29.07.2017

Ba Đình đầu hàng, Tư Chính thất thủ, Hoa Kỳ nhảy vào, nên... hoà hay chiến?

„Có bám hay không, có thực sự tăng cường hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ như đã cam kết với nhau trong buổi gặp tại trụ sở Bộ Quốc Phòng tùy thuộc vào các chóp bu đang nắm đầu quân đội: tiếp tục bám bờ, làm kinh tế, thần phục thiên triều Bắc Kinh; hay cầm súng đứng lên bảo vệ tổ quốc.“

Ba Đình đầu hàng, Tư Chính thất thủ, Hoa Kỳ nhảy vào, nên... hoà hay chiến?

Vũ Đông Hà

Hai ngày sau khi Hà Nội buộc phải ra lệnh công ty Repsol phải ngừng hoạt động khai thác dầu-khí tại Bãi Tư Chính vì áp lực quân sự của Bắc Kinh, chiều 26/07/2017 Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã đến gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Khó có thể khẳng định buổi họp này được chủ động từ phía Hoa Kỳ hay từ lời cầu cứu của Ba Đình với Washington, nhưng chúng ta có thể đoan chắc rằng Hoa Kỳ muốn nhảy vào "vòng chiến" và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để ngăn chận những gia tăng áp lực quân sự của Bắc Kinh để thao túng biển Đông.


Bộ Quốc phòng CSVN cho biết đây là một buổi gặp "xã giao" hoặc để tránh gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh hoặc vì "hội chứng hèn với giặc", nhưng rõ ràng mục tiêu của cuộc gặp gỡ giữa đại diện Hoa Kỳ và người đứng đầu quân đội là 1- mang tính hợp tác chiến lược Việt-Mỹ để phòng thủ Biển Đông; hay 2- những yêu cầu từ phía Việt Nam đối với Hoa Kỳ, 3- hoặc những cảnh báo của Washington gửi đến Hà Nội về thái độ sắp tới của Hoa Kỳ tại Biển Đông.

Theo báo chí lề đảng thì buổi gặp này là để "trao đổi về những kết quả mà hai nước đã đạt được trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng thời gian qua, cũng như những biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ theo tinh thần Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015." (1)

Thông điệp mà Hà Nội - Washington muốn gửi đến Bắc Kinh là Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ hợp tác quốc phòng để đối phó với những áp lực quân sự và bành trướng của Trung cộng.

Trên FB cá nhân, Ted Osius đã viết ông đã gặp Ngô Xuân Lịch "để trao đổi về cách thức chúng ta có thể tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam và mở rộng hợp tác về cứu trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa, di sản chiến tranh, an ninh hàng hải, và các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc(2)

Hợp tác quốc phòng và mở rộng hợp tác về an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc - tất cả đều là phản ứng để đối đầu với những hoạt động của Trung cộng tại Bãi Tư Chính.

Tất cả đều xuất phát từ hành vi gia tăng áp lực quân sự của Bắc Kinh tại bãi Tư Chính nói riêng và biển Đông nói chung.

*

Hiện nay đảng và nhà cầm quyền CSVN vào thế khó xử. Hệ thống cai trị đã tìm mọi cách để tránh né, không đề cập đến hành động đầu hàng Bắc Kinh và phải ngưng hoạt động khai thác dầu khí tại Bãi Tư Chính.

Về mặt truyền thông, toàn bộ báo chí lề đảng im lặng vì Ban Tuyên giáo không biết phải "trình bày" với người dân như thế nào để che giấu được thái độ đầu hàng Bắc Kinh một cách rất hèn nhát của chế độ.

Về phía ngoại giao, lúng túng đến 4 ngày sau thì người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng buộc phải ló mặt với những phát biểu chung chung: "Khẳng định hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam diễn ra tại khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).  "Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam và cùng nỗ lực đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và hợp tác ở Biển Đông". (3)

Không một lời nào đá động đến Bãi Tư Chính và thay vào đó là "khu vực biển". Không một tuyên bố nào về việc rút giàn khoan Repsol mà chỉ "khẳng định hoạt động dầu khí" rất chung chung và mơ hồ.

Rõ ràng là Hà Nội đang chết chìm và Ted Osius là cái phao mà Washington đã quăng cho Ngô Xuân Lịch để bám lấy.

Có bám hay không, có thực sự tăng cường hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ như đã cam kết với nhau trong buổi gặp tại trụ sở Bộ Quốc Phòng tùy thuộc vào các chóp bu đang nắm đầu quân đội: tiếp tục bám bờ, làm kinh tế, thần phục thiên triều Bắc Kinh; hay cầm súng đứng lên bảo vệ tổ quốc.

Nhìn chung, tư duy và hành động thần phục thiên triều đã và đang thống trị Ba Đình mà đứng đầu danh sách các thái thú Việt gian là Tổng bí thư kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, liệu trong hàng ngũ quân đội, trong guồng máy của chế độ, còn có những thành phần quan tâm đến chủ quyền và vận mạng của đất nước để đứng lên chống lại tập đoàn xâm lược Bắc Kinh?

Thông báo của Ban Chỉ huy Quân sự Quận Bình Thạnh về việc trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đơn vị theo lệnh của Ban CHQS, tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu, phòng chống biểu tình bạo loạn xảy ra trên địa bàn... (4) (và đương nhiên mỗi địa bàn trên cả nước đều có thông báo tương tự) cho thấy những tên đang nắm quyền lãnh đạo quân đội đã thần phục Bắc Kinh và sẵn sàng nổ súng vào những người Việt chống Tàu cộng xâm lược. 

Nhưng thông báo này cũng gián tiếp xác nhận là có những thành phần có chủ trương và khả năng huy động những cuộc biểu tình bạo loạn nhắm vào các công ty, dự án, cơ sở làm ăn của Tàu trên đất nước Việt Nam. Sự việc tương tự đã xảy ra vào tháng 5, 2014 vào thời điểm Bắc Kinh đem giàn khoan HD-981 vào Hoàng Sa, với những cuộc biểu tình chống Tàu cộng đồng loạt bùng lên tại 22 tỉnh thành, nổi bật là tại Bình Dương, Sài Gòn, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ đã góp phần làm rõ thêm và tạo thêm sự chú ý của dư luận về viễn ảnh trên bằng cách ra đăng tải thông báo báo động đến các công dân Hoa Kỳ về "tình trạng biểu tình đang nhắm vào các công ty và nhà máy liên kết của Trung cộng..." (4). 

Mặc dù thông báo này chỉ tồn tại trên trang nhà của Tòa Lãnh Sự trong vòng một ngày nhưng nó cũng đã phục vụ được mục tiêu mà Hoa Kỳ muốn nhắm tới. Thông điệp đã gửi ra và thông tin đã được mạng lưới truyền thông lề dân tại Việt Nam tiếp tay lan truyền đến nội bộ đảng, quân đội và quần chúng.

Liệu người dân Việt Nam, những thành phần trong quân đội và những người đang phục vụ trong guồng máy độc tài nhưng còn một chút lòng ái quốc có đồng lòng đứng lên tấn công và chiếm giữ những cơ sở, công ty, nhà máy của quân xâm lược đang vừa nghênh ngang hoạt động trong nội địa Việt Nam, vừa hung hăng xâm lược chủ quyền Việt Nam ngoài biển đảo?

Câu trả lời cũng là kết luận cho số phận của Tổ quốc trước đại họa thù trong giặc ngoài đang đè nặng lên đất nước Việt Nam.

29.07.2017
Vũ Đông Hà


_______________________________

Chú thích: