm hồn, tâm trạng của bài hát thì phải tìm hiểu được hoàn cảnh lịch sử, hoặc không gian thời gian sáng tác, vùng miền nữa thì mới thả hồn được vào bài hát đó.”

Chỉ một lần nghe ca sĩ Lộc Vàng trình bày ca khúc Gửi người em gái miền Nam, thì Thái Minh Hải đã đi tìm hiểu về lịch sử ra đời cũng như lịch sử của đất nước.

Một cách nhìn khác trong việc cấm các ca khúc nhạc vàng, nhạc bolero mà cụ thể là năm ca khúc nêu ở đây, Trang Nguyễn nhận thấy:

Nhà nước không quản lý được thì phải cấm. Rất nhiều sự việc tương tự rồi. Nhưng may là bây giờ có Facebook, nên tất cả ai cũng biết sự thật. Mà người ta càng biết thì càng bất bình. Càng bất bình thì càng phản kháng. Một trong những cách phản kháng là hát thật nhiều.

Cộng đồng mạng thời gian gần đây “dậy sóng” với những ca khúc nhạc lính, nhạc vàng. Rất nhiều bạn trẻ dùng lời ca của mình như một vũ khí cho phong trào đấu tranh dân chủ.

Với Thái Minh Hải, việc cấm các ca khúc trước 1975 là rất vô lý.

Giới trẻ bọn em thì không công nhận điều đó. Tụi em muốn tự do hát hò, tự do thể hiện những bài hát đó. Đó cũng là một trong những quyền mà phong trào đấu tranh dân chủ cần.”

Sợ sự thật?

Trung tâm thành phố Sài Gòn chụp tháng 12/1963. AFP photo

Hôm 16/3, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu có lời phát biểu trên trang báo mạng của VTC, cho rằng 5 bài hát này "có rất nhiều vấn đề về mặt tư tưởng”. Ông Lưu nói thêm: “Những bài hát viết về người lính Cộng hòa sẽ khiến cho một bộ phận giới trẻ phân tâm, lo lắng. Họ sẽ đặt ra câu hỏi, liệu con đường mình đang bước đi có đúng không, hay cái kia mới đúng.”

Phát ngôn của ông Nguyễn Lưu sau đó nhận được rất nhiều những phản ứng bất bình từ người thưởng nhạc cho đến các nhà văn hoá.

Và đặc biệt, cộng đồng mạng xã hội bùng phát phong trào hát nhạc bolero, nhiều nhất là bài Con đường xưa em đi, ca khúc có câu hát bị nhà nước Việt Nam đặt nghi vấn sau hơn 40 năm lưu hành: “chiến trường anh bước đi là chiến trường nào?”; phiên gác canh dài là phiên gác của cuộc chiến nào?
Thật ra, điều ông Nguyễn Lưu lo lắng cũng không sai. Vì các ca khúc bolero ra đời trước 1975 phần lớn là những ca khúc về cuộc chiến, về người lính, về tình yêu đôi lứa giữa người con gái hậu phương và người nơi chiến tuyến.

Và đó cũng chính là tâm trạng của Trang khi nghe những ca khúc đó, cô nói:

“Em không hiểu vì sao khi em nghe nhạc Bolero thì em thường nghĩ đến thời gian những năm trước 1975.”

Thập niên 50, 60, người dân miền Bắc Việt Nam phải trải qua cuộc di tản thứ nhất. Theo lời kể lại của một nhạc sĩ lão thành hiện sống ở California, nhiều người trong giới văn nghệ từ Hải Phòng, vượt qua con sông Bến Hải để tìm đến vùng đất mới. Ông nhớ lại theo ký ức của mình, đó là những năm tháng khó khăn, “cái nghèo nó ám ảnh cả trong giấc ngủ. Người nhạc sĩ miền Bắc, miền Nam chia nhau điếu thuốc.” Rồi nỗi nhớ quê hương bên kia bờ Bến Hải làm cho các nhạc sĩ di cư càng mang nhiều tâm sự. Nhưng đó cũng là lúc mà sự sáng tạo của người nghệ sĩ ở đỉnh cao nhất. Rất nhiều ca khúc nổi tiếng ra đời thời gian ấy.

Giờ đây, thế hệ thanh niên trẻ Việt Nam đang tìm đến những ca khúc đó. Họ tìm đến để nghe, và để biết về lịch sử và sự thật của lịch sử, theo cách nói của Thái Minh Hải.

“Họ đã cấm những bài hát một cách rất vu vơ, ngay cả trong bài hát do nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sáng tác là Gửi người em gái miền Nam, trong hình ảnh bài đó nói lên được hình ảnh trong Nam là một nơi kim tiền, miền Bắc là một nơi nghèo khó. Đó là điều rất bất lợi cho hình ảnh tuyên truyền của nhà nước Đảng Cộng sản.”

Xoá bỏ văn hoá?

Sài Gòn ngày 1/2/1961. AFP photo

Không chỉ năm ca khúc nổi tiếng từ trước năm 1975 bị cấm lưu hành vĩnh viễn, danh sách của Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM còn có các sáng tác khác như: Cánh buồm chuyển bến (Lê Dinh - Hoài Linh), Câu chuyện đầu năm (Hoài An), Hạnh phúc đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Gạo trắng trăng thanh (Hoàng Thi Thơ) và Hoa trinh nữ (Trần Thiện Thanh) đang bị tạm đình chỉ lưu hành.

Ca khúc Tàu đêm năm cũ (Trúc Phương) từng được cấp phép nhưng sau đó bị thu hồi.

Lời ca, giai điệu trong những ca khúc ấy đối với Trang Nguyễn hoàn toàn là tình yêu đôi lứa, tình yêu đất nước. Nghe những ca khúc này, cô, cũng như những người khác có thể hình dung ra một đất nước của thế hệ cha ông ngày trước như thế nào. Và cũng để thấy rằng:

Sài Gòn bây giờ không còn là Sài Gòn nữa. Mất bùng binh chợ Bến Thành, bùng binh Lê Lợi. Thế hệ trẻ chỉ còn có thể tìm hiểu lịch sử Sài Gòn qua các ca khúc trước 1975. Giờ đây cũng cấm luôn. Không biết có phải họ đang muốn xoá bỏ hoàn toàn một nền văn hoá hay không?

Thái Minh Hải đưa ra câu trả lời của anh.

Em nghĩ họ muốn xoá bỏ đi dấu vết của một thời kỳ thịnh vượng của miền Nam Việt Nam, xoá bỏ đi thời kỳ phát triển rực rỡ của các dòng văn hoá như ca nhạc, kiến trúc, tô lên đó một nếp son mới để giới trẻ không thể nào tìm hiểu được những nguồn gốc xa xưa, không tìm hiểu được những điều tốt đẹp đã từng có, không so sánh được bên này tốt hay bên kia tốt.

Không biết sẽ còn bao nhiêu ca khúc được sáng tác trước 1975 bị cấm lưu hành, nhưng với tinh thần và phản ứng của thế hệ những người trẻ ở Việt Nam ngày nay, thì có thể nhận ra một điều: hoàn toàn không khó khăn để họ tìm đến những ca khúc đã được không gian và thời gian khắc sâu vào lịch sử.