„Người Việt ở hải ngoại là những người mau quên…
đến nỗi trong tay có vũ khí mà chưa hề động thủ, thường than vãn mà
không biết hành động,…“
Tẩy chay, vũ khí của chúng ta
Huy
Phương
Ở Hoa Kỳ, chúng ta chỉ có một cộng đồng tị nạn người
Việt ở hải ngoại, không có quân đội, không có chính phủ, không có ngân khoản khổng
lồ trong ngân hàng, nhưng thật sự là chúng ta có vũ
khí trong tay. Đó là quyền sử dụng đồng đô la và quyền tẩy chay!
Dư luận tố cáo một tiệm bún bò Huế ở Bolsa còn lưu
luyến chơi nhạc VC “Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây” trong quán ăn này, chúng ta
có quyền tẩy chay không đến quán này nữa. Mở quán ăn, chủ nhân cần có khách,
nhưng khách có thể chọn quán bún bò khác hay nghỉ ăn bún bò vì không muốn chịu
nhục.
Chúng ta có quyền tẩy chay các ca sĩ, các
đoàn văn công, các cuộc trao đổi văn hóa từ trong nước gửi ra với
mục đích giao lưu hay trao đổi, mà không cần phải biểu tình, treo cờ, giăng biểu
ngữ, la ó, chửi bới. Cách tốt nhất là xa lánh, không mua vé, không tham dự dù
có giấy mời, không thèm đăng quảng cáo lấy tiền, thì đương nhiên sân khấu sẽ tắt
đèn và ca sĩ, văn công sẽ cuốn gói về nước. Còn nói hô hào chống Cộng, chồng đã
bị cầm tù, con chết vượt biên, mà còn trang điểm, ra tiệm làm tóc, mua vé danh
dự để được ngồi hàng đầu, mỗi khi có gánh hát, có văn công, “soái ca” đẹp mã
sang đây trình diễn, thì nên về nhà đóng cửa, soi kính, xem lại chân dung và bản
sắc của mình.
Chúng ta có quyền tẩy chay các ca sĩ có gốc
gác tị nạn, bây giờ kêu gào danh nghĩa quê hương, đồng bào, hòa giải, về quê
hương “hát trên những xác người” vì
những thương nữ này không muốn nghe, muốn thấy, bịt tai, nhắm mắt trước những sự
thật đau lòng. Vì sao khi họ trở lại đây, chúng ta lại tiếp đón họ, chấp nhận
cho họ đứng trên sân khấu hải ngoại, miễn họ biết đổi màu da cho thích hợp với
phông cảnh sân khấu của mỗi nơi.
Chúng ta có quyền tắt TV, không đi xem ca nhạc,
không bỏ một đồng bạc để mua vé, đi xem những ca, kịch sĩ, những tên hề hai mặt,
đi đi, về về, sẵn sàng cười vào sự vô cảm, ngu ngơ của hải ngoại.
Nếu có quán ăn, dịch vụ sống nhờ trên đất tị nạn mà
có lối văn hóa “bún mắng, cháo chửi” kiểu Hà Nội thì cho chúng trở về nơi hang ổ
của chúng.
Cộng đồng tị nạn Cộng Sản ở hải ngoại khi
nghe tình cảnh của đồng bào trong nước hiện nay, mà nỗi oan khiên không kể hết,
nên tẩy chay không gửi tiền, không du lịch Việt Nam,
chứ không phải nuôi sống Cộng Sản mỗi năm lên hơn $10 tỷ, cuối năm “về quê ăn Tết,”
với câu nhật tụng: “Việt Nam bây giờ đẹp
lắm, vui lắm!”
Nói chung, chúng ta
có vũ khí trong tay mà chưa biết dùng hay không muốn dùng.
Ở Việt Nam, vụ công ty nước ngọt Tân Hiệp Phát, sau
khi tòa án tuyên phạt bảy năm tù đối với bị cáo Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền
Giang), sau khi bị gài bẫy nhận 500 triệu đồng từ đại diện của Tân Hiệp Phát tại
một quán giải khát, khi ông này tố cáo chai nước ngọt có ruồi chết. Bênh vực
người cô thế, Tân Hiệp Phát đã bị làn sóng tẩy chay của dân chúng, không mua,
không dùng sản phẩm của công ty này gồm tất cả 12 món hàng. Sơ khởi, Tân Hiệp
Phát đã chịu thiệt hại nặng nề lên tới trên $90 triệu, và nếu dân chúng muốn
chiến dịch tẩy chay này đi đến tận cùng thì Tân Hiệp Phát sẽ phải phá sản!
Tẩy chay được xem như là một thái độ bất hợp tác,
không liên quan, không giao dịch nhằm đưa đối phương đến những khó khăn, gây
thiệt hại cho bên bị tẩy chay. Phải nói là tẩy chay là một sức mạnh có thể làm
kiệt quệ đối phương, gây ảnh hưởng không nhỏ, một cuộc chiến tranh không cần
dùng đến vũ khí. Đối tượng của việc tẩy chay không chỉ là công ty kinh doanh tư
nhân mà còn có thể một chính quyền thành phố hay tiểu bang.
Ở tầm mức lớn giữa một quốc gia với một quốc gia, đó
là cấm vận.
Cấm vận là sự ngăn cấm quan hệ ngoại giao, viện trợ,
buôn bán, đi lại, vận chuyển hàng hóa, trao đổi khoa học kỹ thuật… với một nước
nào đó, được sử dụng như một sự trừng phạt chính trị do sự bất đồng về chính
sách và hành động của quốc gia ấy.
Chúng ta thường nghĩ việc tẩy chay công ty kinh
doanh tư nhân có ảnh hưởng đến số lượng hàng hóa bán ra, hay dịch vụ trực tiếp
cho người tiêu dùng bị sút giảm, nhưng thực tế gây thiệt hại rất nhiều, vì ảnh
hưởng gián tiếp từ việc giảm giá cổ phần của công ty. Chúng ta chưa quên Target
đã mất $10 tỷ cổ phần trong năm vừa qua vì bị thành phần bảo thủ tẩy chay chính
sách cho người đổi giới (transgender) tự chọn nhà vệ sinh trong các cửa tiệm của
họ, và mới đây, chỉ vì vụ kéo lê một khách hành, ông David Đào vừa qua trên sàn
máy bay của United Airline, hãng máy bay này đã mất $1 tỷ chứng khoán. Việc mất
giá cổ phiếu là do ảnh hưởng hình ảnh công cộng (public image) của công ty này
trước công chúng.
Người Mỹ gốc Phi Châu đã tẩy chay việc đi xe buýt tại
Montgomery, Alabama, để khởi động một cuộc đấu tranh trên phạm vi toàn quốc nhằm
xóa bỏ nạn kỳ thị chủng tộc; người Ấn Độ tẩy chay hàng hóa của Anh do Thánh
Gandhi khởi xướng; người Do Thái thành công khi tổ chức tẩy chay Henry Ford ở Mỹ,
vào những năm 1920; người Trung cộng tẩy chay các sản phẩm của Nhật sau phong
trào Ngũ Tứ; người Do Thái tẩy chay hàng hóa của Đức Quốc Xã ở Lithuania, Mỹ,
Anh và Ba Lan trong năm 1933; Mỹ dẫn đầu cuộc tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Hè 1980
tại Liên Xô, và cuộc tẩy chay chống lại chính quyền phân biệt chủng tộc
apartheid tại Nam Phi…
Ngay tại Mỹ, trong năm qua, “đạo luật phòng vệ
sinh,” HB 2 của North Carolina, chỉ cho học sinh sử dụng theo giới tính lúc mới
sinh ra, chứ không theo giới tính sau khi đã thay đổi, đã bị “tẩy chay” làm cho
tài chánh tiểu bang bị thiệt hại lớn, từ việc công ty tài chính PayPal ngưng đặt
một cơ sở khiến tiểu bang mất $2.66 tỷ cho ngân sách, đến việc ca sĩ người Anh
Ringo Starr hủy bỏ cuộc trình diễn, làm cho nhà hát của một thành phố bị thất
thu $33,000 và tiểu bang này có thể mất thêm hàng trăm triệu đô la vì Hiệp Hội
Thể Thao Đại Học (NCAA) không tổ chức các cuộc thi đấu tại đây, nơi thường đứng
ra đăng cai các sự kiện này. NCAA dự trù tẩy chay dài lâu khi loan báo địa điểm
các trận thi đấu các giải vô địch từ nay cho đến năm 2022, sẽ không dành cho
North Carolina. Thiệt hại vụ này lên đến $87.7 triệu.
Ngày nay Trung cộng đầu độc cả thế giới với
thực phẩm bẩn, hàng hóa thô sơ cẩu thả, cứ kiểm soát ngay các
vật dụng trong gia đình mình, những gì đã phát xuất từ Trung cộng, đều có thể
đưa đến chuyện giết người. Từ cái xe nôi kẹp cổ trẻ em, đến món đồ chơi nhiễm nặng
chất chì, sữa và sữa bột trẻ em đã bị lẫn hóa chất melamine, và chúng ta phải
biết rằng tất cả thứ hàng hóa sản xuất từ quốc gia này đều dính máu của các
công nhân nô lệ vị thành niên, mọi tù nhân khổ sai, gái mãi dâm, dân nghiền ma
túy và học viên Pháp Luân Công trong cái nhà tù đau đớn, mạt hạng vĩ đại này.
Chỉ riêng năm 2013, Walmart đã nhập cảng hàng hóa Trung
cộng lên đến $49,1 tỷ, điều này cũng có nghĩa là Walmart đã làm mất 400,000 việc
làm của dân Mỹ trong thời gian đó.
Ngay việc Trung cộng hiện nay đang trở
thành một loại thực dân mới, gieo hiểm họa cho cả thế giới, lấy đi hàng triệu
việc làm, vơ vét tài nguyên, bắt đi các dân tộc này, giết họ, triệt sản họ hay
pha giống với người Hán, cũng đủ cho cả thế giới tẩy chay hàng hóa Trung cộng,
du lịch Trung cộng.
Những con buôn trong các siêu thị Á
Châu tại Hoa kỷ sẵn sàng vì lợi nhuận với những món hàng rẻ, độc hại nhưng
chúng ta quyết không đầu độc gia đình, con cháu chúng ta bằng thực phẩm Trung cộng.
Việc làm đó là tẩy chay!
Người Việt ở hải ngoại là những người mau quên. Sau Tháng Tư, 1975, không có gia đình nào không có
người đi tù, không có người vượt biển, không có người khốn đốn vì chuyện đánh
tư sản, đổi tiền, đuổi người đi vùng kinh tế mới, dãi dầu chốn chợ trời. Thế
gian kêu gọi mọi người sẵn lòng tha thứ nhưng đừng quên, vậy mà người ta lại
hay quên, đến nỗi trong tay có vũ khí mà chưa hề động
thủ, thường than vãn mà không biết hành động, cuối cùng vì cái lợi của
riêng mình, cái vui của gia đình mình mà quên hết cái đau của cộng đồng, cái khốn
khổ của cả một dân tộc!
Nói như nhà thơ Nguyễn Chí Thiện: “Vì ấu trĩ, thờ ơ, u tối!” và: “Lỗi lầm tại ai? Xét ra tất cả. Mấy ai người
đem hết tâm can?”
Tạp ghi Huy Phương