08.05.2017

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 08.05.2017)

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng
(ngày 08.05.2017)

Biển Đông : Thẩm phán Phi Luật Tân ra sách điện tử vạch rõ đòi hỏi phi lý của Trung cộng
Một thuyền của ngư dân Phi Luật Tân tại vùng biển quanh bãi cạn Scarborough, nơi có tranh chấp với Trung cộng. Ảnh chụp ngày 16/06/2016.AFP

Một thẩm phán của Tòa Án Tối Cao Phi Luật Tân công bố ngày 04/05/2017 một cuốn sách đặt nghi vấn về những đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung cộng trên hầu hết vùng Biển Đông. Cuốn sách được đăng trên internet để tránh kiểm duyệt của Trung cộng và giúp người dân nước này truy cập được.


Trong cuốn sách mang tựa đề « Tranh chấp tại Biển Đông : Quyền chủ quyền của Phi Luật Tân và quyền tài phán tại Biển Tây Phi Luật Tân » (The South China Sea Dispute : Philippine Sovereign Rights and Jurisdiction in the West Philippine Sea), thẩm phán Carpio sử dụng các bản đồ cổ, hình ảnh, các trích đoạn phán quyết của Tòa Trọng Tài, các tuyên bố và nhiều tài liệu của chính phủ Trung cộng để phản đối giá trị pháp lý các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh.

Hãng tin AP cho biết tác phẩm được phát hành dưới dạng sách điện tử và được tải miễn phí bằng tiếng Anh. Các phiên bản bằng tiếng Hoa, tiếng Việt, Bahasa, Nhật Bản và Tây Ban Nha sắp được hoàn thiện nhằm giúp công luận hiểu rõ hơn cơ sở lập trường của Phi Luật Tân trong việc phản đối những yêu sách chủ quyền của Trung cộng.

Trong buổi ra mắt cuốn sách tại Manila, thẩm phán Carpio nhận xét : « Quyển sách này, nếu được in giấy, sẽ không bao giờ được phát hành tại Trung Hoa lục địa. Nó sẽ bị cấm. Cách tốt nhất là làm dưới dạng sách điện tử để có thể đưa cuốn sách đến người dân Trung Hoa thông qua internet ».
Ông nói tiếp : « Tôi tin rằng, như các dân tộc khác trên thế giới, về bản tính, người Trung Hoa là người tốt, nhưng chính phủ của họ nghĩ rằng họ sở hữu Biển Đông từ 2.000 năm nay. Điều này hoàn toàn sai và thế giới sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó ».

Ông Carpio cho rằng công luận, kể cả công luận tại Trung Hoa lục địa, có thể giúp gây sức ép đối với Bắc Kinh trong việc tuân thủ phán quyết hồi tháng 07/2016, theo đó Tòa Trọng Tài La Haye bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung cộng trên hơn 80% diện tích Biển Đông. Thẩm phán Carpio là người tham gia chuẩn bị đơn kiện của Phi Luật Tân lên Tòa Án La Haye.
Tòa đại sứ Trung cộng tại Phi Luật Tân chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Trong tác phẩm, thẩm phán Carpio cũng cảnh báo Trung cộng đang tính xây thêm nhiều tiền đồn trên đảo Luconia, ngoài khơi Malaysia và bãi cạn Scarborough, phía tây bắc Phi Luật Tân.

Nghiên cứu của ông Carpio về tranh chấp tại Biển Đông không nằm trong khuôn khổ công việc của ông tại Tòa Án Tối Cao Phi Luật Tân.




Phi Luật Tân nghiên cứu tập trận chung với Trung cộng để giảm lệ thuộc Mỹ

Phi Luật Tân và Trung cộng có thể sẽ phải ký kết một hiệp định quân sự. Hội nghị nội các sắp tới sẽ thảo luận về vấn đề này. Động thái này cho thấy Phi Luật Tân tiếp tục tăng cường cải thiện quan hệ với Trung cộng.

Ngày 1/5/2017, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte lên thăm tàu chiến hải quân Trung cộng. Ảnh: AP/Philippine Star

Tờ The Philippine Star ngày 5/5 có bài viết cho hay Ủy ban an ninh quốc gia Phi Luật Tân đang tiến hành nghiên cứu đề nghị của Tổng thống Rodrigo Duterte về tập trận chung giữa Phi Luật Tân và Trung cộng.

Ủy ban này cho rằng, để thực hiện nội dung này thì hai bên cần phải ký kết hiệp ước hoặc đạt được văn kiện như Hiệp định thăm viếng quân sự giữa Phi Luật Tân và Mỹ.

Ông H. Esperon, Cố vấn an ninh quốc gia Phi Luật Tân ngày 4/5 cho biết: “Tổ chức tập trận chung cần có Hiệp định thăm viếng quân sự hoặc hiệp ước, tiến hành xác định khu vực diễn tập”.

Theo H. Esperon, sau khi 3 tàu chiến Trung cộng kết thúc chuyến thăm Phi Luật Tân, các quan chức nội các khác bắt đầu nghiên cứu đề nghị này của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Hôm nay, 8/5, Hội nghị nội các Phi Luật Tân sẽ tiến hành thảo luận đối với vấn đề này. Các cơ quan liên quan như Bộ Quốc phòng sẽ tham gia thảo luận.

Ông H. Esperon cũng cho biết mặc dù Trung cộng phản đối thì Phi Luật Tân vẫn sẽ sửa chữa đường băng sân bay và các công trình khác trên đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng đang bị Phi Luật Tân chiếm đóng trái phép).

Tờ Jane’s Defence Weekly (Anh) ngày 3/5 cho hay, trong thời điểm Manila tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, mặc dù hai bên vẫn tồn tại bất đồng trong các vấn đề liên quan ở Biển Đông, nhưng Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte cho biết ông giữ thái độ lạc quan đối với việc quân đội Phi Luật Tân và quân đội Trung cộng tổ chức tập trận chung.

Tân Hoa xã cho biết, sau khi lên tham quan một chiếc tàu chiến Trung cộng ở thành phố Davao, vị Tổng thống này nói: “Tôi đồng ý (với ý tưởng này). Các anh (Trung cộng) có thể tổ chức tập trận chung ở đảo Mindanao, cũng có thể ở biển Sulu”.

Trong thời điểm quan hệ hai nước có dấu hiệu ấm lên, tàu chiến Trung cộng đã tiến hành chuyến thăm hữu nghị Phi Luật Tân. Sau đó, quân đội Mỹ sẽ cùng lực lượng vũ trang Phi Luật Tân tiến hành một cuộc tập trận chung, nhưng quy mô đã giảm đi.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã tiến hành điện đàm, nhưng quyết định cho phép quân đội Phi Luật Tân và quân đội Trung cộng tiến hành tập trận chung của nhà lãnh đạo Phi Luật Tân này tiếp tục cho thấy ông quyết tâm cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.

Khác với cựu Tổng thống Benigno Aquino, ông Rodrigo Duterte coi Trung cộng là đối tác hợp tác tiềm năng về kinh tế và an ninh, coi Mỹ là đồng minh mà người Phi Luật Tân quá lệ thuộc.

Trang Học giả ngoại giao của Mỹ ngày 5/5 bình luận, từ khi ông Rodrigo Duterte lên cầm quyền đến nay, Trung cộng và Phi Luật Tân đã áp dụng một loạt biện pháp để cải thiện quan hệ song phương, chuyến thăm Phi Luật Tân vừa qua của các tàu chiến Trung cộng là một hành động mới nhất.

Ngày 1/5/2017, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte lên thăm tàu chiến hải quân Trung cộng. Ảnh: Rappler

Một số viên chức Phi Luật Tân tìm cách “làm mờ” đi chuyến thăm lần này, cho rằng đó chỉ là một hoạt động neo đậu ở cảng biển, nhấn mạnh các nước khác trong đó có Mỹ và Nhật Bản cũng có thể làm như vậy.

Cách nói này đã che đậy tầm quan trọng của giao lưu lần này giữa Trung cộng và Phi Luật Tân trong bối cảnh ông Rodrigo Duterte đang không ngừng hòa giải với Trung cộng.

Trong một năm qua, dư luận đã chú ý đến ông Rodrigo Duterte luôn tìm cách lấy lòng Trung cộng. Đây là một phần trong “chính sách ngoại giao độc lập” do đội ngũ chính sách của ông đưa ra.

Điều này hầu như có nghĩa là giảm một cách tương đối sự lệ thuộc vào đồng minh lâu dài Mỹ và thực hiện ngoại giao đa dạng hóa với các đối tác phi truyền thống khác.

Trung cộng và Phi Luật Tân thừa nhận từ khi ông Rodrigo Duterte sang thăm Trung cộng vào tháng 10/2016 đến nay, quan hệ hai nước đã đạt được một số tiến triển.

Trong quá trình này, ông Rodrigo Duterte liên tục cho biết, ông coi trọng cải thiện quan hệ với Trung cộng, đồng thời công khai coi nhẹ các thách thức của hai bên. Trước khi ông lên thăm tàu chiến Trung cộng, trong Tuyên bố Chủ tịch của Phi Luật Tân sau Hội nghị Cấp cao ASEAN hầu như đã hủy bỏ tất cả những từ ngữ mang tính phê phán đối với Trung cộng.

Chuyến thăm của tàu chiến Trung cộng là một bước đi mới nhất, quan hệ thân thiết mới giữa hai bên được xác nhận một cách toàn diện.

Từ ngày 18 – 21/10/2016, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte tiến hành chuyến thăm “lịch sử” đến Trung cộng. Ảnh: ABS-CBN News

Tuy nhiên, mặc dù đã thể hiện tình hữu nghị thân thiết, đối với những người theo dõi chặt chẽ tiến triển của quan hệ Trung cộng – Phi Luật Tân, hiện vẫn khó có thể bàn đến sự tin cậy lẫn nhau, đặc biệt là khi Trung cộng hầu như không có bất cứ dấu hiệu nhượng bộ nào trong vấn đề Biển Đông.



Anh, Pháp, Nhật, Mỹ diễn tập hải quân Biển Đông
Tàu đổ bộ của Pháp đã tới căn cứ hải quân của Nhật ở Sasebo, Nagasaki, để chuẩn bị cho cuộc tập trận chung với Mỹ, Anh và Nhật ngoài khơi đảo Guam.

Hạm đội tàu Pháp đã tới Nhật Bản để chuẩn bị cho cuộc diễn tập quân sự chung với Anh, Hoa Kỳ và nước chủ nhà trên biển Đông.
Hạm đội của Pháp cập cảng căn cứ hải quân Sasebo ở Nagasaki hôm 29/4 để chuẩn bị cho việc tham gia huấn luyện quân sự trong tháng này, một động thái có phần chắc sẽ làm Trung cộng tức giận.
Theo Chinatopix.com, đây là một thông điệp mà Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp, Nhật muốn gửi tới Trung cộng. Một bài viết trên trang mạng thông tin của Trung cộng viết:
“Nhật và Mỹ đang lo ngại về các nỗ lực của Trung cộng tiến hành hành động đơn phương khống chế biển Đông, và Pháp, hiện đang nắm giữ 1 số hòn đảo ở Thái Bình Dương bao gồm New Caledonia và French Polynesia, cùng chia sẻ mối lo này.”
Trung cộng coi tuyến hải lộ trên biển Đông như ao nhà, theo Wall Street Journal, và đang cho xây nhiều đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp. không công nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ở La Haye hồi tháng 7 năm ngoái, trong đó phủ quyết tuyên bố đường lưỡi bò 9 đoạn bao trọn gần hết biển Đông của nước này. Phi Luật Tân là nước thắng trong phán quyết này nhưng tổng thống Rodrigo Duterte lại đang kết thân với Trung cộng và xa rời đồng minh Mỹ kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 6 năm ngoái.
Theo ghi nhận của Reuters, cuộc thao dượt chung của 4 cường quốc sẽ diễn ra gần đảo Guam trong đó hải quân tập dược đổ bộ lên đảo quanh khu vực cách thủ đô Tokyo của Nhật khoàng 2.500km.
Các cuộc thao dượt, với sự tham gia của 700 binh lính, đã được lên kế hoạch trước khi Bắc Hàn tiến hành phóng thử phi đạn đạn đạo hôm 29/4.
Tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 3 với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Pháp Francois Hollande xác nhận sẽ cử tàu tuần dương Jeanne d’Arc (R97) đến biển Đông tham gia huấn luyện quân sự với Anh-Mỹ-Nhật vào tháng này và trong những tháng tới. Tổng thống Pháp nhấn mạnh, Nhật-Pháp sẽ tăng cường triển khai hợp tác, giúp việc triển khai chung của lực lượng hai nước trở nên dễ dàng hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên hải quân Pháp tham gia diễn tập quân sự với quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tổng thống Trump quyết định chi tiền khủng để xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương


Theo thông tin từ Tòa Bạch Ốc hôm nay 8/5, Mỹ sẽ đầu tư khoảng 8 tỷ USD để xoay trục châu Á - Thái Bình Dương trong vòng 5 năm tới. Ngũ Giác Đài cũng ủng hộ kế hoạch này và cho rằng là việc làm cần thiết để tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đó, Mỹ có thể tăng sự hiện diện của mình trong khu vực thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự, các cuộc tập trận bổ sung và triển khai lực lượng quân và tàu bổ sung.

Tạp chí Mỹ cũng lưu ý rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang phát triển chính sách của mình đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kế hoạch ban đầu dưới dạng đề xuất mang tên "Sáng kiến ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương" do Thượng nghị sĩ John McCain đưa ra đã được sự ủng hộ của các nhà lập pháp khác của Mỹ, cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đứng đầu huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Đô đốc Harry Harris.

"Sáng kiến này có thể làm tăng sức mạnh quân sự Mỹ thông qua tài trợ nhằm mục tiêu cần thiết điều chỉnh vị thế của chúng ta trong khu vực và cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như kinh phí cho các cuộc tập trận bổ sung…" Thượng nghị sĩ McCain cho biết.

Những người ủng hộ đề xuất này đã không nói về việc họ có kế hoạch như thế nào để có được ngân sách thực hiện kế hoạch. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đòi hỏi thêm kinh phí cho ngân sách quân sự trong năm tài chính hiện tại (kết thúc vào ngày 30/9) và muốn tăng lên 54 tỷ USD vào năm 2018, tờ báo cho biết.

Trên thực tế, việc Mỹ nhấn mạnh sự trở lại châu Á-Thái Bình Dương mang ý đồ sâu xa là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung cộng, hạ thấp ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh tại khu vực.

Việc ông Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), không đồng nghĩa với việc Mỹ đã chính thức “xóa sổ” chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương do người tiền nhiệm Barack Obama khởi xướng.

Kiềm chế vai trò ảnh hưởng của Trung cộng, tăng cường hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương và duy trì địa vị số một thế giới là mục tiêu không thay đổi của Mỹ.

Như lời quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton trong cuộc họp báo bàn về chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung cộng: chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ có kế hoạch của riêng mình cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tin RFA, RFI, VietBF, VOA