Đoản Văn Của Một Người Tử Trận
Trần
Mộng Tú.
Tràng
AKa – 47
Khu oanh kích tự do
Bây giờ lần thứ mấy
Anh lỡ cuộc hẹn hò(*)
Khu oanh kích tự do
Bây giờ lần thứ mấy
Anh lỡ cuộc hẹn hò(*)
Em thân yêu,
Hôm 20 tháng 2 vừa qua, nước Nga đã chào mừng sinh nhật
thứ 50 của khẩu AK-47. Khẩu AK là một trong những võ khí chiến tranh nước Nga
viện trợ cho miền Bắc Việt Nam, cũng như khẩu M-16 của nước Mỹ viện trợ cho miền
Nam Việt Nam.
Khẩu AK-47 là một vũ khí cá nhân tuyệt vời. Nó tuyệt
vời ở chỗ không bao giờ hóc đạn, chỉ cần lắp băng đạn cùng cỡ, sản xuất ở bất cứ
nơi nào trên thế giới, xử dụng vẫn dễ dàng. Dù có đánh rơi nó xuống nước, ngâm
trong bùn rồi lôi ra, lắp đạn vào, nó vẫn bắn chính xác. Và hay hơn nữa tuy là
vũ khí cá nhân, nó có thể xử dụng như một khẩu liên thanh, nghĩa là nó bắn ra từng tràng
đạn ngọt ngào không gián đoạn.
Khẩu AK-47 được 50 tuổi, anh tử trận 28 năm, hơn nửa
số tuổi khẩu súng. Anh tử trận ở Kiên Giang (xã Vĩnh Thanh Vân, tiểu khu Rạch
Giá) trong một cuộc hành quân, đánh xáp lá cà, có M-16 của Mỹ và AK-47 của Nga.
Trận đánh kéo dài trên hai tuần, và lúc đó anh không biết có bao nhiêu người tử
trận bằng AK-47 và M-16 cùng với anh.
Năm 1947, ông Mikhail Kalahsnikow vẽ kiểu khẩu súng
mà ngày nay được cả thế giới ưa chuộng, khi đó chỉ là một thượng sĩ khiêm nhường
mới 27 tuổi (năm nay là một cụ già 77 tuổi), chắc ông đâu có thể biết được, một
ngày nào đó , tràng AK-47 đã xuyên qua ngực của một chàng thanh niên cũng 27 tuổi,
mới cưới vợ được ba tháng, ở một nước cách xa nước Nga đến bao nhiêu ngàn dậm.
Ông hồn nhiên lãnh những lời khen ngợi trong ngày đánh dấu nửa thế kỷ dành cho
cái mà ông gọi là: “Món quà tổ quốc của
tôi”, cũng như những người lính Bắc Việt hồn nhiên bắn những tràng AK trong
cuộc chiến “Chống Mỹ cứu nước.”
Em còn nhớ không, trận đánh vào tháng 7 năm 1969 đó,
sau hai tuần, nhà xác của bệnh viện tiểu khu không đủ chỗ cất xác. Xác của sĩ
quan được đem vào trong, xác lính thì nằm dọc, nằm ngang ở lối đi, xếp cả ra
sân, sát ra tận chân tường, bên dưới chân tường là dòng sông Kiên Giang, con nước
trôi pha bùn đặc quánh. Xác lính được đắp vội vàng bằng những chiếc phoncho,
lòi ra một phần ống chân với đôi dầy saut dính bùn và máu đã khô từng
mảng.
Nhà
xác Kiên Giang nằm cạnh bờ sông
Con nước đục lờ đờ pha sắc máu.
Con nước đục lờ đờ pha sắc máu.
(Thơ-tmt)
Anh nằm ở trong, thấy mẹ và em dắt nhau, cố tránh bước
qua những người lính của anh, len lỏi vào bên trong tìm anh. Mà em có nhìn được
anh đâu, mùi tử khí và nỗi xúc động đã làm em ngất đi khi vừa vào đến cửa nhà
xác. Anh biết, sau này em cứ hỏi đi hỏi lại mẹ là: “Có đúng anh ấy không, anh ấy đã chết thật hả mẹ?”
Anh đã chết thật rồi em ạ, em phải tập tin điều đó.
Chiến tranh có thật, và sự mất mát ngoài sức chịu đựng, ảnh hưởng đến đời sống
của em sau này là có thật.
Anh đã chết cùng với nhiều người bạn đồng đội, và
anh cũng biết rằng trong cánh rừng thuộc xã Vĩnh Thanh Vân đó, nơi đã diễn ra
cuộc chiến đó, những xác người lính Bắc Việt cũng nằm gối lên nhau, cùng chia
nhau những mảnh đạn bắn ra từ khẩu M-16. Người Việt Nam chết bằng cả hai thứ vũ
khí được viện trợ của Nga và Mỹ.
Ông Kalashmikov nói rằng: “Ông muốn võ khí của ông ở trong tay một quân đội có trách nhiệm.”
Ông bác bỏ những cáo buộc cho rằng ông có trách nhiệm về cái chết của bao nhiêu
người trên khắp thế giới với sự sáng chế của ông. (Reuter)
Là một người lính, anh hiểu. Một quân đội có trách
nhiệm, là một quân đội gửi lính ra ngoài mặt trận để giữ gìn đất đai. Người
lính miền Nam đã đi làm nhiệm vụ đó, và người lính miền Bắc cũng được gửi ra dưới
cái tựa đề chống Mỹ, đuổi Mỹ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Và cuộc nội chiến đó
kéo dài hơn hai mươi năm. Các viên chức Nga cho hay, đã có khoản 70 triệu khẩu
Kalashmikov đủ loại được sáng chế từ năm 1947 và được dùng làm vũ khí cá nhân
chính cho quân đội của 55 quốc gia trên thế giới, và khẩu AK-47 sẽ tiếp tục đứng
hàng đầu cho ít nhất đến năm 2025 (Reuter)
Bây giờ anh đã chết, ở thế giới xa xăm này, anh có
thể nói cho em con số chính xác, có bao nhiêu khẩu AK được đem vào Việt Nam và
có bao nhiêu người lính Việt Nam chết dưới tràng Ak-47. Nhưng thôi, em chẳng
nên biết làm gì những con số nghiệt ngã đó!
Năm 2025, lúc đó tuổi của em còn nhiều hơn tuổi của
Kalashmikov bây giờ. Anh mong ước em có một bài thơ viết xuống vào kỷ niệm sinh
nhật thứ 50 của mình, (như ông Kalashmikov kỷ niệm tuổi 50 của khẩu AK-47) bài
thơ không bắn ra một viên đạn nhỏ nào, không nhân danh một cuộc chiến nào, và
cũng có thể nó có một cái tựa được viết bằng chữ số như AK-47. Em có thể đặt
tựa cho bài thơ như TY-05 (Thương Yêu 2005 ) hay HB-25 (
Hòa-Bình 2025) hoặc TN-25 (Tình Người 2025). Em sẽ không phải bác bỏ
những lời buộc tội vào tác phẩm của em, vì những bài thơ đó không tung ra những
mảnh nhọn, bắn tan lồng ngực của một ai.
Em thân yêu, mặc dù khẩu AK-47 còn được trọng vọng đến
năm 2025, nhưng xin em an lòng, nó không thể nào đến gần anh và làm cho anh chết
thêm một lần nữa. Những cái vỏ đầu đạn bỏ sót lại trên mặt trận thì giờ đây
đang được thâu lượm, rửa đi những vết máu còn bám trên đó, tái chế thành những
vật dụng hàng ngày cho người dân Việt sống sót sau cuộc chiến xử dụng.
Em hãy sống bình an, thôi lo sợ và đừng hay khóc như
ngày chúng ta mới yêu nhau. Chiến tranh đã thực sự tàn lụi như em hằng mong ước,
chỉ có đau đớn một điều là chúng ta vĩnh viễn mất nhau.
Trần
Mộng Tú
(Tháng
3/1997, kỷ niệm 50 năm sinh nhật của khẩu AK-47)
(*)
Thơ Khuyết Danh