„…cân nhắc nền tảng pháp lý tương đồng, năng lực quản lý tương
đương, có đầy đủ lý do (theo công pháp quốc tế) để cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa là hai thực thể nhà
nước hoàn toàn độc lập.
Vậy nên, hành vi dùng vũ lực quân sự để tước đoạt chính quyền, lãnh
thổ của một quốc gia khác, theo định nghĩa của Điều 1, Nghị quyết 3314 năm 1974
của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, là hành vi xâm lược theo công pháp quốc tế.“
30/4 – Xâm lược hay Giải phóng: Từ góc nhìn công pháp quốc tế
Có
đủ căn cứ và cơ sở để cho rằng tồn tại hai quốc gia tách biệt trên lãnh thổ Việt
Nam từ năm 1955 cho đến năm 1975.
Bộ
đội Bắc Việt chiếm lĩnh Sài Gòn, ngày 30/4/1975. Ảnh:
Herve GLOAGUEN/GettyImages
.
Đây là một bài
viết mà người đọc cần đi đến cuối bài.
Một cách khách
quan, để nhận định một cuộc chiến diễn ra dưới cơ chế là một cuộc xung đột nội
địa hay quốc tế, trước tiên phải xác định được danh nghĩa pháp lý của các bên
tham gia, mà cụ thể hơn, họ có được xem là quốc gia (“state”) theo quy định của
pháp luật quốc tế hay không?
Sự công nhận của cộng đồng quốc tế không quan trọng?
Pháp
luật quốc tế vẫn chưa có một định nghĩa hay tiêu chuẩn chính thức để xác định
danh tính quốc gia. Cho đến
nay, quốc gia, các tổ chức và các học giả quốc tế đều dựa vào 4 tiêu chuẩn từ Điều
ước Montevideo về Quyền và trách nhiệm của Quốc gia, ký kết vào năm 1933.
Đây vốn chỉ là một
điều ước khu vực giữa các quốc gia thuộc Châu Mỹ lục địa. Tuy nhiên, theo cân
nhắc của nhiều học giả, các tổ chức học thuật có thẩm quyền (như International
Law Association hay International Law Commission) và thực
hành của nhiều quốc gia khác nhau; bốn tiêu chuẩn này thật sự chỉ pháp điển hoá
tập quán pháp quốc tế. Vì vậy, chúng được xem là căn cứ hợp pháp để xác định tư
cách quốc gia.
Bốn tiêu chuẩn được ghi nhận gồm:
(1) Lãnh thổ xác định,
(2) Dân
cư xác định (cả hai tiêu chuẩn này không cần thiết phải tuân thủ theo một số
lượng cụ thể),
(3) Chính phủ có năng lực
kiểm soát hiệu quả và
(4) Năng lực
tham gia vào điều ước với quốc gia khác.
Có ba điểm cần
chú ý trong bộ tiêu chuẩn nói trên.
Một là, khái niệm dân cư không đồng nghĩa với việc nó phải
thuộc một nhóm dân tộc, màu da hay tôn giáo nhất định. Theo đó, một quốc gia
không nhất thiết chỉ có dân cư thuộc một nhóm dân tộc, màu da hay tôn giáo. Ngược
lại, không nhất thiết hai nhóm dân cư cùng thuộc một dân tộc, màu da hay tôn
giáo thì phải cùng một quốc gia với nhau.
Hai là, dù chính phủ có năng lực kiểm soát hiệu quả có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành quốc gia, điều này không nên được
hiểu đồng nghĩa với việc chính phủ, chính quyền đương thời tương đồng với sự tồn
tại của chính quốc gia đó. Ta có thể hiểu rõ hơn vấn đề này thông qua vài ví dụ
như Somalia, Palestine, và Đài Loan.
Somalia tính cho
đến nay, có thể đã được xem là “failed state” – “một quốc gia thất bại”, nơi mà
chính quyền trung ương biến mất (hoặc không đủ năng lực kiểm soát quốc gia) và
được thay thế bởi chủ nghĩa bộ tộc và lãnh chúa địa phương. Tuy nhiên, điều này
không có nghĩa là quốc gia Somalia không còn tồn tại và ai cũng có thể xâm chiếm
vùng lãnh thổ nói trên.
Tương tự, có thể
nói rằng Palestine vẫn chưa có được một chính phủ hiệu quả thống nhất lãnh đạo.
Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) được xem là một đại diện lý tưởng cho
Palestine, nhưng tranh chấp bạo lực giữa các phe phái như Hamas hay Fatah vẫn
còn đó. Mặc dù vậy, việc không có một chính phủ hiệu quả đại diện cho nhóm dân
cư này cũng không đồng nghĩa với việc quốc gia Palestine không tồn tại.
Đài Loan, xét mọi
mặt, ở một mức độ mạnh mẽ và rõ ràng hơn, có thể xem là một quốc gia độc lập –
đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Montevideo. Tuy nhiên, Đài Loan cũng đang đẩy
mình vào thế khó theo mặt pháp lý, tương đương với miền Nam Việt Nam mà
bài viết sẽ phân tích ở phần sau.
Ba là, dù yêu cầu thứ tư có nhắc đến việc tham gia vào điều
ước quốc tế với quốc gia khác, điều này không đồng nghĩa với việc chính phủ đó
phải được cộng đồng quốc tế công nhận. Yêu cầu này nhằm nói đến quyền hạn và
năng lực thực thi điều ước nếu được ký kết, không phải nhằm ám chỉ rằng quốc
gia đó phải được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Hiển nhiên, điều này cũng chỉ
mang tính tương đối.
Nhiều học giả đã
và đang cân nhắc sức nặng của yếu tố cộng đồng quốc tế, hay cụ thể nhất là việc
được tiếp nhận trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc (United Nations – UN).
Trên thực tế, được UN hay các cường quốc công nhận là một bước đệm quan trọng,
nhưng sự đồng thuận chung của cộng đồng học thuật thế giới và các tổ chức học
thuật có thẩm quyền thì đây không phải, và không nên là một yêu cầu bắt
buộc.
Một dân tộc – hai quốc gia? Khả dĩ.
Với những thông
tin như trên, chúng ta có thể tập hợp lại và tạo nên một bức tranh chung về
“statehood” của hai miền Nam Bắc Việt Nam.
Vĩ
tuyến 17 chia cắt Việt Nam làm hai miền. Ảnh: BBC.
Trước tiên, có đủ căn cứ và cơ sở để cho
rằng tồn tại hai quốc gia tách biệt trên lãnh thổ Việt Nam từ năm 1955 cho đến
năm 1975.
Cả hai quốc gia đều có lãnh thổ và dân cư xác định,
có chính phủ có năng lực kiểm soát hiệu quả; đều từng tham gia vào các hiệp ước,
hiệp định quốc tế.
Vì vậy, dù chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và
các đồng minh có tuyên bố chính phủ Việt Nam Cộng hòa là ngụy quân, ngụy quyền,
bù nhìn của Mỹ; hay ngược lại, dù chính quyền Việt Nam Cộng hòa có lên án chính
quyền miền Bắc là quân cờ của Cộng sản, quên lịch sử cha ông… thì cũng không làm
thay đổi danh tính pháp lý của họ theo quy chuẩn pháp luật quốc tế.
Tuy nhiên, cách nhìn nhận này cũng không hẳn là hoàn
toàn không có kẽ hở.
Đầu tiên, cả hai quốc gia đều cho rằng mình là đại
diện hợp pháp cho toàn Việt Nam; tương tự như vấn đề “Một Trung Hoa ”
(One China) giữa Đài Loan và Trung cộng hiện tại. Điều này cũng đồng nghĩa với
việc tranh chấp hai miền mang dáng dấp của một cuộc nội chiến hơn là tranh chấp
liên quốc gia. Tuy nhiên, theo người viết, điều này không làm mất đi bản chất
nhà nước của hai quốc gia theo tiêu chuẩn của Montevideo.
Thứ hai, phải tính đến luận điểm cho rằng Ngô Đình
Diệm, chính quyền Bảo Đại và Hoa Kỳ đã không tôn trọng Hiệp định Geneva và
không tuân thủ việc thi hành cuộc tổng tuyển cử 1956 như dự định.
Nhưng nếu cho rằng Hiệp định Geneva giải quyết được
vấn đề Việt Nam thì cũng không tôn trọng quyền dân tộc tự quyết
(self-determination) của một bộ phận người dân Việt Nam, quy định tại Khoản 2,
Điều 1, Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt, bối cảnh pháp lý của hai chính
quyền tồn tại song song ở thời điểm này tương đối phức tạp.
Tính chính danh của chính phủ VNDCCH chủ
yếu dựa vào cuộc tổng tuyển cử năm 1946. Tính chính danh này
càng được tăng cường hơn sau khi vua Bảo Đại chính thức thoái vị và trao lại ấn
tín, quốc bảo của hoàng triều Nguyễn cho đại diện chính Phủ VNDCCH Trần Huy Liệu
ngày 25/8/1945.
Tuy nhiên, với Hiệp định Sơ bộ Pháp-Việt ngày
6/3/1946, được ký kết giữa ông Jean Sainteny, đại diện chính phủ Cộng hòa Pháp,
và ông Hồ Chí Minh cùng ông Vũ Hồng Khanh, đại diện chính phủ VNDCCH; VNDCCH chỉ
còn lại phía Bắc Việt Nam (và vẫn thuộc khối Liên hiệp Pháp), miền Nam Việt Nam
vẫn thuộc nhà nước Cộng Hòa Pháp với lời hứa hẹn cho một cuộc trưng cầu dân ý –
thống nhất với VNDCCH trong tương lai. Ngày 1 tháng 6 năm
1946, người Pháp thành lập Nam Kỳ Quốc đặt thủ phủ tại Sài Gòn.
Trong giai đoạn từ 1946 đến 1949, sự cứng đầu của cựu vương tân Quốc trưởng Bảo Đại đối với
các đại biểu Pháp cũng đã giúp Quốc Gia Việt Nam thành lập với cơ sở của Hiệp ước
Elysée (8/3/1949). Trải qua nhiều biến cố với cuộc “đảo chính bằng phiếu”
của ông Ngô Đình Diệm, chính quyền Quốc gia Việt Nam cũng có nền tảng pháp lý
khá tương đồng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Vì vậy, việc Cộng hòa Pháp tự tiếp tục cho mình toàn
quyền sắp đặt ngày tổng tuyển cử với Hiệp định Geneva là
can dự vào nội bộ Việt Nam, một việc làm không thỏa đáng, đặc biệt khi hai bên duy nhất chấp nhận ký kết hiệp định chỉ có chính phủ
kháng chiến của VNDCCH và nhà nước Cộng hòa Pháp, còn chính phủ Bảo Đại và Hoa Kỳ
đều phản đối Hiệp định.
***
Với tất cả các thông tin nói trên, cân nhắc nền tảng
pháp lý tương đồng, năng lực quản lý tương đương, có đầy đủ lý do (theo công pháp quốc tế) để
cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa là hai thực thể nhà nước
hoàn toàn độc lập.
Vậy nên, hành vi dùng vũ lực quân sự để tước đoạt
chính quyền, lãnh thổ của một quốc gia khác, theo định nghĩa của Điều 1, Nghị
quyết 3314 năm 1974 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, là hành vi xâm lược theo
công pháp quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
Toàn văn Hiến
chương Liên Hiệp Quốc
Toàn văn Nghị
quyết 3314 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc
Thomas D. Grant; Defining
Statehood: The Montevideo Convention and its Discontents (Columbia
Journal of Transnational Law, 1999)
James Crawford; The Creation of State of Palestine: Too much too soon? (EJIL, 1990)
James Crawford; The Creation of State of Palestine: Too much too soon? (EJIL, 1990)
Luatkhoa.org