„Tiếc rằng sự cấp bách trong các diễn biến trên sân khấu chính trị
Việt Nam đang lệch pha với sự quan tâm của chính phủ Mỹ."
Chuyến đi thất bại của ông Phúc
Bùi Quang Vơm
Quan sát những gì đang diễn ra, có thể rút ra một nhận
xét rằng, kế hoạch chuyến đi sang Mỹ của ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt
Nam được công bố từ 29-31/05, cố làm như một chuyến thăm viếng quan trọng có nội
dung phong phú cần tới 3 ngày, thực chất chỉ xảy ra trong phạm vi ngày
31/05/2017.
Mỹ chỉ tiếp chuyện thủ tướng Việt Nam trong không
hơn một nửa ngày, và theo tập quán ngoại giao của Mỹ, ông Phúc chỉ được chính
thức là khách mời của chính phủ Mỹ trong ngày 31/05.
Nội dung chính của chuyến đi chỉ có hai việc là cuộc
gặp nói chuyện với tổng thống Donal Trump có thể chỉ kéo dài một tiếng đồng hồ,
và sau đó là vài cuộc gặp với các nghị sĩ, một buổi nói chuyện tượng trưng tại
Quỹ Di sản.
Báo chí cả của chính phủ Việt Nam lẫn của quốc tế,
có vẻ tránh không đề cập nội dung chi tiết, có lẽ do sự nghèo nàn và nhạt nhẽo
của nội dung mà chính phủ Việt Nam đã lỡ cố gắng thổi phồng ngay từ đầu.
Ông Phúc đã phải đáp xuống một góc của sân bay quốc
tế John F. Kennedy, New York ngày 29/05/2017 là chương trình nội bộ Việt Nam,
do người Việt Nam tự tổ chức với nhau. Người đón ông Phúc tại sân bay chỉ gồm
các quan chức của chế độ làm việc tại Mỹ, trong những người này, cao cấp nhất
là đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm quang Vinh và bà Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc Nguyễn
Phương Nga.
Như vậy, chuyến viếng thăm này được hình thành không
do nhu cầu từ phía Mỹ. Thực chất người ta cũng thấy ưu tiên quan tâm của tổng
thống Trump chưa phải là quan hệ kinh tế với Việt Nam, và Biển Đông chưa phải
là lúc được đặt lên bàn cân, mặc dù cả hai nội dung này không phải là nằm ngoài
chiến lược của Mỹ.
Mỹ đã chấp nhận mời ông Phúc, trong chuyến
thăm vội vã của phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh ngày
21/04/2017, có lẽ chỉ vì không đành lòng làm Việt Nam thất vọng.
Đấy là chưa kể tới một thông tin đặc biệt có thể được
ông Phạm Bình Minh tiết lộ với bộ trưởng ngoại giao Mỹ, ông Tillerson, về tình
huống có thể bị đảo lộn theo hướng xấu trong nội tình đảng cộng sản Việt Nam, nếu
ông Phúc không được hỗ trợ kịp thời.
Ngay từ những ngày đầu sau khi trúng cử tổng thống Mỹ,
ông Trump đã không giấu diếm thái độ dứt khoát với thủ
đoạn lợi dụng Mỹ bằng chính sách đi dây giữa Mỹ và Trung cộng của lãnh đạo cộng
sản Việt Nam. Ông đã từng nói sẽ không có TPP và FTA nào cả, nếu nhà cầm
quyền cộng sản vẫn tiếp tục vừa kêu gọi Mỹ giúp đỡ, vừa “phục tùng, vâng lời Trung
cộng như một sứ giả chư hầu thời phong kiến”.
Ông Phúc biết rất rõ điều đó và sức ép tạo ra tăng
trưởng, hoặc ít nhất duy trì ổn định kinh tế, có ý nghĩa sống còn với cuộc đời
chính trị của ông, đã buộc ông phải tìm cách có được hậu thuẫn từ Mỹ.
Tăng trưởng gắn với thực chất kết cấu thị trường
đích thực của nền kinh tế, tuân thủ nghiêm khắc các quy luật của thị trường, nền
kinh tế phải được giải thoát khỏi mọi loại ý chí chủ quan của ý thức hệ tư tưởng.
Ông Phúc nhìn thấy TPP, cũng như nhìn thấy trong kết cấu của xã hội Mỹ có những
chỗ dựa và những động lực cần thiết cho những cải cách thể chế mà ông cùng với
chính phủ của ông đang phải mạo hiểm cả sự nghiệp.
Ông Phúc cũng không thể không biết rằng, nhân quyền
sẽ có một trọng lượng rất lớn đối với kết quả các thương lượng, nhưng một thế lực
nào đó đã cố gắng phá hoại, ngay tận sát nút ngày đi, và chính phủ đã bất lực.
Chính vì vậy mà bộ trưởng Công an Tô Lâm được cơ cấu như nhân vật thứ ba trong
đoàn, chỉ sau ông Phạm Bình Minh.
Tiếc rằng sự cấp bách trong các diễn biến
trên sân khấu chính trị Việt Nam đang lệch pha với sự quan tâm của chính phủ Mỹ.
Mặc dù vậy, dù kết quả của chuyến đi sẽ không có gì
đáng kể nếu tính tới các con số, thậm chí có thể bị coi là một thất bại, nhưng
ông Phúc chắc chắn nhận được thông điệp từ phía những người bạn Mỹ, và cũng sẽ
chắc chắn rằng, tổng thống Trump cũng như các chính trị
gia Mỹ có thể đã hình dung được bàn cờ chính trị Việt Nam đang đứng trước những
triển vọng và những thử thách gì.
Nếu TPP không bị huỷ bỏ, hoặc nếu một hiệp định FTA
song phương, dù không đem lại ưu đãi gì đặc biệt cho Việt Nam, việc cải cách thể
chế phù hợp với hiệp định sẽ là căn cứ để những nhà cải cách cấp tiến trong hệ
thống chính trị Việt Nam mượn gió bẻ măng.
Nhưng có hai điều kiện để
Quốc hội Mỹ và tổng thống Trump chấp nhận, một là Việt Nam phải từ bỏ chính
sách đi dây lợi dụng giữa các dòng chảy không cùng hướng, hai là tuân thủ nhân
quyền phổ cập.
Cả hai điều kiện này, ông Phúc đều không
có gì mang theo đến Mỹ, vì vậy mà ông sẽ chẳng đem được gì về, mặc
dù suy cho cùng, thì có thể ông cũng chẳng thất bại.
30/05/2017
Bùi
Quang Vơm