Quốc tế thúc đẩy dân chủ Việt Nam qua các giải nhân quyền
Việt
Hà (RFA)
Luật sư Nguyễn Văn Đài (đứng, áo đen) và
luật sư Lê Thị Công Nhân (áo đỏ) tại Toà án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội hôm
27/11/2007. AFP photo
Liên đoàn Thẩm phán Cộng hòa Liên bang Đức, một tổ
chức dân sự lớn tại Đức, mới đây cho biết tổ chức này đã quyết định sẽ trao giải
nhân quyền 2017 cho luật sư Nguyễn Văn Đài, người đang bị giam giữ tại Việt Nam
vì những hoạt động đấu tranh dân chủ.
Đây là lần đầu tiên một người Việt Nam được nhận giải
thưởng này của Đức. Theo những nhà đấu tranh dân chủ trong nước, giải thưởng
này chứng tỏ quốc tế đã ghi nhận những hoạt động tích cực của luật sư Đài, đồng
thời khích lệ phong trào dân chủ hóa trong nước.
Vào ngày 5 tháng 4, trong đại hội của Liên đoàn Thẩm
phán Đức tại thành phố Weimar, miền Đông nước Đức, luật
sư Nguyễn Văn Đài được trao giải nhân quyền 2017 vì những đóng góp của ông cho
phong trào dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Đây là một giải thưởng có
uy tín tại Đức được trao định kỳ mỗi 3 năm một lần cho những cá nhân ở nhiều nước
trên thế giới bao gồm các thẩm phán, chánh án, và luật sư, những người đang gặp
những khó khăn, bị đàn áp, tù đầy vì các họa động nhân quyền của họ.
Liên đoàn Thẩm phán Đức là một tổ chức dân sự có uy
tín ở Đức. Tổ chức này cũng tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác về tư
pháp giữa Đức và chính phủ Việt Nam.
Một người đấu tranh kiên
cường
Theo luật sư Lê Thị Công Nhân, người đã có nhiều năm
tham gia hoạt động dân chủ với luật sư Nguyễn Văn Đài về quyền của người lao động
ở Việt Nam, giải thưởng dành cho luật sư Nguyễn Văn Đài là ghi nhận xứng đáng với
một người đã đấu tranh kiên cường cho tự do và nhân quyền trong nước:
Tôi nghĩ tôn vinh này dành cho anh Đài
là niềm khích lệ rất là lớn, nêu cao tấm gương kiên cường của một người đấu
tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền của Việt Nam. Mặc dù anh Đài ở lứa
tuổi mà cách đây mười mấy năm thì chúng ta gọi là trẻ nhưng giờ có thể nói là
anh tham gia cả vào cựu trào cũng như phong trào hiện giờ, anh đều góp mặt và
kiên cường trong suốt thời gian vừa qua. Tôi rất vui mừng vì biết được điều đó.
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16
tháng 12 năm 2015 tại Hà Nội với cáo buộc tội ‘tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN
Việt Nam’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự. Trước đó, vào ngày 6
tháng 12 năm 2015, luật sư Nguyễn Văn Đài đã tổ chức một buổi nói chuyện về hiến
pháp và nhân quyền với khoảng 70 người tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ
An. Ngay sau buổi nói chuyện ông đã bị một số người giấu mặt hành hung dẫn đến
thương tích, bị cướp hết đồ đạc và bỏ lại trên đường.
Trả lời đài Á châu Tự do vào ngày 7 tháng 12 năm
2015, sau khi trở về nhà từ Nghệ An, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng ông đã bị
những nhân viên an ninh của tỉnh Nghệ An hành hung. Ông cũng cho biết đây không
phải là lần đầu tiên ông bị tấn công bằng bạo lực và chính quyền hoàn toàn im lặng
trước những trình báo của ông. Nói với đài Á châu Tự do hôm 7 tháng 12 năm
2015, luật sư Đài khẳng định ông sẽ không chùn bước trước những tấn công từ
phía chính quyền:
Chúng tôi không bao giờ từ bỏ cho đến
khi nào tất cả người dân Việt Nam đều được hưởng những quyền con người đã dược
ghi nhận trong các văn bản của quốc tế mà Việt Nam đã thực hiện.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng đã từng bị bắt cùng với
cộng sự của mình là luật sư Lê Thị Công Nhân hồi năm 2007. Ông sau đó bị tòa án
Nhân Dân thành phố Hà Nội tuyên án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế với tội danh
tuyên truyền chống nhà nước.
Can thiệp của quốc tế
Luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn
Đài tại Toà án nhân dân Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2007. AFP photo
Việc bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài của chính quyền
Việt Nam đã bị quốc tế chỉ trích gay gắt. Chính phủ Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan
ngại sau vụ bắt giữ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ lúc đó là ông John Kirby
thúc giục Việt Nam phải đảm bảo các luật và hành xử của chính quyền phải tuân
thủ đúng với những nghĩa vụ và cam kết của chính quyền Việt Nam với quốc tế. Bộ
ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân
lương tâm.
Liên minh châu Âu hôm 18 tháng 12 năm 2015 cũng ra thông
báo phản đối việc bắt giữ này. Thông báo nhận định việc bắt giữ xảy ra ngay trước
cuộc đối thoại thường niên giữa EU và Việt Nam ở Hà Nội, đã đi ngược lại các
nghĩa vụ về nhân quyền của Việt Nam đối với quốc tế, điển hình là Công ước Quốc
tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là một nước tham gia. EU cũng
kêu gọi Việt Nam phải làm một cuộc điều tra đầy đủ về vụ tấn công nhắm vào luật
sư Nguyễn Văn Đài trước đó ở Nghệ An và phải có thông báo ngay lập tức.
Trong buổi điều trần trước quốc hội Mỹ về trường hợp
của luật sư Nguyễn Văn Đài với sự có mặt của bà Vũ Minh Khánh, vợ luật sư Đài
hôm 11 tháng 5 năm 2016, dân biểu Chris
Smith nói:
Tôi cho rằng luật sư Đài là một
người bảo vệ quyền con người một cách can đảm và rất đáng nể phục. Hiện giờ luật
sư Đài bị giam cầm trở lại trong lúc ông ấy không hề làm điều gì sai trái. Ông ấy
là một người yêu nước, yêu dân tộc Việt Nam. Ông ta muốn nhân quyền được công
nhận, được tôn trọng và được phát huy ở Việt Nam, có gì gọi là sai với ước vọng
như vậy?
Vào tháng 10 năm 2016, 74 dân biểu thuộc 14 quốc gia
cùng một số tổ chức nhân quyền và tôn giáo quốc tế đã gửi một bức thư ngỏ tới
chính quyền Việt Nam yêu cầu trả tự do cho luật sư Đài.
Với những hoạt động tích cực của mình về nhân quyền,
vào năm 2007, luật sư Nguyễn Văn Đài đã được nhận giải thưởng Hellman-Hammett của
tổ chức quan sát Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch).
Thúc đẩy dân chủ hóa tại
Việt Nam
Giải thưởng mà Liên đoàn Thẩm phán Đức trao cho luật
sư Nguyễn Văn Đài năm 2017 được những người tham gia đấu tranh cùng luật sư
Nguyễn Văn Đài nhìn nhận là một khuyến khích đối với phong trào dân chủ trong
nước. Cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội, thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ do
luật sư Đài thành lập vào năm 2013 cho biết
Tôi nhận được tin này thì tôi thây rất
tuyệt vời chị, tôi nghĩ rằng là đây là một phần thưởng xứng đáng cho luật sư
Nguyễn Văn Đài cũng như là một hành động rất tích cực để thúc đẩy quá trình dân
chủ hóa Việt Nam trong thời gian tới.
Không những thế, theo cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội, những giải thưởng quốc tế gần đây trao cho những nhà hoạt
động xã hội tại Việt Nam, đã khích lệ những người hoạt động trong nước, gây sức
ép lên chính quyền:
Tôi nghĩ rằng không chỉ nước
Đức mà cả nước Mỹ vừa qua đã có những hành động rất tích cực bằng cách trao các
giải nhân quyền cho những người hoạt động đấu tranh dân chủ trong nước. Đây là
việc làm tôi nghĩ rằng gián tiếp thúc đẩy những người đấu tranh trong nước mạnh
mẽ hơn, quyết đoán hơn, rõ ràng hơn trong công cuộc đấu tranh của mình.
Ngoài ra thì những giải thưởng đó cũng gửi
một thông điệp rất rõ ràng cho chính quyền Việt Nam là đối với các nước thì họ
rất quan tâm đến vấn đề dân chủ nhân quyền ở Việt Nam. Với những giải thưởng
như thế thì về phía chính quyền Việt Nam họ cũng phải có cái nhìn nhận lại cách
hành xử của mình đối với các nhà đấu tranh đòi dân chủ nhân quyền trong nước.
Trước đó vào ngày 29 tháng 3, Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng
trao giải phụ nữ kiên cường cho blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Hiện luật sư Đài đã bị giam giữ hơn 14 tháng. Trong
suốt thời gian này, ông chỉ được gặp vợ của mình một lần cách đây hai tháng.
Theo cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội, tại lần gặp cuối, sức khỏe của luật
sư Đài đã rất yếu. Theo luật tố tụng hình sự ở Việt Nam, hết 16 tháng giam giữ,
cơ quan điều tra phải có kết luận điều tra đối với luật sư Nguyễn Văn Đài. Theo
ông Phạm Văn Trội, Hội Anh Em Dân Chủ sẽ tiếp tục các hoạt động đòi trả tự do
cho luật sư Đài như gửi thư tới các tổ chức quốc tế và đại sứ quán các nước
phương Tây ở Việt Nam trong thời gian tới.